Ngoại giao văn hóa Việt Nam: Hội nhập quốc tế và lợi ích quốc gia

Phạm Ngọc Anh TS, Học viện An ninh nhân dân
22:35, ngày 30-10-2015

TCCS - Trên nền tảng nền văn hóa lâu đời, được thừa kế từ di sản lịch sử dân tộc, cùng khả năng tạo dựng “sức mạnh mềm”, trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của ngoại giao văn hóa trong mục tiêu lợi ích quốc gia, và có những hành động cụ thể thúc đẩy hình thức ngoại giao tích cực và hiệu quả này.

Việc triển khai chính sách ngoại giao văn hóa của Việt Nam được xác định là một trong ba chính sách ngoại giao chủ yếu cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Về thực tiễn, Việt Nam sử dụng ngoại giao văn hóa thông qua các công cụ văn hóa để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm đạt được các mục tiêu lợi ích cơ bản của quốc gia là phát triển, an ninh và mở rộng ảnh hưởng quốc tế.

Ngoại giao văn hóa và lợi ích quốc gia

Trong lịch sử ngoại giao thế giới, ngoại giao văn hóa xuất hiện từ rất sớm với các hình thức biểu hiện khác nhau ở từng quốc gia. Mặc dù hiện nay, ngoại giao văn hóa có sứ mệnh riêng, nhưng không thể phủ nhận một thực tế rằng, giữa văn hóa và ngoại giao có mối liên hệ rất chặt chẽ. Nhiều học giả, nhất là các nhà phân tích lý luận phương Tây cho rằng, chính sách đối ngoại cần thiết phải chính trị hóa văn hóa(1), còn ngoại giao văn hóa được xem như hoạt động chính trị phục vụ lợi ích quốc gia dưới sự che chở của văn hóa(2), đồng thời văn hóa được xem như là một trong ba trụ cột (cùng với an ninh và kinh tế) của chính sách đối ngoại của một nhà nước(3). Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ thời Chiến tranh lạnh, từ chỗ nhận thấy mối liên hệ giữa sự gắn kết từ bên ngoài và việc chiến thắng kẻ thù ý thức hệ, đã đề cao vai trò quan trọng của ngoại giao văn hóa đối với an ninh quốc gia(4). Có thể thấy, truyền thống lịch sử và văn hóa của một dân tộc là chỗ dựa và thế mạnh của ngoại giao. Đồng thời, hoạt động ngoại giao ở một khía cạnh nào đó là sự cọ xát và giao lưu các giá trị văn hóa và ý tưởng, nên ngoại giao cũng được xem là diễn đàn hoạt động văn hóa phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa càng trở nên quan trọng trong mối liên hệ với ý nghĩa là “sức mạnh mềm” trong sức mạnh tổng hợp quốc gia. Văn hóa có sức thâm nhập mạnh, có thể đạt được mục tiêu mà các biện pháp chính trị và quân sự khó đạt được. Chính vì vậy, các quốc gia ngày càng chú ý nhiều đến các chủ đề văn hóa, như đa dạng văn hóa, đối thoại giữa các nền văn hóa - văn minh, văn hóa hòa bình. Kênh văn hóa được sử dụng như một phương tiện hiệu quả hỗ trợ thúc đẩy quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế,... Ở phạm vi toàn cầu, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) là trường hợp điển hình của việc tuyên truyền ngoại giao văn hóa với vai trò trung tâm là điều phối các hoạt động ngoại giao văn hóa tập thể, bao gồm 193 quốc gia thành viên, có trụ sở chính đặt tại Thủ đô Pa-ri (Pháp), với hơn 50 văn phòng đại diện và một số viện, trung tâm trực thuộc đặt khắp nơi trên thế giới. Ở phạm vi khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với mục tiêu xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội bên cạnh Cộng đồng An ninh - Chính trị và Cộng đồng Kinh tế cũng là một trong số đó. Như vậy, văn hóa không chỉ đơn thuần phục vụ lợi ích chính trị như các học giả truyền thống đã thừa nhận, mà còn gắn liền với lợi ích quốc gia toàn diện. Thực tế hội nhập quốc tế với quy mô toàn cầu hóa hiện nay cho thấy, ngoại giao văn hóa được coi là một dẫn chứng tiêu biểu về quyền lực mềm, khả năng thuyết phục thông qua văn hóa, giá trị và ý tưởng, đối lập với quyền lực cứng với sự chinh phục hoặc cưỡng ép thông qua sức mạnh quân sự(5).

Đời sống chính trị quốc tế đương đại đang chứng kiến một thực tế là ngoài các công cụ kinh tế, chính trị thì văn hóa ngày càng được đẩy mạnh hơn nữa, như một thứ “quyền lực mềm” trong các quan hệ đối ngoại để tăng cường ảnh hưởng và đạt được lợi ích quốc gia. Khác với “quyền lực cứng”, sự chinh phục hoặc cưỡng ép thông qua sức mạnh quân sự, các chính phủ đang thực hành quan hệ quốc tế dựa trên “quyền lực mềm”, vì “quyền lực mềm” hứa hẹn mang lại hòa bình và ổn định hơn trong các mối quan hệ quốc tế.
Với tư cách là một lĩnh vực đặc biệt của hoạt động ngoại giao, ngoại giao văn hóa liên quan đến việc sử dụng văn hóa như là đối tượng và phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại quốc gia, tạo hình ảnh tốt đẹp của đất nước, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ quốc gia trên thế giới. Đồng thời, ngoại giao văn hóa còn là một lĩnh vực liên quan đến việc thiết lập, phát triển và duy trì mối quan hệ với những quốc gia khác bằng phương tiện văn hóa, nghệ thuật và giáo dục. Đây cũng là một quá trình hoạt động đối ngoại chủ động, nhằm quảng bá các thiết chế, tính chất, hệ giá trị và bản sắc văn hóa đặc sắc của một quốc gia ra thế giới ở các cấp độ song phương, đa phương, qua đó nâng cao “sức mạnh mềm”, tạo vị thế cho quốc gia đó.

Như vậy, với tư cách nền tảng của ngoại giao, dù là ngoại giao kinh tế hay ngoại giao văn hóa, thì yếu tố chính trị vẫn là chủ đạo. Đối với bất cứ quốc gia nào, khi muốn đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, quảng bá văn hóa hoặc các mối quan hệ quốc tế khác, ngoại giao đều xuất phát từ chính sách đối ngoại, lợi ích quốc gia và căn cứ vào tình hình thế giới, khu vực. Bản thân lợi ích quốc gia cũng phải dựa trên các điều kiện đó. Do đó, có thể quan niệm ngoại giao văn hóa là hình thức ngoại giao thông qua các công cụ văn hóa để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm đạt được các mục tiêu lợi ích quốc gia.

Ngoại giao văn hóa được thực hiện thông qua tương tác đa diện giữa nhiều chủ thể khác nhau, bao gồm các cơ quan chính phủ, liên chính phủ và phi chính phủ. Thông thường, nhà nước sẽ đặt ra những ranh giới rộng về chính sách văn hóa, thương lượng những thỏa thuận văn hóa với các nước khác, tạo ra tổ chức khung để tham dự các sự kiện cũng như dự án quốc tế có liên quan tới văn hóa.

Ngoại giao văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại được đề ra tại Đại hội XI của Đảng với phương châm “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”(6), ngoại giao văn hóa Việt Nam hướng tới hai mục tiêu, đó là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngoại giao và phát triển văn hóa quốc gia. Trong đó, mục tiêu tạo thuận lợi cho ngoại giao nhằm mục đích góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Ngoại giao văn hóa góp phần phục vụ, thực hiện các mục tiêu và chiến lược chính trị đối ngoại nói chung của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, với đặc thù và thế mạnh của mình, ngoại giao văn hóa tạo ra các “kênh hoạt động” chuyên biệt để đạt tới các mục tiêu trên. Về khía cạnh an ninh, trên cơ sở tăng cường sự hiểu biết và hiểu biết “tích cực” để tạo lập môi trường thân thiện, thuận lợi cho hoạt động ngoại giao, bảo đảm cho mối quan hệ tốt đẹp. Về kinh tế - xã hội, ngoại giao văn hóa là một cách quảng bá hình ảnh quốc gia, bộ mặt nền kinh tế, kèm theo đó là tiếp thị các sản phẩm của nền kinh tế, dịch vụ kinh tế, văn hóa.

Đối với mục tiêu cụ thể, ngoại giao văn hóa góp phần nâng cao sự hiểu biết đúng đắn và sâu sắc hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời, các hoạt động ngoại giao văn hóa góp phần tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước. Thông qua giao lưu văn hóa, các kênh thông tin văn hóa đối ngoại, như báo chí, phát thanh, truyền hình, hội nghị, hội thảo khoa học,... ngoại giao văn hóa góp phần tạo dựng lòng tin cho việc xây dựng mối quan hệ hợp tác và hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam với các nước trong cộng đồng quốc tế.

Có thể thấy, ngoại giao văn hóa Việt Nam thể hiện ở các nội dung chủ yếu sau:

Một là, đóng vai trò là yếu tố thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế. Ngoại giao văn hóa thuận lợi hơn trong việc thiết lập sự cảm thông, sự tin tưởng, nâng cao sự hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển. Khi quan hệ chính trị và kinh tế gặp trở ngại, ngoại giao văn hóa góp phần tháo gỡ những trở ngại đó, trở thành cầu nối, chất xúc tác thúc đẩy quan hệ chính trị và kinh tế của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Hai là, góp phần giới thiệu đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Ngoại giao văn hóa hướng tới việc nâng cao sự hiểu biết đúng đắn, thu hút thiện cảm và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chống lại những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, các hoạt động quảng bá nhằm khơi dậy, phát triển lòng yêu quê hương, đất nước và tự hào dân tộc của người dân ở trong và ngoài nước; từ đó, khuyến khích việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa và truyền thống dân tộc.

Ba là, công cụ vận động. Khi công tác quảng bá hình ảnh đất nước gặp khó khăn, ngoại giao văn hóa sẽ hỗ trợ và đồng hành để vượt qua những khó khăn đó. Thông qua các hoạt động sử dụng văn hóa với mục tiêu giới thiệu, ngoại giao văn hóa giúp việc nhìn nhận hình ảnh, văn hóa của một quốc gia được đúng đắn hơn, tích cực hơn.

Bốn là, tiếp thu có chọn lọc. Mang tính chất tương đồng như văn hóa đối ngoại, ngoại giao văn hóa còn có tác dụng tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, tư tưởng nhân văn, giá trị đạo đức, tri thức, khoa học tiên tiến trên thế giới để làm phong phú hơn, hiện đại hơn, giàu đẹp hơn nền văn hóa dân tộc. Đồng thời, ngoại giao văn hóa cũng góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiến tới định hướng phát triển cho một nền văn hóa.

Như vậy, ngoại giao văn hóa ở Việt Nam là một lĩnh vực hoạt động ngoại giao, giữ vị trí “là nền tảng tinh thần của hoạt động đối ngoại”(7), được thực hiện bằng việc áp dụng các hình thức văn hóa nghệ thuật, lịch sử, tư tưởng, truyền thống văn hóa, thông tin,... nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại quốc gia, tạo hình ảnh tốt đẹp của đất nước, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ quốc gia để tạo ra uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam với thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Việc triển khai chính sách ngoại giao văn hóa đang trở thành một trong ba chính sách ngoại giao chủ yếu, cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, như Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng với ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa”(8).

Ngoại giao văn hóa Việt Nam phục vụ lợi ích quốc gia

Trong những năm gần đây, hoạt động ngoại giao văn hóa Việt Nam đánh dấu một bước phát triển mới thể hiện qua những thành tựu đặc biệt đóng góp vào thành công chung của ngoại giao Việt Nam.

Trước hết, ngoại giao văn hóa bước đầu gắn kết với ngoại giao chính trị, góp phần quảng bá văn hóa và tăng cường hiểu biết giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, tạo dựng lòng tin cho việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị lâu dài. Những sự kiện văn hóa thường được gắn liền với các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao. Đặc biệt, những thành tựu của công cuộc đổi mới, môi trường chính trị ổn định, đất nước hòa bình, con người thân thiện, nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di sản văn hóa dân tộc, lễ hội truyền thống đặc sắc,... là những hình ảnh thường xuyên được thông tin, tuyên truyền, quảng bá, thu hút sự quan tâm của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Có thể kể đến như vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam đã được phát huy trong việc tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, không chỉ tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước thành viên ASEAN, mà còn giới thiệu hình ảnh Việt Nam với thế giới. Trên cương vị thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO (2009 - 2013), Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc ký kết Hiệp định hợp tác khung giữa ASEAN và UNESCO. Năm 2013, Việt Nam là một trong 22 nước ứng cử và được bầu vào Ủy ban Liên chính phủ Công ước 1972 (nhiệm kỳ 2013 - 2017). Ngoài ra, Tuần văn hóa Việt Nam, Ngày văn hóa Việt Nam,... đã trở thành hoạt động ngoại giao văn hóa quan trọng của Việt Nam tại nhiều nước.

Thứ hai, hoạt động ngoại giao văn hóa Việt Nam góp phần tích cực vận động, mang lại niềm tự hào về các danh hiệu văn hóa thế giới. Chẳng hạn như, trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tổng giám đốc UNESCO đã trao giấy chứng nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, góp phần giới thiệu hình ảnh một Thủ đô giàu truyền thống văn hóa ra thế giới. Hà Nội cũng trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới được UNESCO công nhận 3 di sản trong cùng một năm. Cũng trong năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn tại tỉnh Hà Giang được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới vườn quốc gia toàn cầu GNN. Như vậy, hiện nay ở Việt Nam đã có 19 di sản thế giới, trong đó có 2 di sản thiên nhiên, 5 di sản văn hóa, 8 di sản văn hóa phi vật thể, 3 di sản tư liệu và 1 di sản địa chất toàn cầu. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam mà còn là cơ hội để cộng đồng quốc tế chia sẻ và thưởng thức các giá trị văn hóa - tinh thần của Việt Nam.

Thứ ba, thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa, các giá trị, tinh hoa văn hóa và tri thức của các nước trên thế giới đã được tiếp thu có chọn lọc nhằm góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của Việt Nam, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời chuyển tải nhiều ý tưởng và chương trình lớn của Liên hợp quốc và UNESCO vào các chương trình hành động quốc gia, như xây dựng xã hội học tập, xã hội thông tin, giáo dục cho mọi người,...

Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực, hoạt động ngoại giao văn hóa của Việt Nam cũng còn những hạn chế nhất định, như sự đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của một quốc gia dân tộc có bề dày lịch sử văn hóa hàng nghìn năm. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, hòa bình đã đến với người dân Việt Nam trong nhiều thập niên qua, nhưng ở nơi này, nơi khác trên thế giới chỉ biết đến Việt Nam là một đất nước “anh hùng trong chiến đấu” nhưng vẫn trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, mà chưa thực sự biết đến vị thế mới của một quốc gia đang “đổi mới từng ngày”, có ý thức vươn lên mạnh mẽ và là một điểm đến thân thiện, an toàn với nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng đối với các nhà đầu tư. Trong khi đó, hành lang pháp lý về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những quy định trong hợp tác quốc tế ở lĩnh vực văn hóa vẫn chưa được hoàn thiện, biểu hiện trên thực tế là sự xuống cấp của một số công trình văn hóa hoặc việc tiếp thu tràn lan văn hóa ngoại. Công tác quảng bá, tuyên truyền hình ảnh đất nước chưa được triển khai thường xuyên, mạnh mẽ, sâu rộng và tiềm lực “xuất khẩu văn hóa Việt” ra nước ngoài còn hạn chế. Do vậy, mức độ ảnh hưởng của vị thế, sức mạnh quốc gia của Việt Nam đến với các nước chưa mang lại nhiều hiệu quả như kỳ vọng.

Trên cơ sở nhận thức vai trò quan trọng của ngoại giao văn hóa, Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể để thúc đẩy hình thức ngoại giao tích cực và hiệu quả này. Hiện nay, ngoại giao văn hóa đang được đưa vào kế hoạch giảng dạy tại nhiều trường đại học lớn. Những chương trình ngoại giao văn hóa hướng tới tăng cường cơ hội hợp tác văn hóa toàn cầu và là nhịp cầu nối Việt Nam ra thế giới và ngược lại. Tuy vậy, công tác ngoại giao văn hóa, quảng bá hình ảnh Việt Nam chỉ có thể thành công nếu huy động được sức mạnh tổng hợp. Trong tương lai, tính chất của các chương trình ngoại giao văn hóa sẽ thay đổi theo ảnh hưởng của truyền thông và nhất là mạng in-tơ-nét, sự đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân, cùng những xu thế mới của ngoại giao văn hóa sẽ bao gồm việc gia tăng số lượng các khu vực, quốc gia và thành phố có chương trình ngoại giao văn hóa năng động và ngoại giao văn hóa đa phương sẽ được tăng cường.

Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu phát triển của đất nước và với những cam kết quốc tế, cần hoàn thiện hệ thống chính sách ngoại giao văn hóa đồng bộ trong tổng thể nền ngoại giao toàn diện Việt Nam. Chiến lược ngoại giao văn hóa cấp quốc gia của Việt Nam sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động ngoại giao trong thập niên tới để nâng tầm hiểu biết của cộng đồng quốc tế về Việt Nam, đồng thời củng cố mối quan hệ với những quốc gia khác, qua đó góp phần cùng với nền ngoại giao chung xây dựng lòng tin chiến lược giữa Việt Nam và quốc tế./.

----------------------------------------------

(1) Mitchell, J.M. (1986): International Cultural Relations, London: Allen & Unwin

(2) Taylor P.M. (2007): Global Communications, International Affairs and the Media since 1945, London and New York: Routledge, p. 79

3) Morgenthau, H.J. (1978): Politics among Nations: The Struggle for Power and Peace (5th ed.), New York: Knopf, p. 64 - 67, 77 - 91

(4) Helena K. Finn: “The Case for Cultural Diplomacy: Engaging Foreign Audiences,” Foreign Affairs, Vol. 82, No. 6 (Nov - Dec, 2003), p. 15 – 20

(5) Nye J., (2002): The Paradox of American Power, Oxford: Oxford University Press, p. 8

(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 235 - 236

(7) Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020

(8) Văn kiện Đại hội lần thứ XI đã dẫn, tr. 139