Đi tìm hình bóng người thầy

Quỳnh Lâm
22:53, ngày 04-05-2018

TCCSĐT - “Tôn sư trọng đạo” vốn là truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Xưa đã vậy, nay có khác. Sứ mệnh giống nhau, mục tiêu không thay đổi, nhưng góc nhìn và khoảng cách thầy - trò, nhà trường - phụ huynh, nền giáo dục - xã hội đang có những chiều không thuần nhất. Tín hiệu vui cũng có, nhưng những chuyện buồn không hiếm.

Bệnh thành tích, thiếu lộ trình trong cải cách thi cử rồi bạo lực học đường đã và đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Liên tiếp những hành vi không đẹp diễn ra trong một thời gian ngắn đủ để người ta đặt ra câu hỏi: Đâu rồi hình bóng người thầy trong một môi trường mô phạm?

Sự phát triển của xã hội cùng với sự du nhập của văn hóa ngoại lai đang làm nên một thứ “dân chủ quá trớn” trong trường học. Sự thân thiện thoái quá dễ trở thành thầy trò như thể ngang trang, ngang lứa với nhau từ kiểu cách xưng hô đến áo quần, giày dép.

Lấy trò làm trung tâm, vì thế, vô tình học sinh và phụ huynh coi mình là số một. Nhất cử, nhất động của giáo viên được cập nhật lên mạng xã hội. Không học bài bị cô la, phạt (dù dưới hình thức nhắc nhở hay cảnh cáo) cũng là đề tài để có hẳn một cộng đồng mạng phán xét, truy kết. Để yên thân, thầy cô chọn “im lặng là vàng”. Nhưng “vàng” rồi lại biến thành “tro” khi vô hình chung lại là điều không thuận. Không nói đồng nghĩa là không có sự tương tác qua lại, không có sự gắn kết giữa thầy và trò. Đừng nói đến kiến thức mà tình cảm cô trò còn xa hơn khoảng cách giữa bục giảng và lớp học.

“Thôi thì mặc kệ, chúng ưa học gì thì học”, không ít thầy cô chặc lưỡi trước sự nhếch nhác, lười biếng của không ít học sinh. Khi người học không chú trọng mục đích học tập, coi đến trường với tinh thần “vui là chính”, còn thách thức cả thầy cô cho chúng ở lại lớp, thì vị trí của người giáo viên là gì khi xung quanh trường giăng giăng những câu khẩu hiệu “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Sự bất lực hay tâm lý lo sợ đã ngấm ngầm ăn mòn nhuệ khí, nhiệt huyết của những người truyền lửa.

Một thực tế không thể phủ nhận khi ở đâu đó, trình độ nhận thức và phẩm chất đạo đức của một bộ phận giáo viên chưa đạt chuẩn. Khi thầy cô đứng lớp, một tay cầm phấn, tay kia lướt điện thoại. Hay cô giáo mặc quần đáy ngắn, tóc nhuộm nâu vàng đủ kiểu, thầy hút thuốc lá phì phèo, lên lớp còn thoang thoảng mùi men. Nhìn qua những hình ảnh ấy, dù tân thời nhưng đã làm méo mó phần nào sự chỉn chu, nghiêm túc về mẫu hình sư phạm trong mắt trò, phụ huynh và xã hội. Đó là chưa kể sự non yếu trong giáo dục học sinh về tri thức và nhân cách.

“Nhất quỷ nhì ma”, học trò thời nào cũng vậy, hiếu động và nghịch ngợm. Nhưng nếu để so sánh “trò xưa” với “trò nay” thì sự khác nhau dễ nhận thấy nhất, đó là: xưa ngoan ngoãn, nay nhạy bén. Sự “nhạy” từ việc tiếp nhận tri thức đến cách nhìn nhận cuộc sống. Do vậy, “dạy” gắn liền với “dỗ”, uốn nắn kịp thời. “Nhu” quá không được, nhưng “cương” quá không xong, thế nhưng không phải người cầm phấn nào cũng ý thức được điều đó. Họ tự cho mình quyền được bắt ép, dọa nạt, sỉ nhục với lập luận “thương cho roi cho vọt”. Thế nhưng, sự quá tay, quá miệng… lại trở nên phản tác dụng, phản đạo đức và đi ngược lại mục đích giáo dục con người. Ấy là họa, là mảng màu xám giữa một bức tranh tổng thể còn rất nhiều màu xáo trộn của giáo dục nước nhà.

Khi cơ chế thị trường phát triển, giá trị vật chất được đề cao, ngày lễ tết của các thầy cô lại trở thành chủ đề của các phụ huynh hơn là học sinh. “Đi bì thư cho khỏe”! Mặt trái của vấn đề “nhạy cảm, tế nhị” này đã nhuốm vào đầu óc non trẻ của học sinh về mối quan hệ cô - trò, giáo viên - phụ huynh trong sự gọn nhẹ nhưng thờ ơ, vô cảm!

Đời sống giáo viên vẫn mãi là bài ca muôn thuở khi chưa đến tháng đã hết lương, nghề tay trái của thầy cô trong thời đại công nghệ 4.0 không gì nhiều bằng bán hàng qua mạng, tiếp thị bảo hiểm… Chuyện bi hài là không hiếm học sinh, phụ huynh lại trở thành bạn hàng, khách hàng, đối tác của cô, thầy. Vì vậy, khó để có khoảng cách chừng mực cần thiết giữa người dạy và người học, cũng như sự toàn tâm của thầy cô.

Đi tìm hình bóng thầy giáo già, áo dài quần nải, tay mang sách thánh hiền như những bậc hiền triết của một thời đã xa, giờ chỉ là dĩ vãng. Nhưng nhân cách của các thầy Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đồ Chiểu… mãi là những bức tượng đài trong nền tảng đạo đức - tri thức - cách mạng của giáo dục nước nhà.

Hôm qua vẻ vang, hôm nay vẫn thế, còn có rất nhiều những chiến sĩ vô danh không tên, không tuổi ngày đêm vượt hàng nghìn ki-lô-mét đưa con chữ đến với những em nhỏ nơi địa đầu Tổ quốc hay hải đảo xa xôi. Đẹp thay là hình ảnh bà giáo già Hồ Hương Nam, ở cái tuổi 83 vẫn miệt mài dạy chữ bên những đứa trẻ bệnh tật, hay thầy Đặng Văn Cương tự tay chăm cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể khôn lớn từng ngày. Còn nhiều, nhiều nữa những tấm gương nhà giáo chưa được biết tới, chưa được vinh danh, nhưng cái đích của họ chỉ là đơn giản với hai chữ “trồng người”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “nghề nhà giáo không chỉ trau dồi về kiến thức phổ thông mà cần trau dồi đạo đức cách mạng”. Cái đẹp và cái chưa đẹp vẫn còn đan xen nhau, nhưng để phân biệt được cái nên học và điều nên tránh là trách nhiệm của những thầy. Tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, không ngừng trau dồi tâm lý sư phạm và phương pháp giáo dục hiệu quả, đó vẫn còn là con đường học hỏi không ngừng. Thế nhưng, để phân định chính xác vị trí của người thầy trong nhà trường và xã hội cần có sự chung tay. Thầy không thể tròn vai nếu người học không hợp tác, quan hệ nhà trường và phụ huynh sẽ rời rạc bất nhất nếu như cha mẹ ỷ thác toàn bộ nhận thức và lối sống lên thầy cô, xã hội thích phán xét hơn là khách quan và bình tâm, dễ dãi đầu vào rồi lại chật vật, sấp ngửa tìm kiếm đầu ra cho ngành sư phạm, lương sao cho giáo viên toàn tâm hơn để họ chân thấp, chân cao với nghề tay trái.

Robot có thể làm hộ con người nhiều thứ trong cuộc sống sinh hoạt, nhưng người thầy trên bục giảng thì không có gì có thể thay thế được. Vị trí cao cả nhưng không kém phần vất vả, gian nan khi xã hội trao cho họ trọng trách đối với thế hệ tương lai của đất nước. Tự mình phải xây dựng hình ảnh và tạo nên thương hiệu “người giáo viên nhân dân” là một trọng trách và vinh dự của những ai đã, đang và sẽ trở thành những thầy, cô giáo./.