Phát triển một cách khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển một cách khoa học là cách thức, biện pháp phát triển một cách sáng tạo trên cơ sở khối đại đoàn kết toàn dân với sự lãnh đạo của Đảng theo phương châm của Hồ Chí Minh: thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành; và đem tài dân, sức dân, của dân, làm lợi cho dân. Phát triển một cách khoa học là kết nối chặt chẽ giữa tính thực tiễn và tính lý luận theo các nguyên tắc:
Một là, luôn luôn gắn lý luận của Đảng với thực hành, hiểu biết của nhân dân nhằm phân biệt mục tiêu lý tưởng và mục tiêu hiện thực
Thông qua đó, các khái niệm, nguyên lý, quy luật được hình thành, bổ sung, phát triển bằng con đường thực tiễn, trên cơ sở thực tiễn, chứ không phải bằng con đường suy diễn chủ quan thuần túy theo kiểu “mô hình hóa chủ nghĩa xã hội để bắt hiện thực phải khuôn theo”. Nó đòi hỏi và có khả năng hạn chế bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí trong tư duy và trong hoạt động phát triển xã hội.
Cần vận dụng, phát triển sáng tạo phương pháp của Hồ Chí Minh trong việc phân biệt mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa (XHCN) (hay mục tiêu cuối cùng của CNXH) và mục tiêu hiện thực trên con đường tiến lên CNXH. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”(1). Nhưng đồng thời, Người cũng xác định rằng, “chủ nghĩa xã hội không thể làm mau được mà phải làm dần dần”(2).
Đối với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ mục tiêu hiện thực là: xã hội “dân giàu nước mạnh” nhằm thực hiện độc lập, tự do, hạnh phúc cho đất nước và cho đồng bào; hay có thể khái quát là “xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Việc xác định đúng mục tiêu hiện thực sẽ hạn chế bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí trong tư duy và trong thực tiễn.
Hai là, CNXH chủ yếu do nhân dân tự làm lấy
Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quán triệt nguyên tắc này để triển khai sự phát triển một cách khoa học trên cơ sở các giá trị nhân văn, giàu bản sắc văn hóa Việt Nam trên con đường tiến lên CNXH. Trên cơ sở quan điểm của các nhà kinh điển Mác - Lê-nin về chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ con người hiện thực - người dân, để giải phóng và phát triển xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nét đặc trưng của tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Người thể hiện ở chỗ: coi sự nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội chủ yếu “do nhân dân tự làm lấy”. Muốn vậy phải “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(3). Nước ta là nước dân chủ, cho nên bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân; công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân(4).
Cho nên khi Việt Nam đã trở thành một dân tộc tự do thì vấn đề quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thực hiện dân sinh, dân trí, dân chủ, phát triển kinh tế và văn hóa, khoa học để từng bước con người Việt Nam có thể được hưởng hạnh phúc. Hạnh phúc, theo Người, trước tiên và chủ yếu là quyền sáng tạo và thụ hưởng các quyền dân sinh, dân trí và phát triển của con người trên cơ sở diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; tức là hạnh phúc không tách rời nền độc lập, tự do của dân tộc và của mỗi người.
Hồ Chí Minh đặt vấn đề thực hiện độc lập, tự do và hạnh phúc cho con người, dân tộc và nhân loại là yêu cầu cao nhất của chủ nghĩa dân chủ - nhân văn. Đây là phương pháp mà Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống nhân văn Việt Nam vốn thấm đầy ý thức, tình cảm và tâm lý dân chủ cộng đồng.
Trên cơ sở kế thừa truyền thống nhân văn Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết nối được lương tâm con người, lương tri dân tộc với lương tri thời đại trong sự nghiệp đấu tranh cho độc lập tự do của Việt Nam. Sự thành công của Hồ Chí Minh là đã biết đánh thức và biết phát huy lương tâm như là sự tổng hòa của nhận thức triết học và tư tưởng, của đạo đức và cảm xúc tình cảm, trên cả hai cấp độ cá nhân con người và cộng đồng dân tộc. Nhờ thế, Người khích lệ sự vị tha, tinh thần tự giác, đoàn kết trong bản chất nhân bản để nâng tầm con người, nâng tầm cộng đồng, nâng tầm dân tộc hơn là sự tuyên truyền giác ngộ ý thức tư tưởng và đạo đức. Bằng việc đề cao lương tâm con người, lương tri dân tộc và thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh thức và phát huy khả năng tự kiểm tra đạo đức, tự đánh giá hành động trên cơ sở nhận thức, tình cảm, tâm lý con người đối với bổn phận và nghĩa vụ của mình. Hơn thế, nó còn thúc giục con người tự giác phục vụ cộng đồng và nhân loại tiến bộ vì sự phát triển theo hướng tiến bộ.
Nhờ kết nối được lương tri con người, lương tri dân tộc với lương tri thời đại mà Hồ Chí Minh đã tiếp biến chủ nghĩa nhân văn cổ truyền vốn nặng sắc thái tình cảm, để từng bước xây dựng chủ nghĩa nhân văn mới trên cơ sở mối quan hệ duy vật biện chứng về lương tri con người, dân tộc và thời đại. Nhân ái là cần thiết, nhưng không thể bao trùm và không đủ sức mạnh để đoàn kết một thế giới còn nhiều bất đồng, mâu thuẫn và xung đột. Cho nên, chủ nghĩa nhân văn cần được kiến thiết trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử.
Trên cơ sở phương pháp luận đó, Hồ Chí Minh đã tiếp biến tinh hoa Việt Nam và tinh hoa Đông - Tây để tích hợp, phát triển không ngừng tư tưởng nhân văn trong quá trình vận động, phát triển của lịch sử đất nước trong gần một thế kỷ qua. Cái gốc của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là truyền thống lịch sử văn hóa của đất nước, mà hạt nhân của nó là truyền thống yêu nước, yêu người.
Do biết hướng đến nền văn hóa nhân bản bền vững, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh ít phân tích, không đề xướng thành hệ thống lý thuyết và cũng không tranh cãi lý luận. Người rất quan tâm đến những người thật, việc thật, người tốt, việc tốt trong cuộc sống thường nhật. Từ đó, Nguời đề cao ý nghĩa thực tiễn và ý nghĩa phát triển của những tấm gương người tốt, việc tốt theo phương châm: Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành. Thông qua đó, Người phát hiện và thực hiện mối quan hệ biện chứng của quá trình phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa càng dân chủ, nhân văn bao nhiêu càng khoa học bấy nhiêu.
Ba là, tôn trọng tính khách quan trong quá trình phản ánh sự vật và tổng kết thực tiễn, chứ không xuất phát từ ý muốn chủ quan, để “gọt” thực tế cho “vừa” tư duy hay không thể “kế hoạch hóa” việc xây dựng lý luận phát triển
Đường lối đổi mới theo định hướng XHCN, sở dĩ có sức sống, sức phát triển ngày càng rộng, càng sâu là do nó là kết quả của “ý Đảng lòng dân”, chứ không phải là sản phẩm của “kế hoạch hóa” việc xây dựng, hoàn thiện nó. Lý luận phát triển theo định hướng XHCN thực chất là tiếp tục phát triển đường lối đổi mới theo định hướng XHCN. Phương thức hình thành, hoàn thiện và thực hiện nó theo phương pháp Hồ Chí Minh là: đem tài dân, sức dân, của dân, làm lợi cho dân; và thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành. Thực tế kết hợp giữa thực hành, hiểu biết của dân và lý luận của Đảng là tiêu chuẩn quyết định con đường phát triển của nó.
Việc ngăn ngừa tư duy khỏi những sai lầm do chủ thể đưa vào các quan điểm phát triển một số yếu tố chủ quan vốn không có hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi phải phát huy tính năng động, sáng tạo của nhân dân trong giai đoạn xây dựng một nước công nghiệp theo hướng hiện đại định hướng XHCN, nhất là trong mỗi nấc thang phát triển, cụ thể hiện nay phải phấn đấu quyết liệt để “tái cấu trúc tư duy tăng trưởng” nhằm thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” nhanh và bền vững.
Bốn là, bảo đảm tính hướng dẫn của lý luận đối với thực tiễn
Cụ thể là bảo đảm tính chỉnh thể của lý luận, từ quan điểm đến nguyên tắc có tính phương pháp luận có thể hướng dẫn được cho thực tiễn; và bảo đảm tính chỉnh thể của tất cả các yếu tố phát triển (kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng) trong quá trình xây dựng một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, định hướng XHCN. Thông qua đó, khắc phục bệnh phiến diện, một chiều, lối suy diễn giản đơn, để hướng vào khâu then chốt, có khả năng bao quát toàn bộ quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Ở đây, cần vận dụng, phát triển sáng tạo nguyên tắc phương pháp luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xác định con đường, điều kiện, cách làm, biện pháp, bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh viết: “Trong những điều kiện như thế, chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Đó là những gì đặt ra trước mắt Đảng ta hiện nay”(5). Có thể hiểu đó là cách làm (phương pháp), biện pháp (hình thức) và bước đi (tốc độ) tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Theo Hồ Chí Minh, “việc gì cũng phải từ việc dễ đến việc khó, từ việc gấp đến việc hoãn, từ việc ít tốn tiền đến việc tốn tiền. Nói tóm lại: kế hoạch phải thiết thực, phải làm được. Chớ làm kế hoạch đẹp mặt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được”(6). Người khuyên các bạn thanh niên: “... chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”(7).
Biện pháp phải thiết thực đi từ gốc đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng; phải tỉ mỉ, chu đáo, sát với từng cơ sở, hợp với lòng dân; phải thực hành dân chủ, quản lý dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; trong công tác không gò ép, mệnh lệnh, quan liêu; quét sạch nạn quan liêu, tham ô, hối lộ; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, gắn liền với thực hành tiết kiệm.
Biện pháp phải gắn với bước đi. Hồ Chí Minh đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt về việc xác định “bước đi” là: Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể khác nhau mà định ra những bước đi dài ngắn khác nhau, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, phù hợp với nhận thức của nhân dân, với trình độ tổ chức, quản lý của cán bộ. Bước đi phải thực hiện dần dần, đi bước nào vững bước ấy; đi bước trước phải tính tới bước sau; đi bước sau phải củng cố bước trước. Và căn cứ vào thời đại ngày nay, để thực hiện bước đi tuần tự và nhảy vọt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng xác định bước đi cơ bản nhất, quan trọng nhất của Việt Nam, là thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Nguyên tắc để thực hiện bước đi là: tự nguyện, tự giác, cùng có lợi, từ từ từng bậc; chống tư tưởng chủ quan nóng vội, đốt cháy giai đoạn.
Năm là, kịp thời xác định được các nhân tố động lực
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhân tố động lực của phát triển, bao gồm:
- Đại đoàn kết dân tộc
Hồ Chí Minh luôn quan tâm đúng mức đến mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, nhất là các giai cấp, tầng lớp cơ bản trong xã hội (giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức) nhằm thực hiện đại đoàn kết dân tộc; đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo...; “đoàn kết là sức mạnh then chốt của thành công”; đoàn kết là sống, chia rẽ là chết; theo Người, đó là chân lý có tính bất biến.
- Con người
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “... chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người”(8). Nhưng để có “con người xã hội chủ nghĩa”, cần phải “trồng người” và phải biết phát huy nhân tố con người bằng cách:
+ Cần thấy cá nhân từng con người trong cộng đồng, trong xã hội (không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo,...); cần quan tâm, tôn trọng “tính cách riêng”, “sở trường riêng”, “đời sống riêng” của mỗi người. Nghĩa là không cào bằng tính cách, sở trường, đời sống xã hội của mỗi người.
+ Luôn luôn chú ý đến lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần và quyền lợi của từng người; không định kiến phân biệt đối xử về quá khứ giai cấp, thành phần xuất thân; kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ mọi người; chống mọi khuynh hướng và biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
+ Phải “trồng người” để trước tiên “chiến thắng cái xấu trong mình ta” và “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” nhằm nâng cao đạo đức và xây dựng con người xã hội chủ nghĩa; từ đó và trên cơ sở đó mới có thể khai thác, phát huy “nhân tố con người”.
+ “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân theo phương châm “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”; chỉ như thế mới tạo ra động lực và thành công.
- Giáo dục, khoa học và văn hóa nói chung
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “dốt” cũng là một loại giặc không kém gì “giặc đói” và “giặc ngoại xâm”, vì Người cho rằng, “chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học chắc chắn sẽ đưa loài người tới hạnh phúc vô tận”(9). Hồ Chí Minh coi giáo dục, khoa học và văn hóa nói chung có liên lạc với chính trị và kinh tế rất mật thiết; văn hóa “là một mặt trận” và có tầm quan trọng như các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, vì văn hóa có thể thấm vào các lĩnh vực đó, có thể “văn hóa hóa kháng chiến” và “soi đường cho quốc dân đi”, không chỉ ở phương diện nhận thức tư tưởng, mà trước tiên và cơ bản ở phương diện tâm lý, luân lý; tức là ở phương diện gốc của tình cảm, đạo lý là người, làm người và của đời sống xã hội nói chung. Hồ Chí Minh quan niệm văn hóa dân tộc bao gồm: tâm lý, luân lý, xã hội, chính trị, kinh tế; trong đó chính trị, kinh tế, xã hội là nội dung của văn hóa theo nghĩa rộng, còn tâm lý, luân lý là nền tảng của văn hóa. Do văn hóa tác động vào “mọi phương thức sinh hoạt” nên cần phải kết hợp khoa học với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; phải thực hiện lồng ghép giá trị văn hóa vào các hoạt động chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của mỗi người.
- Yếu tố thời đại
Để yếu tố thời đại trở thành nhân tố động lực phát triển đất nước, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng 5 nguyên tắc chung sống hòa bình do Hội nghị đại biểu 29 nước Á - Phi họp ở Băng đung (Inđônêxia) thông qua tháng 4-1955. Tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Liên hợp quốc, công bố những chủ trương lớn về đối ngoại, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế quốc tế(10). Người không chỉ nhìn thấy những lợi ích, thuận lợi trong hợp tác kinh tế quốc tế mà còn nhận thức được cả những khó khăn, thậm chí những thách thức, nguy cơ từ chính sự hợp tác đó. Người kiên quyết cự tuyệt “bất cứ nước nào mong muốn đưa tư bản đến để ràng buộc, áp bức Việt Nam”, dù bất cứ dưới hình thức nào, trường hợp nào.
- Phát hiện cái mới, cái trì trệ và sai lầm
Phát hiện cái mới, cái trì trệ và sai lầm một cách kịp thời, sở dĩ đóng vai trò như một nhân tố động lực vì sẽ mở ra cách nghĩ, cách làm mới hay tháo gỡ khó khăn, ách tắc.
Theo phương pháp Hồ Chí Minh, mấu chốt để có thể phát hiện kịp thời cái mới, cái trì trệ, cái sai lầm trong mỗi người và trong toàn bộ tiến trình phát triển của đất nước thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, định hướng XHCN là phải xây dựng, phát triển “hạ tầng tư duy sáng tạo” của xã hội. “Hạ tầng tư duy sáng tạo” là hệ thống kết nối giữa hệ tư tưởng với thành tựu tư tưởng dân tộc và nhân loại; với thói quen, kỹ năng tư duy cá nhân; năng lực trao đổi, liên thông tư tưởng; với môi trường văn hóa cho tư duy sáng tạo; và cơ chế pháp lý hỗ trợ tư duy sáng tạo. Cho đến nay chúng ta đã nói nhiều đến vai trò của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng chưa đề cập đến tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển “hạ tầng tư duy” cho sự sáng tạo của xã hội.
Việc thiết lập, phát triển “hạ tầng tư duy” sáng tạo của xã hội là để bảo đảm cơ sở và môi trường cho phát triển một cách khoa học, nhằm thực hiện đồng thời hai mục tiêu nhanh và bền vững trong quá trình xây dựng một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, định hướng XHCN ở Việt Nam./.
-------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, t.11, tr.372
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t.8, tr.226
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t.12, tr.223
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t.5, tr.698
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t.8, tr.494
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t.5, tr.65
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 5, tr.186
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t.8, 494-495
(9) Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn phóng viên Mỹ, báo Nhân dân, ngày 18-5-1965
(10) Nguyễn Việt Hồng: Về chính sách kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua một số tư liệu, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 4 (55) 1994, tr.46.
PRISM và sự bảo mật riêng tư  (03/07/2013)
Khánh thành nhà tình nghĩa tặng cụ Hoàng Thị Khìn  (02/07/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng  (02/07/2013)
ARF 20 dành nhiều thời gian trao đổi về Biển Đông  (02/07/2013)
Đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Trung Quốc  (02/07/2013)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên