Về chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn sau thu hồi đất
Khu tái định cư xã Ba Vinh (Ba Tơ) - Ảnh: TTXVN
TCCS - Những năm qua, diện tích đất nông nghiệp ở nước ta đã bị thu hẹp nhanh để thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển khu công nghiệp, đô thị... Điều này làm cho một số người lao động nông thôn không còn tư liệu sản xuất, vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết công ăn việc làm cho người bị thu hồi đất trở nên hết sức nhạy cảm, phức tạp, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nông thôn...
Khái quát chung về tình hình thu hồi đất nông nghiệp hiện nay
Tính đến ngày 1-1-2008 (hiện trạng năm 2007), diện tích đất nông nghiệp của cả nước là 24.997.000 ha, trong đó diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng là 21.455.931 ha. Đối tượng đang sử dụng phần lớn diện tích đất nông nghiệp là các hộ gia đình, cá nhân (khoảng 58,88%); tiếp đến là tổ chức trong nước (40,26%); tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ sử dụng 0,1% diện tích đất nông nghiệp đã giao cho các đối tượng sử dụng. Tổng số diện tích đất trên chia làm 3 loại chính: đất sản xuất nông nghiệp (khoảng 9,4 triệu ha), đất lâm nghiệp (14,8 triệu ha) và đất nuôi trồng thủy sản (728.577 ha)(1).
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, việc thu hồi đất trong 5 năm (2003 - 2008) đã tác động đến đời sống của trên 627.000 hộ gia đình, với khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu người.
Đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, hay nói cách khác là việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư ở nước ta tất yếu diễn ra mạnh mẽ. Theo báo cáo không đầy đủ của 49 tỉnh, thành phố, từ ngày 1-7-2004 đến nay, đã thu hồi gần 750.000 ha đất để thực hiện hơn 29.000 dự án đầu tư. Trong tổng số đất thu hồi trên có hơn 80% là đất nông nghiệp. Hiện có khoảng 50% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nằm trong các vùng kinh tế trọng điểm, nơi đất đai màu mỡ cho 2 vụ lúa/năm.
Những địa phương có tốc độ phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, cũng là nơi có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều, như: Tiền Giang (20.300 ha), Đồng Nai (19.700 ha), Bình Dương (16.600 ha), Hà Nội (7.700ha), Vĩnh Phúc (5.500ha). Theo tính toán, do bị thu hồi đất, diện tích trồng lúa sẽ thu hẹp, vì vậy có thể làm giảm sản lượng lúa hằng năm của cả nước tới trên 1 triệu tấn.
Hiện nay, cả nước có 12 triệu hộ gia đình, nhưng chỉ có 9,4 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, bình quân mỗi hộ chỉ có 0,7 - 0,8 ha, mỗi lao động có 0,3 ha và mỗi nhân khẩu có 0,15 ha. Ở đồng bằng Bắc Bộ con số này còn thấp hơn. Càng ít đất người nông dân càng khó có điều kiện tích lũy để đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động... Cái vòng luẩn quẩn đó đang đeo đẳng phần đông nông dân nước ta.
Tình hình chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn sau khi thu hồi đất
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số nước ta năm 2007 là 85,15 triệu người, trong đó khu vực nông thôn chiếm 72,6%. Lao động nông thôn chiếm 74,6 % tổng lực lượng lao động (từ mức 80% năm 1996). Với mức tăng trưởng GDP trung bình 7% - 8%/năm và tỷ lệ nông nghiệp đóng góp là 20% trong tổng GDP của cả nước thì tỷ lệ lao động nông thôn ở nước ta như vậy là còn quá cao, tốc độ thu hút lao động khỏi nông nghiệp của khu vực phi nông nghiệp (công nghiệp, xây dựng và dịch vụ) vẫn còn chậm.
Bị mất việc làm, đất sản xuất thu hẹp, bản thân nghề nông mang tính thời vụ cao, lại rất rủi ro bởi chịu nhiều tác động của thời tiết, khí hậu, nên đây là nguyên nhân khiến sự nghèo đói tập trung phần lớn ở các vùng nông thôn Việt Nam.
Năm 1996, cơ cấu lao động nông thôn phân theo ngành như sau: trong nông, lâm, ngư 82,3%; công nghiệp, xây dựng 6,8%; dịch vụ 10,9%. Con số này thay đổi tương ứng qua các năm là 79%, 8%, 13% (năm 2000) và 68%, 5%, 17% (theo số liệu mới nhất của năm 2007), tức là bình quân mỗi năm lao động nông nghiệp chỉ giảm được trên 1%.
Nhìn chung lao động nông thôn đa số còn trẻ, chiếm tỷ trọng cao trong tổng lao động xã hội, song sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn tuy đã theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Chuyển dịch dưới nhiều hình thức (trong nhiều lĩnh vực và từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp) nhưng không đồng đều, không hoàn toàn cùng nhịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Những năm gần đây, khi có chính sách thu hồi đất, phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị hóa ở các địa phương thì cơ cấu lao động nông thôn đã bị tác động nhất định. Lường trước những yếu tố tác động đến đời sống của người dân, chính quyền các địa phương trước khi thu hồi đất đều đã ban hành nhiều chính sách cụ thể đối với người dân có đất bị thu hồi như bồi thường, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ nghề cũ... theo luật và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ như: Luật Đất đai năm 2003, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP về bồi dưỡng, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP về một số giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện ngân sách nhà nước năm 2004... Vì vậy, đã có một số lượng lao động nông nghiệp nhất định chuyển sang làm việc ở các ngành phi nông nghiệp như công nghiệp, dịch vụ, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tích cực.
Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, người ta chỉ xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp trên các vùng đồi núi, tránh những mảnh đất nông nghiệp màu mỡ do thiên nhiên ban tặng, trong khi đó chúng ta lại phát triển tràn lan các khu công nghiệp và chủ yếu tập trung ở những vùng đất đai màu mỡ. Như vậy là cực kỳ lãng phí đất và đẩy người nông dân vào hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, có thể nói trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật của lao động nông thôn hiện nay thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước đã là một vấn đề, câu chuyện còn cấp bách hơn là đào tạo không kịp và không đáp ứng đủ nhu cầu của phát triển công nghiệp, dịch vụ mới là cần phải bàn. Trên 83% số lao động nông thôn chưa từng qua trường lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật nào, khoảng 18,9% số lao động nông thôn trình độ văn hóa tiểu học. Về thể lực của lao động nông thôn ở độ tuổi 20 -24, thống kê năm 2007 cho thấy, chỉ có 75% số lao động có thể lực bình thường, 23,6% gầy, 1,4% thừa cân. Vì thế, tuy đa số lao động nông nghiệp, nông thôn ở lứa tuổi trẻ, nhưng khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, cơ hội tìm kiếm việc làm của nhóm người này rất thấp khi họ bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, các kênh thông tin việc làm và giao dịch ở nông thôn chưa phát triển, vai trò của các tổ chức giới thiệu việc làm còn mờ nhạt, các tổ chức chính quyền ở một số nơi chưa thực sự quan tâm đúng mức, thường do người dân tự lo là chủ yếu, nên người lao động ở nông thôn hay tìm kiếm việc làm qua gia đình, họ hàng, bè bạn... Ngoài ra, sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở một số địa phương chậm, làng nghề ít phát triển, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ. Tất cả những lý do này làm cho sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vốn đã chậm chạp, sau khi thu hồi đất nông nghiệp, lao động nông nghiệp dôi dư nhiều hơn, lại càng gặp nhiều thách thức.
Trên thực tế, sau khi bị thu hồi đất, có tới 67% số lao động nông nghiệp vẫn giữ nguyên nghề cũ, 13% chuyển sang nghề mới và có tới 25% -30% không có việc làm hoặc không có việc làm ổn định. Thực trạng này là nguyên nhân chính của 53% số dân bị thu hồi đất có thu nhập giảm so với trước. Trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động rơi vào tình trạng không có việc làm, mỗi héc-ta đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi có tới 13 lao động mất việc phải tìm cách chuyển đổi nghề nghiệp (cá biệt ở địa phương như Hà Nội có tới gần 20 người lao động bị mất việc).
Một số vấn đề cần chú ý khi tìm giải pháp
Để nông thôn Việt Nam phát triển trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn được thực hiện theo hướng tích cực, cũng như việc thu hồi đất nông nghiệp không gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống người dân, thiết nghĩ cần chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, rất thận trọng khi quy hoạch các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị nếu phải lấy đất nông nghiệp. Dù việc thực hiện các dự án đó trên những vùng đồi núi có thể tốn mất nhiều kinh phí hơn, nhưng vẫn là điều cần thiết phải làm bởi về lâu dài mới bảo vệ tài nguyên của đất nước, bảo đảm nông nghiệp phát triển bền vững và góp phần giữ vững an ninh lương thực quốc gia trong điều kiện một nước có hơn 80 triệu dân và hơn 70% số dân còn sống bằng nghề nông. Dọc miền Trung và Trung du Bắc Bộ - nơi đất đai bạc mầu, khô cằn chính là nơi chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất rộng lớn mà không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Thứ hai, để thu hút được các nhà đầu tư vào những khu vực nói trên, Nhà nước cần chủ động đầu tư phát triển những kết cấu hạ tầng thiết yếu, như: giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc và các dịch vụ cần thiết cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thứ ba, khi cần thiết phải thu hồi đất theo quy hoạch, sớm có cơ chế bồi thường, đền bù, hỗ trợ một cách thỏa đáng để giải quyết tốt mối quan hệ về lợi ích giữa nhà đầu tư với người có đất bị thu hồi. Cần định giá đất đồng bằng cao hơn nhiều so với vùng núi, trung du, đồng thời có chính sách bảo hộ theo từng vùng nhằm bảo đảm đời sống của người làm nghề nông không bị quá thiệt thòi so với làm nghề khác. Giá đất bị thu hồi phải được tăng ngang bằng với giá nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường để không gây nên bức xúc ở những người bị lấy đất, đồng thời để họ có thể có điều kiện tìm nơi ở mới thích hợp, chuyển đổi ngành nghề. Cần hỗ trợ người dân bị thu hồi đất bằng nhiều hình thức nhất là hỗ trợ đào tạo nghề, cho phép họ được tham gia đóng bảo hiểm, đóng cổ phần bằng đất trong các công ty, khu công nghiệp nhằm bảo đảm đời sống lâu dài.
Thứ tư, đối với những người bị thu hồi đất nông nghiệp, điều quan trọng hiện nay là phải giúp đỡ họ chuyển đổi nghề. Muốn vậy, phải có sự phối hợp đồng bộ nhiều mặt. Một mặt, nâng cao trình độ văn hóa, trình độ tay nghề cho lao động nông thôn; mặt khác, phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề tại chỗ, tăng cường liên kết, xã hội hóa công tác đào tạo nghề, gắn kết doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nghề. Những hỗ trợ về vốn, khoa học, công nghệ trong đào tạo là rất cần thiết.
Thứ năm, song song với những việc làm trên, hết sức quan tâm đến phát triển sản xuất và các doanh nghiệp ở nông thôn vì đây chính là nơi giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Vì thế cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với từng vùng, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển hệ thống thông tin, tư vấn thị trường lao động, tuyên truyền rộng rãi các chương trình hỗ trợ, giới thiệu việc làm ở nông thôn.
Thứ sáu, tạo điều kiện để người dân phát triển các loại dịch vụ, thành lập hợp tác xã, phát triển kinh tế hộ nhằm tạo công ăn việc làm một cách đa dạng, có thể thích hợp với nhiều người và ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể có thu nhập.
(1) Theo Hoàng Thị Vân Anh thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, tại hội thảo “Chính sách pháp luật đất đai liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn” tổ chức tại Hà Nội, 5-2009
Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức quản lý kinh tế cấp huyện gắn với cơ sở tại Thanh Hóa  (11/08/2009)
Nỗi đau còn mãi  (10/08/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên