Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 15 đến ngày 21-5-2017)
TCCSĐT - Vào trung tuần tháng 5-2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thực hiện chuyến thăm Mỹ. Đây là chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ và được coi là cơ hội hàn gắn quan hệ giữa hai nước sau những căng thẳng kéo dài.
Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực hàn gắn quan hệ đồng minh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump họp báo sau hội đàm. Ảnh: Getty
Tại cuộc gặp ở Nhà Trắng với người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan đã ca ngợi mối quan hệ “nổi bật” với Mỹ và nhấn mạnh Mỹ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hòa bình và ổn định trên toàn cầu. Tổng thống T. Erdogan đã ngừng chỉ trích trực tiếp việc Washington cung cấp vũ khí cho nhóm vũ trang người Kurd ở Syria, song nhấn mạnh Ankara sẽ không chấp nhận sự hiện diện của các đơn vị người Kurd trong khu vực. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ sẵn sàng hợp tác với Mỹ chống lại các nhóm khủng bố trong khu vực.
Về phần mình, Tổng thống D. Trump nhấn mạnh hai nước “có mối quan hệ tuyệt vời và sẽ làm cho nó tốt đẹp hơn”, đồng thời tuyên bố Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đảng Công nhân người Kurd (PKK). Ông D. Trump cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với mọi nỗ lực giảm thiểu bạo lực tại Syria để hướng đến một giải pháp hòa bình. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cho biết các trang thiết bị quân sự mà phía Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng sẽ được chuyển giao trong thời gian sớm nhất.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều kêu gọi xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồng thời cam kết sẽ hàn gắn quan hệ song phương, bất chấp những khác biệt còn tồn đọng hiện nay. Hai bên cũng nhất trí sẽ hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại, kinh tế.
Quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập từ nhiều thập niên qua. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng kể từ sau khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành của một nhóm trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7-2016. Sau khi nhanh chóng đập tan cuộc đảo chính quân sự ngày 15-7 và củng cố quyền lực, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức tiến hành chiến dịch thanh lọc với việc bắt giữ và sa thải hàng trăm nghìn binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán, giáo viên và viên chức nhà nước…
Trong chiến dịch thanh lọc này, chính quyền Tổng thống T. Erdogan đã đưa ra yêu cầu đối với Mỹ về việc dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo F. Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ - nhân vật bị Ankara cáo buộc là chủ mưu cuộc đảo chính quân sự bất thành, về nước để xét xử. Tuy nhiên, phía Mỹ đã từ chối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp đầy đủ bằng chứng cho thấy giáo sĩ F. Gulen dính dáng đến cuộc đảo chính. Ngày 25-7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ M. Cavusoglu đã tuyên bố quan hệ giữa nước này với Mỹ sẽ bị tác động nếu Washington không dẫn độ giáo sĩ F. Gulen.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên căng thẳng hơn khi ngày 09-5 vừa qua, chính quyền Tổng thống D. Trump quyết định cung cấp vũ khí cho lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria, vốn bị chính quyền Ankara coi là khủng bố. Ngày 10-5, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ chấm dứt chính sách cung cấp vũ khí cho YPG tại Syria, nhấn mạnh rằng “không thể chấp nhận” việc một đồng minh NATO hậu thuẫn nhóm mà chính quyền Ankara coi là phiến quân.
Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, dù còn tồn tại những bất đồng song Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vẫn cam kết tạo “năng lượng mới” cho quan hệ song phương, bởi cả Ankara và Washington đều đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực cùng nhau giải quyết những thách thức chung đang đối mặt, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh trước mối đe dọa khủng bố. Với vị trí địa chiến lược quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép các lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu sử dụng căn cứ không quân Incirlik gần biên giới Syria để tiến hành các chiến dịch không kích chống IS và đã mang lại nhiều hiệu quả. Ngay cả khi hai bên còn những bất đồng sâu sắc trên mặt trận chống IS ở Syria, tầm quan trọng về địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khiến Mỹ không thể bỏ qua.
Vì vậy, tại cuộc gặp với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim bên lề một hội nghị quốc tế diễn ra ở thủ đô London (Anh) mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis tuyên bố sẽ bảo vệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có việc thắt chặt an ninh tại khu vực biên giới phía Nam của nước này, tiếp giáp với Syria. Đồng thời, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng khẳng định những bất đồng giữa hai nước sẽ dần được giải quyết.
Ankara luôn coi chính quyền của Tổng thống D. Trump là một khởi đầu mới, là cơ hội lớn để tăng cường hợp tác song phương.
Pháp - Đức nỗ lực đem đến một “làn gió mới” cho EU
Thủ tướng Đức A. Merkel và Tổng thống Pháp E. Macron trong cuộc gặp tại Berlin. Ảnh: hanoimoi.com.vn
Ngày 15-5, tân Tổng thống Pháp E. Macron đã tới Berlin hội kiến Thủ tướng Đức A. Merkel trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Mục đích chuyến thăm của tân Tổng thống Pháp là nhằm tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ với Đức trong nỗ lực vực dậy Liên minh châu Âu (EU) vốn đang chia rẽ sâu sắc.
Tại cuộc hội đàm, tân Tổng thống Pháp E. Macron nhấn mạnh việc hợp tác giữa Pháp và Đức cần những hành động thực tế hơn. Tân Tổng thống Pháp cũng hy vọng rằng, Pháp và Đức sẽ vạch ra được một lộ trình cải cách EU. Ông E. Macron mong muốn trong tương lai EU sẽ bớt quan liêu hơn và có khả năng tự bảo vệ tốt hơn. Đối với Pháp, việc thay đổi hiệp ước châu Âu trong việc cải tổ EU không phải là một điều cấm kỵ.
Về phần mình, Thủ tướng Đức A. Merkel cho rằng, đây là một thời khắc quan trọng của EU, và EU chỉ mạnh khi nước Pháp mạnh. Nhà lãnh đạo Đức cũng khẳng định tương lai của Đức nằm tại châu Âu, do vậy về lâu dài, nước Đức sẽ vận hành tốt chỉ khi bộ máy châu Âu vận hành tốt. Đồng ý với ý tưởng cải tổ EU và sẵn sàng thay đổi hiệp ước nhưng theo bà A. Merkel, trước hết, các bên phải xác định mong muốn EU cải tổ điều gì sau đó mới bắt tay tiến hành các bước tiếp theo. Thủ tướng A. Merkel hy vọng Đức và Pháp sẽ phối hợp tốt với nhau để vạch ra được một lộ trình giúp quá trình hội nhập của EU trở nên sâu sắc hơn, đồng thời giúp Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có khả năng chống chọi tốt hơn trước các cuộc khủng hoảng.
Việc tân tổng thống E. Macron lựa chọn Đức là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức cho thấy Đức dường như đã trở thành một điểm đến không thể thiếu trong đời sống chính trị Pháp. Thực tế cho thấy, kể từ năm 1963 khi Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer đặt bút ký Hiệp ước Élysée, hợp tác Đức - Pháp đã trở thành một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của hai quốc gia và phát triển thành động lực của sự hợp nhất châu Âu. Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã ghi dấu ấn cho sự hợp tác bằng việc “chung sức” giải quyết cuộc khủng hoảng của Eurozone, vấn đề nhập cư cũng như cuộc chiến chống khủng bố mà cả châu Âu đang phải đối mặt.
Giới quan sát cho rằng, việc ông E. Macron trở thành Tổng thống Pháp cũng không làm thay đổi nhiều mối quan hệ giữa Paris và Berlin. Chỉ có điều, vấn đề nổi cộm nhất của EU hiện nay không chỉ có tăng trưởng kinh tế, đối phó với khủng bố, giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư mà chính là sự thống nhất và đoàn kết trong liên minh. Sau sự kiện Anh rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit cùng sự nổi lên của phong trào dân túy lan rộng khắp châu Âu, đây sẽ là nhiệm vụ nặng nề nhất cho hai quốc gia có nền kinh tế hàng đầu EU là Đức và Pháp. Mặc dù chính sách đối ngoại của tân Tổng thống E. Macron vẫn là một ẩn số nhưng chắc chắn thúc đẩy quan hệ với Đức là ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo này. Về phía Đức, Thủ tướng A. Merkel cũng thực sự “thở phào” khi ông E. Macron giành chiến thắng, đồng thời khẳng định Berlin sẽ làm mọi việc không chỉ để ủng hộ Pháp mà còn cùng với Pháp định hình đường hướng châu Âu.
Có thể thấy, nhiệm vụ lớn nhất phía trước của tân Tổng thống Pháp E. Macron và Thủ tướng Đức A. Merkel sẽ là tái khởi động “dự án” gắn kết châu Âu. Vì thế, chuyến công du đầu tiên của tân Tổng thống Pháp được cho là đã đặt những viên gạch đầu tiên cho dự án quan trọng mà cả Pháp và Đức đều là những thành viên chủ chốt.
Chính trường Brazil tiếp tục chìm trong khủng hoảng
Tòa án Tối cao chính thức mở cuộc điều tra về cáo buộc Tổng thống M. Temer. Ảnh: TTXVN
Chính phủ Brazil đang đối mặt với thách thức lớn khi hàng nghìn người dân tại các thành phố lớn xuống đường biểu tình đòi Tổng thống Michel Temer phải từ chức, sau khi Tòa án Tối cao nước này chính thức cho phép mở cuộc điều tra về cáo buộc Tổng thống M. Temer ngăn cản điều tra vụ bê bối tham nhũng lớn chưa từng có ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Những diễn biến này khiến chính trường Brazil chìm sâu trong khủng hoảng.
Ngày 18-5, Tòa án Tối cao Brazil quyết định tiến hành điều tra những cáo buộc về việc Tổng thống nước này M. Temer mua chuộc nhân chứng khi ra lệnh trả tiền cho cựu Chủ tịch Hạ viện E. Cunha, người đang thụ án 15 năm tù vì nhận hàng trăm triệu USD tiền hối lộ, để đổi lấy sự im lặng của ông này trong vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras và cản trở cơ quan tư pháp trong quá trình điều tra vụ tham nhũng tiền tỷ này. Ông M. Temer, người nhậm chức cách đây một năm sau khi người tiền nhiệm D. Rousseff bị bãi nhiệm cũng vì liên quan tới các bê bối tham nhũng, cam kết sẽ đưa Brazil thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong lịch sử bằng các chính sách thắt lưng, buộc bụng. Nhiều nghị sĩ đã yêu cầu mở một phiên tòa chính trị tại Quốc hội xem xét tư cách đạo đức của Tổng thống M. Temer, như đã từng xảy ra với bà D. Rousseff.
Sau khi Tòa án Tối cao Brazil ra quyết định chính thức tiến hành điều tra cáo buộc Tổng thống M. Temer, hàng nghìn người dân tại thành phố Río de Janeiro và Sao Paulo, đã xuống đường biểu tình đòi Tổng thống Temer phải từ chức. Ngày 19-5, Hạ viện Brazil cho biết sẽ tiến hành xem xét sửa đổi Hiến pháp vào ngày 23-5, mở đường cho khả năng tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm sau khi Tòa án Tối cao ra lệnh tiến hành điều tra cáo buộc Tổng thống M. Temer.
Vụ bê bối Petrobras bị phanh phui từ tháng 3-2014 sau khi ông R. Costa, Giám đốc Cung ứng của Petrobras, khai báo nhận tiền hối lộ từ mạng lưới rửa tiền quy mô lớn do những doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil là đối tác của tập đoàn này cấu kết thành lập. Vụ bê bối này đã gây chấn động chính trường Brazil khi hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang cũng nằm trong diện bị điều tra. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil liên quan đến vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras đã trở thành một trang tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này.
Cam kết mạnh mẽ bảo vệ Trái Đất
Các nước cam kết bảo vệ Trái Đất. Ảnh: The Spectacles
Nguy cơ Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã phủ bóng đen lên các cuộc làm việc tại Hội nghị về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, kéo dài từ ngày 08 đến ngày 18-5 tại thành phố Bonn (Đức). Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày làm việc, hội nghị đã bế mạc với việc các quan khách tham dự đều thể hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ đối phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Fiji F. Bainimarama cảnh báo không nơi nào trên thế giới có thể thoát khỏi tác động của biến đổi khí hậu, tất cả các nước đều dễ bị tổn thương và do đó đều cần phải hành động. Ông cho biết Miami và New York là những thành phố biển đầu tiên trên thế giới đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng từ tình trạng nước biển gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu, tương tự như những hòn đảo nằm dưới mực nước biển như Fiji. Đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương này là quốc gia chủ trì luân phiên hội nghị về chống biến đổi khí hậu cấp bộ trưởng tiếp theo vào tháng 11 tới.
Trước thông tin Mỹ trì hoãn đưa ra quyết định về Hiệp định Paris, tại Hội nghị, các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia ký kết văn kiện trên đã thảo luận và theo dõi sát sao những dấu hiệu cho thấy động thái tiếp theo của chính quyền Tổng thống Mỹ D. Trump. Trước đó, trong ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị, Nhà Trắng thông báo hoãn cuộc họp nhằm đánh giá vai trò của Mỹ trong tương lai đối với Hiệp định Paris, làm dấy lên quan ngại giữa các nước tham gia thỏa thuận. Tuy nhiên, tâm lý lo ngại không ảnh hưởng tới bầu không khí thảo luận sôi nổi tại các cuộc đàm phán, trong đó đề ra “bộ quy tắc” cho việc thực thi các mục tiêu của Hiệp định Paris. Phái đoàn của Mỹ đã tham gia các cuộc thảo luận này, song với tâm lý có phần thận trọng.
Giới quan sát nhận định các hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - các nhóm quốc gia chiến lược mà Mỹ là một thành viên, có ý nghĩa quan trọng trong việc gây áp lực đối với Tổng thống D. Trump. Hiện đang có sự chia rẽ sâu sắc trong chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump về việc Washington có nên rút khỏi Hiệp định Paris hay không. Trong khi Ngoại trưởng R. Tillerson và Trợ lý Nhà Trắng Ivanka Trump muốn Mỹ tiếp tục tham gia văn kiện này thì Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) S. Pruitt và chiến lược gia Nhà Trắng S. Bannon có ý kiến ngược lại. Ngay bản thân Tổng thống D. Trump cũng có sự mâu thuẫn. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông từng tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Paris, song lại tỏ ra do dự về vấn đề này kể từ khi nhậm chức.
Hội nghị về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Bonn nhằm bắt đầu phác thảo “bộ quy tắc” hướng dẫn các quốc gia thành viên thực hiện thỏa thuận nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua biện pháp cắt giảm khí thải nhà kính. Bộ quy tắc này phải được hoàn thành trước năm 2018, thời điểm diễn ra đợt đầu đánh giá lượng khí thải nhà kính được cắt giảm. Tuy nhiên, lộ trình này có nguy cơ bị trì hoãn và thậm chí có thể bị đảo lộn khi thành viên có mức khí thải nhà kính cao thứ hai thế giới là Mỹ có khả năng rút khỏi thỏa thuận.
Diễn đàn Kinh tế thế giới về Trung Đông, Bắc Phi kêu gọi hỗ trợ thanh niên
Ảnh minh họa. Ảnh: premiumswitzerland.com
Ngày 20-5, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Trung Đông và Bắc Phi đã chính thức khai mạc tại Jordan với sự tham dự của hơn 1.100 chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp đến từ hơn 50 quốc gia. Trọng tâm của diễn đàn nhằm kêu gọi tăng hỗ trợ cho thanh niên cũng như tìm cách giải quyết vấn đề thất nghiệp và nạn nghèo đói.
Các quan chức tại diễn đàn cho rằng, sự ủng hộ về mặt tinh thần và vật chất cho thanh niên tại Trung Đông cũng như cải cách giáo dục là những yếu tố cốt lõi để các nước trong khu vực đối phó với những thách thức gia tăng. Diễn đàn nhấn mạnh giới trẻ tại điểm nóng này cần được hỗ trợ hơn bao giờ hết trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao, dân số tăng nhanh, sự lan rộng của các phong trào cực đoan và những biến động chính trị khiến thế hệ trẻ ngày càng tuyệt vọng. Các ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra những sáng kiến mới và hành động khẩn cấp khi 31% thanh niên trong khu vực đang đối mặt thất nghiệp. Theo các chuyên gia, các nhà tuyển dụng hiện chưa sử dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả, đặc biệt những phụ nữ có trình độ.
Phát biểu tại diễn đàn, Thái tử Jordan Hussein cho biết, điều cần nhất đối với giới trẻ trong khu vực hiện nay là sự hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất để họ có cơ hội công bằng, cơ hội được lắng nghe và tạo sự khác biệt. Trong khi đó, Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI kêu gọi các nước khu vực cần chung tay để giải quyết những thách thức chung về an ninh, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác. Nhà vua cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục trong giải quyết các thách thức, kêu gọi hợp tác với các nước bạn ở Trung Đông và Bắc Phi cũng như toàn thế giới nhằm vượt qua những thách thức và nắm bắt các cơ hội.
Đề cập đến những tiến triển gần đây của quân đội Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố, Tổng thống Iraq F. Masoum cho rằng, hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố nên song hành với công tác xóa bỏ nghèo đói và thất nghiệp. Theo ông, đầu tư và phát triển là những yếu tố then chốt để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Về phần mình, Tổng thống Niger M. Issoufou kêu gọi các nước tăng cường phối hợp chống khủng bố và tội phạm, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế tăng viện trợ cho khu vực. Ông cũng cho rằng giáo dục là chìa khóa để đối phó với những thách thức trong khu vực và tạo công ăn việc làm sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế số người di cư thiệt mạng khi liều lĩnh vượt qua sa mạc và Địa Trung Hải./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 15 đến ngày 21-5-2017  (22/05/2017)
Tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế và ngành giáo dục và đào tạo  (22/05/2017)
Đêm thứ hai của Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 diễn ra với nhiều sắc màu rực rỡ  (22/05/2017)
Thủ tướng Australia sẽ phát biểu dẫn đề ở Đối thoại Shangri-La 16  (21/05/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên