Quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam - U-crai-na

Đinh Công Tuấn PGS.TS. Viện Nghiên cứu châu Âu
22:10, ngày 09-05-2011
Việt Nam và U-crai-na là hai đối tác truyền thống, có quan hệ hợp tác, hữu nghị từ thời Liên Xô trước đây. Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và U-crai-na luôn được duy trì và phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học và trên các diễn đàn quốc tế. Đến nay, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước đã trở thành quan hệ "hợp tác và đối tác toàn diện".

Khái quát chung về U-crai-na

U-crai-na với diện tích 603,7 ngàn km2, dân số 46,179 triệu người (2008), là quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã tuyên bố độc lập vào ngày 24 tháng 08 năm 1991. Từ đó đến nay U-crai-na đã tiến hành mở cửa và xây dựng nền kinh tế thị trường. GDP (theo PPP) năm 2007 đạt 359,9 tỉ USD, đứng thứ 29 trên thế giới, GDP theo đầu người năm 2008 đạt 7.800 USD đứng vào hàng thứ 83 thế giới. Nếu tính theo tỷ giá trao đổi thị trường, thì GPD danh nghĩa là 198 tỉ USD, xếp thứ 41 trên thế giới(1). Tuy nhiên, GDP danh nghĩa và GDP đầu người của U-crai-na vẫn ở mức thấp hơn các quốc gia Trung Âu láng giềng. Tăng trưởng kinh tế trước năm 2005 khá cao, năm 2003 tăng 9,3%, 2004 tăng 12,5%, nhưng đến năm 2005 do có nhiều biến động, mức tăng trưởng kinh tế hạ xuống còn 2,4%. Từ năm 2008 đến nay, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thóai kinh tế toàn cầu, nền kinh tế U-crai-na lâm vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Tỷ lệ thất nghiệp cao, tham nhũng hoành hành, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2009, đồng tiền U-crai-na mất giá, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 17%, quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải cho U-crai-na vay 16,4 tỉ USD(2). Chính quyền mới được thành lập của Tổng thống I-a-nu-cô-vich đã và đang tìm mọi biện pháp mới nhằm cải thiện tình hình kinh tế đất nước.

Từ khi Tổng thống I-a-nu-cô-vich lên cầm quyền (từ 25 tháng 02 năm 2010) đến nay, tình hình chính trị U-crai-na ngày càng đi vào ổn định. Ông nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm ổn định tình hình chính trị, xã hội, kinh tế đất nước, đã tiến hành cải cách trên nhiều lĩnh vực.

Về chính sách đối ngoại, hiện nay U-crai-na là thành viên của 107 tổ chức quốc tế, đã được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2000-2001. U-crai-na tham gia Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG), là thành viên của liên minh khu vực "Sáng kiến Trung Âu", của tổ chức hợp tác kinh tế biển Đen, của không gian kinh tế thống nhất (EEP), của cộng đồng lựa chọn dân chủ khu vực Ban Tích - biển Đen - biển Ca-xpi, U-crai-na tham gia tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), là thành viên liên kết của Hội đồng châu Âu, đã ký kết Hiệp định Đối tác và hợp tác với EU, chương trình hành động 3 năm 2005-2007 EU - U-crai-na, Hiến chương về đối tác với NATO, tiếp tục tham gia cơ cấu châu Âu và tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình ở châu Âu (như ở Gru-di-a, Nam Tư, Crô-a-ti-a) trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Ngày 16 tháng 05 năm 2008, U-crai-na đã chính thức trở thành thành viên thứ 152 của WTO. Hiện U-crai-na tiếp tục tham gia vào không gian kinh tế thống nhất (EEP) nhằm thành lập khu vực tự do thương mại với các nước thành viên của tổ chức này, tăng cường quan hệ hòa giải khí đốt với Nga, và luôn quan tâm đến các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.

Kể từ khi làm Tổng thống, ông Y-a-nu-cô-vic đã xây dựng chính sách đối ngoại mới của U-crai-na mang tên "Yanucovic". Trong chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình tới Bruc-xen với cương vị Tổng thống, Ông Y-a-nu-cô-vic tuyên bố: Ưu tiên hàng đầu hiệu quả của U-crai-na là hội nhập vào châu Âu, nhưng cũng không phá vỡ quan hệ truyền thống với Nga. Nghĩa là đường lối đối ngoại của U-crai-na hiện nay là: "Với châu Âu sẽ có Nga và ngược lại", giới học giả thế giới gọi là chính sách Ngoại giao cân bằng.

Việt Nam và U-crai-na là hai đối tác truyền thống, có quan hệ hợp tác, hữu nghị từ thời Liên Xô trước đây. Sau khi Liên Xô tan rã, U-crai-na tuyên bố độc lập, hai nước đã nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 23 tháng 01 năm 1992. Cụ thể Việt Nam đã lập Đại sứ quán tại Ki-ep cuối năm 1992 và U-crai-na mở đại sứ quán tại Hà Nội vào đầu năm 1997. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước ngày càng phát triển, trở thành quan hệ "hợp tác và đối tác toàn diện".

Quan hệ hợp tác - đối tác toàn diện Việt Nam -U-crai-na

Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và U-crai-na luôn được duy trì và phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học và trên các diễn đàn quốc tế.

Về chính trị: Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23 tháng 01 năm 1992, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Về phía Việt Nam, tháng 10 năm 1993 Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã sang tham U-crai-na. Tháng 6 năm 1994 Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tới thăm U-crai-na và thỏa thuận lập Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - U-crai-na về thương mại, kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Đến tháng 04 năm 2000 Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã thăm và Ký thông cáo chung hai bên tại Ki-ep. Từ ngày 18 đến 22 tháng 01 năm 2003 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã thăm chính thức U-crai-na. Đến tháng 06 năm 2008 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đến thăm không chính thức U-crai-na.

Về phía U-crai-na, tháng 4 năm 1996 Tổng thống U-crai-na Cu-trơ-ma đã thăm chính thức và ký hiệp định các nguyên tắc về quan hệ và hợp tác giữa CHXHCN Việt Nam và U-crai-na. Đặc biệt từ ngày 25 đến 27 tháng 03 năm 2011, Tổng thống U-crai-na Vic-to Y-a-nu-cô-vich đã đến thăm chính thức và ký kết bản thông cáo chung Việt Nam - U-crai-na và một số văn kiện hợp tác song phương, xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện giữa hai nước. Trên các diễn đàn quốc tế, 2 nước luôn phối hợp chặt chẽ, thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn và các tổ chức quốc tế, kể cả tại Liên hợp quốc. Việt Nam đã từng ủng hộ U-crai-na trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Còn U-crai-na cũng đã ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2008-2009. Việt Nam đã ủng hộ U-crai-na trở thành quan sát viên của Cộng đồng Pháp ngữ, tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam ủng hộ U-crai-na gia nhập WTO. Hai bên đều công nhận lẫn nhau là nước có nền kinh tế thị trường.

Về kinh tế: 10 năm qua, hai bên đã ký kết hơn 20 hiệp định về hợp tác ở nhiều lĩnh vực quan trọng trong hợp tác kinh tế - thương mại, trong đó hai bên dành cho nhau quy chế tối huệ quốc, vận tải biển, vận chuyển hàng không, văn hóa, giáo dục, khoa học, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần. Hai nước đã tổ chức 10 khóa họp Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật.

Quan hệ thương mại: Quan hệ giữa hai bên trong 10 năm qua là rất tốt đẹp tuy vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác vốn có của 2 nước. Năm 2007 thương mại 2 bên chỉ đạt 151 triệu USD, tuy chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng năm 2008 thương mại 2 bên đã tăng đáng kể lên đến 540 triệu USD, sau đó kim ngạch thương mại 2 bên lại giảm dần, năm 2009 đạt 463,7 triệu USD (Việt Nam xuất khẩu 129,1 triệu USD, nhập khẩu 334,6 triệu USD), đến 10 tháng đầu năm 2010 thương mại 2 bên chỉ đạt mức 177,3 triệu USD, cơ cấu hàng hóa của hai bên có tính bổ sung cho nhau, Việt Nam nhập khẩu sắt thép, phân bón, hóa chất, các máy móc thiết bị, còn U-crai-na nhập khẩu hàng dệt may, giày dép, thủy hải sản, gạo, cà-phê, chè, cao su tự nhiên, hàng đông dược...

Hiện nay, Việt Nam có 4 dự án đầu tư có hiệu quả tại U-crai-na với tổng số vốn đầu tư là 27 triệu USD vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm (mì ăn liền), nhà hàng, siêu thị, bao bì, cac-ton giải quyết nhiều công ăn, việc làm cho cộng đồng người Việt Nam ở U-crai-na và cho cả người dân U-crai-na. Theo tính toán sơ bộ, hiện nay có khoảng 1 vạn người Việt Nam đang học tập, làm ăn sinh sống ở U-crai-na, nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Khăc-côp, Ki-ep. Trong đó có khoảng 50 doanh nghiệp đã và đang hoạt động có hiệu quả, được chính quyền các cấp ở U-crai-na ủng hộ, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp người Việt hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp tại U-crai-na. Những doanh nghiệp kinh doanh thành đạt đã đầu tư trở lại Việt Nam như siêu thị Vincom - Hà Nội, Khu Du lịch Hòn Tre, Vinpearl - Khánh Hoà...

Còn phía U-crai-na hiện có 4 dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn khoảng 24 triệu USD tập trung vào các lĩnh vực: vận tải biển (Xí nghiệp Liên doanh Bông Sen đầu tư 19,6 triệu USD), Công ty Liên doanh chế tạo, thiết kế, thi công trạm thủy điện (1,2 triệu USD), Xí nghiệp Liên doanh Chế biến các sản phẩm rau quả xuất khẩu (2,2 triệu USD), hợp tác lắp ráp xe KRAZ tại Quảng Ninh.

Lĩnh vực hợp tác có hiệu quả nhất giữa hai bên là năng lượng, phía Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả này của U-crai-na ở các công trình thủy điện lớn của Việt Nam như Hòa Bình, Thác Mơ, Y-a-ly, đường dây 500kv, Sê-san 3, Thác Bà... Ngoài ra hai bên còn thỏa thuận cùng nhau hợp tác trong việc U-crai-na sẽ thực hiện các dự án năng lượng mới như thiết kế, xây dựng mới và cải tạo các nhà máy nhiệt, thủy điện và truyền tải điện đã được xây dựng từ thời Liên Xô trước đây.

Về lĩnh vực tài chính, ngân hàng: Bộ Tài chính hai bên đã ký các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần vào ngày 08 tháng 04 năm 1996. Ngân hàng hai nước đã ký thoả thuận các hợp tác như xây dựng quan hệ thanh toán đại lý giữa các ngân hàng thương mại 2 bên nhằm tạo thuận lợi trong thanh toán giữa hai bên.

Trong lĩnh vực du lịch: Hai bên đã ký Hiệp định Hợp tác du lịch vào ngày 06 tháng 04 năm 2000, hai bên đã thỏa thuận trao đổi thông tin cho nhau về cơ sở pháp lý, thông tin chuyên ngành, các chương trình quảng bá du lịch. Các doanh nhân Việt Nam ở U-crai-na đã đầu tư vào lĩnh vực du lịch như khu du lịch Vinpearl Resort tại đảo Hòn Tre, Nha Trang đã thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước kể cả du khách U-crai-na.

Một nét đặc sắc trong quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống hai nước là sự hợp tác giữa các địa phương của hai nước. Đó là những ký kết, thỏa thuận hợp tác nhiều mặt giữa Ki-ep với Hà Nội, giữa Khăc-côp với Thành phố Hồ Chí Minh giữa Khăc-côp với Khánh Hoà, giữa Pheo-do-xi-a với thành phố Hải Phòng...

Trong lĩnh vực giao thông vận tải: Hai bên đã thỏa thuận và ký kết các hiệp định hợp tác trong lĩnh vực đóng, sửa chữa tàu biển ở Việt Nam, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đường sắt, đào tạo chuyên gia Việt Nam về vận tải biển, đường sắt, hợp tác trong lĩnh vực đánh bắt cá. U-crai-na dành cho Việt Nam quy chế tối huệ quốc trong việc cung cấp thủy, hải sản sang U-crai-na.

Về hợp tác khoa học và công nghệ, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đã thỏa thuận với Viện Hàn lâm khoa học U-crai-na lập trung tâm chuyển giao công nghệ tại Việt Nam nhằm chuyển giao một số công nghệ của U-crai-na như: hàn dưới nước, sản xuất ti-tan, công nghệ sinh học... Năm 2005 U-crai-na đã bắt đầu thực hiện dự án chuyển giao công nghệ ti-tan cho Việt Nam, tháng 04 năm 2009 tập đoàn ti-tan của U-crai-na đã sang Việt Nam chuẩn bị tham gia đấu thầu xây dựng khu liên hiệp sản xuất đi-o-xit-ti-tan tại Việt Nam.

Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã ký kết với Viện Hàn lâm Khoa học U-crai-na Hiệp định hợp tác, 2 bên đã triển khai nhiều dự án, chương trình, đề tài nghiên cứu các cấp. Hai bên đã cùng nhau triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học. Cụ thể, Viện Nghiên cứu châu Âu của Việt Nam đã thực hiện đề tài nhiệm vụ cấp Nhà nước: "Quan hệ Việt Nam - U-crai-na trong bối cảnh quốc tế mới", Viện đã cử đoàn nghiên cứu khoa học đến Hội thảo với viện kinh tế thế giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học U-crai-na trong tháng 12 năm 2010, và hai bên sẽ tiến hành cuộc Hội thảo Quốc tế tại Hà Nội vào đầu tháng 05 năm 2011. Ngoài ra hai nước cũng đang tích cực các hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự...

Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Hằng năm hai nước đã dành ra 30 suất học bổng cho nhau nhằm đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Hiện nay có khoảng 1.400 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở U-crai-na và phía U-crai-na cũng cử 25 sinh viên đang theo học các trường đại học tại Việt Nam. Hai nước đã ký kết hiệp định hợp tác giáo dục và khoa học giai đoạn 2003-2008 và Hiệp định giữa chính phủ về công nhận lẫn nhau các văn bản giáo dục, học vị, học hàm (04-11-2004).

Về tình hình cộng đồng người Việt Nam: Hiện nay có khoảng 1 vạn công dân Việt Nam đang học tập, làm việc sinh sống tại hầu hết các thành phố lớn của U-crai-na, trong đó chủ yếu tập trung ở thành phố Khăc-côp và thủ đô Ki-ep. Nhiều doanh nghiệp làm ăn phát đạt đầu tư mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau ở U-crai-na và tại Việt Nam, thu hút nhiều công ăn việc làm cho cộng đồng người Việt Nam và người dân U-crai-na, đã đóng góp tích cực, vun đắp vào tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó chặt chẽ giữa hai dân tộc Việt Nam - U-crai-na.

Triển vọng hợp tác trong tương lai

Hợp tác truyền thống, hữu nghị đối tác, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - U-crai-na có một cơ sở vững vàng một tiềm năng to lớn được xây dựng hơn nửa thế kỷ qua và nhất là trong 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao gần đây. Việc nâng cấp khuôn khổ quan hệ giữa hai nước lên "Hợp tác và đối tác toàn diện" đã thể hiện sự quyết tâm cao của cả hai bên. Bởi vì, với sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại đúng đắn, phía U-crai-na luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và sẽ nỗ lực không ngừng để tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Còn Việt Nam luôn coi U-crai-na là người bạn thủy chung, truyền thống, đặc biệt chuyến thăm của Tổng thống V.Y-a-nu-co-vic từ 25 đến 27-03-2011 đến Việt Nam là mốc quan trọng mở ra những triển vọng và xung lực mới cho việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống "Hợp tác và đối tác toàn diện".

Từ những đánh giá cao vị thế của nhau trong quan hệ, hai bên Việt Nam và U-crai-na đã xác định từ nay đến 2020, nhiệm vụ trước mắt cần xây dựng một kế hoạch tổng thể về phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực nhằm khai thác những tiềm năng to lớn của nhau, phát huy tối đa thế mạnh của mỗi bên, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hợp tác song phương, các biện pháp tích cực để nâng kim ngạch thương mại, nghiên cứu khả năng ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước(3).

Trước mắt, chính phủ Việt Nam sẽ chỉ đạo các bộ, cơ quan, ban, ngành tích cực triển khai các thỏa thuận đạt được giữa hai nước trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống U-crai-na V. Y-a-nu-cô-vich. Đó là những thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, trong hợp tác đầu tư, trong lĩnh vực ngân hàng, kế hoạch hợp tác giai đoạn 2011-2012 giữa Bộ Ngoại giao hai nước, trong lĩnh vực nông nghiệp, trong chương trình hợp tác giai đoạn 2011-2015 về văn hóa, nghệ thuật, Hiệp định về hợp tác giáo dục giữa chính phủ hai nước.

Cụ thể về kinh tế, hai nước sẽ chú trọng hợp tác đầu tư vào các ngành công nghiệp như: năng lượng, cơ khí, chế tạo máy, động cơ, thiết bị cho các nhà máy điện, hóa chất, đóng tàu. Đẩy mạnh và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như: nông nghiệp, ngân hàng, hàng không vũ trụ. Hai nước sẽ khuyến khích các doanh nghiệp hai nước trao đổi thông tin, thiết lập quan hệ hợp tác trực tiếp, tìm các hình thức hợp tác hiệu quả, trong đó, có hình thức mở liên doanh sản xuất tại hai nước. Trong triển vọng 10 năm tới, cả hai nước đều nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, kỹ thuật quân sự, văn hóa và các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh. Trước mắt, nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2012, hai bên sẽ tổ chức những ngày văn hóa tại 2 nước, sẽ mở đường bay thẳng từ thủ đô Ki-ep đến Thành phố Hồ Chí Minh vào hè năm 2011 góp phần tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai nước và phát triển mạnh mẽ ngành du lịch thăm viếng lẫn nhau. Đặc biệt hai nước sẽ tổ chức giảng dạy tiếng Việt và tiếng U-crai-na tại hai nước và sẽ mở các chi nhánh trường đại học của U-crai-na tại Việt Nam, xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể để thông qua trong cuộc họp của Ủy ban Hợp tác liên chính phủ 12 Việt Nam - U-crai-na sẽ được tổ chức trong năm 2011.

Về chính trị, hai nước đã ghi nhận sự đóng góp quan trọng của công dân Việt Nam đang sống, học tập, lao động tại U-crai-na và ngược lại. Và hai nước thỏa thuận tiếp tục bảo đảm điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước sinh sống, làm việc và học tập trên lãnh thổ hai bên phù hợp với luật pháp hai bên. Hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, nhất là tại liên hợp quốc. Phía Việt Nam sẽ ủng hộ U-crai-na ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016 - 2017, và phía U-crai-na sẽ ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Việt Nam sẽ là cầu nối để U-crai-na tăng cường quan hệ với ASEAN và các nước Đông Nam Á. Hợp tác đối tác toàn diện hai bên đã mở ra một triển vọng to lớn.

Quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và U-crai-na đã được thử thách qua thời gian với những bước đi thăng trầm của lịch sử, đến nay và trong tương lai đã và sẽ được nâng lên tầm cao mới: "Quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện".

Tuy thương mại hai bên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, tuy các giải pháp nhằm thúc đẩy việc thâm nhập hàng hóa của hai bên chưa đạt hiệu quả cao... song với quyết tâm cao trong hợp tác chính trị của lãnh đạo hai nước, với những thỏa thuận đã đạt được trong bản tuyên bố chung, qua các văn kiện hiệp định đã ký kết trong chuyến thăm lịch sử của Tổng thống U-crai-na V.Y-a-nu-cô-vich vừa qua, hy vọng rằng những kế hoạch tổng thể về phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực sẽ được hai bên triển khai và sớm đi vào hoạt động và đạt được những thành tựu to lớn./.



(1)  Wikipedia

(2)  WWW.mofa.gov.vn

(3) Cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống V. Y-a-nu-co-vic ngày 26 tháng 03 năm 2011, báo Nhân dân 27-03-2011