Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu dự báo chiến lược nhằm chủ động bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự trong tình hình mới

Tô Lâm Thượng tướng, GS, TS, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
18:02, ngày 22-07-2017

TCCS - Dự báo chiến lược là một nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của các cấp, các ngành. Nhiệm vụ này thường được giao cho các viện nghiên cứu chiến lược, các cơ quan tham mưu tổ chức nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình, làm cơ sở để tham mưu, đề xuất việc hoạch định đường lối, chính sách, biện pháp ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra.

Bảo vệ an ninh, trật tự là một lĩnh vực rất nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến các mặt của đời sống xã hội, đến chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước; chịu sự tác động đa chiều của các yếu tố tích cực cũng như tiêu cực của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt là âm mưu chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, hoạt động phá hoại của các loại tội phạm. Vì vậy, việc nghiên cứu dự báo chiến lược để giành thế chủ động trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra bị động, bất ngờ là một nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an thường xuyên quan tâm chỉ đạo và đã thu được những kết quả quan trọng.

Trong quá trình nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước, nhất là những chính sách, chiến lược của các nước lớn tác động đến lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam, lực lượng công an nhân dân đã cung cấp những luận cứ quan trọng phục vụ Đảng, Nhà nước nhận định, đánh giá sát, đúng tình hình, nhận diện thời cơ và thách thức đối với công cuộc đổi mới đất nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng các quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đánh giá, dự báo các yếu tố tác động đến an ninh, trật tự của đất nước, nhất là âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch; hoạt động của các loại tội phạm; các thách thức an ninh phi truyền thống..., Bộ Công an đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng các quan điểm, chủ trương, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Trong đó, đặc biệt coi trọng việc phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, đối ngoại; góp phần hình thành, phát triển đường lối kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những nội dung này đã được Đảng chỉ đạo trong nhiều văn kiện, nhất là các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng hậu cần - kỹ thuật công an nhân dân.

Từ kết quả công tác nghiên cứu chiến lược, kết hợp với việc triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, lực lượng công an đã nắm bắt kịp thời âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm. Trên cơ sở đó, chủ động xây dựng và triển khai các chiến lược, đề án, kế hoạch, chuyên đề công tác lớn, đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu, hoạt động tình báo, gián điệp, bạo loạn, lật đổ, khủng bố, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, bảo đảm an ninh các vùng chiến lược và các thành phố lớn, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, các sự kiện quốc tế được tổ chức ở Việt Nam; chủ động phát hiện, triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, triệt xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, điều tra, khám phá có hiệu quả nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, ma túy sử dụng công nghệ cao đặc biệt nghiêm trọng.

Trong công tác nghiên cứu chiến lược, lực lượng công an đã tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành nghiên cứu làm rõ những vấn đề mới, phức tạp liên quan đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đồng thời xây dựng các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn, như vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; an ninh trong lĩnh vực tôn giáo, dân tộc, an ninh nông thôn; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Những kết quả đạt được trong công tác nắm, nghiên cứu dự báo tình hình của lực lượng công an nhân dân thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao. Tại Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, đến dự và chỉ đạo Đại hội đã đánh giá: “Lực lượng công an nhân dân đã chủ động nắm chắc, phân tích, dự báo sát, đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp cơ bản, chiến lược về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và ứng phó kịp thời trước những vấn đề mới, nhạy cảm của thế giới, khu vực tác động tiêu cực vào nước ta, góp phần thiết thực bảo đảm an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ và phát triển kinh tế - xã hội”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu dự báo chiến lược của lực lượng công an nhân dân vẫn còn một số hạn chế, như công tác dự báo có nơi, có lúc chưa kịp thời, chất lượng còn thấp, một số dự báo chưa mang tầm chiến lược; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong nghiên cứu dự báo chiến lược chưa chặt chẽ; đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu dự báo còn hạn chế, bất cập. Hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu dự báo chiến lược tuy đã được đặt ra nhưng kết quả thu được còn hạn chế.

Thời gian tới, hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn của thời đại. Tuy nhiên, tình hình chính trị, an ninh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố và những thách thức an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, bệnh dịch, an ninh mạng... diễn ra gay gắt, phức tạp hơn, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định ở các khu vực và quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ở trong nước, qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm tăng thế và lực của đất nước, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn hiển hiện, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Một số vùng chiến lược, trọng điểm còn tiềm ẩn yếu tố mất an ninh, trật tự; nguy cơ xảy ra khủng bố, chiến tranh mạng, mất an ninh, an toàn thông tin, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm có xu hướng gia tăng, trật tự, an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng triệt để lợi dụng những khó khăn của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội để đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” hòng chống phá ta về chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo.

Trong bối cảnh đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, công tác nghiên cứu dự báo chiến lược của lực lượng công an nhân dân cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục quán triệt thực hiện quan điểm, đường lối bảo vệ Tổ quốc của Đảng được nêu trong Văn kiện Đại hội XII và Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25-10-2013, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quan điểm: “Nâng cao chất lượng công tác dự báo, nắm chắc tình hình; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố, nhất là những nhân tố bên trong có thể dẫn đến những đột biến, bất lợi”(1). Tạo ra sự thống nhất và sự chuyển biến đột phá về nhận thức trong toàn lực lượng, trước hết là trong nhận thức của đội ngũ cán bộ cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ tham mưu và lực lượng trực tiếp làm công tác nghiên cứu dự báo chiến lược về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu dự báo trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Quán triệt chủ trương, đường lối bảo vệ Tổ quốc của Đảng, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình để nâng cao chất lượng toàn diện công tác nghiên cứu dự báo chiến lược; đưa ra những luận cứ khoa học vững chắc phục vụ có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Hai là, tập trung chỉ đạo công tác tổ chức, nắm và phân tích, tổng hợp tình hình, dự báo tình hình quốc tế và khu vực, nhất là sự điều chỉnh chính sách, chiến lược của các nước lớn, các nước láng giềng tác động tới lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam; các yếu tố quốc tế và trong nước tác động đến công tác bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là âm mưu hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động; tình hình an ninh, trật tự ở các vùng chiến lược, các thành phố lớn, khu vực biên giới, biển, đảo; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình hình tội phạm và các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống. Trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước quan điểm, giải pháp chủ động ứng phó, giải quyết kịp thời nhằm bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự trong mọi tình huống.

Ba là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu chiến lược chuyên trách của Bộ Công an với các tổng cục, bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ, công an, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để huy động các nguồn thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu chiến lược về bảo vệ an ninh, trật tự. Tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu chiến lược của các bộ, ngành có liên quan để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin và huy động trí tuệ của các chuyên gia vào quá trình nghiên cứu dự báo chiến lược về an ninh, trật tự.

Bốn là, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần đẩy mạnh quan hệ quốc tế về nghiên cứu dự báo chiến lược. Tạo điều kiện để các đơn vị chuyên trách nghiên cứu chiến lược, các cơ quan tham mưu tiếp xúc, mở rộng quan hệ với các cơ quan nghiên cứu chiến lược của cảnh sát, công an các nước, các trung tâm nghiên cứu quốc tế độc lập để tham khảo kinh nghiệm, trao đổi thông tin, đánh giá tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới, khu vực.

Năm là, kiện toàn tổ chức, nâng cao trình độ, năng lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan chuyên trách nghiên cứu chiến lược về an ninh, trật tự. Nghiên cứu dự báo chiến lược là một dạng nghiên cứu khoa học, sản phẩm tạo ra có giá trị cao về thực tiễn và lý luận, giúp cho việc hoạch định đúng đắn, kịp thời các chủ trương, chính sách ở tầm vĩ mô. Vì vậy, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu chiến lược là những người có kinh nghiệm thực tiễn, tư duy khoa học, có khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá và dự báo. Tổng kết thực tiễn, xây dựng, hoàn thiện lý luận về dự báo chiến lược. Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác nghiên cứu dự báo chiến lược về an ninh, trật tự. Nghiên cứu dự báo chiến lược có vai trò rất quan trọng nhưng cũng là một nhiệm vụ khó khăn, mang tính đặc thù, do vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp để cán bộ làm công tác này yên tâm, toàn tâm, toàn ý cho công tác./.

----------------------------------------

(1) Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25-10-2013, của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới