Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển

Nguyễn Thị Bình Dương
17:28, ngày 28-05-2008

Trong 5 năm 1996-2000, Chính phủ đã đầu tư cho trẻ em qua các chương trình Chăm sóc sức khỏe ban đầu, Tiêm chủng mở rộng, Kiểm soát bệnh tiêu chảy, Phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi; Phổ cập Tiểu học và xóa mù chữ; Giáo dục hòa nhập; Phát triển trẻ thơ, v.v... với khoảng trên 2.700 tỉ đồng, góp phần quan trọng để Việt Nam đạt được một số mục tiêu quan trọng về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đã được quốc tế đánh giá cao.

Những kết quả bước đầu

Đối với mọi quốc gia, nhân dân chính là nguồn của cải đích thực và cái đích của sự phát triển chính là tạo ra môi trường sống lành mạnh, vì một cuộc sống lâu dài, sức khoẻ và sáng tạo cho con người. Sự bình đẳng, công bằng về các cơ hội phát triển của con người, nhất là đối với trẻ em và các nhóm yếu thế trong xã hội, là yêu cầu tiên quyết, nhằm đảm bảo tính phát triển bền vững. Vì thế, vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhằm bảo đảm quyền của các trẻ em ngày nay đã mang tính toàn cầu với sự ra đời của Công ước Quốc tế về quyền trẻ em vào tháng 2 năm 1990, cùng với Kế hoạch hành động vì trẻ em vào những năm 90 thế kỷ trước. Trong Kế hoạch hành động này bao gồm các mục tiêu vì trẻ em và phát triển trong thập kỷ 90, nhằm hướng dẫn cho các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các cơ quan viện trợ song phương, các tổ chức phi Chính phủ và các thành phần khác trong xã hội về hoạch định các chương trình hành động riêng của mình. Các mục tiêu có thể được điều chỉnh, được phân định giai đoạn, tiêu chuẩn, thứ tự ưu tiên cho phù hợp với điều kiện đặc thù của mỗi nước.

Việt Nam là quốc gia luôn nhận thức sâu sắc rằng "Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước", nên Nhà nước và toàn xã hội có trách nhiệm đối với việc tăng cường đầu tư cho trẻ em, nhằm tạo ra những thế hệ thanh niên khoẻ mạnh, đủ sức khỏe, có thể lực tốt, thông minh, hiểu biết và sáng tạo cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em và cam kết thực hiện Kế hoạch hành động vì trẻ em ngay từ thập niên 90 thế kỷ trước. Bằng nhiều chính sách, Chính phủ Việt Nam đã thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu bảo vệ và chăm sóc trẻ em, phấn đấu thực hiện các cam kết của mình với thế giới vì sự phát triển của trẻ em Việt Nam

Công cuộc “Đổi mới” được tiến hành từ năm 1986 đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và liên tục tăng trưởng. Đồng thời, các lĩnh vực xã hội cũng đạt nhiều tiến bộ đáng khích lệ, làm tiền đề cơ bản cho việc thực hiện tốt các chủ trương chính sách, các nhiệm vụ phát triển nói chung và tạo điều kiện thực hiện Chiến lược phát triển xã hội nói riêng, bao gồm cả Chiến lược phát triển vì thế giới ngày mai.

Nhằm tăng tính hiệu quả trong đầu tư, trong giai đoạn 1991-2000, ngoài việc tăng cường đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện cho dịch vụ xã hội cơ bản, Nhà nước đã chuyển sang phương thức đầu tư theo mục tiêu, có trọng điểm. Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu khác đã được phê duyệt từ năm 1995 cho các lĩnh vực, như y tế, giáo dục, văn hóa-thông tin, phát thanh-truyền hình, thể dục thể thao, v.v... với nguồn lực được huy động từ nhiều nguồn trong nước (từ trung ương, địa phương; nhà nước, cộng đồng) và vốn nước ngoài đã tỏ ra có hiệu quả.

Việt Nam đạt được một số mục tiêu quan trọng về bảo, vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, đã được quốc tế đánh giá cao: Đã phổ cập được tiểu học cho trẻ em và tăng số người biết chữ trong đó có trẻ em từ 88% năm 1989 lên 94% năm 2000. Tất cả trẻ em dưới 6 tuổi được chăm sóc sức khoẻ miễn phí. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em từ 44,9% năm 1995 xuống còn 34% năm 2000; 45% trẻ em ở khu vực nông thôn được dùng nước sạch; 4,5 triệu trẻ em trong tổng số 8 triệu trẻ em thuộc các hộ đói nghèo đã cùng với gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo thông qua thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, đạt 51%; 80% trẻ em trong cả nước cùng với hộ gia đình được xem Truyền hình Việt Nam và 90% trẻ em cùng với hộ gia đình ở các tỉnh đồng bằng, trung du và 78% trẻ em cùng với hộ gia đình ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên được nghe Đài tiếng nói Việt Nam; 50% trẻ em lang thang được chăm sóc, 10% trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng và trợ cấp thường xuyên.

Trên địa bàn cả nước đã hình thành 200 cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng 6.000 trẻ em mồ côi, chiếm 6,5% trẻ em mồ côi. Ngoài ra, còn có 21.193 trẻ em mồ côi, chiếm 22,6% trẻ em mồ côi được nhận trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng. Đã có hơn 300 điểm vui chơi giải trí của trẻ em được đầu tư xây dựng (chưa gồm các nhà văn hóa, cung văn hóa dành cho thanh thiếu nhi), tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện. Nhờ đó mà nhiều em đã đạt giải cao về văn hóa-thể thao.

Trong giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, Đảng ta thực hiện chủ trương phát triển tập trung cho phát triển toàn diện con người Việt Nam với chỉ số HDI được nâng lên hạng trung bình tiên tiến trên thế giới. Điều này được thể hiện:

- Sự nghiệp giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ có bước tiến bộ về chất. Tiến tới phổ cập trung học cơ sở trong cả nước. Đời sống vật chất và văn hóa của các tầng lớp nhân dân được cải thiện, và phát triển lành mạnh cả ở đô thị và nông thôn.

- Chú trọng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em dưới 5 tuổi (về dinh dưỡng, tiêm chủng, phòng và phát hiện điều trị kịp thời các bệnh thông thường...); tăng tuổi thọ trung bình lên 70-71 tuổi; tăng thu nhập của các tầng lớp dân cư; xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản. Coi trọng phòng chống HIV/AIDS, nhất là đối với trẻ em; bảo đảm an toàn giao thông, an ninh xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, để trẻ em có thể phát triển toàn diện, hướng tới lực lượng lao động khỏe về thể lực và trí lực, đảm đương tốt trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.

Kết quả thực hiện 5 năm (2001-2005), cho thấy, công tác bảo vệ-chăm sóc-giáo dục trẻ em đã đạt được những mục tiêu cơ bản mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đề ra: tập trung vào các hoạt động thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh, được phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức; phấn đấu đạt các chỉ tiêu về bảo vệ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, giảm tình trạng trẻ em lang thang, kiếm sống, v.v... Các mô hình thí điểm trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: Mô hình xã, phường vì trẻ em; mô hình giáo dục tiền học đường; mô hình giáo dục hướng nghiệp; mô hình Nhà xã hội; mô hình đưa trẻ em mồ côi từ cơ sở bảo trợ xã hội về cộng đồng... đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Phong trào vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp xây dựng Quỹ bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt hiệu quả tốt. Nguồn chi hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ tàn tật chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, năm sau cao hơn năm trước.

Các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn và các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức học văn hóa, giúp đỡ trẻ em lang thang hồi gia ổn định cuộc sống ngày càng được chú trọng. Tăng cường mạng lưới cộng tác viên tại cơ sở và giáo dục truyền thông, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em .

Một số kết quả đạt được về một số chỉ tiêu bảo vệ,
chăm sóc và giáo dục trẻ em giai đoạn 2001-2005
 

  Đơn   vị tính

Năm 2001

Năm 2003

Năm 2004

Năm 2005

Các chỉ tiêu về sức khỏe

Tỷ lệ chết TE<1 tuổi

%o

35

21

18

18

Tỷ lệ chết TE<5 tuổi

%o

42

32,8

32,8

30

Tỷ lệ TE <5 tuổi suy dinh dưỡng(cân nặng theo tuổi)

%

31,9

28,4

26,6

<25

Tỷ lệ suy d/dưỡng sơ sinh

%

7,1

7

<7

<7

Tỷ lệ TE<1 tuổi được tiêm đủ 6 loại vaccine

%

97

96,7

96,5

97,8

Tỷ suất chết mẹ/100000 trẻ đẻ sống

95

85

>85

80

Các chỉ tiêu về giáo dục

Tỷ lệ TE đạt phổ cập tiểu học trước tuổi 15

%

>99

>99

>99

>99

Tỷ lệ h/s đi học đúng tuổi

%

93,26

93,37

94,43

94,5

Tỷ lệ trường học các cấp TH giáo dục thể chất

%

63

75

80

80

Các chỉ tiêu văn hóa-TT

Nhà VH, cung VH thiếu nhi

Nhà

>100

224

Tỷ lệ huyện, quận, tỉnh, thành phố   có cơ sở văn hóa-vui chơi cho trẻ em

%

30

42

Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sạch

%

42

62

Những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua

Về kinh tế: Nền kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây mất ổn định, như: hệ thống tiền tệ, tài chính yếu kém và chưa phát triển; chất lượng và hiệu quả tín dụng thấp; nợ quá hạn lớn; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, còn nhiều lãng phí, thất thoát; khoảng cách giàu nghèo, sự khác biệt về thu nhập và chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi, vùng sâu, vùng xa ngày càng gia tăng.

Về xã hội: Cơ chế quản lý đối với các hoạt động giáo dục, khoa học, văn hóa, y tế, thể thao tuy đã có bước chuyển biến, nhưng còn chậm... Xu thế mở cửa, hội nhập làm ảnh hưởng tới truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, nhất là ở các thành phố lớn; tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Nổi lên là vấn đề mại dâm, trong đó có mại dâm trẻ em, bạo lực, buôn bán phụ nữ và trẻ em, gia tăng trẻ em sử dụng ma tuý, trẻ em đường phố, v.v.. Ngoài ra, các vấn đề xã hội bức xúc khác như thất nghiệp, nghèo đói, tham nhũng, tệ nạn xã hội. Trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh tế-xã hội vừa thiếu và kém lành mạnh, làm giảm đi động lực thúc đẩy sự phát triển.

Mô hình bệnh tật của trẻ em Việt Nam vẫn là mô hình bệnh tật của các nước đang phát triển. Các trường hợp tai nạn, chấn thương và ngộ độc có xu hướng gia tăng ở trẻ em. Nguy cơ của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS ngày càng lan rộng, ảnh hưởng tới lây nhiễm HIV ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng chưa có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi tại một số trạm y tế xã, đặc biệt là ở các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Chất lượng và cơ cấu giáo dục, đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu; trong trường học, trẻ em còn nặng về học văn hoá chứ chưa chú trọng đến thể chất, năng khiếu, thẩm mỹ. Khoảng cách trong tiếp cận giáo dục giữa nông thôn và thành thị, miền núi và miền xuôi, nhất là trẻ em dân tộc ít người còn rất lớn. Tình trạng bất bình đẳng giới trong giáo dục đào tạo vẫn còn tồn tại. Chất lượng giáo dụ đào tạo chưa cao. Việc tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn thực thi luật pháp còn yếu, nhiều hiện tượng vi phạm quyền trẻ em còn bị bỏ qua.

Đầu tư cho trẻ em đến nay vẫn còn nhiều bất cập: Nổi bật vẫn là vấn đề năng lực quản lý, giám sát và đánh giá thực hiện chương trình (cả nguồn trong nước và nguồn vốn ngoài nước) còn hạn chế ở mọi cấp chính quyền, đặc biệt là ở cấp địa phương từ tỉnh đến huyện, xã. Đối với các dự án nguồn vốn ODA, do xu hướng phân cấp quản lý, dẫn đến tình trạng nhiều dự án nguồn ODA bị phân tán về các vùng và các ngành còn ít kinh nghiệm thực hiện. Sự chồng chéo, thiếu phối hợp trong quá trình thực hiện dự án, làm ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả thực hiện các chương trình. Vẫn tồn tại tình trạng yếu kém trong công tác điều phối và chia sẻ thông tin giữa các bộ, các cơ quan trung ương và địa phương.

Trong khung cảnh ấy, những mặt chưa làm được của Chương trình hành động vì trẻ em, như tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vẫn còn cao, tỷ lệ dân số tiếp cận nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường không đạt kế hoạch, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và những bức xúc mới nảy sinh như trẻ em nghiện hút, trẻ bị lây nhiễm HIV/AIDS, trẻ làm trái pháp luật, trẻ bị xâm hại tình dục và bị bóc lột sức lao động, v.v.. thực sự là những thách thức to lớn. Vẫn còn hiện tượng thực thi pháp luật và các chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa nghiêm minh và thiếu đầy đủ (như việc thực hiện Luật chăm sóc sức khỏe cho trẻ em dưới 6 tuổi; Luật phổ cập giáo dục tiểu học...); việc lồng ghép các mục tiêu vì trẻ em vào các chương trình mục tiêu quốc gia thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể. Bảo vệ và chăm sóc trẻ em vẫn mang tính hình thức và chưa phát huy vai trò và trách nhiệm của gia đình, cộng đồng. Tình trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục có diễn biến phức tạp, nhất là đối với nhóm trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, lao động trẻ em.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 của Chính phủ đã chỉ rõ: Trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường; hoàn thành phổ cập trung học trong cả nước; người có bệnh được chữa trị; giảm tỷ lệ trẻ em (dưới 5 tuổi) suy dinh dưỡng xuống còn khoảng 20%; chất lượng đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần được nâng lên rõ rệt trong môi trường xã hội an toàn, lành mạnh; môi trường tự nhiên được bảo vệ và cải thiện.

Căn cứ tình hình thực hiện 5 năm 2001-2005, trong giai đoạn 2006-2010 mục tiêu dân số-gia đình và trẻ em cần đạt được là:

(1) Giảm tỷ lệ sinh bình quân hàng năm xấp xỉ 0,4%o, nhịp độ phát triển dân số vào năm 2010 khoảng 1,12% với quy mô dân số dưới 89 triệu người.

(2) Đến năm 2010, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn dưới 20% và nâng tuổi thọ bình quân lên 72 tuổi; đáp ứng 60% nhu cầu thuốc chữa bệnh sản xuất trong nước.

(3) Tăng mỗi năm 2% trẻ em đi học đúng độ tuổi ở các cấp học phổ thông và 5% số trẻ em ở lứa tuổi 3-5 được đi nhà trẻ, mẫu giáo; phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm xuống 16%o và tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi còn 25%o; giảm 90% trẻ em lang thang kiếm sống; giảm cơ bản số trẻ em bị xâm hại tình dục, bị mua bán vào năm 2010; giảm 90% số trẻ em mắc nghiện ma túy; giảm 90% số trẻ em phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng; giảm 70% trẻ em làm trái pháp luật; tăng tỷ lệ trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc bằng mọi hình thức lên 100%; tăng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ chăm sóc là 70%; tạo mọi cơ hội cho trẻ em khuyết tật được đến trường, phấn đấu để 70% trẻ em khuyết tật được đi học trong các loại hình dành cho trẻ khuyết tật.

Cần những giải pháp khả thi

Một là, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện công tác dân số, gia đình và trẻ em. Tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương, chính sách liên quan đến bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, bảo vệ và chăm sóc trẻ em của các cấp ủy đảng, chính quyền. Đưa một số mục tiêu quan trọng về sức khoẻ, bảo vệ chăm sóc trẻ em vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương hàng năm.

Hai là, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình trong cộng đồng. Đặc biệt, chú trọng đối tượng vị thành niên, thanh niên và các đối tượng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đưa các nội dung bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em phối hợp với các nội dung về dân số, gia đình vào truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, diễn đàn, tọa đàm, hội thảo, hội thi....

Ba là, tập huấn cho các cán bộ truyền thông và tư vấn cấp tỉnh về kỹ năng và nghiệp vụ trong tư vấn dân số, gia đình, trẻ em; hình thành mạng lưới dịch vụ xã hội về truyền thông, giáo dục, tư vấn bảo vệ, chăm sóc gia đình và trẻ em; nâng khả năng tư vấn và kỹ thuật của người cung cấp dịch vụ. Tiếp tục thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam 2001-2010; đẩy mạnh lồng ghép kế hoạch hóa gia đình với các nội dung sức khỏe sinh sản, đặc biệt là các vùng khó khăn như vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra sức khỏe di truyền, tư vấn tiền hôn nhân, phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội; mở rộng các dịch vụ chăm sóc người già, người tàn tật, phục hồi chức năng cho trẻ em và người tàn tật.

Bốn là, lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững. Triển khai Chiến lược Gia đình 2004-2010 kết hợp với xây dựng các mô hình về gia đình: "gia đình ít con, khỏe mạnh, ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc" nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. Xây dựng tiêu chí về gia đình trong tình hình mới, kết hợp lồng ghép dân số phát triển với tín dụng gia đình. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế và nhân dân vào công tác dân số, gia đình và trẻ em.

Năm là, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về dân cư, phát hiện và xử lý kịp thời các mất cân đối lớn về cơ cấu và phân bố dân cư. Nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm các mô hình và tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng dân số về thể chất và điều kiện sống.

Sáu là, lồng ghép các yếu tố nhân khẩu học của dân số vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội. Tập trung nguồn lực cho phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản (về giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, tạo công ăn việc làm...), đặc biệt các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi cao.

Đi đôi với thực hiện các giải pháp, cần bố trí hợp lý các nguồn lực, kết hợp với thực thi các chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (trong nước, ngoài nước, nhà nước, cộng đồng, v.v...) và nâng cao nhận thức về đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển đối với trẻ em, chính là đầu tư hiệu quả nhất cho tương lai ./.