Dân ở… chốn nào?!
Cồng kềnh, chòng… chành!
Hiện thời, cả nước Nam ta có khoảng 58 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập, với 2,5 triệu biên chế đang làm việc tại các nơi này. Nếu tính bình quân, ở xứ ta, cứ 40 người dân có 1 công chức; trong khi ở nước Mỹ, tới… 140 người dân, họ mới phải cần 1 công chức. Thảo nào, chỉ nom qua ở 11 địa phương, các nơi này đã vượt 7.951 biên chế so với chỉ tiêu biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao. Ngoài ra, còn 19.900 người là lao động hợp đồng cho 18 bộ, ngành, 46 địa phương sử dụng nữa.
Bộ máy vốn đã to, đã đông, đã xa dân một nhẽ, không ít người lại còn thêm cái thói sách nhiễu, vòi vĩnh, thậm chí “hành dân”, “moi dân”, đây đó xỉ vả Nhân dân, y như là… ban phát, “bố thí” hằng ngày, khiến dân không buồn, dân không oán thán, mới là sự… lạ. Đây thì, hành xử của không ít quan chức: “Tốt lễ dễ thưa”, “Thớt có tanh tao ruồi đổ đến”, “Quan thì ở xa, bản nha ở gần”. Nọ trông, công to việc nhớn dân sinh, ở không ít cơ quan, tổ chức, là: “Cha chung không ai khóc”, “Lắm sãi không ai đóng cửa chùa”, “Khua mõ không bằng gõ thớt”...
Rẽ quan tìm… dân?
Có phải vậy không?
Dù phải hay không nhưng có một sự thật: Tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên trong tổng số công chức, thật sự là… lạ, cao đáng kinh ngạc - tám, chín phần quan chỉ một phần dân, thậm chí có bộ phận: quan chiếm… toàn tòng.!
Hình như tâm lý “không quan mới lạ” hiện thời đang độ trỗi dậy và lây lan?
Tỷ như, có không ít bộ, cứ 4 - 5 công chức thì có 3 chức danh lãnh đạo. Lại tỷ như có một số tỉnh, thành, ở một số cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cứ 2 công chức thì có 1 lãnh đạo, thậm chí, cứ 4 công chức thì có 3 lãnh đạo,… Tới mức, có cơ quan, bộ phận chỉ toàn lãnh đạo, thậm chí có phòng, trưởng phòng lãnh đạo…chính mình!
Hèn chi vào phòng, ra cửa, quan gặp chỉ… toàn quan(!).
Một bộ máy thành thục không thể đi khập khiễng bằng chỉ một cái chân: quá nhiều người làm… lãnh đạo thậm chí... rất suông! Mà thiếu đi hoặc rất yếu cái chân: chuyên gia làm… nghề thiết thực!
Trên thì như thế đã đành. Rồi, ở ngay cấp xã thôi, cấp nhẽ ra phải ở trong dân, thì cũng chả kém. Bộ phận hoạt động không chuyên trách ở đây, ở thôn, tổ dân phố, cỡ gần 1,3 triệu người. Quỹ lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước chi cho nhóm hàng xã, hương thôn này là hơn 32.400 tỷ đồng/năm. Thảo nào, có xã chỉ 8.000 người dân mà có tới gần 600 vừa cán bộ, vừa loại “xách túi ăn đẽo”. Quan ở “trụ sở” xã thì nhiều đã đành, đằng này “bản nha” ở ngay thôn, xóm, tổ dân phố cũng đông chả kém cạnh. Quan đông hơn cả… lúa khoai lúc được mùa!
Nghĩ rằng: Miệng ăn núi… lở! Năng suất lao động xã hội ta dù có tăng gấp mười; và mỗi ngày đêm dù không phải 24 tiếng mà tạo hóa ban cho hẳn 30 tiếng, thì hầu bao ngân sách dẫu to cỡ nào cũng khó kham nổi bộ máy kềnh càng ấy mãi? Lại ai cũng muốn làm quan, quyết giật tý quan. Sức dân nào vô tận để nộp thuế… nuôi nổi bộ máy vốn đã cồng kềnh lại rất… lắm quan, lại đông đến mức… rẽ quan để tìm… dân như thế!?
Tự vấn ba câu!
Giảm gì?
Câu giả nhời là: Giảm ngay lượng quan và giảm nhanh đầu số mối ở tất cả các cấp. Nghĩa là, hai việc của Giảm gì ấy làm phải đồng thời: Không do dự, không rụt rè, không cầu toàn.
Lấy gì làm tiêu chí để giảm?
Xin thưa: Công việc. Vì việc chọn người, chọn người giao việc. “Thà ít mà tốt”. Tuyệt đối không vì người nghĩ ra việc, vì người đặt ra bộ máy. Mà làm ngược lại. Cao thấp phân minh đối với chọn người, trọng khinh (nặng nhẹ) phù hợp đối với giao việc, dân chủ và quang minh chính đại đối với cả việc lẫn người.
Giảm như thế nào?
Để thấy dân, mười loại công việc xin được làm ngay: 1- Định rõ bao nhiêu bộ máy của toàn hệ thống. 2- Định rõ công việc tổng thể của mỗi bộ máy. 3- Định biên với từng bộ máy, từng loại cán bộ. 4- Giao quyền và kiểm soát quyền của người đứng đầu. 5- Mỗi người tự định việc mình trong bộ máy. 6- Thi tuyển và định kỳ thi tái tuyển nhân sự. 7- Khoán trọn quỹ lương và tài chính vận hành. 8- Thường xuyên kiểm soát, sàng lọc, sa thải và tuyển dụng. 9- Xã hội hóa công việc của bộ máy, khi cần thiết. 10- Thưởng phạt phân minh và kịp thời, không ngoại lệ: “Phạt không chừa khanh tướng, thưởng không sót thứ dân”.
Khi ấy, bộ máy bớt cồng kềnh sẽ hóa ra gọn nhẹ, tinh thông; đội ngũ lãnh đạo, quản lý do việc mà định chế, mà dân chủ lựa chọn chọn sẽ thành ra tinh hoa vừa đủ; chuyên gia đức tài được trọng đãi sẽ hạnh ngộ phơi phới đua chen; sức dân muôn người sẽ yên lòng tin cậy và ủy thác mà thức dậy như sóng nâng thuyền; vạn vật trong Đất Giời nhất định đều hanh thông, xã tắc muôn dặm rộng dài thảy đều tươi tốt!
Lúc ấy, chẳng phải tìm, vì ở đâu đâu, dù chốn công đường hay nơi hang cùng xóm vắng, cũng hiển hiện… tiếng nói, tấm lòng và khát vọng muôn dân!./.
Xuân Quê hương 2018 có chủ đề “Việt Nam rạng ngời tương lai”  (05/02/2018)
12 văn kiện hợp tác đưa quan hệ Việt-Lào lên tầm cao mới  (05/02/2018)
Thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp  (05/02/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên