Ngày 31-3, tại Hà Nội, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế đã tổ chức giới thiệu cuốn sách “Chỉ số hợp tác Việt Nam 1995-2009”. Đây là kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ dự án nâng cao năng lực quản lý và điều phối hội nhập kinh tế quốc tế thuộc Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO do cơ quan Phát triển quốc tế Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam và Bộ Phát triển vuơng quốc Anh tài trợ.
Ngày 31-3, tại Hà Nội, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế đã tổ chức giới thiệu cuốn sách “Chỉ số hợp tác Việt Nam 1995-2009”. Đây là kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ dự án nâng cao năng lực quản lý và điều phối hội nhập kinh tế quốc tế thuộc Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO do cơ quan Phát triển quốc tế Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam và Bộ Phát triển vuơng quốc Anh tài trợ. Nhóm tác giả đã dựa trên các số liệu trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch và viện trợ phát triển để xây dựng các chỉ số đánh giá xu hướng và mức độ hợp tác giữa Việt Nam với chín đối tác gồm Asean, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu-Di-lân, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Ca-na-đa. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với chín đối tác trên có tốc độ phát triển nhanh hơn so với tốc độ hợp tác phần còn lại của thế giới; trong đó, kim ngạch thương mại hai chiều với chín đối tác chiếm 80% tổng thương mại của Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, hợp tác về đầu tư chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của các bên. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, mặc dù đối tượng nghiên cứu của cuốn sách là con số và là nhiệm vụ tương đối nặng nề trong việc đánh giá xu hướng và mức độ gắn kết giữa các nền kinh tế, nhưng báo cáo này là tài liệu nghiên cứu cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, sinh viên và người nghiên cứu. Chỉ số không phải là vấn đề mới mà là vấn đề được quan tâm thường xuyên trong đời sống kinh tế xã hội hàng ngày. Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam Allaster Cox đã nêu bật những mức độ thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đồng thời cho rằng, đây có thể là sự công nhận trên những tiến trình công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Việt Nam đang đứng trước thách thức mới để đưa đất nước trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, tạo bước đột phá mới để giúp Việt Nam từ nước có thu nhập trung bình thấp sang mức thu nhập cao. Chính phủ Ô-xtrây-li-a sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong hậu WTO giai đoạn 2. Với bộ chỉ số này có thể giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tiếp cận thông tin về những cấp độ hội nhập của Việt Nam trong khu vực cũng như toàn cầu./.