Thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Myanmar
Trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam - Myanmar tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực: Quan hệ chính trị, an ninh và quốc phòng không ngừng được củng cố. Đặc biệt, quan hệ kinh tế-thương mại hai nước phát triển mạnh với kim ngạch thương mại song phương đạt 548,3 triệu USD năm 2016, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà hai nước đã đặt ra. Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar. Hợp tác trên những lĩnh vực khác tiếp tục được củng cố, tăng cường.
Qua chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên cho rằng cần phát huy mạnh mẽ đà phát triển hiện nay; tích cực hỗ trợ nhau tổ chức rộng rãi các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư nhằm tăng giá trị thương mại, chú trọng hợp tác trên các lĩnh vực mang tính cầu nối, mở đường như ngân hàng, tài chính, hàng không, viễn thông, các lĩnh vực thế mạnh có yếu tố bổ sung cho nhau như: Khoáng sản, nông, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, hàng tiêu dùng. Tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý kinh tế, đổi mới thể chế và cải cách cơ cấu ở cả ba cấp độ: Chính quyền, học giả và doanh nghiệp.
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, cần tăng cường kết nối hạ tầng giao thông vận tải. Hai bên nhất trí tăng cường kết nối cả về hàng không, đường bộ và đường thủy như: Hợp tác xây dựng cảng biển, vận tải biển, đóng tàu, hợp tác vận tải hàng không, trong đó xem xét khả năng liên doanh lập hãng hàng không hai nước và phát triển các tuyến đường bộ kết nối giữa hai nước và trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) và hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), vận tải hành khách và hàng hóa trên các tuyến hành lang kinh tế nối liền hai nước để thúc đẩy quá trình giao lưu thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Myanmar nói riêng và trong khu vực nói chung.
Gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và Myanmar
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Myanmar.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, sáng 26-8, tại Yangon, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Myanmar. Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, kinh tế tăng trưởng khá, kinh tế - xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại được tăng cường, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Phó Thủ tướng nêu rõ là nước đang phát triển, Việt Nam rất coi trọng sự hợp tác, giúp đỡ, những kinh nghiệm và nguồn lực từ bên ngoài; mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam hợp tác làm ăn.
Trong những năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar có chiều hướng tăng. Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar. Tính đến đầu năm 2017, Việt Nam có 59 dự án đầu tư vào Myanmar với vốn đăng ký 1,42 tỷ USD, với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp, tổng công ty lớn như FPT, BIDV, VIETTEL… Hai nước có thêm những đường bay trực tiếp, tạo thuận lợi cho giao thương, du lịch giữa hai nước.
Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương mới đạt 500 triệu USD. Phó Thủ tướng cho rằng, tiềm năng và thế mạnh trong hợp tác kinh tế của hai nước còn nhiều, nhất là các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, có thể bổ sung cho nhau như ngân hàng, tài chính, hàng không, viễn thông, khai thác khoáng sản, nông - lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, sản xuất hàng tiêu dùng... Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh có thể xuất khẩu sang Myanmar và ngược lại Myanmar có thể xuất khẩu sang Việt Nam nhưng mặt hàng thế mạnh của mình.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về môi trường pháp lý và hạ tầng cơ sở cho đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Myanmar sang Việt Nam hợp tác, đầu tư.
Phó Thủ tướng cho rằng trên cơ sở của khuôn khổ quan hệ mới vừa được thiết lập, hai bên đẩy mạnh nghiên cứu để sớm hình thành các cơ chế hợp tác hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của hai nước đẩy mạnh đầu tư vào thị trường của nhau. Phó Thủ tướng mong muốn Chính phủ và các doanh nghiệp Myanmar ghi nhận sự đồng hành của các doanh nghiệp Việt Nam và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Myanmar. Các doanh nghiệp hai nước chính là những người đóng góp tích cực vào việc hiện thực hóa khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện, đưa mối quan hệ hai nước đi vào thực chất, hiệu quả.
Tại cuộc gặp, đại diện các doanh nghiệp hai nước bày tỏ cảm ơn đối với sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo hai nước và cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa, làm ăn kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hiện thực hóa những thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Công ty MyTel: Nhà mạng có hạ tầng lớn nhất Myanmar
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó
Tổng thống Myanmar U Myint Swe đã tới thăm và cắt băng khai
trương Văn phòng Trụ sở Công ty MyTel.
Cũng trong sáng 26-8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng thống Myanmar U Myint Swe (U Min Xuề) đã tới thăm và cắt băng khai trương Văn phòng Trụ sở Công ty MyTel (Telecom International Myanmar), tại thành phố Yangon. Cùng tham dự buổi lễ có nhiều vị lãnh đạo cấp cao của hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, chúc mừng những thành công bước đầu của MyTel. Tổng Bí thư cho biết chuyến thăm cấp nhà nước tới Myanmar đã thành công tốt đẹp. Hai bên đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar phát triển sâu rộng và toàn diện hơn. Tập đoàn Viettel có danh tiếng, uy tín lớn không chỉ trong ngành viễn thông, mà trong hoạt động kinh tế nói chung.
Sau hơn 27 năm hình thành và phát triển, Viettel đã trở thành một Tập đoàn lớn mạnh, đóng góp lớn đối với nền kinh tế. Năm 2016, với doanh thu hơn 11 tỷ USD, lợi nhuận gần 2 tỷ USD, Viettel đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước 1,7 tỷ USD. Viettel cũng đầu tư ra nước ngoài sớm và hiệu quả, hiện đã đầu tư tại 11 quốc gia ở khắp 3 châu lục, có vùng phủ thị trường lên đến 320 triệu dân, mang lại doanh thu hàng năm tới 1,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, tạo việc làm cho hơn 11.000 người lao động.
Tại thị trường Myanmar, Viettel tiếp tục là một trong những cầu nối quan trọng của tình hữu nghị và hợp tác, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của hai nước. Tại thời điểm khai trương, MyTel sẽ là nhà mạng có hạ tầng lớn nhất Myanmar với gần 7.200 trạm phủ sóng tới 90% dân số Myanmar.
Tổng Bí thư chúc mừng MyTel được thành lập và bước đầu hoạt động tại Myanmar. Đây là dịp tốt để tính toán phương hướng làm ăn kinh doanh sắp tới; triển khai những thỏa thuận hợp tác đã đạt được sao cho hiệu quả, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, mà phải hết sức chú ý tính chính trị, ngoại giao, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý MyTel không chạy theo lợi nhuận đơn thuần, mà thông qua hoạt động kinh doanh, khẳng định và nâng cao uy tín của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, giá trị Việt Nam. Viettel là đơn vị của quân đội hoạt động kinh tế hiệu quả và đã khẳng định được uy tín của mình, làm sao để lan tỏa từ Viettel sang Mytel.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn Chính phủ và các đối tác của Myanmar đã tạo điều kiện thuận lợi cho MyTel triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh, đạt được những kết quả bước đầu.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng thống Myanmar U Myint Swe đã chứng kiến MyTel ký kết hợp tác với Bộ Giáo dục Myanmar về hỗ trợ kết nối Internet cho hơn 1.350 trường học, hợp tác phát triển phần mềm quản lý giáo dục, trang bị máy tính cho trường phổ thông.
Vietjet mở đường bay mới Hà Nội-Yangon
Vietjet khai trương đường bay mới Hà Nội-Yangon.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar U Ohn Maung cùng các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, Myanmar và đại diện Vietjet thực hiện nghi thức công bố đường bay.
Sáng 26-8, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại thành phố Yangon, Hãng hàng không Vietjet tổ chức Lễ công bố chính thức mở đường bay Hà Nội (Việt Nam)-Yangon (Myanmar).
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; nhiều lãnh đạo cấp cao hai nước và đông đảo đối tác và người dân Myanmar.
Đường bay mới Hà Nội-Yangon nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển, du lịch của người dân và du khách, góp phần thúc đẩy giao thương và hội nhập trong khu vực.
Đường bay sẽ được khai thác khứ hồi hàng ngày, thời gian bay mỗi chặng khoảng gần 2 giờ đồng hồ.
Chuyến bay sẽ khởi hành từ Hà Nội lúc 12 giờ 05, đến Yangon lúc 13 giờ 30 (giờ địa phương); chiều ngược lại, khởi hành từ Yangon lúc 14 giờ 30 (giờ địa phương) và đến Hà Nội lúc 16 giờ 55.
Sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội-Yangon là đường bay thứ hai Vietjet Air khai thác đến đất nước Myanmar xinh đẹp./.
Tổng Bí thư tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Myanmar-Việt Nam  (27/08/2017)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi điện cảm ơn Tổng thống Myanmar  (27/08/2017)
Trao đổi lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản  (27/08/2017)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng gặp doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar  (27/08/2017)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay