Vai trò của báo chí đa nền tảng trong truyền thông về quyền con người trong bối cảnh hiện nay
TCCS - Trong bối cảnh sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội và xã hội thông tin, các phương tiện truyền thông mới ra đời đã ảnh hưởng đến các hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ảnh hưởng báo chí nói chung, báo chí đa nền tảng nói riêng đến truyền thông về quyền con người đang ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Một số vấn đề chung về báo chí đa nền tảng trong truyền thông quyền con người trong bối cảnh hiện nay
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử phát triển của loài người, trong đó cuộc cách mạng này đã và đang tạo ra những tác động sâu sắc và to lớn trên nhiều lĩnh vực, không chỉ kinh tế, xã hội và môi trường, mà còn đến “lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp” của người dân. Các lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất của cuộc cách mạng này là những lĩnh vực ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, trong đó có công nghệ truyền thông số.
Theo thống kê của một số nghiên cứu trên thế giới, tính đến tháng 1-2024, tỷ lệ theo độ tuổi của người dân Việt Nam tham gia vào hoạt động trên môi trường số ngày càng cao. Tỷ lệ độ tuổi sử dụng internet tập trung vào khoảng độ tuổi từ 13 đến 44 tuổi. Phần lớn người sử dụng đều có khả năng tiếp cận tới mạng internet và các phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam. Trong những năm gần đây, vấn đề thực thi quyền con người trên các kênh truyền thông, đặc biệt là trên các nền tảng dựa trên không gian mạng đang trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm. Trong đó, các thách thức về quyền con người tập trung vào tính chân thực của thông tin. Quyền con người trên không gian mạng thường bị vi phạm ở những điều đơn giản như việc mua bán (hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng) hay các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội, đặc biệt là quyền riêng tư của cá nhân. Những thông tin được đưa lên mạng có thể bị kẻ xấu lợi dụng như đưa tin giật gân, câu view, câu like; đưa thông tin về đời tư của người khác lên mạng. Bên cạnh đó, việc kiểm chứng những thông tin trên mạng xã hội cũng rất khó khăn làm ảnh hưởng tới xã hội, tác động xấu tới cá nhân.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Do đó, những vi phạm đối với các quyền trên trên môi trường mạng là tiếng chuông cảnh tỉnh, đòi hỏi mỗi người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội cần nhận thức đúng đắn về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tuân thủ pháp luật. Điều này, không chỉ là trách nhiệm về chính trị, pháp lý mà còn thuộc về đạo đức, lối sống của mỗi người và cũng là quy định của nhiều quốc gia trên thế giới.
Thực trạng sử dụng báo chí đa nền tảng trong truyền thông về quyền con người trong bối cảnh hiện nay
Ở nước ta, từ trước khi giành được độc lập, quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức coi trọng. Trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền con người gắn liền với độc lập dân tộc. Các bản Hiến pháp của Việt Nam từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 đều nhất quán quy định các quyền con người và quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 dành một chương (Chương II) quy định đầy đủ về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Những quy định về quyền con người tại chương này hoàn toàn tương thích với các công ước quốc tế. Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 (Điều 25) và nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập, ký kết, Quốc hội Việt Nam sửa đổi và xây dựng nhiều đạo luật mới nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Ngày 19-11-1997, Việt Nam chính thức tham gia mạng internet toàn cầu, đánh dấu mốc quan trọng đối với việc phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là báo chí và truyền thông. Trong hơn 20 năm qua, chúng ta đã có nhiều các chính sách khuyến khích người dân tham gia và sử dụng internet, qua đó giúp đất nước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh internet, các phương tiện truyền thông xã hội phát triển như hiện nay, việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người cũng có những khác biệt nhất định so với các giai đoạn trước. Nội dung quyền con người ngày nay mở rộng hơn trước, tương ứng với nghĩa vụ cao hơn. Nếu như trước đây, quyền tự do ngôn luận, báo chí chỉ có quyền tiếp cận với báo in, báo nói, báo hình, thì ngày nay quyền này còn bao gồm cả quyền tiếp cận, sử dụng internet, các phương tiện truyền thông xã hội. Công nghệ số ra đời dẫn tới sự xuất hiện của các nền tảng số. Báo chí đa nền tảng ra đời trên cơ sở ứng dụng công nghệ số và các cơ quan báo chí tận dụng thế mạnh của công nghệ, sáng tạo các tác phẩm phục vụ hoạt động báo chí, truyền thông trên nhiều hình thức khác nhau, thông qua nhiều kênh truyền thông khác nhau để tiếp cận tới công chúng. Sáng tạo nội dung báo chí bằng đa nền tảng là sử dụng đa dạng loại hình, phương tiện: text, audio, video trực tuyến được diễn giải với sự hỗ trợ của đồ họa. Trong quá trình sáng tạo, cần tuân thủ một quy trình chung, bao gồm 6 bước: tìm hiểu và nghiên cứu thực tế; xác định chủ đề - đề tài - tư tưởng chủ đề; thu thập và khai thác thông tin; thể hiện tác phẩm về nội dung và hình thức; duyệt, đăng, xuất bản, phát hành, phát sóng và lắng nghe thông tin phản hồi.
Các đối tượng thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước cũng sử dụng các chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” để xuyên tạc, bôi nhọ và cung cấp các thông tin thất thiệt, làm sai lệch chủ trương, chính sách của ta, gây tổn hại cho an ninh quốc gia, ảnh hưởng tới quyền con người, quyền công dân của nhiều cá nhân, tổ chức. Trong đó, không gian mạng (cyberspaces) là một không gian ảo, nơi các máy tính có thể trao đổi thông tin với nhau. Một cách hiểu khác, không gian mạng là một mạng lưới toàn cầu của các hạ tầng công nghệ thông tin phụ thuộc lẫn nhau dựa trên các kỹ thuật và công nghệ kết nối, trên đó các máy tính có thể chia sẻ, trao đổi thông tin với nhau. Chủ quyền không gian mạng là các thuộc tính chính trị - pháp lý không thể tách rời của quốc gia với không gian mạng. Chủ quyền này bao gồm quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình (lãnh thổ ảo) và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Đối với bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có chủ quyền đều xác lập dựa trên các yếu tố: lãnh thổ, công dân, tài nguyên và luật pháp. Trong đó, lãnh thổ là các vấn đề liên quan đến đất đai, biên giới, biển và hải đảo (nếu có). Quyền liên quan đến lãnh thổ tập trung vào quyền toàn vẹn lãnh thổ đối với quốc gia đó. Bên cạnh đó, công dân đóng một vai trò quan trọng, công dân hoạt động trong một quốc gia hay vùng lãnh thổ đều được định danh và có các quyền liên quan đến thân nhân hay sở hữu. Bên cạnh đó, các tài nguyên thuộc về quốc gia cũng cần được bảo vệ. Hơn tất cả, các cơ chế, quy định luật pháp của mỗi quốc gia cũng được khẳng đinh. Đối với không gian mạng, chủ quyền trước tiên được xác lập thông qua các quy định và thông lệ quốc tế, ở đó là các quy định của các hiệp ước về thông tin và chủ quyền trên internet như WSIS - 03/GENEVA/DOC/4-C đã chỉ rõ “Quyền quyết sách với những vấn đề chính sách công cộng liên quan tới mạng internet là chủ quyền của các nước. Đối với vấn đề chính sách công cộng quốc tế liên quan tới internet, các nước có quyền lợi đồng thời phải có trách nhiệm”. Có thể thấy rằng, quyền quyết sách đối với Nhà nước Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến internet và thông tin trên internet là tất yếu.
Thứ nhất, các hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị.
Đối với quốc gia, các hệ thống thông tin và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quốc gia được coi như là xương sống, là bộ khung của toàn bộ hoạt động. Các hệ thống phần mềm và hạ tầng có thể được coi như là lãnh thổ dưới góc nhìn ảo. Vấn đề chủ quyền ở đây có thể hiểu là quá trình bảo đảman toàn, an ninh thông tin cho các hoạt động của các hệ thống đó.
Thứ hai, chủ thể các hoạt động trên mạng.
Ngày nay, các dịch vụ dựa trên nền tảng internet ra đời đã xóa nhòa khoảng cách vật lý, không gian và thời gian. Chủ thể hoạt động trên internet (hay còn gọi là người dung) có thể được hiểu như là các công dân – dân số dưới góc nhìn ảo. Một trong các vấn đề của sự phát triển và ứng dụng các công nghệ - kỹ thuật truyền thông mới là sự thay đổi nhanh chóng của truyền thông xã hội, theo đó truyền thông xã hội đang được sử dụng phổ biến như là một phương tiện hiệu quả trong truyền thông. Một thực tế mà các đơn vị truyền thông phải đối mặt là các rủi ro của an ninh truyền thông, khủng hoảng truyền thông. Một ví dụ với khoảng 2,3 tỷ tài khoản sử dụng, facebook đã và đang trở thành một đế chế toàn cầu về thông tin và dữ liệu. Thực tế cho thấy rằng, ở một kỷ nguyên của công nghệ số, ai nắm được thông tin và dữ liệu thì người đó có quyền điều khiển và định hướng công chúng.
Thứ ba, dữ liệu, thông tin.
Đây có thể coi như là tài nguyên của một quốc gia dưới góc nhìn ảo. Ngày nay, dữ liệu và thông tin đang được coi là các tài nguyên quý giá, cần được bảo vệ đối với bất cứ một quốc gia nào. Một ví dụ là các nhà cung cấp dịch vụ nền tảng truyền thông xã hội đang dần dần nắm quyền kiểm soát và điều khiển người dùng theo xu hướng do chính các đơn vị đó tạo ra.
Thứ tư, quy tắc - quy định xử lý và truyền dữ liệu, đây có thể coi như là các điều kiện về luật pháp, pháp lý.
Trong bối cảnh đó, một lớp công chúng mới được hình thành và ra đời trên môi trường số đã từng bước làm thay đổi diện mạo của công chúng, độc giả truyền thống trước đó. Thay vì công chúng tiếp cận với các tờ báo in truyền thống, kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy thì công nghệ thực tại ảo (VR) và thực tại tăng cường (AR), hình thành “báo nhúng”- công chúng sử dụng các thiết bị di động thông minh (smart phone, Ipad, Iphone…) hình thành nên một loại hình sản phẩm báo chí truyền thông mới. Với “báo nhúng”, độc giả sẽ được tiếp nhận thông tin không chỉ qua thị giác và thính giác như các sản phẩm báo chí truyền thống, mà còn bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình trong một không gian đa chiều như đang được tham gia, chứng kiến tại hiện trường sự việc. Các sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động đã diễn ra được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường. Công nghệ cảm ứng, sự phát triển của hạ tầng viễn thông, công nghệ không dây 3G, 4G, 5G phát triển, song song với nó là mạng xã hội thịnh hành, thân thiện với người dùng, làm tăng đột biến số công chúng tiếp cận với thông tin qua thiết bị thông minh. Đồng thời, cách. Mạng công nghiệp 4.0 làm xuất hiện các dòng sản phẩm hàng hóa mới làm thay đổi các tiêu chí về sáng tạo nội dung báo chí và các sản phẩm truyền thông. Điều này buộc các cơ quan báo chí, truyền thông phải thay đổi phương thức và quy trình sản xuất của mình; sản phẩm báo chí truyền thông sẽ phải thay đổi từ báo in, báo hình thuần túy sang các loại hình sản phẩm đa phương tiện; một lớp công chúng mới, tương thích của thời kỳ truyền thông số, “báo nhúng” sẽ được hình thành, tiếp nhận thông tin thông qua việc sử dụng các thiết bị di động thông minh. Trong điều kiện đó, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 hay 4 chiều. Các sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động đã diễn ra được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường. Công nghệ cảm ứng, sự phát triển của hạ tầng viễn thông, công nghệ không dây 3G, 4G, 5G phát triển, song song với nó là mạng xã hội thịnh hành, thân thiện với người dùng, làm tăng đột biến số công chúng tiếp cận với thông tin qua thiết bị thông minh. Thế hệ công chúng này đòi hỏi các sản phẩm báo chí, truyền thông phải nhanh – mạnh – phù hợp thời điểm. Theo đó những sản phẩm truyền thông truyền thống dần bị thay thế các sản phẩm mới theo hướng tích hợp được nhiều chức năng để có thể tác động tối đa đến các cơ quan cảm giác của công chúng [7]. Chính vì vậy, có một số lượng không nhỏ các “nhà báo công dân” đã dùng internet, các phương tiện truyền thông xã hội như một công cụ để vi phạm các nguyên tắc cơ bản về quyền con người như: (1) Quyền tập thể, quyền quốc gia, dân tộc. (2). Quyền của nhóm xã hội, đặc biệt là quyền không bị phân biệt đối xử của nữ giới và quyền trẻ em. (3) Quyền của cá nhân, trong đó có quyền không bị tra tấn và bị các hình thức nhục hình, xúc phạm nhân phẩm, danh dự...
Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật...”. Theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin thì quyền tiếp cận thông tin là một quyền có thể bị hạn chế hoặc là quyền có điều kiện. Các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: “Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin… Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức...” (Điều 11).
Như vậy, có thể nói, khuôn khổ chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh internet, các phương tiện truyền thông xã hội phát triển là tương đối đầy đủ, đồng thời những quy định của pháp luật Việt Nam hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về quyền con người.
Mỗi ngày, một người sử dụng mạng internet ít nhiều đề tạo ra một khối lượng dữ liệu cá nhân, từ việc quan tâm đến thông tin lĩnh vực nào, mua sắm những đồ dùng vật dụng nào qua mạng, đến những đoạn đối thoại mang tính nhạy cảm thông qua các ứng dụng mạng xã hội. Về mặt này, công nghệ kỹ thuật số đã tạo ra mỗi quan hệ cộng sinh cho xã hội. Tuy nhiên, khi những thông tin đó được thu thập mà không có sự cho phép của chủ thể, đó lại là một sự vi phạm luật pháp hay còn được gọi là đánh cắp thông tin cá nhân. Xem xét các mối đe dọa tiềm ẩn dưới hình thức giám sát truyền thông, đánh chặn, đánh cắp dữ liệu, truy cập dữ liệu cá nhân trái phép, luồng dữ liệu xuyên biên giới, Liên Hợp Quốc đã khẳng định rằng các quyền tương tự mà con người được bảo vệ trong thế giới thực cũng phải được bảo vệ trực tuyến, bao gồm cả quyền đối với quyền riêng tư. Phương tiện kỹ thuật số đặt ra một số mối đe dọa đối với việc thụ hưởng quyền riêng tư không bị kiểm soát theo các hình thức sau: a) Giám sát truyền thông; b) Ăn cắp dữ liệu; c) Luồng dữ liệu xuyên biên giới; d) Vi phạm tính bảo mật; e) Truyện tranh điện tử; f) Truy cập bất hợp pháp; g) Lưu giữ dữ liệu h) Các vấn đề dữ liệu lớn, v.v. (Nghị quyết Đại hội đồng 68/167). Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2014 đã thông qua Nghị quyết 68/167 liên quan đến quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số, trong đó nó đã thừa nhận rõ ràng mối lo ngại về vấn đề gia tăng bảo vệ quyền riêng tư trong thế giới công nghệ tiên tiến này.
Trên lĩnh vực quyền con người, sự ra đời của thế giới ảo, hệ sinh thái số dựa trên Internet, mạng xã hội là cơ sở hàng đầu trong nâng cao khả năng bảo đảm của nhà nước, sự hưởng thụ các quyền và tự do của người dân trên tất cả lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực báo chí và tiếp cận thông tin. Chính sách, pháp luật nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tăng cường phát triển và hội nhập quốc tế, trong đó có tự do kết nối internet, đồng thời tôn trọng và bảo đảm quyền con người trên tất cả lĩnh vực, trong đó có tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin. Sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội mang lại những mặt tích cực và tiêu cực nhất định, một môi trường mở, một xã hội không biên giới với mức lan truyền thông tin gần như ngay lập tức, mang thế giới tới gần nhau hơn, đặc biệt là việc trao đổi thông tin, văn hóa, giáo dục, tìm kiếm cơ hội thậm chí là thương mại sử dụng môi trường các phương tiện truyền thông xã hội đang ngày càng trở nên cực kỳ phổ biến. Mỗi người dân đề có thể trở thành một nhà xuất bản, chịu trách nhiệm đăng tải thông tin lên trang cá nhân, hội nhóm trên mạng xã hội. Rất nhiều nghĩa cử cao đẹp đã được lan truyền mạnh mẽ như từ thiện, quyên góp, ủng hộ các vùng bị tai ương, các hoàn cảnh khó khăn, chung tay góp sức vì cộng đồng; nhưng bên cạnh đó cũng có không ít các thông tin mang nội dung tiêu cực, bôi nhọ nhân phẩm, danh dự người khác được đưa lên và truyền tải rộng rãi thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức, nhiều loại hình.
Một số giải pháp và gợi mở trong phát triển báo chí đa nền tảng trong bảo vệ quyền con người ở nước ta hiện nay
Một là, tăng cường hoàn thiện các văn bản pháp luật của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số báo chí, phát triển báo chí đa nền tảng. Theo đó, khi sản xuất các sản phẩm báo chí đa nền tảng, các cơ quan báo chí cần tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền con người. Cần có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và phù hợp của các cơ quan, tổ chức quản lý, định hướng về quyền con người đối với các cơ quan báo chí truyền thông. Ở đó, người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệp trực tiếp chỉ đạo việc đẩy mạnh về thực thi quyền con người trên các sản phẩm báo chí, đặc biệt là trên các loại hình báo chí đa nền tảng.
Hai là, vận dụng và ứng dụng các điều kiện kỹ thuật về đảm bảo thông tin trên không gian mạng, trong đó có sáng tạo các sản phẩm báo chí đa nền tảng. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có các định hướng sử dụng kỹ thuật để giám sát, định hướng các chủ thể hoạt động trên không gian mạng, chúng ta cần có sự thống nhất mục tiêu và tính chiến lược trong phát triển hạ tầng, đổi mới từng bước, từng giai đoạn và hướng tới đổi mới mạnh mẽ và toàn diện cơ sở hạ tầng công nghệ nhằm giám sát các hoạt động của các chủ thể trên không gian mạng.
Ba là, xây dựng một hệ thống cơ sở pháp lý, ban hành luật pháp và hướng dẫn thực thi pháp luật liên quan đến quyền con người trên không gian mạng. Mặc dù hiện tại chúng ta đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến thực thi quyền con người trên không gian mạng nhưng vẫn chưa thực sự hoàn thiện, đặc biệt là các quy định nhằm định hướng các chủ thể cung cấp thông tin trên không gian mạng cũng như định hướng, khuyến khích người sử dụng hoạt động lành mạnh trên không gian mạng. Cần xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức; cá nhân trong sử dụng các sản phẩm báo chí đa nền tảng để bảo vệ quyền con người trên không gian mạng và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; cần có các giám sát phù hợp với các công ty đang hoạt động trên môi trường Internet, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ đa nền tảng, dịch vụ mạng xã hội và truyền thông xã hội; có các điều kiện trong quản lý các hoạt động trên Internet đảm bảo chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các hoạt động.
Bốn là, xây dựng cơ chế phối hợp và tận dụng sức mạnh toàn dân trong bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng tại Việt Nam bao gồm các lực lượng thuộc Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, báo chí và các lực lượng xã hội khác. Cần xác định rõ, các thông tin, dữ liệu là các tài sản cần được bảo vệ khi triển khai sản xuất các sản phẩm báo chí đa nền tảng.
Năm là, cần xây dựng mô hình quản lý thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội để phát triển báo chí đa nền tảng một cách bền vững.
Cần xây dựng mô hình quản lý thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội theo hướng hiện đại với các tiêu chí chủ động, thống nhất, kịp thời và hiệu quả. Trong đó, Nhà nước sử dụng các công cụ quản lý như hệ thống pháp luật và các cơ quan quản lý nhà nước trên không gian mạng, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội và các đơn vị giám sát thông tin trên không gian mạng. Nhà cung cấp mạng xã hội và dịch vụ thông tin trên Internet sử dụng các công cụ phối hợp quản lý như các quy định của pháp luật về quản lý nội dung, hệ thống nhân sự và quản lý nội dung thông tin trên không gian mạng. Cơ quan báo chí, truyền thông sử dụng các công cụ kỹ thuật phối hợp quản lý như thiết lập các trang cộng đồng, các kênh video hay các tài khoản mạng xã hội để đăng tải thông tin tích cực, chính thống định hướng dư luận. Ngoài ra, cần nghiên cứu thiết lập các mạng xã hội riêng của các cơ quan báo chí. Đối với người sử dụng, cần sử dụng các công cụ hỗ trợ như các kênh thông báo hay báo cáo sai phạm. Từ đó, có thể nâng cao chất lượng thực thi quyền con người trên không gian mạng.
Sáu là, thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí một cách thực chất.
Các cơ quan báo chí, truyền thông cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, trong đó tập trung chuyển đổi mô hình quản lý tòa soạn; quy trình sáng tạo, sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông; sắp xếp bộ máy một cách đồng bộ, khoa học trên cơ sở tối đa hiệu quả của nguồn lực sẵn có; các cơ quan báo chí truyền thông cần nắm bắt, dự báo được các xu thế phát triển của báo chí đa nền tảng trên thế giới và Việt Nam để tận dụng và phát huy thế mạnh, nắm bắt thời cơ và cơ hội trong hoạt động ứng dụng báo chí đa nền tảng trong các hoạt động, đặc biệt là sử dụng báo chí đa nền tảng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cơ quan báo chí, truyền thông đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, dữ liệu lớn, thành lập các bộ phận triển khai sáng tạo sản phẩm báo chí thông qua báo chí đa nền tảng, triển khai các kế hoach, chiến lược hiệu quả để truyền thông các sản phẩm báo chí bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên nhiều kênh, nhiều phương tiện, nhiều nền tảng khác nhau. Từ đó, thu hút được công chúng, độc giả, góp phần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, đặc biệt trên môi trường internet hiện nay.
Có thể thấy rằng, báo chí nói chung, báo chí đa nền tảng nói riêng có vị trí, vai trò và tầm quan trọng trong truyền thông bảo vệ quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ của các phương tiện truyền thông mới dưới tác động của công nghệ số. Báo chí đa nền tảng là sự ứng dụng công nghệ số để tích hợp các phương tiện truyền thông truyền thống, như báo in, truyền hình, phát thanh và các phương tiện truyền thông mới như báo điện tử, mạng xã hội, truyền thông xã hội… giúp tối đa hóa lợi thế của công nghệ số trong sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông, trong phát hành các sản phẩm này và tiếp cận công chúng, đồng thời báo chí đa nền tảng có sự linh hoạt và đa dạng trong nội dung. Bên cạnh đó, báo chí đa nền tảng cũng là cầu nối để kết nối giữa báo chí, truyền thống và các phương tiện truyền thông xã hội giúp truyền tải thông tin đến công chúng, độc giả một cách nhanh chóng.
Trong truyền thông về quyền con người, việc đưa thông tin kịp thời, đúng lúc, đúng công chúng mục tiêu có vai trò rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ của cơ quan, cá nhân, tổ chức, đặc biệt là góp phần bảo vệ quyền con người một cách bền vững. Sử dụng báo chí đa nền tảng sẽ giúp các cơ quan báo chí, truyền thông tận dụng được thế mạnh, tiếp cận tốt hơn đối với công chúng nhằm góp phần truyền thông về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền con người, thúc đẩy thực thi quyền con người, nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời hạn chế các tiêu cực trong thực thi quyền con người ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ của thông tin hiện nay./.
Tiếp cận dựa trên quyền con người trong việc thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền của nhóm yếu thế ở Việt Nam hiện nay  (28/11/2023)
Vấn đề quyền con người trong bối cảnh chuyển đổi số ở Séc  (31/08/2023)
Sử dụng truyền thông xã hội trong bối cảnh hiện nay  (19/03/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên