Vùng 3 Hải quân với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung trong bối cảnh mới
TCCS - Sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong bối cảnh mới đặt ra nhiều thách thức lớn cho Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung, Vùng 3 Hải quân nói riêng. Để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển, Vùng 3 Hải quân quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp, hiệu quả, góp phần bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung hiện nay.
Vai trò của biển, đảo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung
Ngày 15-3-1961, nhân dịp đến thăm Bộ đội Hải quân lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời căn dặn của Bác thể hiện sự khái quát rất ngắn gọn và dễ hiểu về lịch sử truyền thống dân tộc, về tiềm năng của biển nước ta và trách nhiệm của mọi thế hệ người Việt Nam phải biết khai thác, quản lý và bảo vệ biển. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh(1), đặc biệt là “xây dựng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là vùng phát triển năng động, nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á”(2).
Các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung(3) nằm ở vị trí trên bờ Biển Đông, với nhiều lợi thế về địa - chính trị, địa - kinh tế,... nên có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển. Trong vùng có nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo, quần đảo quan trọng(4); có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú: chiếm 100% trữ lượng Cromit, 60% trữ lượng thiếc, 20% trữ lượng sắt, 44% trữ lượng đá vôi xi măng của cả nước, được phân bố khá tập trung tại một số địa phương, tạo thuận lợi cho việc khai thác, chế biến(5). Đặc biệt, các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung là vùng đất có nền văn hóa lâu đời, kết tinh nhiều giá trị tinh hoa, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều danh lam, thắng cảnh, di sản văn hóa; có hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, 5/8 di sản vật thể, 4/12 di sản văn hoá phi vật thể, và 2/9 khu dự trữ sinh quyển quốc gia; nhiều bãi biển đẹp và một số hệ sinh thái điển hình, như đầm, phá, vùng cát, san hô,... Đó là những điều kiện thuận lợi để các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung phát triển kinh tế - xã hội.
Các đảo và quần đảo khu vực Duyên hải miền Trung, đặc biệt là các đảo tiền tiêu(6), không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông, mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng. Cùng với các khu vực khác, biển, đảo khu vực Duyên hải miền Trung hình thành phên dậu, chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng, bố trí thành tuyến liên hoàn để bảo vệ Tổ quốc từ hướng Đông. Trong lịch sử dân tộc, kẻ thù nhiều lần tiến công xâm lược nước ta từ hướng biển. Trong đó, tháng 9 năm 1858 thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược nước ta tại bán đảo Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng); tháng 3 năm 1965, đế quốc Mỹ đánh dấu sự can thiệp quân sự trực tiếp vào Việt Nam bằng cuộc đổ bộ vào bờ biển Đà Nẵng. Đồng thời, vùng biển Duyên hải miền Trung cũng là nơi tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông trong chiến tranh, để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, trở thành “Đường Hồ Chí Minh trên biển” huyền thoại, góp phần đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Với những đặc điểm trên, các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; là “mặt tiền” của quốc gia, “khúc ruột” của Tổ quốc, là “cửa ngõ” ra biển, “bệ đỡ” cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây với các tuyến đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn; có quan hệ chặt chẽ với các nước bạn Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia, Đông Bắc Thái Lan và Mi-an-ma, nên có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ghi sâu lời dạy của Bác và quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh và ngược lại để góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển là chủ trương sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm phát huy mọi tiềm lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với nhiệm vụ được giao, Vùng 3 Hải quân đã nỗ lực, quyết tâm cao nhất để giữ vững môi trường hòa bình trên biển, đảo, góp phần quan trọng giúp các ngành kinh tế biển có điều kiện phát triển tốt; đồng thời, phối hợp bảo vệ an toàn các hoạt động kinh tế biển, như đánh bắt, chế biến hải sản, các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên biển; thực hiện tốt các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển; hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước. Với phương châm “cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, “lo cho ngư dân như người thân của mình”, “giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim”, cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân luôn sẵn sàng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi trên các vùng biển để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. Hình ảnh những con tàu, những chiến sĩ Hải quân không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, hy sinh, dầm mình trong mưa bão, vượt qua sóng dữ, kịp thời có mặt cứu giúp ngư dân bị nạn trên biển đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân. Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, mỗi con tàu của Vùng 3 Hải quân đã thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân an tâm bám biển, phát triển kinh tế; củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ngày càng vững chắc, góp phần nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tác động của bối cảnh thế giới mới
Vùng 3 Hải quân được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển rộng, lớn suốt chiều dài 7 tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung(7); các đảo ven bờ Bắc Trung Bộ và quần đảo Hoàng Sa không để xảy ra xung đột, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định trên biển. Cùng với sự phát triển và vận hội mới của các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung, sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn nền độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc đang đứng trước nhiều cơ hội, thời cơ, đan xen với những khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó việc bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao và nặng nề hơn đối với lực lượng vũ trang nói chung, Vùng 3 Hải quân nói riêng.
Tình hình thế giới và khu vực trong bối cảnh thế giới mới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là cuộc xung đột Nga - U-crai-na tác động trực tiếp đến nước ta. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động, song cũng tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn. Biển Đông tiếp tục là nơi tiềm ẩn những mâu thuẫn chính trị và kinh tế của thế giới. Đang tập trung những mặt đối lập, thuận lợi và khó khăn, hợp tác và chống đối, bạn bè và thù địch... Tất cả vấn đề trên đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển của nước ta trong thế kỷ mới.
Giải pháp bảo vệ chủ quyền, bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung trong bối cảnh mới
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước.
Trước hết, tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tiềm năng của biển, đảo đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương đối với nhiệm vụ tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Phối hợp với các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng và giá trị chiến lược của biển, đảo; về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển; về nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm và những biện pháp phối hợp, kết hợp với các lực lượng đứng chân trên các vùng biển, đảo đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền biển, đảo; thu hút nguồn nhân lực xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam; tăng cường sự hiểu biết và tình yêu đối với biển, đảo trong học sinh, sinh viên. Làm cho học sinh, sinh viên nói riêng và nhân dân nói chung thay đổi tư duy, nhận thức về lãnh thổ của đất nước không chỉ giới hạn là một dải “từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái”, mà còn bao gồm cả vùng trời, vùng biển, đáy biển rộng lớn. Coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nên sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW. Qua đó, xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng, an ninh, thế trận lòng dân, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển...; đồng thời, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong công tác tuyên truyền phải có đủ luận chứng khoa học, thực tiễn, cung cấp đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực liên quan đến biển, đảo. Trong đó, chú trọng các tài liệu khoa học đã khẳng định về tiềm năng biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển; các tài liệu lịch sử - pháp lý thuyết phục, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo nước ta trên cơ sở Luật Biển Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố nguyên tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ Quy tắc ứng xử mang tính pháp lý của các bên ở Biển Đông (COC) khi được thông qua.
Vận động các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước hỗ trợ, giúp đỡ nguồn lực để ủng hộ các huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc Duyên hải miền Trung, trong đó có huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) và huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), góp phần giúp quân, dân huyện đảo an tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hai là, tích cực, chủ động nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.
Đảng bộ Vùng 3 Hải quân đã quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện đồng bộ các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Quân chủng Hải quân. Bám sát tình hình và yêu cầu nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị để cụ thể hoá và đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát đúng, phù hợp từng loại hình đơn vị và triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt ở các cấp. Tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh, ý chí, quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao,...
Vùng 3 Hải quân đặc biệt chú ý duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ huấn luyện, chuẩn bị và luyện tập, diễn tập thuần thục các phương án sẵn sàng chiến đấu. Nắm chắc tình hình, tham mưu, đề xuất kịp thời và xử lý đúng đối sách các tình huống không để bị động, bất ngờ. Huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành là chính; huấn luyện sát phương án, đối tượng tác chiến, chiến trường, tổ chức biên chế, nâng cao hiệu quả sử dụng của vũ khí, trang bị kỹ thuật; tổ chức tốt các cuộc diễn tập các cấp, bắn đạn thật làm mục tiêu, yêu cầu huấn luyện.
Bên cạnh đó, Vùng 3 Hải quân thường xuyên duy trì lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu tại các khu vực biển trọng điểm, nêu cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, kịp thời xử lý các tình huống, nhất là đối với tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền; tổ chức nhiều đợt tuần tiễu, trinh sát và diễn tập, chủ động nắm chắc tình hình, tổ chức lực lượng, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, linh hoạt, khôn khéo, đúng đối sách, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hoạt động trên biển, như Bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển, lực lượng vũ trang các quân khu ven biển,... đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên biển, ngăn chặn kịp thời và đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, cướp biển và trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, làm chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho các lực lượng hoạt động kinh tế trên biển. Trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ công tác phòng, tránh bão, lũ; tích cực tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Ba là, tiếp tục phối hợp, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, đề án, kế hoạch, chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung.
Quyết liệt triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế biển, nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW; cùng các địa phương thực hiện các nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt(8). Mặt khác, tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) triển khai hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, chương trình phối hợp thông tin biển, đảo và hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” trong những năm tiếp theo,... tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân trong mọi quyết sách của chính quyền.
Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về biển, đảo và pháp luật cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên các địa phương. Tăng cường phối hợp, trao đổi, kiểm tra, sơ kết, rút kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp sau mỗi hoạt động; tích cực vận động và hướng dẫn nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, nhất là tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo... Qua đó, củng cố, tăng cường niềm tin, sự đồng thuận, huy động nguồn lực, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị vững mạnh, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Tập trung phối hợp với các địa phương, trực tiếp là bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung xây dựng lực lượng Hải đội dân quân thường trực vững mạnh, coi trọng công tác xây dựng lực lượng, tổ chức huấn luyện và thường xuyên duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của hải đội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và toàn dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
Cùng với các lực lượng vũ trang Quân khu 5, cấp ủy chính quyền và công an các địa phương không ngừng củng cố khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận bờ - biển - đảo mạnh. Các điểm triển khai khu quốc phòng, kinh tế phải gắn với tuyến và khu vực phòng thủ biển, đảo, góp phần cùng các tỉnh, thành phố xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh.
Bốn là, nâng cao hiệu quả tham gia phát triển kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ven biển, trên các đảo thuộc phạm vi quản lý của Vùng 3 Hải quân. Đây là nội dung quan trọng, tạo động lực, cơ sở vững chắc để xây dựng “thế trận lòng dân”, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Vì vậy, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng địa bàn, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở bãi ngang ven biển và trên đảo; tập trung vào những nơi mà đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn; sẵn sàng tham gia bảo đảm hậu cần, kỹ thuật nghề cá cho ngư dân, tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Làm tốt công tác dân vận, củng cố mối quan hệ máu thịt quân - dân; tham gia có hiệu quả vào các chương trình, dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng thủy sản; tham gia xây dựng môi trường văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội, chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Tăng cường tổ chức cho các cơ quan, đơn vị và địa phương đi thăm, tìm hiểu thực tế, động viên quân và dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, nhất là quân, dân trên các đảo Cồn Cỏ và Lý Sơn, góp phần chia sẻ, cổ vũ, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn vững vàng ý chí, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Biển, đảo của nước ta nói chung, các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung nói riêng không những là khu vực phát triển kinh tế đầy tiềm năng, là nơi án ngữ các trục giao thông huyết mạch trên biển, cùng với nguồn lợi về tài nguyên, kinh tế biển, mà còn là môi trường tác chiến quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, trong nỗ lực chung nhằm phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, Vùng 3 Hải quân và từng ngành, địa phương phải tích cực tham gia phát triển kinh tế biển cho phù hợp, cùng phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
----------------------------
(1) Như: Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”,...
(2) Báo điện tử Chính phủ: “Thủ tướng: Quyết tâm biến Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thành vùng đất giàu có, giàu bản sắc văn hóa và nhiều đột phá hơn nữa”, ngày 5-2-2023, https://baochinhphu.vn/thu-tuong-quyet-tam-bien-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-thanh-vung-dat-giau-co-giau-ban-sac-van-hoa-va-nhieu-dot-pha-hon-nua-102230205123924646.htm
(3) Bài viết nghiên cứu các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận
(4) Như: Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm,...
(5) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Nỗ lực phấn đấu, tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”, Tạp chí Cộng sản, số 1.002, tháng 11-2022, tr. 5
(6) Như: Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cùng với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí vô cùng quan trọng
(7) Bao gồm các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định
(8) Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông; Đề án phát triển y tế biển, hải đảo Việt Nam đến năm 2020,...
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển