TCCSĐT - Nằm ở khu vực trung tâm Biển Đông, với diện tích biển khoảng 1.000.000 km2 , Việt Nam có vị trí địa chiến lược thuận lợi về biển. Lãnh thổ đất liền được bao bọc bởi 3.260 km bờ biển trên 3 hướng: Đông, Nam và Tây Nam. Trung bình, 100 km2 đất liền của Việt Nam có 1 km bờ biển.

Trong vùng biển Việt Nam có khoảng trên 1000 đảo có thường dân sinh sống. Phân bố hệ thống đảo của nước ta có tính liên hoàn theo ba tuyến kế tiếp nhau: tuyến gần bờ, tuyến trung gian và tuyến đảo xa đóng vai trò tiền tiêu, tạo nên thế phòng thủ đa dạng khá vững chắc. Cả nước hiện nay có 12 huyện đảo, trong đó một huyện đảo còn đang do nước ngoài chiếm giữ. Dân số của các tỉnh, thành ven biển chiếm xấp xỉ 50 % dân số cả nước. Lực lượng lao động của tất cả các ngành kinh tế biển hiện có khoảng 6 triệu người. Việc chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này và cư dân ven biển đang đăt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết tích cực.

1. Thực trạng của hệ thống y tế biển, đảo nước ta hiện nay.

Do đặc điểm về cấu trúc địa lý nên các đảo thường đứng độc lập và cách xa nhau, giao thông liên lạc giữa các đảo và với đất liền rất khó khăn, nhất là khi biển động. Phân bố dân cư trên đảo không tập trung, rất thưa thớt. Do vậy, việc bố trí hệ thống tổ chức y tế như mô hình y tế trên đất liền là không phù hợp và đôi khi rất lãng phí trong khi chất lượng phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và các lao động trên biển còn rất nhiều bất cập và hiệu quả không cao.

Do sự chuyển đổi nền kinh tế đất nước từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, tạo ra sự biến động khá lớn đối với các ngành kinh tế biển và mạng lưới y tế cơ sở cũng biến động theo. Các cơ sở y tế của các ngành kinh tế biển về cơ bản đã bị phá vỡ. Hầu hết tổ chức y tế cơ sở của các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế biển đều giải thể. Do vậy, việc chăm sóc sức khỏe cho lao động các ngành kinh tế biển trở nên rất khó khăn. Chẳng hạn, ngành Hàng hải cũng bãi bỏ chức danh sĩ quan y tế (bác sĩ) trên tàu biển, việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ được giao cho đoàn thuyền viên tự đảm nhiệm. Hàng vạn tàu thuyền đánh cá ngoài khơi dường như không có mạng lưới chăm sóc y tế, việc trang bị phương tiện y tế, thuốc men chưa được các chủ tàu quan tâm...

Cơ sở vật chất của ngành y tế, nói chung và quân y, nói riêng trên các tuyến đảo còn nhiều thiếu thốn và bất cập, chưa có tiêu chuẩn riêng về trang thiết bị, thuốc thiết yếu, cơ cấu nhân lực y tế hệ thống y tế biển đảo. Phương tiện vận chuyển, cấp cứu, nhất là phương tiện chuyên dụng không có hoặc rất sơ sài, chưa có tàu bệnh viện. Lực lượng cán bộ, nhân viên ngành y hoạt động trên các đảo còn mỏng, trình độ chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế... Chính nhu cầu bức xúc về chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng sinh sống trên đảo, người lao động trên biển nên việc hình thành chuyên ngành y học và mạng lưới y tế biển - đảo đang là nhu cầu cấp bách.

Hàng hải là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên, tại các cảng, các cơ sở đóng tàu thuyền chỉ còn y tế cơ quan mà không có các bệnh xá. Trước kia, các tàu đi biển đều có bác sĩ, nay không còn. Công ước quốc tế quy định các tàu đi biển nếu không có bác sỹ thì phải đào tạo y học biển cho sĩ quan boong thay thế, song, hiện chỉ có Công ty VOSCO đào tạo, còn lại đều không có sĩ quan đạt chuẩn để phụ trách công tác y tế trên tàu. Trang thiết bị, thuốc men của tàu Việt Nam theo định ước quốc tế không được thực hiện nghiêm nên không đủ chuẩn an toàn đi biển, dẫn đến hệ lụy Việt Nam là nước có số lượng tàu bị bắt giữ và phải chịu phạt nặng tại cảng nước ngoài cao nhất thế giới (theo thông báo của Tổ chức hàng hải quốc tế IMO).

Cũng do vậy, nhiều trường hợp tai nạn, ốm đau của thuyền viên trên biển không được cứu chữa kịp thời đã bị tử vong hoặc di hại lâu dài cho sức khỏe. Ngành đóng tàu biển của nước ta đang trên đà phát triển, song, việc thiết kế, trang bị cho các phòng y tế trên tàu vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

- Y tế ngành Thủy sản. Ngành Thủy sản thường xuyên có khoảng 5 triệu lao động trên 100 000 tàu thuyền đánh bắt cá trên biển, nhưng mạng lưới y tế ngành hoàn toàn không có. Ngư dân đi biển phần lớn là nghèo khổ, phải phó thác số mệnh cho sự may rủi. Chẳng hạn, Tập đoàn đánh cá xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng từ năm 2002 - 2007 có 25 trường hợp tử vong trên biển do mắc bệnh cấp trên tàu không có thuốc cấp cứu. Nguy hiểm nhất là những tàu thuyền đánh bắt cá xa bờ, thời gian làm việc trên biển kéo dài, khoảng cách giữa họ với đất liền quá xa, nếu rời ngư trường đi cấp cứu bệnh nhân thì khi vào đến bờ cũng thường không kịp.

Thêm nữa, dọc bờ biển đang có khá nhiều ngư dân chuyên nghề lặn biển đánh bắt hải sản. Họ không được đào tạo nghề. Hằng năm có hàng ngàn thợ lặn bị tai nạn do thay đổi áp suất nước, không ít người đã bị tử vong nhưng vì mưu sinh, họ vẫn phải đánh đổi “nước mắt” để kiếm sống. Ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, có xã hầu hết nam giới đi lặn thuê và đã có hơn 100 người bị tử vong hoặc tàn phế. Quanh ngư trường Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cũng thường xảy ra các tai biến lặn biển nhưng lại có rất ít người được điều trị kịp thời do thiếu thiết bị chuyên dùng sơ cứu và phương tiện chuyên chở. Loại tai nạn và bệnh lý này đòi hỏi phải có thiết bị đặc chủng như buồng cao áp và do bác sỹ chuyên khoa Y học dưới nước và cao áp điều trị. Hiện nay, Viện Y học biển Việt Nam là cơ sở có nguồn nhân lực và thiết bị để cấp cứu và điều trị triệt để các tai biến và bệnh lý do lặn biển nhưng không thể rải suốt chiều dài tuyến biển. Ở một số địa phương và ngành được trang cấp thiết bị nhưng chỉ có thể sử dụng cho trị liệu cao áp lâm sàng là chính, chưa đủ điều kiện để điều trị dứt điểm các tai biến lặn biển. Để giải quyết vấn nạn trên, cần phải thiết lập mạng lưới Y học biển dọc bờ biển của cả nước.

- Y tế ngành Du lịch biển. Du lịch biển chiếm khoảng 70 % giá trị hoạt động du lịch với nhiều loại hình: tắm biển, lướt ván, lướt dù, thuyền buồm và đặc biệt là du lịch lặn biển. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, việc bảo đảm an toàn sức khỏe và sinh mạng cho du khách chưa được quan tâm thực sự nên đây cũng là một nguyên nhân giảm sức thu hút du khách. Ở Khánh Hòa đang phát triển rất mạnh du lịch lặn biển, nhưng cơ sở y tế biển chưa có. Trước đây khách bị tai biến lặn biển phải gửi đi điều trị chuyên khoa y học dưới nước tại Thái Lan, gần đây, bệnh nhân chuyển về Viện Y học biển tại Hải phòng nhưng việc di chuyển cũng không mấy dễ dàng.

- Ngành Dầu khí là các đơn vị liên doanh, nên công tác y tế được đối tác chú trọng hơn. Trung tâm y tế của Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) là cơ sở được trang bị khá tốt nhưng bất cập ở đây là hầu hết cán bộ của Trung tâm chưa được đào tạo về chuyên khoa Y học dầu khí, nói riêng và Y học biển, nói chung nên hoạt động chuyên ngành còn nhiều hạn chế.

- Y tế của lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên biển từ bình diện quốc gia, đến ngành và địa phương chưa được huấn luyện về các kỹ năng cấp cứu trên biển và những vấn đề y tế biển liên quan. Lực lương thường trực trên các tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng (SAR) của ngành hàng hải tại các khu vực hầu hết chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ chuyên môn cấp cứu và phòng chống thảm họa biển, dẫn đến khả năng phục vụ của họ chua đạt được yêu cầu đặt ra.

- Hệ thống y tế của các tỉnh, thành phố ven biển hiện nay mới chỉ đáp ứng cơ bản công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên đất liền, còn việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các lao động biển còn rất nhiều bất cập.

Trên các đảo, hệ thống y tế được tổ chức tương tự trên đất liền. Lực lượng cán bộ y tế đang trong tình trạng rất mỏng và thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ yếu, chưa đủ khả năng giải quyết các vấn đề cấp cứu các tai nạn và bệnh lý nội, ngoại khoa nghề biển. Việc chẩn đoán và điều trị các loại tai biến và bệnh lý đặc thù của lao động trên biển và dưới nước càng khó khăn hơn khi các cán bộ y tế chưa được đào tạo về chuyên khoa Y học biển.

Vấn đề trang thiết bị, nhiều đảo được trang bị máy móc khá hiện đại nhưng chúng rất ít được sử dụng hoặc sử dụng với hiệu quả rất hạn chế vì thiếu điện và đặc biệt là thiếu cán bộ chuyên khoa. Ở một số bệnh viện và trung tâm y tế đảo chỉ có hai ba bác sĩ, đại bộ phận trong số họ được đào tạo đa khoa, nên khi phải điều trị các bệnh lý khó hoặc bệnh chuyên khoa thì không thực hiện được. Trên các đảo không có phương tiện vận chuyển bệnh nhân cấp cứu. Khi mắc bệnh, người nhà bệnh nhân phải tự thuê tàu cá để vào bờ rất đắt tiền mà đường di chuyển từ đảo vào bờ lại quá xa nên nhiều trường hợp khi vào đến bờ không còn kịp cứu nữa. Đây là những nguyên cớ làm cho người dân không yên tâm định cư trên các đảo.

Do vậy, một mô hình y tế biển đảo đặc thù với trang thiết bị và cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành là rất cần thiết để ngành y tế đảm bảo việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe các lao động và nhân dân trên biển - đảo.”

- Hệ thống y tế biển tuyến Trung ương

Đến nay, cả ngành Y tế mới có một viện chuyên ngành về Y học biển được thành lập từ năm 2001. Tuy còn rất non tre nhưng Viện đã có nhiều hoạt động nghiên cứu các giải pháp góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các lao động, cho người dân trên biển đảo và phát triển chuyên ngành Y học biển qua công tác đào tạo, bồi dưỡng các cấp độ khác nhau cho các tỉnh thành ven biển và ngành kinh tế biển.

2. Một số nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển chuyên ngành Y tế biển

Khu vực biển đảo là khu vực đặc biệt khó khăn, biệt lập so với đất liền, mật độ dân cư thấp. Điều kiện sống của họ có nhiều rủi ro nhất, nhưng sự có mặt của thường dân Việt Nam trên mọi vùng biển đảo là sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia vững chắc nhất. Vì vậy, việc phát triển chuyên ngành Y học biển và xây dựng mạng lưới y tế biển đảo để mang đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho nhân dân có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển nền kinh tế và bảo đảm an ninh biên giới trên biển của Tổ quốc.

Tổ chức các hoạt động y tế trên biển đảo khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều các khu vực khác bởi tính đặc thù của điều kiện tự nhiên, xã hội nên cần phải có cơ chế, chính sách riêng cho việc phát triển y tế ở khu vực này. Đây phải được coi là “một sự nghiệp” đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ riêng của ngành Y tế mà là sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng tại Thông báo 518-TB/VPTW ngày 26 tháng 4 năm 2010 về phát triển mạng lưới y tế biển đảo Quốc gia. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến 2020”, lĩnh vực y học biển và y tế biển cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

- Trước mắt, triển khai việc xây dựng và phát triển mạng lưới Y tế biển - đảo (bao gồm cả mạng lưới cấp cứu biển), phát triển chuyên ngành Y học biển trên phạm vi cả nước phù hợp với nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển, bao gồm các tuyến từ biển - đảo đến tuyến ven bờ, tuyến khu vực và tuyến Trung ương.

- Thứ hai, hoàn thiện và ban hành một số tiêu chuẩn về y tế cho các ngành kinh tế biển như: tiêu chuẩn sức khoẻ; tiêu chuẩn tủ thuốc và trang thiết bị y tế cho các loại tàu biển Việt Nam; tiêu chuẩn đào tạo kiến thức cơ bản về y tế cho các lao động trên biển.

- Thứ ba, xây dựng một số chính sách đặc thù về Y tế biển nhằm thu hút các cán bộ y tế tham gia phục vụ sức khoẻ cho các lao động và nhân dân trên biển, đảo. Trước mắt đề nghị Bộ Y tế ban hành một văn bản pháp lý về xây dựng và phát triển Y tế biển.

Hướng tới sự phát triển toàn diện, vững chắc và lâu dài, cần phải xây dựng được một chiến lược đúng đắn, khoa học và có tính khả thi cao (Đề án tổng thể xây dựng và phát triển chuyên ngành Y học biển và mạng lưới y tế biển - đảo) đến năm 2020 và định hướng đến 2030 nhằm phát triển chuyên ngành Y học biển nói riêng và mạng lưới Y tế biển nói chung, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ cho lao động trong ngành kinh tế biển và dân cư các vùng biển - đảo, khu vực đang đóng góp tới trên 50% GDP (và hơn nữa trong tương lai) cho nền kinh tế đất nước, góp phần giữ vững, xây dựng và bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc./.