Hợp tác giáo dục - đào tạo: Điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Xin-ga-po
TCCS - Việt Nam và Xin-ga-po chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 01-8-1973. Với nhiều điểm tương đồng, quan hệ hai nước trong gần 50 năm qua ngày càng được củng cố và phát triển, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013. Bên cạnh những kết quả nổi bật về hợp tác thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo cũng trở thành “điểm sáng” trong quan hệ giữa hai nước.
Quá trình triển khai hợp tác giáo dục - đào tạo Việt Nam - Xin-ga-po
Hợp tác giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Xin-ga-po khởi nguồn từ những năm 90 của thế kỷ XX và được hai bên chính thức hóa kể từ khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, năm 1995). Nhằm giúp Việt Nam tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, ngày 28-11-2001, Trung tâm Đào tạo Việt Nam - Xin-ga-po (VSTC) được thành lập với trụ sở đặt tại Thủ đô Hà Nội, dựa trên cơ sở sáng kiến của Xin-ga-po, hoạt động theo kinh phí của Chính phủ Xin-ga-po nhằm giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập khu vực và thế giới, đồng thời đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ cấp thiết của Việt Nam. Học viện Ngoại giao là cơ quan chủ quản phía Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Xin-ga-po tại Hà Nội tổ chức các khóa học tại VSTC.
Tháng 3-2004, hai nước ký kết Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI. Đây là văn kiện có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Xin-ga-po, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Tháng 12-2005, hai nước tiếp tục ký kết Hiệp định khung về kết nối Việt Nam - Xin-ga-po. Đây là một hình thức hợp tác mới, tập trung chủ yếu vào 6 lĩnh vực: đầu tư, thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải, công nghệ thông tin - viễn thông, tài chính, giáo dục - đào tạo. Các chương trình kết nối trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo tập trung vào ba mảng việc chính là giáo dục, đào tạo và hợp tác trong lĩnh vực tư nhân. Theo Hiệp định, mỗi nước sẽ giới thiệu 10 trường học từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông để kết nghĩa với nhau.
Tại buổi hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Xin-ga-po (tháng 9-2006), hai bên khẳng định tiếp tục mở rộng và tăng cường sự hợp tác hơn nữa giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục. Để cụ thể hóa các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và Xin-ga-po, ngày 25-4-2007, hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục Việt Nam - Xin-ga-po, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Xin-ga-po Tha-man San-mu-ga-rát-nam (Tharman Shanmugaratnam) khẳng định: “Xin-ga-po sẽ giúp Việt Nam đào tạo các nhà quản lý giáo dục từ cấp Trung ương cho tới địa phương và nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên tiếng Anh”.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Xin-ga-po (tháng 9-2011), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Giữa Việt Nam và Xin-ga-po có độ tin cậy chính trị ngày càng cao, từ đó mở ra một chương hợp tác toàn diện về chính trị, kinh tế - thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng - an ninh. Trong sự hợp tác này thì nguyên tắc là đôi bên cùng có lợi nhưng có nhiều lĩnh vực Xin-ga-po có thể chia sẻ những hiểu biết... với Việt Nam”(1).
Tháng 9-2013, hai bên đã ra Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với nội hàm làm sâu sắc thêm quan hệ chính trị tin cậy lẫn nhau, tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác. Về hợp tác giáo dục, Tuyên bố khẳng định tiếp tục thúc đẩy về hợp tác giáo dục theo chương trình hợp tác Xin-ga-po, VSTC và Trung tâm Đào tạo chất lượng cao Việt Nam - Xin-ga-po (VSCEE).
Năm 2014, Cuộc họp nhóm công tác chung Việt Nam - Xin-ga-po trong khuôn khổ Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Xin-ga-po được tổ chức tại Hà Nội đã thống nhất trong thời gian tới sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác giữa hai Bộ Giáo dục trong các lĩnh vực giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, đào tạo bồi dưỡng ngôn ngữ (tiếng Anh) và phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên của Việt Nam, tìm các mô hình kết nghĩa phù hợp giữa các trường học của hai nước, hỗ trợ các hoạt động của VSCEE đặt tại Học viện Quản lý giáo dục Việt Nam (NAEM) và một số lĩnh vực khác có liên quan.
Tháng 11-2015, Tập đoàn Công nghệ giáo dục Kai-đông (Kydon) của Xin-ga-po và Tập đoàn Giáo dục UNET của Việt Nam ký bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giáo dục điện tử tại Việt Nam. Theo thỏa thuận, Tập đoàn Kai-đông sẽ cung cấp công nghệ phòng học thông minh và một trung tâm giáo dục trực tuyến trong giai đoạn 2015 - 2024 cho học sinh, sinh viên ở mọi cấp độ, kể cả cấp độ giáo dục hướng nghiệp tại Việt Nam.
Tiếp đó, năm 2017, Thỏa thuận hợp tác thực hiện Chương trình bồi dưỡng lãnh đạo và quản lý giáo dục của Việt Nam theo hình thức liên kết Việt Nam - Xin-ga-po giai đoạn 2017 - 2018 giữa NAEM và Học viện Giáo dục quốc gia Xin-ga-po (NIE) đã được ký kết, mở ra một giai đoạn mới, đánh dấu sự hợp tác trong đào tạo cán bộ quản lý giáo dục tại Việt Nam. Thỏa thuận này là một phần trong mục tiêu giúp Việt Nam đào tạo 20.000 lãnh đạo và các nhà quản lý giáo dục chất lượng cao, do Chính phủ Xin-ga-po đặt ra kể từ khi thành lập VSCEE.
Ngoài ra, trong khuôn khổ các Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ trưởng Giáo dục Xin-ga-po nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước.
Một số nhận xét về kết quả hợp tác giáo dục - đào tạo Việt Nam - Xin-ga-po
Thứ nhất, về mục tiêu của hợp tác giáo dục - đào tạo. Hai nước xác định thông qua hợp tác giáo dục - đào tạo để tăng cường hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Xin-ga-po ngày càng gắn bó, tăng cường sự giúp đỡ, hiểu biết lẫn nhau, tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược.
Thứ hai, về nội dung và phương thức hợp tác giáo dục - đào tạo. Trong quá trình triển khai các hoạt động kết nối, nhiều hình thức hợp tác ở mọi cấp độ khác nhau từ Trung ương đến địa phương đã được triển khai thực hiện, như chương trình kết nghĩa các trường học, cung cấp học bổng học tập, đào tạo ngôn ngữ, trại hè học sinh, trao đổi giáo viên, học sinh, tổ chức hội thảo...
Trong khuôn khổ Hiệp định kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Xin-ga-po, Bộ Giáo dục hai nước đã giới thiệu 13 trường tiểu học và trung học cơ sở kết nghĩa để tiến hành các hoạt động trao đổi học sinh, giáo viên. Các trường kết nghĩa đã liên lạc với nhau và ít nhiều đã triển khai được các hoạt động trao đổi. Tuy nhiên, các hoạt động còn rất khiêm tốn và có một số năm không thực hiện được.
Từ năm 1996, hằng năm Chính phủ Xin-ga-po đều cung cấp học bổng cho học sinh phổ thông các nước ASEAN sang học tại Xin-ga-po. Sau khi Hiệp định khung về kết nối Việt Nam - Xin-ga-po được ký kết vào năm 2005, số lượng học bổng Chính phủ Xin-ga-po dành cho học sinh phổ thông Việt Nam (gọi tắt là học bổng ASEAN) được nâng lên 25 suất học bổng/năm dựa vào kết quả kiểm tra của học sinh. Cụ thể là: (xem bảng 1).
Song song với chương trình học bổng phổ thông, Chính phủ Xin-ga-po đã thông qua Bộ Ngoại giao Xin-ga-po cấp học bổng cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai của Việt Nam học đại học tại Xin-ga-po. Năm 2009, 11 sinh viên Việt Nam đã được trao học bổng trên tổng số 60 suất học bổng dành cho 10 nước ASEAN. Tuy nhiên, từ năm 2010, số lượng học bổng mà Chính phủ Xin-ga-po dành cho sinh viên Việt Nam giảm đáng kể. Và từ năm 2016, Xin-ga-po dừng cấp học bổng Chính phủ đối với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam cũng tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, nghiên cứu khoa học, các hội nghị tập huấn, các cuộc trao đổi, thăm, làm việc và học tập kinh nghiệm, như Chương trình giao lưu giáo viên và học sinh các nước ASEAN; Chương trình làm quen với công tác nghiên cứu khoa học một tháng của Đại học Quốc gia Xin-ga-po dành cho học sinh phổ thông trung học(2); Chương trình chuyển giao công nghệ Xin-ga-po (STEP) mời và đài thọ cho các đoàn học sinh phổ thông trung học xuất sắc của Hà Nội tham dự trại hè tuổi trẻ các nước Đông Nam Á, được tổ chức tại Xin-ga-po. Quỹ quốc tế Xin-ga-po (SIF) đã phối hợp với trường Đại học Quốc gia Xin-ga-po đài thọ cho nhiều sinh viên Việt Nam tham gia các hoạt động giao lưu trong sinh viên với Chương trình học tập một học kỳ (4 tháng) tại Xin-ga-po. Từ năm 2006, mỗi năm Bộ Giáo dục Xin-ga-po mời hai cán bộ của Việt Nam tham gia Hội thảo quốc tế dành cho các nhà lãnh đạo trong ngành giáo dục tổ chức tại Xin-ga-po(3). Ngoài ra, nhiều giảng viên của Việt Nam đang được mời giảng dạy trong các trường đại học và cao đẳng của Xin-ga-po.
Thứ ba, đối tượng theo các chương trình hợp tác giáo dục - đào tạo được triển khai thông qua ba kênh chính: 1- Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng theo con đường Nhà nước; 2- Hợp tác song phương giữa các cơ sở đào tạo hai bên; 3- Cá nhân tự túc đi du học.
Được thành lập từ năm 2001, đến tháng 8-2017, đã có khoảng 17.000 cán bộ được đào tạo tại VSTC trên nhiều lĩnh vực, như tiếng Anh, thương mại, du lịch, tài chính, hành chính công, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và luật pháp quốc tế (4). Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục Việt Nam - Xin-ga-po, đến hết năm 2015, gần 20 khóa đào tạo với tổng số hàng trăm giáo viên tiếng Anh trong toàn quốc đã được cử đi bồi dưỡng tại Trung tâm Ngôn ngữ Khu vực (SEAMEO RELC, Xin-ga-po)(5). Chương trình đào tạo này giúp nâng cao sự tự tin, trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy cho các giáo viên Việt Nam dạy tiếng Anh.
Thực hiện Bản Ghi nhớ về hợp tác giáo dục, NIE và NIEM đã ký kết thỏa thuận thành lập VSCEE đặt tại NAEM nhằm tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên của Việt Nam. Ngày 11-3-2008, VSCEE được khai trương nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Giáo dục Xin-ga-po. Đến nay, VSCEE đã đào tạo được hàng trăm cán bộ quản lý giáo dục và hàng nghìn giáo viên theo hình thức hợp tác đào tạo tại VSCEE và Học viện Giáo dục Quốc gia Xin-ga-po bằng nguồn kinh phí do Quỹ Temasek của Xin-ga-po tài trợ.
Xin-ga-po cũng đã và đang hỗ trợ Việt Nam triển khai Đề án đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước (Đề án 165). Chương trình hợp tác giữa Văn phòng Đề án 165 và Đại học Nam Dương với sự hỗ trợ của Quỹ Temasek được triển khai hiệu quả. Từ năm 2012 đến nay, đã có hơn 16 khóa học bồi dưỡng ngắn hạn dành cho cán bộ Việt Nam sang Xin-ga-po nghiên cứu về vấn đề xây dựng năng lực lãnh đạo, phát triển nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản lý công của nước này. Ngoài ra, trong 3 năm trở lại đây, Trường Công vụ Xin-ga-po cũng giúp Việt Nam đào tạo hơn 400 cán bộ cao cấp trong lĩnh vực quản trị công, lãnh đạo và quản lý nhà nước, quản lý đô thị, chính phủ điện tử, quản lý nước(6). Hơn nữa, là một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển nhất châu Á với môi trường học tập toàn diện, tạo nhiều cơ hội phát triển cho học sinh, sinh viên, Xin-ga-po còn là điểm đến hấp dẫn thứ 5 trong tốp các điểm đến của du học sinh Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, đến năm 2016, có khoảng 8.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Xin-ga-po.
Có thể thấy, thông qua các chương trình hợp tác giáo dục - đào tạo, các cơ sở đào tạo của cả hai phía có thể dễ dàng trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động liên kết về đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo của mình. Bên cạnh đó, các chương trình kết nối về giáo dục - đào tạo cũng góp phần cung cấp cho Việt Nam và Xin-ga-po một nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, tương đương với khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của cả hai nước.
Một số bài học kinh nghiệm
Từ quá trình hợp tác giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Xin-ga-po, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả và chất lượng hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước trong thời gian tới:
Một là, Việt Nam cần tranh thủ khai thác các nguồn học bổng, các dự án đầu tư, các chương trình viện trợ về cơ sở vật chất và thiết bị kỹ thuật cùng các nguồn lực khác mà Chính phủ Xin-ga-po cũng như các tổ chức khu vực dành cho Việt Nam.
Hai là, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển các hoạt động hợp tác song phương về đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ giữa các trường đại học của Việt Nam với các trường đại học của Xin-ga-po.
Ba là, đẩy mạnh các chương trình hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trên các lĩnh vực mà Xin-ga-po có thế mạnh, như khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin (ICT), kinh tế, quản lý giáo dục, quản lý công...
Bốn là, đẩy mạnh trao đổi và học tập những kinh nghiệm tốt về giáo dục - đào tạo của Xin-ga-po nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục của Việt Nam, từng bước hội nhập để đưa chất lượng đào tạo tương đương với khu vực và thế giới.
Năm là, tranh thủ các cơ hội để cử các giáo sư, giảng viên của Việt Nam tới giảng dạy tại các cơ sở đào tạo của Xin-ga-po; mở rộng các hoạt động giao lưu giữa giáo viên và học sinh của hai nước, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập, củng cố hòa bình, thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác.
Sáu là, trong hợp tác nói chung, hợp tác giáo dục nói riêng luôn trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng độc lập tự chủ của mỗi nước, hai bên cùng có lợi. Vì vậy, để tăng cường hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước, vấn đề cần rút kinh nghiệm là hợp tác phải có đi, có lại.
Tóm lại, việc chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của một nước có nền giáo dục phát triển trong khu vực, như Xin-ga-po sẽ giúp nền giáo dục Việt Nam nói riêng nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời giúp hai nước nói chung có nhiều yếu tố thuận lợi để củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược hơn nữa trên cơ sở mới, bình đẳng và cùng có lợi./.
Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xin-ga-po đứng thứ 2 trong số 29 quốc gia đang có các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về giáo dục tại Việt Nam, với 53 dự án có tổng vốn đầu tư là 98,32 triệu USD. Các địa phương hiện thu hút nhiều dự án FDI giáo dục của Xin-ga-po là Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và Vĩnh Phúc, với tổng số vốn lần lượt là 24,91 triệu USD; 22,05 triệu USD; 12,55 triệu USD và 17 triệu USD(7).
------------------------------------------------------
(1) Xem: http://vovworld.vn/vi-vn/Binh-luan/Tang-cuong-quan-he-Viet-Nam-singapore/80874.vov
(2) Mỗi năm, Xin-ga-po nhận 2 học sinh Việt Nam tham gia hoạt động này
(3) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo cáo ngày 21-12-2009, Chuẩn bị nội dung đón Thủ tướng Xin-ga-po
(4) Xem: https://baodautu.vn/viet-nam---singapore-lien-ket-dao-tao-theo-mo-hinh-moi-d67704.html
(5) Xem: http://www.vccinews.vn/news/13947/hop-tac-va-hoc-hoi-kinh-nghiem-trong-linh-vuc-giao-duc-cua-singapore.html
(6) Xem: https://vtv.vn/giao-duc/giao-duc-diem-sang-hop-tac-viet-nam-singapore-20141007121031197.htm
(7) Xem: http://baodautu.vn/viet-nam---singapore-lien-ket-dao-tao-theo-mo-hinh-moi-d67704.html
Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách  (06/04/2019)
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025  (06/04/2019)
Chủ tịch Quốc hội bắt đầu thăm làm việc với Nghị viện châu Âu tại Bỉ  (03/04/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên