TCCS ĐT - Dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Ðảng, trong các ngày 20 và 21-3, tại thành phố Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và thông tin đối ngoại năm 2008, nhiệm vụ năm 2009.

Ðến dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đại biểu các bộ, ban, ngành ở Trung ương; các tỉnh, thành và cơ quan báo chí trong cả nước. Phát biểu ý kiến chỉ đạo, đồng chí Tô Huy Rứa nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về biển, đảo, phân giới, cắm mốc trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Hội nghị tập trung thảo luận 3 nội dung:

1. Vấn đề tuyên truyền biển, đảo

Việt Nam là một quốc gia về biển, phát triển kinh tế biển, gắn với an ninh, quốc phòng có vai trò quan trọng. Trong thời gian qua, chúng ta đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị và tính nhất quán đối với yêu cầu tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo của Việt Nam.

Các hoạt động tuyên truyền biển, đảo được triển khai không chỉ đối với những ngành có chức năng liên quan đến biển, tỉnh có biển mà còn mở rộng đều khắp các ngành, địa phương trong cả nước. Các cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng những chuyên mục, chuyên trang, bài viết, chương trình khá đa dạng, nhất là nội dung phản ánh đời sống chiến sỹ nơi hải đảo, sự quan tâm của hậu phương; hoạt động chống tiêu cực, gian lận kinh tế trên biển; hậu quả của hành vi gây ô nhiễm môi trường... Tuy nhiên, so với yêu cầu, công tác tuyên truyền vẫn còn mang tính phong trào, thiếu chuyên nghiệp, chưa tập trung cổ vũ những điển hình trong công tác phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ biển, đảo; tần suất hoạt động tuyên truyền không thường xuyên...

Bởi vậy, trong thời gian tới, cần phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của không chỉ đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn của đông đảo nhân dân về biển, đảo, góp phần tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội. Tích cực phổ biến, ứng dụng kết quả điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, phòng ngừa thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử cộng đồng ở biển, đảo... Nâng cao nhận thức cho ngư dân về đánh bắt thủy, hải sản cũng như yêu cầu xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển. Việc tuyên truyền phải nhất quán, phù hợp với tư duy, đường lối chiến lược của Đảng, Nhà nước khi đề cập tới thời cơ, thách thức trong phát triển và bảo vệ biển, đảo, trên tinh thần gìn giữ hòa bình, hợp tác, phát triển giữa các quốc gia liên quan.

2. Phân giới, cắm mốc

Năm 2008, chúng ta đã gặt hái được nhiều thành tựu về phân giới cắm mốc, giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trước đó, nhất là hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Kết quả phân giới, cắm mốc là thỏa đáng, hợp tình, hợp lý, đáp ứng yêu cầu của cả hai bên, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản đã thỏa thuận. Các đường biên giới giữa Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào cũng quyết tâm hoàn thành, nhằm hình thành đường biên giới hòa bình, ổn định lâu dài vì sự phát triển bền vững của các dân tộc.

Công tác thông tin tuyên truyền về phân giới cắm mốc với nhiều hình thức tuyên truyền đã góp phần phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến biên giới và công tác phân giới, cắm mốc, góp phần cổ vũ, động viên nhân dân trong cả nước hướng về biên giới, xây dựng thế trận toàn dân bảo vệ chủ quyền và xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển thịnh vượng. Qua đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân; thúc đẩy tiến độ công tác, tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự tin tưởng của nhân dân và phản bác lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, công tác tuyên truyền về phân giới, cắm mốc cần đa dạng về hình thức tuyên truyền, mở rộng đối tượng và kịp thời hơn nữa.

3. Thông tin đối ngoại

Công tác thông tin đối ngoại đã có những đổi mới quan trọng, góp phần thiết thực vào những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới và hội nhập, làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về đường lối đổi mới của Ðảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là chính sách đối ngoại; hiểu hơn về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam; về thế mạnh, tiềm năng của nước ta. Các hoạt động thông tin đối ngoại đã góp phần tích cực trong việc phản bác các quan điểm sai trái, các thông tin bị bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt với dụng ý xấu, đặc biệt liên quan vấn đề: chủ quyền của Việt Nam đối với biên giới trên bộ, trên biển, đấu tranh chống tham nhũng, tự do báo chí, tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền... Tuy nhiên công tác thông tin đối ngoại cũng bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là thiếu nhanh nhạy trước diễn biến tình hình, chậm ứng phó, thậm chí bị động, lúng túng. Hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại chưa cao, nhiều tin, bài không sắc bén, hình thức thông tin thiếu hấp dẫn, phối hợp chưa nhịp nhàng giữa thông tin đối nội và đối ngoại.
 
Phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh, công tác tuyên truyền biển, hải đảo, phân giới, cắm mốc và thông tin đối ngoại cần sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú hơn nữa, thông tin đúng, khoa học, hướng vào các đối tượng khác nhau, mỗi đối tượng lại có cách thức tuyên truyền riêng, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
 
Các hoạt động thông tin về những vấn đề trên đều nhằm vào mục đích tạo các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đất nước, cũng như góp phần vào sự phát triển hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới./.