TCCSĐT - Trong hai ngày 8 và 9-4, tại Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Tổng cục Dạy nghề tổ chức Hội thảo “Báo chí với công tác truyền thông về đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2020” theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009, của Thủ tướng Chính phủ.

Dự Hội thảo có lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề, đại diện lãnh đạo của một số ban, ngành hữu quan ở trung ương và địa phương, cùng gần 100 nhà báo đại diện cho hơn 60 cơ quan báo chí ở trung ương và các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Mục đích chính của cuộc hội thảo lần này là cung cấp những thông tin, kiến thức cơ bản, các phương pháp truyền thông hiệu quả về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên báo chí; chia sẻ và cung cấp thông tin hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước và các nhà báo về công tác này.

Tại Hội thảo, lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề cho biết, từ khi có Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn, coi đây là hoạt động phải được triển khai kịp thời, đầy đủ, thường xuyên, liên tục trên phạm vi cả nước, có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện.

Đề cập đến một số kết quả bước đầu trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm nhận định: Ngay sau khi có Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan thông tin, báo chí trung ương triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn; chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề tổ chức thiết kế các tờ rơi, tranh cổ động, sổ tay hỏi đáp về Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg để phát cho bà con nông dân, biên soạn sổ tay tuyên truyền để tập huấn đội ngũ tuyên truyền viên... Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Tổng cục Dạy nghề, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan xây dựng các chương trình, chuyên mục, bản tin chuyên đề về đào tạo nghề, tư vấn nghề nghiệp, việc làm và dành thời lượng đáng kể hằng ngày để đưa tin về triển khai thực hiện Đề án. Nhiều báo, tạp chí ở trung ương đã thường xuyên có tin, bài giới thiệu về các chính sách và công tác triển khai Đề án; có ấn phẩm chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục về triển khai các hoạt động của Đề án.

Ở các địa phương, khoảng 70% số tỉnh đã chỉ đạo xây dựng chuyên mục tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm trên các phương tiện truyền thông của xã, thôn để thông tin trực tiếp đến người nông dân, qua đó từng bước tác động đến nhận thức của người dân về chủ trương, chính sách của Đề án. Trong các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy về triển khai thực hiện Đề án, đều có chú trọng tới công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn. Đa số các địa phương đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền về dạy nghề cho lao động nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng tài liệu và tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ tuyên truyền viên là cán bộ hội nông dân. Nhiều địa phương đã phát huy tối đa hiệu quả hệ thống phát thanh của xã, thường xuyên đưa tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tuyên truyền về nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, làm cơ sở cho việc khảo sát nhu cầu học nghề thực tế tại địa phương mình.

Tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn trong thời gian qua vẫn còn có những hạn chế nhất định, như: tần suất chưa cao, nội dung chưa sinh động, hình thức chưa phong phú; chưa chú trọng phân nhỏ nhóm đối tượng tuyên truyền, tư vấn; thiếu các sản phẩm tuyên truyền, tư vấn cho từng đối tượng, vùng, miền; đội ngũ làm công tác tuyên truyền, tư vấn, nhất là ở cơ sở, chưa được đào tạo cơ bản, thiếu kỹ năng lập kế hoạch thực hiện và đánh giá chiến lược.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, đại diện lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan có liên quan, các cơ quan thông tấn, báo chí, các địa phương cần giữ vững mục tiêu, bám sát yêu cầu, cụ thể hóa sâu sắc hơn về nội dung, hình thức tuyên truyền, tư vấn. Muốn vậy, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản như: tổ chức chiến dịch truyền thông học nghề, việc làm, lập nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với truyền hình trung ương và địa phương xây dựng chuyên mục, chương trình “Thế giới nghề nghiệp”, “Khám phá học nghề, lập nghiệp”; tăng cường tư vấn học nghề, việc làm, nâng cao hiệu quả tư vấn trực tiếp tại xã, phường, cơ sở sản xuất, cơ sở dạy nghề; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ lao động nông thôn học nghề, việc làm, lập nghiệp cho đội ngũ hoạt động tuyên truyền, tư vấn; tích cực hợp tác với các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp nhằm tạo ra sự hỗ trợ về nguồn lực, kỹ thuật, công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền, tư vấn...

Trao đổi, thảo luận về các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn trong thời gian tới, một số đại biểu nhấn mạnh: Các cơ quan báo chí cần có kế hoạch chỉ đạo,cử phóng viên, biên tập viên chuyên theo dõi về lĩnh vực này; việc tuyên truyền cần có trọng tâm, trọng điểm, được lập kế hoạch và tổ chức chiến dịch cụ thể, tập trung vào tuyên truyền, tư vấn học nghề, tìm việc làm cho người lao động, nêu bật các gương làm giàu từ học nghề nông để người lao động học tập, noi theo; mở rộng đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên từ cơ sở để có những bài viết, cách nhìn nhận, đánh giá chân thật và sát thực tế hơn. Các cơ quan quản lý báo chí và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị cho phóng viên, biên tập viên có thêm kiến thức, sự hiểu biết về lĩnh vực này. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền về các hoạt động của Đề án; có kế hoạch, chương trình tuyên truyền cụ thể với nhiều hình thức khác nhau, đồng thời chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và xây dựng, tổ chức các chương trình tuyên truyền có tính định hướng cao; thường xuyên, chủ động mời phóng viên, biên tập viên tới tham dự các cuộc hội thảo, tập huấn, họp báo về lĩnh vực này.

Cũng tại Hội thảo, một số mô hình hay, có hiệu quả về tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn trên báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình đã được các đại biểu đưa ra trao đổi, thảo luận. Trong đó, tiêu biểu nhất là mô hình tuyên truyền về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn của Đài Truyền thanh xã Giao Tiến (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Dù chỉ là đài truyền thanh cấp xã, nhưng tại đây đã lập ra một chương trình tuyên truyền rất cụ thể, bài bản. Chương trình này được phát liên tục trong 3 ngày trước khi người dân trong xã tự nguyện đi đăng ký học nghề. Nhờ đó, trong đợt tổ chức lớp dạy nghề tại xã gần đây, có 1.600 người đi đăng ký học nghề.

Trong quá trình diễn ra Hội thảo, các nhà báo được dành nửa ngày đi thăm quan, phỏng vấn tại một số mô hình dạy nghề tiêu biểu, hiệu quả ở hai huyện An Dương và Vĩnh Bảo (thành phố Hải Phòng)./.

Dung Hạnh