Bồi dưỡng phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo tư tưởng Hồ Chí Minh
TCCS - Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng sáng ngời của đạo đức cách mạng trong sáng, tấm gương hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mà còn là hiện thân của khát vọng hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới. Học tập và làm theo phong cách lãnh đạo dân chủ và quyết đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán
Phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong cách thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng. Đó là phong cách làm việc giản dị, gần gũi, nhưng sâu sắc, quyết đoán; hòa mình vào quần chúng nhân dân, coi nhân dân là cội nguồn của mọi thắng lợi. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ngày 12-6-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Phong cách Hồ Chí Minh là lối sống, tác phong khiêm tốn, giản dị, cầu thị, gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng phải vì lợi ích của nhân dân; là đầy tớ của dân chứ không phải “làm quan nhân dân”, không được lên mặt “làm quan cách mạng” (1).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ có nghĩa là mọi người dân được làm chủ nước nhà, đó là “chìa khóa vạn năng” để khơi dậy tính sáng tạo của nhân dân, huy động và sử dụng nguồn lực nhân dân vào các lĩnh vực, ngành, nghề hoạt động khác nhau, bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng ở mọi lúc, mọi nơi. Người đã nhấn mạnh: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều”(2). Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “nhân vô thập toàn”, không ai biết tất cả mọi việc, làm được tất cả mọi thứ, thế giới muôn hình vạn trạng, luôn có sự vận động, biến đổi, chuyển hóa không ngừng, vì vậy, cần phải đề cao tính dân chủ rộng rãi để tạo không khí phấn khởi, đoàn kết nhằm tập hợp đông đảo lực lượng phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Ở bất kỳ đâu, làm bất cứ việc gì, ở cương vị nào, Người đều tôn trọng, lắng nghe ý kiến của mọi người, phát huy trí tuệ của tập thể, đề cao những kinh nghiệm, sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả cao trong công việc. Người chỉ rõ: “Gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống… Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo quản lý phải có ý thức tập thể cao, tạo được bầu không khí dân chủ, cởi mở trong làm việc, cũng như trong cuộc sống; từ đó, tạo động lực, niềm tin cho mỗi người có thể tham mưu, hiến kế, đề xuất những cách thức, biện pháp nâng cao năng suất lao động, xây dựng đơn vị, địa phương vững mạnh về mọi mặt. Theo Người, đề cao phong cách làm việc dân chủ nhưng không đồng nghĩa với dân chủ quá trớn, mạnh ai người nấy làm, mà phải tuân theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; làm bất kỳ việc gì phải đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết; phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; phải miệng nói tay làm, liên hệ chặt chẽ với nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, cùng với phong cách làm việc dân chủ, để phát huy trí tuệ của tập thể thì phải đề cao tính quyết đoán trong giải quyết nhiệm vụ đặt ra ở từng giai đoạn, thời điểm cách mạng một cách phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, nhất là vào những lúc khó khăn, phức tạp, có như vậy công việc mới hoàn thành, mới chiến thắng được kẻ thù, thiên tai, dịch bệnh, đưa sự nghiệp kháng chiến, cứu quốc của Đảng và nhân dân ta đến thắng lợi. Nếu mỗi người, đặc biệt là người lãnh đạo, quản lý, không có tính quyết đoán trong mọi việc để người khác lèo lái, điều khiển, định hướng thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Người nhấn mạnh, trong những thời điểm quyết định, người lãnh đạo, quản lý phải dám nghĩ, dám làm, dám quyết…, vì điều đó liên quan trực tiếp đến việc tận dụng được thời cơ: “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ,/ Kiên quyết, không ngừng thế tiến công;/ Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,/ Gặp thời, một tốt cũng thành công”(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của những quyết đoán có tính lịch sử, nhất là ở vào thời điểm “nước sôi, lửa bỏng", tính quyết đoán đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào bồi dưỡng phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay
Thời gian qua, công tác bồi dưỡng cán bộ nói chung và bồi dưỡng phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng khá toàn diện, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức, hành động. Song trước yêu cầu, tình hình mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý càng phải nắm vững kiến thức chuyên môn, có năng lực điều hành, tổ chức thực hiện, phát huy được trí tuệ của tập thể, đưa ra được những quyết định sáng suốt, hiệu quả, phù hợp, vượt qua khó khăn, thử thách thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Do đó, bồi dưỡng phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng hiện nay.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bồi dưỡng phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, bởi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về sự cần thiết phải bồi dưỡng phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì mới nâng cao được trách nhiệm, tích cực, chủ động tự học tập, tự bồi dưỡng phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở cơ quan, đơn vị, địa phương cần quán triệt sâu sắc Kết luận số 01-KL, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, trong đó chú trọng tập trung các nội dung: Một là, thấm nhuần các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Hai là, nắm chắc các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng để tổ chức điều hành, duy trì các chế độ, nền nếp làm việc dân chủ, khoa học, hiệu quả; Ba là, kịp thời phát hiện, giải quyết hiệu quả những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bức xúc trong thực tiễn; Bốn là, học tập và làm theo Bác phải thiết thực, cụ thể, không hô hào khẩu hiệu, lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá cho việc bồi dưỡng phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán; Năm là, học tập, làm theo Bác về tinh thần, ý thức nêu gương, gương mẫu đi đầu trong việc tự bồi dưỡng phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán, từ đó hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền cho cấp dưới học tập và làm theo; Sáu là, luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của tập thể, của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến trái gì với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cũng cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa”(5).
Thứ hai, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, khi đã giao việc cho cán bộ phải để cho cán bộ có quyền tùy cơ ứng biến mới có thể phát huy tài năng của họ. “Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”(6). Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương mẫu mực về sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo giữa tính dân chủ và quyết đoán trong xử lý, giải quyết công việc ở từng giai đoạn, nhất là những thời điểm đầy cam go, thử thách của cách mạng. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực; có bước đi phù hợp”(7). Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đang đặt ra để giải quyết, xử lý công việc hiệu quả. Muốn vậy, phải thường xuyên trau dồi kiến thức, nắm chắc chuyên môn, đặc biệt là bám sát thực tiễn, thấy được những vấn đề gì đã làm tốt thì phát huy, vấn đề gì chưa tốt, còn bất cập thì kịp thời rút kinh nghiệm, không bảo thủ, để có thể hướng dẫn, định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo cấp dưới và các tầng lớp nhân dân thực hiện; có tính quyết đoán trong xử lý tình huống, sự việc xảy ra ở từng thời điểm, giai đoạn sao cho phù hợp, hiệu quả, được lòng dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của đồng chí, đồng nghiệp, các tầng lớp nhân dân, xây dựng bầu không khí làm việc dân chủ, cởi mở, chân thành, tin cậy lẫn nhau, nhưng phải có nguyên tắc, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật… Trong đời sống sinh hoạt đời thường phải hòa đồng, có lối sống giản dị, khiêm tốn.
Thứ ba, phát huy tính tích cực, chủ động của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tự bồi dưỡng phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tự học, tự rèn luyện ở mọi lúc, mọi nơi. Người thường nói, còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng; thông minh do rèn luyện mà có; không ai có thể tự cho mình là đã biết hết rồi… Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thường xuyên tự bổ sung vốn sống, kinh nghiệm, sự hiểu biết ở tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào những lĩnh vực, hoạt động mà mình đang đảm nhiệm, công tác, tức là tự bồi dưỡng, rèn luyện có trọng tâm, trọng điểm. Tự bồi dưỡng với một tinh thần, thái độ cầu thị, khiêm tốn, giản dị, không gượng ép, bắt buộc hay vì một lý do, động cơ không trong sáng, lành mạnh; tự mình xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng; tự sửa, tự soi giữa yêu cầu, nhiệm vụ với nhận thức, năng lực của bản thân để tiếp thu, điều chỉnh, sửa chữa cho phù hợp với thực tiễn đang đòi hỏi; tự mình chiến thắng bản thân, không vì danh vọng, quyền lợi, chức tước mà đánh mất uy tín, danh dự của bản thân. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải không ngừng học tập để nâng cao năng lực chuyên môn, thường xuyên chủ động tự bồi dưỡng, rèn luyện phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng và niềm tin của quần chúng nhân dân./.
--------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức học tập, nỗ lực phấn đấu và rèn luyện, không ngừng làm theo tư tưởng đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” Tạp chí Cộng sản, số 968, tháng 6-2021, tr. 5
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 284
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 230 - 231
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr. 326
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 661
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 320
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 28
Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện ở các tỉnh vùng Tây Nam Bộ  (24/02/2022)
Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Từ thực tiễn của Đảng bộ tỉnh Nghệ An  (18/02/2022)
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế  (01/01/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển