Chính sách cấm vận Nga của Mỹ và phương Tây sẽ đi đến đâu?
TCCSĐT - Ngày 07-9, một lần nữa, Mỹ quyết định mở rộng danh sách trừng phạt các công ty của Nga, còn EU cũng gia hạn thêm một số lĩnh vực trong lệnh trừng phạt Nga do liên quan đến các sự kiện tại Crưm và xung đột tại U-crai-na. Với những gì đang diễn ra, ngày càng có nhiều người Mỹ và phương Tây đặt câu hỏi: Liệu vũ khí kinh tế này có bị lạm dụng và thiếu hiệu quả, thậm chí mang lại hậu quả tiêu cực không?
Cái giá của sự cấm vận
Chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma tuyên bố rằng, các biện pháp trừng phạt vẫn có tác dụng nhất định để ngăn chặn kịch bản của sự xâm lược từ nước Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, các biện pháp trừng phạt đã tạo ra hậu quả lớn về kinh tế và chính trị đối với cả Mỹ và các đồng minh châu Âu của mình.
Ở châu Âu, hậu quả này đang ngày càng hiện rõ. Theo ước tính của Ủy ban châu Âu, năm 2015, các biện pháp trừng phạt đã cắt giảm mức tăng trưởng bằng 0,3% GDP của châu Âu. Trong khi đó, một số ngân hàng châu Âu, như Société Générale (Pháp) và Raiffeisen Zentralbank (Áo), đã dành các khoản vay lớn cho những công ty của Nga, khiến khả năng các ngân hàng này có nguy cơ thiếu ổn định, thậm chí có thể phải yêu cầu cứu trợ tài chính nếu các khách hàng bị vỡ nợ.
Các công ty năng lượng của Mỹ cũng phải từ bỏ nhiều liên doanh khác nhau ở Nga, mất quyền tiếp cận hàng tỷ USD đầu tư. Lệnh cấm cung cấp công nghệ và dịch vụ cho các công ty của Nga khiến nhiều doanh nghiệp phương Tây trở thành “kẻ ngoài cuộc” trong các dự án khoan độc quyền ở Bắc Cực và nhiều nơi khác. Ví dụ, tập đoàn ExxonMobil bị buộc phải rút khỏi 10 liên doanh với Rosneft, trong đó có một dự án trị giá 3,2 tỷ USD ở biển Ka-ra. Tuy dự án này đang ở giai đoạn đầu, việc hủy bỏ sẽ không gây tổn hại đến lợi nhuận trước mắt của ExxonMobil, nhưng về lâu dài, tập đoàn này sẽ không thể tiếp cận các dự án phát triển thăm dò khai thác bên trong nước Nga, khiến lợi nhuận tương lai, cũng như mức định giá chứng khoán của tập đoàn phải đối diện nguy cơ và nhiều khả năng họ sẽ bị mất toàn bộ số tiền đầu tư. Các biện pháp trừng phạt có thể đạt được mục tiêu làm giảm thu ngân sách của Nga, nhưng điều đó cũng sẽ dẫn đến hệ quả là tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng. Trung tâm tư vấn năng lượng IHS Cambridge Energy Research Associates dự đoán, nếu các lệnh trừng phạt vẫn tiếp diễn, sản lượng dầu của Nga có thể giảm từ 10,5 triệu thùng mỗi ngày hiện nay xuống mức 7,6 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2025. Điều này sẽ giáng đòn mạnh vào các nước châu Âu, bởi một phần ba nguồn cung dầu hiện giờ của họ vẫn đến từ Nga. Thậm chí họ còn phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt từ Nga, bởi dòng lưu thông khí đốt phụ thuộc vào các đường ống cố định, rất khó thay thế.
Ngoài ra, sự cấm vận Nga đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu chia rẽ trong các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Mới đây, Hạ viện Pháp đã bỏ phiếu về một thỏa thuận nhằm bãi bỏ các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga. Đ. Béc-ga-mi-ni (Deborah Bergamini), nhà lập pháp người I-ta-li-a, thành viên Hội đồng nghị viện của Hội đồng châu Âu nhận định: “Cấm vận là một thất bại hoàn toàn. I-ta-li-a đã mất ít nhất 1,25 tỷ ơ-rô hàng hóa xuất khẩu kể từ khi Mỹ và EU thi hành lệnh cấm vận Nga từ năm 2014”(1). Hiện ở Đức đang có làn sóng kêu gọi bãi bỏ cấm vận. Tháng 5-2016, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức X. Ga-bri-en (Sigma Gabriel) kêu gọi EU bãi bỏ các hình phạt từ lệnh cấm vận. Thương mại giữa Béc-lin và Mát-xcơ-va đã giảm gần 12 tỷ ơ-rô (13,6 tỷ USD) - tương đương ¼ toàn bộ giá trị thời kỳ 2014 - 2015. Tổn thương về kinh tế sẽ khiến Đức mất gần 400.000 việc làm. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế của Áo, việc tiếp tục trừng phạt Nga có thể khiến EU thiệt hại 92 tỷ ơ-rô (104 tỷ USD) trong doanh thu xuất khẩu và mất hơn 2,2 triệu việc làm trong vài năm tới.
Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế thế giới của Pháp, kể từ tháng 12-2013 đến tháng 6-2015, những nước ủng hộ các lệnh trừng phạt chống Nga mất đi nguồn thu từ xuất khẩu lên tới 60,2 tỷ USD. Phân tích cho biết, phần lớn thiệt hại (82%) liên quan đến các loại hàng hóa thuộc danh mục bị Nga cấm vận. EU chiếm 2/3 mức thiệt hại (khoảng 77%). Trước khủng hoảng, 2,3% xuất khẩu của các nước ủng hộ các biện pháp trừng phạt là sang Nga, trong khi 63,8% xuất khẩu của Nga là sang các nước này. Khi các biện pháp trừng phạt chính thức được áp đặt (tháng 8-2014), mức giảm trung bình là 12,4%, trong đó của EU là 24,9%. Xuất khẩu các loại hàng hóa bị cấm từ tháng 8-2014 giảm 90%.
Trong khi đó, theo số liệu của cơ quan Hải quan Nga, trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu từ EU sang Nga giảm 6,1% và cả năm giảm 11,7%. Năm 2015, mức giảm này là 40,2%. Xuất khẩu từ EU sang Nga trong 2 năm 2014 và 2015 giảm tới 64 tỷ USD. Ngoài ra, các biện pháp “trả đũa” của Nga cũng khiến nhiều nước châu Âu rơi vào tình cảnh điêu đứng, nhất là việc ngày 29-6-2016 vừa qua, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã ký sắc lệnh gia hạn cấm nhập khẩu các loại lương thực - thực phẩm từ các nước phương Tây đến cuối năm 2017.
Tác động của Brexit đối với cấm vận
Theo các nhà phân tích, việc cử tri Anh lựa chọn rời khỏi EU (Brexit) trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6 không chỉ tác động tới nội bộ EU mà còn tới cả các đối tác lớn của EU, trong đó có Nga. Bối cảnh khủng hoảng chính trị hiện nay sẽ thúc đẩy EU cải thiện và bình thường hóa quan hệ với Nga, trong đó có việc chấp nhận cách giải thích của Nga về các nội dung trong Thỏa thuận Min-xcơ.
Nền kinh tế Nga sẽ chịu ảnh hưởng từ các tác động tiêu cực của Brexit do EU là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Nga. Trong dài hạn, khả năng nhu cầu của EU đối với nguồn năng lượng của Nga cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự kiện Brexit đem lại lợi ích về địa - chính trị cả trước mắt và lâu dài đối với Nga.
Thứ nhất, hậu quả tiêu cực kéo theo từ Brexit sẽ tác động đến sự thống nhất của EU trong việc theo đuổi một chính sách cứng rắn hơn đối với Nga và tiếp tục kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Ngoài ra, nhiều khả năng EU sẽ phải tập trung vào các vấn đề nội khối và giảm sự quan tâm tới chính sách láng giềng đối với các nước Đông Âu trong thời gian tới. Brexit cũng sẽ thúc đẩy xu hướng trong nội bộ các nước lớn trong EU (Đức và Pháp) trong việc tìm giải pháp cho những bất đồng với Nga. Về lâu dài, có khả năng các nước EU sẽ chấp nhận sự nhượng bộ lớn hơn ở Đông Âu nhằm đạt được thỏa thuận với Nga và phát triển quan hệ giữa EU với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) do Nga đứng đầu.
Thứ hai, Nga sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi từ việc suy yếu của các lực lượng trong EU ủng hộ tăng cường quan hệ với Mỹ. Điều này tác động bất lợi tới tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây dương (TIPP) nói riêng và mối quan hệ Âu - Mỹ nói chung. Mặt khác, các hệ lụy sau Brexit sẽ tạo thuận lợi cho Nga trong việc thúc đẩy dự án chiến lược hình thành khu vực “Đại Âu - Á” trên cơ sở hợp tác giữa EU, EAEU và Trung Quốc.
Về lâu dài, thất bại của giới lãnh đạo châu Âu trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ Brexit sẽ tăng cường xu hướng dân tộc chủ nghĩa trong chính sách đối ngoại của các nước thành viên. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Nga củng cố quan hệ với các nước thành viên EU.
Nước Nga trước lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây
Để chống lại các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây, Nga gia tăng hợp tác với các nước châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Trung Quốc. Bên trong nước Nga cũng có nhiều chuyển biến tích cực “nhờ” sự cấm vận của phương Tây. Sức ép bên ngoài đã vô tình khiến sản xuất nội địa của Nga tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp ở Nga không ngừng tăng. Ngành nông nghiệp Nga cũng hưởng lợi nhiều từ các lệnh bao vây của phương Tây bởi Chính phủ Nga đã đáp trả bằng các lệnh cấm nhập khẩu hàng nông nghiệp châu Âu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán rằng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2016, dù chỉ ở mức 1,5 %.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức X. Ga-bri-en mới đây cũng bày tỏ quan ngại về những tác động ngược trở lại châu Âu của các biện pháp trừng phạt Nga. Theo ông, có thể có một số thế lực ở Mỹ và châu Âu muốn “khuất phục” Nga nhưng việc trừng phạt Nga chỉ đẩy châu Âu vào thế nguy hiểm. Nhiều nước như I-ta-li-a, Hung-ga-ry, Xlô-va-ki-a cũng hy vọng sớm dừng việc cấm vận Nga. Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo (Đức) H. Xin (Hans-Werner Sinn) cảnh báo, nếu kinh tế Nga sụp đổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghiệp Đức và các ngân hàng ở châu Âu.
Đối với các nước châu Âu, kết quả phản tác dụng nhất của các biện pháp trừng phạt chính là trong chính trường Nga. Cấm vận đã tạo nên hiệu ứng “tập hợp xung quanh lá cờ” của người Nga. Theo Trung tâm Levada, một tổ chức nghiên cứu của Nga, tỷ lệ người Nga ủng hộ Tổng thống V. Pu-tin đã tăng từ mức 63% trong thời gian diễn ra khủng hoảng Crưm lên 88% trong tháng 10-2015. Trong một cuộc thăm dò khác, hơn hai phần ba số người được hỏi cho biết, họ nghĩ rằng mục tiêu chính của mọi hình thức xử phạt là hòng làm suy yếu Nga.
Các biện pháp trừng phạt khuyến khích Chính phủ Nga tạo ra các tổ chức tài chính riêng của mình, mà về lâu dài sẽ giúp nước Nga giữ khoảng cách được với cả những ảnh hưởng kinh tế từ Mỹ. Sau khi các thượng nghị sĩ Mỹ và chính phủ một số nước châu Âu đề nghị Mỹ cắt đứt mối liên hệ của Nga với Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng quốc tế (SWIFT), Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố sẽ bắt đầu đàm phán với các nước khác thuộc khối các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) để tìm ra con đường thay thế. Nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống Visa và MasterCard, Nga đã có những động thái hướng đến việc thiết lập thẻ tín dụng thanh toán riêng. Chính phủ Nga đã bắt đầu tiến trình hiện thực hóa đề xuất thành lập Ngân hàng Phát triển mới (New Development Bank BRICS), được thiết kế để thay thế chức năng của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Ngày 27-5-2016, trả lời báo chí tại Thủ đô Ta-lin của E-xtô-ni-a, Ngoại trưởng Đức F. Xtên-mai-ơ (Frank-Walter Steinmeier) nhấn mạnh, chúng ta có thể thấy rõ một điều là, sự phản đối việc kéo dài các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong EU đã tăng lên. Trước đó, trong Hội nghị ngoại trưởng các nước G7 diễn ra tại Hi-rô-si-ma, Nhật Bản, ông Xtên-mai-ơ đã kêu gọi Nga tham dự và biến nó thành G8. Ông Xtên-mai-ơ tuyên bố rằng, không có các xung đột quốc tế lớn nào được giải quyết mà không có sự tham gia của Nga. Trong khi đó, Nga lên tiếng khẳng định không tìm cách quay lại G7, bởi theo quan điểm của Nga, G8 không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả.
Như vậy, mặc dù các lệnh “trừng phạt” của Mỹ và phương Tây khiến Nga gặp nhiều khó khăn, nhưng không diễn biến theo mong muốn của họ. Và như Thủ tướng Nga Đ. Mét-vê-đép đã nói, lệnh trừng phạt là bất lợi cho tất cả các bên, lệnh trừng phạt không cần cho ai và theo thông lệ, có xu hướng không kết thúc bằng điều gì tốt đẹp cả./.
--------------------------------------
(1) Sanctions are a failure… Let’s admit that
Tài liệu tham khảo
1. Sanctions are a failure… Let’s admit that
2. Not-so-smart sanctions: The failure of Western restrictions against Russia
3. Failed US sanctions on Russia
4. EU referendum: What does Russia gain from Brexit?
5. Why Brexit could hurt America's security and help Russia's
6. Nước Nga trước những tác động từ Brexit (Tin kinh tế tham khảo, ngày 21-7-2016)
7. Các lệnh trừng phạt Nga khiến thế giới thiệt hại hơn 60 tỷ USD
(Tin kinh tế tham khảo, ngày 8-7-2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng thống Philippines  (29/09/2016)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Quốc hội Myanmar Mahn Win Khaing Than  (29/09/2016)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Hạ viện Liên bang Myanmar Uyn Min  (29/09/2016)
Công bố kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015  (29/09/2016)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm việc tại tỉnh Ninh Thuận  (29/09/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm