Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng nhà nước kiểu mới, có sự kế thừa, chọn lọc tinh hoa nhân loại. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay cần phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ, thúc đẩy xã hội phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
1- Theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chính quyền là vấn đề phức tạp và khó khăn nhất, nhưng lại là vấn đề cơ bản không thể không giải quyết trong cuộc đấu tranh cách mạng. Tiếp thu và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và các giá trị nhân loại về xây dựng nhà nước, trong quá trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm tòi, giải quyết nhiều vấn đề về đường lối, chiến lược, đấu tranh để giành chính quyền và xây dựng một nhà nước kiểu mới.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến tay sai, cần lập nên chính quyền của nhân dân. Vấn đề đặt ra là chính quyền đó được xây dựng như thế nào để thực sự là một chính quyền thuộc về nhân dân. Trải qua một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu toàn diện, sâu sắc những kinh nghiệm về xây dựng nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương và tiến hành xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thể hiện một quan niệm hoàn chỉnh về nguyên tắc quản lý xã hội theo pháp luật trong một nhà nước dân chủ theo tinh thần pháp quyền, thượng tôn pháp luật; là nhà nước dân chủ, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhà nước mà nhân dân lao động thực sự được làm chủ, nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước, nhà nước là công cụ phục vụ nhân dân. Ngay từ Điều 1, Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người tham gia soạn thảo đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (1). Người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm, có nghĩa vụ tuân theo pháp luật; đồng thời, phải hình thành được thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của nhân dân.
Vấn đề hàng đầu thuộc về bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là dân chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân mà trong đó tất cả các quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân chỉ được bảo đảm khi: “cách mạng rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”(2).
Nhà nước do nhân dân lập nên thông qua bầu cử theo luật định, nhân dân tự mình lựa chọn “bầu ra”, “cử ra” những người vào cơ quan nhà nước. Nhà nước đó là nhà nước của dân; nhân dân có trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ nhà nước; nhân dân có quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan và các thành viên trong bộ máy nhà nước; nhân dân có quyền bãi miễn các thành viên trong bộ máy nhà nước khi không đủ độ tin cậy, tín nhiệm của nhân dân.
Trong khi khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn trăn trở một điều có ý nghĩa quyết định: “Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền làm chủ của mình, dám nói, dám làm” (3). Theo Người, chỉ có nhà nước thực sự của dân, do dân tổ chức, xây dựng, kiểm soát thì trên thực tế mới là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Bởi vậy, nhà nước phải chăm lo cho nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu hoạt động của mình, phải tìm cách hình thành các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước phải hết lòng phục vụ nhân dân với tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nhà nước cần tạo điều kiện và có biện pháp thu hút để nhân dân phát huy khả năng tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Cùng với việc phát huy và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, để nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, trước hết nhà nước phải hợp hiến, có hiến pháp và quản lý xã hội bằng pháp luật. Ngay sau khi giành được chính quyền trong cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam. Điều này, thể hiện địa vị hợp pháp của chính phủ lâm thời, biểu dương lực lượng và ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm giữ vững nền tự do, độc lập. Tại phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra và nhấn mạnh với Chính phủ một trong sáu nhiệm vụ cấp bách: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu”(4). Chỉ trong một thời gian ngắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, khẩn trương xây dựng và thông qua Hiến pháp 1946, đặt nền móng cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Trên cương vị là Chủ tịch nước, đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp 1946, 1959, Người đã ký lệnh công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh, có 243 sắc lệnh quy định về tổ chức nhà nước, hình thành một thể chế bộ máy có nhiều nhân tố cơ bản của một nhà nước pháp quyền.
Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, pháp luật của ta là pháp luật dân chủ, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, nhưng phải nghiêm minh và phát huy hiệu lực thực tế. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, phải tuyên truyền, giáo dục nhân dân nắm chắc pháp luật, nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng ý thức làm chủ, hướng dẫn nhân dân thực hiện pháp luật. Trong quá trình thực thi pháp luật phải bảo đảm thực sự bình đẳng, có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật trong các cơ quan nhà nước và nhân dân.
2- Để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, để người dân thực sự là người làm chủ, cần tập trung vào những nội dung chủ yếu:
Một là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo phương châm: đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm.
Hai là, đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước, trước hết đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất; đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh bảo vệ công lý và quyền con người, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa “đức trị” và “pháp trị”, kết hợp giữa “xây” và “chống”, không được coi nhẹ mặt nào. Đi đôi với giáo dục đạo đức, phải kiên quyết với những hành vi vi phạm pháp luật, trừng trị nghiêm khắc những người phạm tội, dù người đó ở cương vị nào.
Bốn là, mở rộng dân chủ đi đôi tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trên mọi mặt đời sống xã hội. Gắn thực hiện dân chủ với tăng cường pháp chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
Năm là, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Người luôn coi “cán bộ là gốc của mọi công việc”, và đặt ra yêu cầu cao đối với đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền nhà nước, thông qua cán bộ, công chức mà thể hiện trách nhiệm trước nhân dân. Muốn thế, cán bộ vừa phải biết công việc quản lý nhà nước, vừa phải “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, vừa phải nêu cao phẩm chất đạo đức và tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Không chỉ quan tâm đến việc xây dựng pháp luật và đội ngũ cán bộ công chức nhà nước ngang tầm nhiệm vụ, Người còn đòi hỏi cán bộ và cơ quan nhà nước không những phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, pháp luật trong nhân dân, mà còn phải đặc biệt “gương mẫu trong việc thi hành Hiến pháp và các luật lệ”./.
------------------------------------------
(1) Hiếp pháp Việt Nam 1946, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 8
(2) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, t. 1, tr. 27
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 293
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 7
Chính thức công bố 496 đại biểu Quốc hội khóa XIV  (09/06/2016)
Chính thức công bố 496 đại biểu Quốc hội khóa XIV  (09/06/2016)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ  (09/06/2016)
Vừa khai thác thủy điện, vừa bảo đảm chống hạn  (09/06/2016)
Tiến tới thành lập một đơn vị sản xuất vaccine tập trung  (09/06/2016)
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay