Vài nét về quan hệ đối tác chiến lược

Đinh Công Tuấn PGS, TS. Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu châu Âu
20:01, ngày 01-08-2013

TCCSĐT - Sau Chiến tranh lạnh, trong quan hệ quốc tế hình thành một số hình thức mới. Các quốc gia với thể chế chính trị, kinh tế khác nhau đã tìm những phương cách mới và áp dụng chúng một cách linh hoạt để thúc đẩy quan hệ với nhau. Một trong các hình thức quan hệ mới đó là việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Vấn đề hợp tác trong lý thuyết quan hệ quốc tế

Liên minh (Alliance): Là mối quan hệ hợp tác chính thức hoặc không chính thức giữa hai hoặc nhiều nước nhằm hỗ trợ lẫn nhau trên một mức độ nào đó về phối hợp chính sách liên quan đến các vấn đề về an ninh hiện tại và tương lai. Hình thái “an ninh tập thể” thường là cách thể hiện mô hình này. Theo đó các nước ký kết một hiệp ước (chính thức hoặc không chính thức) cam kết giúp đỡ nhau khi bất cứ thành viên nào bị đe dọa.

Chức năng của liên minh là để  “củng cố an ninh của đồng minh” thông qua việc hợp tác để “hợp lực” chống lại một thế lực khác. Lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy, sự phát triển của mô hình liên minh là các đồng minh đánh giá nhau qua khả năng trợ giúp nhau về mặt quân sự nhằm răn đe hoặc trừng phạt một liên minh đối lập.

Đối tác (Partnership): Là thuật ngữ chỉ mối quan hệ cộng tác - hợp tác nhưng ở mức độ cao hơn và cụ thể hơn. Các nhà nghiên cứu định nghĩa: “Đối tác bao gồm hai hay nhiều bên hành động cùng nhau để nâng cao hợp tác bằng việc thực hiện những mục tiêu chung. Xây dựng những kênh/cơ chế giải quyết các bất đồng/tranh chấp, biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác và phương pháp đánh giá tiến bộ cũng như chia sẻ những thành tựu hợp tác”. Hành động cùng nhau chung mục tiêu và chung lợi ích là những tiêu chí của quan hệ đối tác. Một mối quan hệ đối tác bao gồm sự gần gũi, bình đẳng, có đi có lại, và thỏa thuận về những mục tiêu chung.

Chiến lược (Strategic): Nghĩa rộng là sự quan trọng có tính toàn cục, then chốt và có giá trị tương đối lâu dài về mặt thời gian, đặc biệt, trong các bối cảnh liên quan đến việc sử dụng sức mạnh quân sự. “Chiến lược” dùng để chỉ tính tổng thể, để tạo sự khác biệt với những chi tiết (chiến thuật); nghệ thuật sử dụng nguồn lực, kết hợp với các giá trị về đạo đức, để đạt được những mục tiêu. Trong nhiều tình huống, từ “chiến lược” thường liên quan đến các lĩnh vực an ninh - quân sự mặc dù không hoàn toàn là một thuật ngữ chỉ dùng trong lĩnh vực an ninh - quân sự.

Đối tác chiến lược (Strategic Partnership) chỉ một mối quan hệ hợp tác quan trọng (nhưng không nhất thiết chỉ tập trung trong lĩnh vực an ninh - quân sự) vừa có tính hướng vào mục tiêu cụ thể, vừa có hàm ý mong muốn quan hệ lâu dài (quan hệ “win - win” cùng có lợi). Đặc điểm của quan hệ đối tác chiến lược là không có giới hạn về không gian, thời gian; không hạn chế về đối tượng áp dụng; không hạn chế về lĩnh vực hợp tác, và không nhất thiết phải mang nội dung an ninh - quân sự.

Đối tác chiến lược là một dạng quan hệ hợp tác phong phú, trong đó thành phần, nội dung, hình thức, mức độ… hoàn toàn tùy thuộc vào sáng kiến của các bên. Các nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng, hạn chế duy nhất đối với mối quan hệ đối tác chiến lược là “sức tưởng tượng của các bên tham gia”.

Thuật ngữ “đối tác chiến lược” lần đầu được sử dụng vào khoảng những năm 1990, 1991 để chỉ quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Từ đó, thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi.

Theo quan niệm của GS. Va-lê-ri Lót-xkin (Nga), “đối tác chiến lược” phải bao gồm những nội dung sau: không tấn công lẫn nhau; không liên minh chống lại các nước khác; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; phải có lòng tin lẫn nhau. Đối với Mỹ, đối tác chiến lược phải bao gồm hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh.

Về hình thức: đối tác chiến lược có thể diễn ra linh hoạt (chính thức hoặc không chính thức, song phương hoặc đa phương, diện và mức độ tham gia rộng hoặc hẹp, nhiều hoặc ít…) và có tính mở vì không hướng tới một kết cục cụ thể.

Trong thực tế, có những mối quan hệ tuy không phải là đối tác chiến lược, nhưng thực chất lại còn hơn cả đối tác chiến lược. Ví dụ: Quan hệ Mỹ - EU tuy không phải là đối tác chiến lược, nhưng mối quan hệ hợp tác thì vô cùng chặt chẽ. Còn quan hệ Bra-xin - EU tuy là quan hệ đối tác chiến lược nhưng mức độ quan hệ không thể so sánh được với quan hệ Mỹ - EU.

Quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam

Với Việt Nam, đối tác chiến lược là mối quan hệ chiến lược gắn với ngoại giao, kinh tế. Theo TS. Lê Hồng Hiệp (Học viện Ngoại giao): Quan hệ đối tác chiến lược mà Việt Nam quan niệm bao gồm hợp tác về an ninh, thịnh vượng và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

- An ninh: quan hệ đối tác chiến lược đó sẽ giúp cho Việt Nam củng cố nền tảng ngoại giao và quốc phòng, hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc giữ gìn an ninh, bảo toàn chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

- Thịnh vượng: mối quan hệ kinh tế với đối tác đó phải góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nó thể hiện trên các lĩnh vực: quan hệ thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển (ODA) và chuyển giao công nghệ. Ví dụ như: thương mại song phương phải đạt kim ngạch tối thiểu 10 tỷ USD, đầu tư song phương đạt từ 5 tỷ USD trở lên,… Nếu các tiêu chí đó chưa đạt được thì phải xét đến quy mô và mức độ phát triển của quốc gia đó.

- Nâng cao vị thế của Việt Nam: quốc gia đối tác chiến lược phải là những nước lớn, hoặc cường quốc hạng trung tiêu biểu; có vị thế và ảnh hưởng quan trọng, đáng kể đối với đời sống chính trị thế giới và khu vực.

Ngoài 3 tiêu chí an ninh, thịnh vượng, nâng cao vị thế của Việt Nam cần phải có những tiêu chí khác nữa như quan hệ lâu dài, cùng có lợi (mức độ lợi ích có thể chia đều, hoặc hơn kém do hai nước quy định), có niềm tin tưởng vào nhau…

Tháng 1-2013, nhân chuyến thăm I-ta-li-a của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã ký tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - I-ta-li-a. Ngày 26-6-2013, Việt Nam và Vương quốc Thái Lan ra Tuyên bố chung Việt Nam - Thái Lan về chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Thủ tướng Y. Si-na-oa-tra, theo đó, hai nhà lãnh đạo đã quyết định đưa quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược. Trong buổi hội đàm ngày 27-6-2013 tại Gia-các-ta, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống In-đô-nê-xi-a S. B. Y-u-đô-y-ô-nô chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - In-đô-nê-xi-a thành đối tác chiến lược, nhằm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Đây là những mối quan hệ đối tác chiến lược mới nhất mà Việt Nam thiết lập với một nước khác. Trước đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Liên bang Nga (năm 2001), Nhật Bản (năm 2006), Ấn Độ (năm 2007), Trung Quốc (năm 2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha (năm 2009), Vương quốc Anh (năm 2010), và Đức (năm 2011). Trong các quan hệ đối tác chiến lược này, có một số mối quan hệ đã được nâng lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện” như với Trung Quốc và Liên bang Nga.

Bên cạnh đó, từ năm 2009, Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện” với Ô-xtrây-li-a. Trong chuyến thăm gần đây tới Pháp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, hai nước cũng thống nhất sẽ sớm nâng quan hệ song phương lên tầm “đối tác chiến lược”.

Việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với những quốc gia quan trọng trên thế giới phù hợp với lợi ích của mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới chính là sự thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế./.