Vì sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Với đường lối xây dựng "nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", kể từ đổi mới đến nay, nền văn học, nghệ thuật nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được, vẫn còn rất nhiều mặt hạn chế, bất cập trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật. Để thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật, chúng ta cần xây dựng một chiến lược phát triển văn nghệ đúng đắn, phát huy tối đa tài năng và tâm huyết của đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong cả nước.
1 - Văn học, nghệ thuật phải thể hiện một cách sinh động, sâu sắc tinh thần thời đại của chúng ta
Hơn bất cứ lĩnh vực nào khác, văn học, nghệ thuật có ưu thế to lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Đây là một thực tế đã được kiểm chứng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta. Truyền thống yêu nước, dũng cảm, nhân ái, khoan hòa của con người Việt Nam đã được phản ánh sinh động trong nhiều tác phẩm nghệ thuật ưu tú, và đến lượt mình, những giá trị ấy tiếp tục được phát huy qua các thế hệ nhờ vào vẻ đẹp của những hình tượng nghệ thuật có khả năng tạo ám ảnh. Đó chính là chức năng sáng tạo văn hóa của văn học, nghệ thuật với tư cách là một thành tố quan trọng của văn hóa dân tộc. Mà mục đích của văn học, nghệ thuật, suy cho cùng, đúng như quan niệm của Nguyễn Trãi về âm nhạc: gốc của nhạc là làm sao cho "khắp thôn cùng xóm vắng không vang lên một tiếng hờn giận oán sầu". Như vậy, về bản chất, văn học, nghệ thuật thực hiện nhiệm vụ "vị nhân sinh" của nó thông qua chính cái hay, cái đẹp của nghệ thuật. Nói khác đi, văn học, nghệ thuật tác động đến con người trước hết bằng phẩm tính nghệ thuật của nó. Thiếu tính nghệ thuật, mọi "giáo hóa" về tư tưởng sẽ khó lòng trở thành hiện thực bởi lẽ, văn học, nghệ thuật tác động đến con người không phải bằng sự khô khan của lý trí mà bằng sự rung động sâu xa của tình cảm. Từ tình cảm mà cháy lên ngọn lửa của tư tưởng và trí tuệ. Không phải ngẫu nhiên mà C.Mác từng nhấn mạnh: nghệ thuật sản xuất theo quy luật của cái đẹp!
Những năm đầu đổi mới, trong nền văn học, nghệ thuật nước ta đã xuất hiện nhiều tác phẩm gắn liền với cảm hứng "nói thẳng nói thật" và nhận thức lại lịch sử như Thời xa vắng của Lê Lựu, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường... Nhiều tác phẩm đã mạnh dạn nêu lên những nỗi đau, những bất công xã hội như Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc hay kịch của Lưu Quang Vũ...Tuy nhiên, trong khoảng mươi năm trở lại đây, đời sống văn học có phần chững lại. Dường như các nhà văn hoặc là quá chú ý đến những tiêu cực xã hội, hoặc là quẩn quanh với cái tôi riêng tư có phần nhỏ hẹp của cá nhân mà chưa thể hiện được khát vọng của con người Việt Nam trong thời đại ngày nay. Nhà văn Nguyễn Đình Thi có lần nói, nếu như trước đây chúng ta có phần nghiêng về "tô hồng" thì văn học mấy năm qua lại có phần nghiêng về "bôi đen" cuộc sống. Đây thực chất là những biểu hiện khác nhau của cái gọi là văn học "minh họa". Mà văn nghệ minh họa, dù ở khía cạnh nào cũng chỉ có tính nhất thời, ngắn ngủi.
Tinh thần thời đại mà chúng ta đang nói đến xuất phát từ thực tiễn đổi mới đất nước gắn liền với việc phát huy cao độ tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Tinh thần dân tộc lấy chủ nghĩa yêu nước làm cốt lõi là sự thể hiện bản chất nhất, tập trung nhất của văn hóa dân tộc được hòa nhập một cách sâu sắc vào ý thức dân tộc, phẩm chất dân tộc, khí chất dân tộc và trở thành định hướng giá trị để cộng đồng các dân tộc đoàn kết một lòng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tinh thần thời đại lấy đổi mới làm cốt lõi chính là nỗ lực và thành quả của toàn dân trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đây chính là những nguồn cảm hứng lớn mà văn nghệ sĩ cần hướng tới để xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật mới mẻ mang sắc thái dân tộc và thời đại, tăng thêm sức mạnh tinh thần cho việc thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
2 - Kiên trì bám sát thực tiễn đổi mới của đất nước để có những tác phẩm nghệ thuật thực sự mang đậm hơi thở của thời đại
Để có những tác phẩm thể hiện sâu sắc tinh thần của thời đại, đòi hỏi nghệ sĩ phải bám sát thực tiễn đổi mới đất nước, lắng nghe được sự chuyển đổi mạnh mẽ của cuộc sống và khát vọng đổi mới của nhân dân. C.Mác từng khẳng định, quần chúng nhân dân là người sáng tạo lịch sử. Tại lớp bồi dưỡng cán bộ cấp huyện ở Quảng Bình, Bác Hồ nhấn mạnh: Các đồng chí Quảng Bình nói rất đúng: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Tư tưởng đổi mới được Đảng ta chính thức khởi xướng tại Đại hội VI của Đảng sở dĩ được toàn dân đón nhận bởi chủ trương ấy gắn liền với tinh thần "Lấy dân làm gốc". Sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào sự thống nhất giữa nhân dân và Đảng. Đây là bài học lịch sử cần phải nhận thức thường xuyên, đầy đủ.
Việc bám sát thực tế, bám sát cuộc sống, bám sát quần chúng cũng là phương châm văn nghệ của Đảng. Thực tế mà chúng ta nói đến chính là thực tiễn vĩ đại của dân tộc, cuộc sống mà chúng ta nói là quá trình phấn đấu của hàng chục triệu nhân dân nhằm sáng tạo ra một tương lai tốt đẹp. Tất nhiên, những thành quả to lớn và có ý nghĩa lịch sử đã đạt được trong hơn hai mươi năm đổi mới khiến chúng ta có quyền tự hào nhưng không vì thế mà rơi vào tự thỏa mãn. Trong cuộc sống hôm nay còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, nhiều hiện tượng đau lòng, nhiều giá trị bị đảo lộn, lối sống hưởng thụ chạy theo vật chất và hội chứng vô cảm ngày càng phổ biến, có thật mà bất cứ ai có lương tâm đều phải phiền lòng. Trong tương quan với thế giới, chúng ta vẫn là một nước nghèo, chậm phát triển. Đây là những thực tế đòi hỏi các nhà văn phải quan tâm bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm của mình. Và nó cũng chính là cơ sở thực tiễn của sáng tạo văn học, nghệ thuật.
Hơn bao giờ hết, bên cạnh việc cần có những tác phẩm hay viết về đề tài lịch sử, chúng ta cũng đang rất cần những tác phẩm xuất sắc về đề tài đương đại, có sức tác động lớn đến quần chúng nhân dân. Nhà văn, thông qua tác phẩm của mình, phải đưa ra được những đề xuất tích cực đối với sự nghiệp đổi mới đất nước. Cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh sở dĩ được nhiều người đón nhận bởi, mặc dù viết về đề tài lịch sử nhưng tác phẩm này đã đặt ra những câu hỏi rất gần gũi với cuộc sống đương đại: Vì sao phải đổi mới? Đổi mới bằng cách nào? Nếu đổi mới mà không thu phục được lòng dân thì sẽ thành hay sẽ bại?... Như vậy, Nguyễn Xuân Khánh đã biết thổi vào tác phẩm của mình hơi thở của tinh thần đương đại. Đội ngũ những người hoạt động văn nghệ của chúng ta hiện nay phần lớn là những người tâm huyết với sự nghiệp cách mạng, đã trải qua thử thách, có tinh thần trách nhiệm, vì thế, chúng ta có quyền đòi hỏi và tin tưởng sẽ được thưởng thức những tác phẩm cao về tư tưởng, sâu về nghệ thuật trong thời gian tới.
Trong những năm đổi mới vừa qua, văn học của chúng ta cũng đã đề cập đến nhiều phương diện khác nhau của đời sống đương đại. Nhưng dường như các nhà văn có phần nhạy cảm hơn với những mặt tiêu cực đang xảy ra trong xã hội. Viết về mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội là cần thiết, nhưng một nền văn học phát triển hài hòa còn cần đến cả những tác phẩm miêu tả chân thực những mặt tươi sáng của đời sống, xây dựng được những nhân vật mang lý tưởng cao đẹp, dám nghĩ dám làm, dám hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc. Những nhân vật ấy chắc chắn đã xuất hiện trong thực tiễn đổi mới sinh động của đất nước. Vấn đề là bằng tài năng của mình, đội ngũ văn nghệ sĩ phải biết phát hiện và thể hiện chân dung của họ thông qua những hình tượng nghệ thuật sâu sắc. Không thể có được những tác phẩm nghệ thuật ưu tú nếu nghệ sĩ không thấu thị được tinh thần của thời đại, không xuất phát từ tầm cao của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, không trau dồi và nâng cao bản lĩnh nghệ thuật của mình.
Để có được những đỉnh cao nghệ thuật tương xứng với tầm vóc dân tộc trong thời đại ngày nay, việc bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật là một vấn đề hết sức quan trọng. Tài năng văn học không tự dưng mà có. Nó phải được hình thành và phát triển thông qua thực tiễn, được khẳng định trong thực tiễn. Thời gian qua, chúng ta đã ý thức được tầm quan trọng của vấn đề nhưng trong thực tế lại chưa có chính sách bồi dưỡng, chăm sóc tài năng đúng đắn. Chủ nghĩa bình quân và chủ nghĩa kinh nghiệm vẫn tồn tại một cách dai dẳng, kìm hãm việc giải phóng năng suất lao động và sáng tạo. Điều này không chỉ diễn ra trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật mà còn diễn ra trong nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương, nhiều bộ, ngành trong cả nước. Có những nơi chủ trương "chiêu hiền đãi sĩ" rầm rộ nhưng khi người tài đến làm việc, họ lập tức bị "săm soi" hoặc bị rơi vào cảnh "ngồi chơi xơi nước". Tình trạng này khiến nhiều người chán nản mà bỏ đi và từ đó hình thành tình trạng "chảy máu chất xám" rất đáng tiếc.
Thực tế trên đây đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền phải sâu sát hơn nữa trong chính sách bồi dưỡng chăm sóc tài năng, vừa giúp đỡ họ phát huy năng lực một cách hiệu quả, vừa tạo điều kiện để họ có điều kiện thâm nhập thực tế. Đây là điều kiện rất quan trọng để đội ngũ văn nghệ sĩ cống hiến cho đất nước những tác phẩm nghệ thuật ưu tú.
3 - Biến tinh thần đổi mới không ngừng trở thành động lực phát triển xã hội và văn học, nghệ thuật
Cần phải coi đổi mới không ngừng là linh hồn của một dân tộc tiến bộ, là động lực không bao giờ cạn kiệt của một quốc gia thịnh vượng, là yếu tố then chốt để văn học, nghệ thuật luôn giữ được sức sống mạnh mẽ. Nhiều học giả khi cắt nghĩa sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc trong thời kỳ cải cách đã khẳng định, một trong những nguyên nhân cơ bản là Trung Quốc luôn duy trì tinh thần "phản tư" và "cầu thị" trong đời sống tinh thần xã hội. Phản tư đòi hỏi phải thường xuyên xem xét những việc đã làm đúng hay sai, phản tư đòi hỏi con người luôn luôn có nhu cầu đổi mới và hướng đến cái tốt đẹp hơn; phản tư khiến cho bộ óc con người luôn luôn vận động, luôn luôn khám phá cái mới và sáng tạo cái mới. Điều này cũng phù hợp với khẩu hiệu "đổi mới tư duy" và nâng cao tinh thần "phản biện xã hội" mà Đảng ta đã chủ trương. Muốn phát triển, không còn lựa chọn nào khác, chúng ta phải luôn luôn giữ vững ngọn lửa nhiệt tình và tâm huyết đổi mới, biến khát vọng đổi mới thành hiện thực. Riêng lĩnh vực văn nghệ, theo chúng tôi, cần chú ý một số điểm cơ bản sau đây:
Đa dạng hóa các khuynh hướng, phương pháp sáng tác, khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo mới nhằm phát huy tối đa năng lực của văn nghệ sĩ.
Ngay từ Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị ban hành ngày 28-11-1987, Đảng ta đã đề ra chủ trương khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi sáng tạo. Trong Nghị quyết Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới do Bộ Chính trị ban hành ngày 16-6-2008, Đảng ta lại một lần nữa khẳng định: "Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Trên nền tảng mỹ học mác - xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam".
Chủ trương trên đây cho thấy tinh thần đổi mới, tư duy nhất quán của Đảng về văn học, nghệ thuật, nhằm định hướng và tạo điều kiện tối đa để văn nghệ phát triển mạnh mẽ, đúng đắn.
Tuy nhiên, hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật không đơn giản là một loại hoạt động phong trào thuần túy mà về cơ bản, đó là những sáng tạo mang tính chất cá nhân. Vì thế, một mặt, chúng ta phát động phong trào để khuyến khích sự phát triển chung của văn nghệ; mặt khác, phải tôn trọng những "cô đơn" sáng tạo của nghệ sĩ. Thực chất, cái gọi là "cô đơn" ấy chính là quá trình nghệ sĩ dồn năng lượng để sáng tạo tìm ra cái mới. Phải chú ý thích đáng đến tính đặc thù này của lĩnh vực nghệ thuật thì mới tạo ra không gian tinh thần rộng mở cho nghệ sĩ, miễn sao, tác phẩm của họ phải hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, phải góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, có lợi cho sự nghiệp đổi mới của dân tộc.
Sự đa dạng về khuynh hướng và bút pháp cũng làm cho đời sống văn học, nghệ thuật thêm phong phú, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của quần chúng. Kinh nghiệm cho thấy, không thể buộc quần chúng thưởng thức mãi một món ăn tinh thần cho dù món ăn ấy có ngon đến chừng nào đi chăng nữa. Đây cũng là đặc điểm cơ bản của tư duy nghệ thuật hiện đại và tiếp nhận nghệ thuật hiện đại.
Tiếp tục đổi mới một cách hiệu quả công tác lý luận và phê bình văn nghệ
Thực tiễn đổi mới văn học, nghệ thuật đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng đổi mới công tác lý luận, phê bình cho phù hợp. Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phải có đủ năng lực trả lời những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Thời gian qua, chúng ta đã giới thiệu nhiều lý luận mới, nhiều phương pháp nghiên cứu mới nhưng việc giới thiệu còn thiếu hệ thống và đồng bộ. Nhiều vấn đề quan trọng của lý luận văn học, nghệ thuật chưa có câu trả lời thuyết phục như vấn đề đối tượng, bản chất, chức năng của văn nghệ; phê bình văn học nghệ thuật chưa thực sự trở thành người bạn đồng hành tin cậy của sáng tác, chưa đủ sức hướng dẫn dư luận và định hướng phát triển cho sáng tạo cũng như tiếp nhận nghệ thuật. Đặc biệt, trong khi chúng ta đang nói đến sự lúng túng và xơ cứng của hệ thống lý luận hiện thời nhưng lại chưa đề xuất được một hệ thống mỹ học mới, một hệ tiêu chí mỹ học mới phù hợp với sự nghiệp phát triển của văn học, nghệ thuật dân tộc trong thời đại ngày nay. Công tác nghiên cứu lý luận văn nghệ của chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận văn nghệ phương Đông và phương Tây tuy có những thành tựu nhưng chưa thực sự tạo nên sự chuyển đổi về chất. Vì thế, cần phải có những đề tài, dự án quy mô, hệ thống, giàu tính học thuật được giao cho Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Viện Văn học, Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật và các cơ quan khoa học khác tổ chức thực hiện. Chỉ có như thế, việc nghiên cứu lý luận và công tác phê bình mới phát triển thực sự.
Thúc đẩy mạnh mẽ sự đổi mới thể chế, cơ chế
Việc đổi mới thể chế và cơ chế phải xuất phát từ đặc điểm xây dựng văn minh tinh thần ở nước ta. Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là chính sách và chủ trương ra đời được triển khai muộn và hiện tượng không ít cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật không am hiểu sâu sắc đặc trưng của hoạt động nghệ thuật thuật, quản lý hoạt động văn nghệ chủ yếu theo biện pháp hành chính. Điều này đã vô tình cản trở và gây ức chế cho hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ, làm chậm tốc độ phát triển. Mặt khác, vẫn còn hiện tượng chỉ coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ vai trò của văn hóa, văn nghệ. Đây là quan niệm lệch lạc, thiếu tính biện chứng vì sự phát triển mà chúng ta hướng tới phải là sự phát triển bền vững. Tất nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường, các hoạt động văn học, nghệ thuật phải giải quyết hài hòa mâu thuẫn: vừa phải đáp ứng được nhu cầu tinh thần của nhân dân, vừa phải phù hợp với quy luật thị trường. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có kế hoạch tài trợ cho văn nghệ, mặt khác, phải xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh để ngăn chặn tình trạng thương mại hóa nghệ thuật.
Không ngừng mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa
Trong thời đại toàn cầu hóa, giao lưu hợp tác văn hóa với các nước là một nhu cầu cấp thiết nhằm học tập kinh nghiệm và tinh hoa văn hóa nhân loại. Tất nhiên, điều đáng quan tâm không kém là việc tiếp thu phải chọn lọc: cái nào nên học tập, cái nào cần kiên quyết loại bỏ, cái nào phù hợp với ta, cái nào không phù hợp. Mặt khác, phải nỗ lực xây dựng thương hiệu văn hóa và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới vì chỉ khi nào có sự trao đổi hai chiều, quá trình giao lưu văn hóa mới diễn ra tích cực với đúng nghĩa của nó. Thương hiệu văn hóa trước hết dựa vào sản phẩm văn hóa có trình độ kết tinh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nói cách khác, bên cạnh các lĩnh vực khác, còn một con đường để thế giới biết đến Việt Nam chính là chúng ta giới thiệu được những sản phẩm văn hóa và văn học nghệ thuật đặc sắc. Điều này phụ thuộc vào tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ, để cho đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ ý thức một cách tự giác rằng: việc sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ưu tú chính là trách nhiệm và vinh dự của họ trước đất nước và nhân dân./.
Nga - Bê-la-rút quyết tâm xây dựng Nhà nước liên minh  (07/10/2008)
FED mở rộng tái cấp vốn cho các ngân hàng  (07/10/2008)
Họp báo về Lễ trao giải thưởng Sách Việt Nam 2008  (07/10/2008)
Luật sư Mỹ: Quyết định của Tòa Phúc thẩm là sai trái  (07/10/2008)
Mỹ tiếp tục nỗ lực giải quyết khủng hoảng tài chính  (07/10/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên