Độc lập tự chủ về kinh tế với một thế giới tùy thuộc nhau trong chuỗi giá trị toàn cầu
TCCS - Hơn bao giờ hết, quá trình toàn cầu hóa kinh tế đang làm cho các nền kinh tế, các quốc gia ngày càng xác định rõ xu thế phân công lao động xã hội mang tính toàn cầu, tùy thuộc lẫn nhau trên nhiều phương diện và nhiều cung bậc. Bởi vậy, có hai vấn đề hệ trọng: bảo đảm tính độc lập, tự chủ về kinh tế của đất nước và chấp nhận sự tùy thuộc để tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
1 - Thực chất của quá trình phân công lao động toàn cầu
Toàn cầu hóa kinh tế là hệ quả của quá trình phát triển lực lượng sản xuất với tính chất xã hội hóa sản xuất phát triển ở một trình độ cao vượt ra khỏi khuôn khổ đã trở nên quá chật hẹpcủa một quốc gia. C. Mác và Ph. Ăng-ghen từ thế kỷ thứ XIX đã dự báo: "Đại công nghiệp đã tạo ra thị trường thế giới..."(1). Rõ ràng, đây là một xu thế tất yếu, mà động lực và tiền đề của sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất là những thành tựu của khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Ngày nay, lực lượng sản xuất của nhân loại đã vượt xa trình độ đại công nghiệp như C. Mác đã từng thấy, nhờ những tiến bộ vượt bậc về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và công nghệ vật liệu mới.
Cũng như phân công lao động xã hội trong nội bộ một nền kinh tế quốc dân, phân công lao động quốc tế là một phạm trù kinh tế khách quan xuất phát từ sự phát triển cao của lực lượng sản xuất, đạt đến trình độ xã hội hóa sản xuất toàn cầu, biến các quốc gia thành những bộ phận hợp thành của toàn bộ quá trình sản xuất của nhân loại. Ngày nay, một quốc gia rất khó phát triển nếu đứng ngoài quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có sự phân công lao động quốc tế. Năng lực tồn tại và sự chọn lựa cách thức hòa nhập vào hệ thống phân công lao động quốc tế và thị trường thế giới trở thành vấn đề "sinh tử" đối với các nền kinh tế quốc dân riêng lẻ và cả các doanh nghiệp - chủ thể sản xuất của các lĩnh vực khác nhau.
Nói đến phân công lao động quốc tế là nói đến một hệ thống các quan hệ tồn tại khách quan giữa các chủ thể sản xuất vượt ra khỏi giới hạn chật hẹp của một quốc gia, mang tính chuyên môn hóa toàn cầu, trong đó các nước và các chủ thể kinh tế tham gia đều phải tuân thủ các quy luật khách quan, ai mạnh (theo nghĩa rộng của từ, bao hàm cả những cơ hội, lợi thế và thuận lợi nhất định) về việc gì thì làm việc đó. Mọi hành động đi ngược lại quá trình đó đều phản phát triển, phản tiến bộ và không đem lại hiệu quả cao.
Quá trình tham gia phân công lao động quốc tế bao giờ cũng có sự chọn lọc và đào thải mạnh mẽ. Chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên mà các tập đoàn xuyên quốc gia lại có nhiều lợi thế trong việc chớp lấy những khâu tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn các công ty nhỏ; những quốc gia nghèo và chậm phát triển thường phải chấp nhận gia công cho các quốc gia công nghiệp phát triển. Còn những quốc gia dư thừa lao động chưa được đào tạo tay nghề, tuy có lợi thế về giá trị nhân công rẻ, nhưng phải chấp nhận vị trí gia công sản phẩm. Hay các nước còn ít vốn, công nghệ kém phát triển phải nhận khâu lắp ráp...
Ngoài ra, đối với những quốc gia chậm phát triển còn phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu, năng lượng và các yếu tố đầu vào quan trọng, như: thương hiệu, công nghệ, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm và bản quyền sở hữu trí tuệ, thì doanh nghiệp khó tránh khỏi việc chấp nhận gia công cho những thương hiệu lớn hơn. Tuy không ít doanh nghiệp biết việc chưa có thương hiệu là một thiệt thòi, nhưng trong lúc vốn liếng quá "mỏng" thì những chi phí phải bỏ ra để tiếp cận được với vấn đề xây dựng thương hiệu là một gánh nặng. Thậm chí khi đã có thương hiệu nhưng không ít doanh nghiệp do lối sản xuất nhỏ, tiểu nông, chỉ nhìn thấy lợi trước mắt, hoặc làm ăn theo kiểu chụp giật... nên đã để mất chữ tín, mất luôn cả thương hiệu có được.
Trước đây, bằng chiến tranh thôn tính lãnh thổ để chia lại thế giới, bành trướng ảnh hưởng chính trị, thì suy cho cùng cũng là mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và tìm kiếm nguồn nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất. Theo học thuyết biên giới mềm, điều đó sẽ đạt được bằng một cách khác, đó là vận dụng các quy luật kinh tế của thị trường. Mệnh đề “hàng hóa vươn tới đâu, biên giới quốc gia vươn tới đó” đã xuất hiện trong giới lý luận kinh tế thế giới. Biên giới giữa các quốc gia giờ đây không chỉ là biên giới đất liền, biên giới biển, biên giới trên không, mà còn là biên giới của hàng hóa và văn hóa.
Khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phát triển ngày càng sâu rộng, cùng với sự mở rộng không ngừng về số quốc gia thành viên (đến nay đã là 152 nước), xu thế tự do hóa thương mại trở thành một trào lưu phát triển tất yếu của thế giới hiện đại. Các ràng buộc, hay nói cách khác, các rào cản cấp quốc gia về thương mại (kể cả hàng rào kỹ thuật, tự vệ trong khuôn khổ các quy định của WTO và phi quan thuế...) đang lùi dần để nhường chỗ cho các quan hệ thương mại tự do, chí ít là trong số 152 thành viên của WTO, và hàng loạt quốc gia khác đang trên đường đàm phán để gia nhập tổ chức này. Đó là chưa kể những hiệp định tự do thương mại song phương muôn hình, muôn vẻ đang hiện hữu trên thế giới.
Trước xu thế tất yếu đó của thế giới hiện đại, các quốc gia không thể "co cụm" lại để bảo vệ lợi ích của mình dưới các lý do như tự vệ để bảo hộ sản xuất trong nước và cho dù có tìm mọi cách để thực hiện các chính sách bảo hộ thì vẫn phải chịu những tác động mang tính hai mặt. Không ít các ngành hàng được bảo hộ một thời gian đã rơi vào tình trạng tụt hậu xa hơn về công nghệ do chậm đổi mới, tiếp cận kém với những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Điều tệ hơn nữa là bảo hộ sẽ triệt tiêu động lực đổi mới, và điều mất lớn nhất có lẽ ở chỗ ngành hàng đó đang bị nằm ngoài chuỗi giá trị toàn cầu.
2 - Quá trình tham gia phân công lao động quốc tế và chuỗi giá trị toàn cầu
Chuỗi giá trị là chuỗi của các hoạt động. Sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động của chuỗi theo thứ tự và mỗi hoạt động tạo ra sản phẩm được xác định một số giá trị gia tăng. Trong chuỗi, các hoạt động cung cấp cho các sản phẩm thêm giá trị gia tăng thường cao hơn tổng giá trị của tất cả các hoạt động riêng lẻ(2). Chuỗi giá trị toàn cầu thường có nhiều cung bậc khác nhau, hay nói cách khác là với các "lát cắt" chủ yếu như sau:
- Từng khu vực có những đóng góp nhất định mang tính đặc trưng của mình vào chuỗi giá trị toàn cầu, chẳng hạn khu vực của khối các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)...
- Mỗi quốc gia cũng có những giá trị đặc trưng khi tham gia, đóng góp vào giá trị chung của toàn cầu. Chẳng hạn, nói đến trồng và cung cấp nguyên liệu cà phê là thế giới nghĩ ngay đến Bra-xin và Việt Nam, nói đến thứ gia vị "vua" là thế giới nghĩ ngay đến hồ tiêu Việt Nam, nói đến chế tạo ô tô là thế giới điểm đến một loạt các quốc gia lớn như Mỹ, Thụy Điển, Đức, Nhật Bản, ... với các hãng lớn có thương hiệu mạnh như Ford, Volvo, Mercedes, Toyota...
- Đối với một sản phẩm cụ thể, chuỗi giá trị thường được xác định từ khâu đầu đến khâu cuối, trước khi đến tay người tiêu dùng. Chẳng hạn, từ khâu nghiên cứu triển khai (R&D), mẫu mã (design), chế tạo các bộ phận linh kiện, lắp ráp, khai thác thị trường, tiếp thị và đến khâu cuối cùng là chiến lược thương hiệu.
Chuỗi giá trị toàn cầu đối với mỗi sản phẩm có thể được hiểu là, mỗi sản phẩm được tạo ra đều có giá trị bao gồm một xâu chuỗi các mắt xích với nhiều giá trị kết nối tạo nên. Trong đó, các mắt xích tạo nên giá trị cuối cùng của một sản phẩm đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia - lãnh thổ hoặc một sản phẩm thuần túy ra đời tại một địa phương cụ thể nhưng vẫn mang giá trị toàn cầu.
Có thể thấy, trong chuỗi giá trị toàn cầu ấy, giá trị gia tăng sẽ được tạo ra nhiều nhất ở khâu R&D và marketing, tiếp đến là khâu thiết kế và phân phối, còn khâu sản xuất, gia công và lắp ráp sẽ tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất. Chính vì vậy, các hãng chế tạo xe máy nổi tiếng của Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản và Hoa Kỳ chỉ tập trung vào các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao, còn những khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp sẽ chuyển sang các nước khác, trong đó chủ yếu là cho các doanh nghiệp của các nước đang phát triển. Những nước đang phát triển như Việt Nam, chẳng những đang phải tham gia khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp, mà tổng thể còn đang bị nằm ở phần đáy của đường cong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các quốc gia có thể quyết định năng lực cạnh tranh hay thương hiệu quốc gia của mình, nhưng thường thì sản phẩm và năng lực sản xuất của các ngành hàng vẫn là khâu quan trọng nhất. Chẳng hạn, một quốc gia kém phát triển, trình độ công nghệ thấp, lao động tay nghề không cao, thiếu vốn đầu tư... thì chấp nhận thực hiện những khâu có giá trị gia tăng thấp, thậm chí phải tiếp nhận những nhà máy có trình độ công nghệ thấp, lượng phát thải lớn... Bởi vậy, mới có câu chuyện rằng, các nước công nghiệp phát triển đã đưa ra đề xuất là họ có thể mua lại tiêu chuẩn phát thải (theo Nghị định thư Ky-ô-tô về hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính), đưa sang các nước chậm phát triển một lượng lớn các nhà máy, công xưởng để thực hiện cái gọi là cam kết cắt giảm phát thải công nghiệp gây hiệu ứng nhà kính.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, các sản phẩm của công nghiệp chế biến vẫn đang chủ yếu tập trung ở "hạ nguồn" - nơi giá trị gia tăng được tạo ra cho mỗi sản phẩm là rất thấp. Thực trạng này tồn tại ở nhiều lĩnh vực, như: lắp ráp ô tô, xe máy, may mặc, đóng giầy..., thậm chí với cả ngành đóng tàu của Vinashin hiện nay. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân chung nhất thì đã phân tích ở trên. Trong các chiến lược sản phẩm, cũng như chiến lược chung của cả quốc gia, chúng ta chưa xác định được, hay nói cách khác, chưa định vị được chính xác nền kinh tế Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Có được những "định vị giá trị" tầm quốc gia mới có định hướng xây dựng các chương trình phát triển ngành hàng, doanh nghiệp với lộ trình cụ thể.
3 - Xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ trong thế giới ngày nay
Chúng ta đang tham gia thị trường toàn cầu mà ở đó, nguồn lực của các quốc gia đang được phân chia lại theo những nguyên tắc mới của phân công lao động quốc tế. Trong quá trình đó, tính chất độc lập, tự chủ thể hiện ở việc xác định đúng những giá trị mình có hoặc những khả năng có thể biến thành hiện thực trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc thực thi quyền độc lập, tự chủ còn có ý nghĩa rất quan trọng để bảo vệ lợi ích quốc gia khi đưa ra những quyết sách đúng.
Thiếu những nguyên tắc đó, không thể dự báo chính xác những ngành nào của Việt Nam có thể cạnh tranh và tồn tại; những ngành nào cần tập trung phát triển để phát huy lợi thế so sánh; và từ đó xác định những ưu tiên cũng như sự đánh đổi cần thiết.
Ngay cả cách thức can thiệp của Chính phủ đối với từng lĩnh vực cũng cần có tư duy và tầm nhìn toàn cầu. Không thể tiếp tục duy trì kiểu tự cung, tự cấp quốc gia, nghĩa là thực hiện tính độc lập, tự chủ kinh tế bằng cách tự túc đầy đủ các ngành, lĩnh vực, từ công nghiệp nặng đến công nghiệp nhẹ, từ nông nghiệp đến dịch vụ; từ khâu đầu đến khâu cuối trong sản xuất một sản phẩm nào đó... Bởi vậy, phải xác định lợi thế mình có, khai thác mạnh những lợi thế về sự khác biệt. Như vậy, phải chăng cái gì Việt Nam đang sản xuất đắt hơn thế giới, thì phương án tối ưu nhất là nhập khẩu, rồi dành những nguồn lực để sản xuất ra mặt hàng quá đắt đó cho việc sản xuất những mặt hàng mà Việt Nam có thể làm tốt hơn thế giới, đồng thời thế giới cũng đang cần đến những mặt hàng đó. Hay phải kết hợp hài hòa giữa hai cách thức tiếp cận thị trường: Đưa ra thị trường những cái thị trường cần chứ không phải những cái mình có; Tìm thị trường cần những cái mình có chứ không chạy theo, làm theo cái thiên hạ làm. Thế giới sản xuất được máy bay, nếu chúng ta cũng tìm cách sản xuất máy bay, thì chỉ lãng phí các nguồn lực và chắc chắn sẽ không bao giờ thành công. Ngay như chính hãng sản xuất máy bay lớn của Mỹ là Boing cũng phải nhập linh kiện và thiết bị từ hơn 70 đầu mối của gần 70 quốc gia khác, bởi làm như vậy, tuy có lệ thuộc, nhưng vẫn kinh tế và hiệu quả hơn so với tự làm lấy tất cả các linh kiện. Tương tự như vậy, những sản phẩm nổi tiếng của Intel, Samsung, Mercedes... đâu còn được sản xuất chỉ tại chính quê hương của chúng. Nhiều mặt hàng nổi tiếng mang thương hiệu Nhật Bản, nhưng đã hằng chục năm nay, được sản xuất tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc... Vậy nên, chính sức mạnh của các thương hiệu là động lực để xâuchuỗi các giá trị toàn cầu, bởi vậy "phải biết mình biết ta" là một nhân tố cực kỳ quan trọng.
Một điểm nhấn khác, đặc biệt có ý nghĩa đối với triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam là vị trí địa - kinh tế - chính trị mang tầm chiến lược của nước ta. Nằm ở trung tâm một khu vực kinh tế đang phát triển rất năng động, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam đang đứng trước một cơ may hiếm có và một vận hội lịch sử lớn lao. Ngoài ra, Việt Nam là nước đông dân số (đứng thứ 13 trên thế giới), là một thị trường hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề đặt ra là, phải làm gì và làm như thế nào để biến những vị thế - lợi thế tự nhiên đó thành lợi thế phát triển hiện thực, đưa đất nước từ xuất phát điểm thấp- đi sau, nhanh chóng khẳng định vị trí xứng đáng của mình trong cuộc đua tranh phát triển toàn cầu. Trong đó việc xác định vị trí chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu với các bước đi cụ thể và hợp lý có ý nghĩa quyết định sự thành công.
Đối với các doanh nghiệp, Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận những nguồn lực cần thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và xác định được vị trí trong chuỗi giá trị chung toàn cầu đối với sản phẩm của mình. Trong vấn đề này, bước đầu có thể các doanh nghiệp chấp nhận một giai đoạn làm gia công, nhưng không thể quên mục tiêu chiến lược là vươn lên tham gia một cách hiệu quả vào các khâu có giá trị gia tăng cao hơn. Và dù có phải tham gia khâu nào, thì doanh nghiệp cũng cần sớm khẳng định thương hiệu của mình, thậm chí là thương hiệu của các thương hiệu, như kiểu Intel đối với sản xuất máy tính và linh kiện điện tử.
Đảng ta chủ trương đổi mới toàn diện đất nước, với đường lối đối ngoại đúng đắn: đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Từ tháng 11-2006 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của WTO. Thời gian tuy chưa đủ để đánh giá hết tác động của việc gia nhập WTO với nền kinh tế nói chung, nhưng những thay đổi trên những chỉ số cơ bản của nền kinh tế cùng với những biểu hiện tùy thuộc vào thị trường thế giới đã khá rõ nét:
Xuất khẩu của Việt Nam tăng không ngừng, đến nay đã chiếm tới khoảng 60% GDP hằng năm. Điều đó nói lên rằng, mỗi khi có biến động trên các thị trường xuất khẩu theo chiều hướng tiêu cực, làm giảm nhu cầu xuất khẩu, thì tất yếu sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước của Việt Nam.
Thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, sau 11 tháng đầu năm 2007, tổng vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm của các dự án đã lên tới trên 15 tỉ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2006 và vượt 15% kế hoạch năm 2007. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy môi trường đầu tư Việt Nam đang ngày một hoàn thiện hơn. Mấy năm gần đây, lượng vốn đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh. Tổng số dự án cấp mới từ đầu năm 2008 đến ngày 22-9-2008 đã lên tới 885 dự án với tổng vốn đăng ký là 56,3 tỉ USD. Quá trình minh bạch hóa chính sách khi gia nhập WTO đã buộc Việt Nam phải từng bước thực hiện những cam kết về mở cửa thị trường, không phân biệt đối xử trong các quan hệ thu hút đầu tư và thương mại. Các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội tiếp cận các chính sách kinh tế, luật pháp để có được quyết định đầu tư.
Việt Nam đang liên tục nhập siêu mấy năm nay, nên khi thế giới có biến động mạnh, mức xuất khẩu giảm làm cho nhập siêu tăng lên một cách tương đối, chưa nói càng cố gắng đẩy mạnh sản xuất bao nhiêu thì nhu cầu nhập nguyên liệu, thiết bị lại tăng lên bấy nhiêu, nhất là trong giai đoạn đất nước đang cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là chưa nói đến những tác động dây chuyền như, nếu Mỹ bị suy thoái kinh tế, thì Trung Quốc bị tác động mạnh, mà đây lại là thị trường xuất khẩu mạnh sang Việt Nam những năm gần đây, nên nó có thể làm cho đồng nhân dân tệ biến động bất lợi cho kinh tế Việt Nam...
Khi xác định các phương án đầu tư vào Việt Nam, tự bản thân doanh nghiệp nước ngoài đã phải dựa vào sự đánh giá ngành hàng và xác định vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành hàng đó. Bởi vậy, tuy có thể phải trả "học phí" cao thời gian đầu, nhưng cái được lớn hơn là "có lớp để được học". Chẳng hạn, trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong mở rộng liên doanh, liên kết với các tập đoàn lớn trên thế giới, thì ngay cả gia công thời gian đầu cũng đã rất có lợi. Doanh nghiệp trong nước liên kết được với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (nhất là cả dưới hình thức bao tiêu sản phẩm) sẽ sớm tiếp cận tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn nữa, trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tự bản thân các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã là một cầu nối quan trọng để doanh nghiệp trong nước vươn ra "biển lớn".
Vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu có tác dụng kéo theo việc cải thiện năng lực cạnh tranh trên cả ba cấp độ: quốc gia, ngành hàng và sản phẩm. Năng lực cạnh tranh của quốc gia sẽ mạnh lên, nếu trước mắt có nhiều doanh nghiệp nắm được những "mắt xích" trong chuỗi giá trị toàn cầu, không phân biệt đó là khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, phát triển thương hiệu hay phân phối. Hơn thế nữa, càng sớm được tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì càng sớm có điều kiện thoát ra khỏi tình trạng "nắm" mãi khâu giá trị gia tăng thấp nhất, tình trạng quanh quẩn trong cái "xưởng gia công khổng lồ" của thế giới. Chẳng hạn, nghề may mặc gia công đã có bước chuyển từ Hàn Quốc sang Trung Quốc, và nay sang Việt Nam. Ở Trung Quốc, các xưởng sản xuất hàng may mặc đã phải lui vào vùng sâu, vùng cao và vùng xa, nơi công lao động còn rẻ. ở Việt Nam cũng đang xuất hiện tình trạng tương tự. Từ đó suy ra, sớm hay muộn, ngành gia công may mặc cũng sẽ phải rời khỏi Việt Nam sang nơi khác, khi tiền công lao động của người Việt Nam cao lên đến mức ngành may mặc không thể chấp nhậnđược. Đó là một quy luật vận động khách quan.
4 - Quan điểm về giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu
Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam nói chung mới chỉ tham gia vào những khâu tạo ra giá trị gia tăng rất thấp trong phân khúc sản xuất, chỉ cung cấp sức lao động phổ thông và nguyên vật liệu thô. Đây cũng là thực trạng chung của các nước nghèo trên thế giới. Vươn lên cạnh tranh ở hai phân khúc giá trị gia tăng cao phải là mục tiêu phấn đấu, bởi nó tạo nên nội lực thực sự và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như thương hiệu quốc gia.
Thế nhưng, muốn thực hiện được những mục tiêu lâu dài đó, chúng ta phải có một đường lối kinh tế - chính trị độc lập tự chủ. Không nên theo quan điểm cứ đợi đến lúc có thương hiệu đủ mạnh rồi mới tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, như vậy khó có thể "đuổi kịp" được thiên hạ, thậm chí nền kinh tế nước nhà càng lạc hậu hơn so với thế giới. Trước mắt, nếu tham gia khâu nào, cân nhắc kỹ cái lợi và cái hại, thấy lợi nhiều hơn thì tham gia, kể cả gia công, lắp ráp, nhưng không xa rời mục tiêu chiến lược là phải tìm cách tích lũy mọi mặt để vươn lên khâu có giá trị gia tăng cao hơn. Tích lũy ở đây bao gồm vốn, kiến thức và thậm chí cả thương hiệu nữa. Đồng thời, độc lập tự chủ còn có tác dụng tự đánh giá được những giá trị mình có, khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn rút ngắn thời gian "nằm chờ thời" trong khâu gia công hay xuất khẩu nguyên liệu thô, phải tích lũy tốt; muốn tích lũy tốt, phải thực hành tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực.
Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần nâng cao năng lực tham gia của sản phẩm Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu là một tham vọng lớn, nhưng thực tế cho thấy FDI vào các ngành hàng thường không đều, nhất là vào nông nghiệp, kể cả sản xuất nguyên liệu đến chế biến xuất khẩu, đều rất nhỏ giọt, trong lúc nhu cầu các mặt hàng nông sản trên thế giới đang ngày càng tăng, nhất là lương thực. Điều đó chứng tỏ, tuy không bỏ lỡ cơ hội thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam vẫn cần đẩy mạnh đầu tư trong nước vào những lĩnh vực thuộc về chiến lược phát triển. Quan điểm đó giúp tránh được lối tiếp nhận FDI bằng mọi giá, để rồi sự đóng góp của nó không đủ để khắc phục tình trạng môi trường bị hủy hoại (như trường hợp của Công ty Vedan và một số khu công nghiệp vừa qua). Chẳng hạn, FDI vào Việt Nam dưới hình thức nhập nguyên liệu nước ngoài để sử dụng lao động rẻ trong nước rồi chế biến - xuất khẩu là một cách làm, nhưng cách làm đó nếu không được kiểm soát tốt, sẽ biến Việt Nam thành nơi chứa chất thải, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp FDI kiểu đó chắc chắn không thể nhiều. Trong khi đó, người nông dân Việt Nam sản xuất ra nhiều loại gạo ngon nổi tiếng, nhưng giá xuất khẩu chưa cao bởi còn thiếu chuỗi giá trị cung ứng. Còn nguồn nhân lực dồi dào đang dần dần trở thành cái "bẫy" đối với nền kinh tế bởi thiếu chất lượng, không đáp ứng nổi nhu cầu tham gia các khâu của chuỗi giá trị có giá trị gia tăng cao hơn, chưa nói đó còn là rào cản vô hình đối với chuyển giao khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong việc tăng năng suất lao động.
Thị trường thế giới hiện nay rộng lớn với gần 7 tỉ người tiêu dùng nên chuỗi cung ứng càng lớn, chi phí cho công đoạn lưu thông, tiếp thị càng tăng mà nhờ thế, lợi nhuận càng nhiều. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là một hướng đi rất cần thiết, vì nó làm cho các nhà xuất khẩu chủ động xoay chuyển tình thế trong những trường hợp gặp khó khăn (rủi ro) ở một thị trường nào đó trong hệ thống các thị trường tiêu thụ của Việt Nam. Muốn đạt được sự đa dạng hóa thị trường xuất khẩu phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, không xem nhẹ một khâu nào, khu vực nào hay quốc gia, vùng lãnh thổ nào. Các hoạt động xúc tiến thương mại phải được đẩy mạnh toàn diện hơn.
Một đất nước với gần 90 triệu dân trong thời gian tới, thì thị trường tiêu thụ trong nước phải luôn là một vấn đề lớn, không được coi nhẹ, thậm chí phải đặt nó vào một khâu quan trọng trong chuỗi tiêu thụ chung của thế giới. Đây vừa là một cái "van an toàn", giúp điều hòa mỗi khi có biến động bất lợi trên thế giới về giá cả cũng như sức cầu, vừa là bảo đảm nâng cao đời sống cho hàng chục triệu đồng bào cả nước ngay từ những mặt hàng nông sản chất lượng cao, cái lợi lâu dài sẽ vô cùng lớn. Đó là chưa nói tới những thuận lợi về nhiều mặt để sản phẩm trong nước giành chiến thắng trong cạnh tranh trên "sân nhà". Muốn vậy, phải phát triển hệ thống phân phối trong nước một cách đồng bộ, từ các chợ nông thôn đến các chợ đầu mối về nông sản phải được quan tâm đúng mức về quy hoạch cũng như đầu tư xây dựng và phát triển. Thực tế đáng tiếc là, đến nay, kết cấu hạ tầng của các loại chợ nông sản ở nước ta còn quá yếu, thiếu và không đồng bộ, chưa có chợ đầu mối. Những cơn sốt gạo giả tạo vừa qua cho thấy rõ điều đó.
Muốn có thị trường trong nước phát triển phải có một hệ thống chính sách phát triển đồng bộ với những phương thức hỗ trợ phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp và thông qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trước hết phải ưu tiên hơn nữa cho nông nghiệp, nông thôn và các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản, nhất là nông sản xuất khẩu. Quy hoạch phát triển nông nghiệp phải gắn với phát triển nông thôn và quy hoạch sử dụng đất. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện quy hoạch, nhất quyết không thể để đất canh tác bị giảm đi vì mục tiêu phi nông nghiệp. Hơn nữa, phải để các thành phần kinh tế có vị trí bình đẳng trong việc sử dụng và thực hiện các quy hoạch đó, không để bất kỳ một thành phần kinh tế nào đứng ngoài cuộc đối với những ưu tiên, ưu đãi trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn phải đánh giá đúng những lợi thế của từng vùng, từng địa phương, và để cho cộng đồng các doanh nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh đó. Đề cao hơn nữa vai trò của khâu quảng bá chất lượng nông sản, nhất là chú ý đến những đặc tính khác biệt và có ích cho sức khỏe con người của các nông sản Việt Nam, từng bước tô đậm thương hiệu quốc gia Việt Nam về các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường  (24/03/2009)
Tháng 3-2009, chỉ số giá tiêu dùng cả nước giảm  (24/03/2009)
Điều chỉnh biên độ tỷ giá VND/USD lên +/-5%  (24/03/2009)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay