Nghề giấy dó cổ truyền - di sản quý của thành phố Hà Nội
TCCS - Thành phố Hà Nội là nơi tập trung số lượng nghề thủ công truyền thống nhiều nhất cả nước, với 47 nghề trong tổng số 52 nghề thủ công truyền thống, hội tụ đủ các nhóm nghề. Trong đó, nghề giấy dó cổ truyền là một trong những nghề hình thành và phát triển lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, trở thành một di sản quý báu của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Nơi hội tụ tinh hoa của nghề làm giấy
Nghề giấy dó cổ truyền du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Khoảng thế kỷ III, một người Việt (không có tài liệu ghi chép về tên tuổi, năm sinh) quê làng An Cốc (nay thuộc huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) học nghề ông Thái Luân (Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc) rồi truyền dạy nghề cho dân làng. Một số tư liệu cổ và chuyện kể của người dân các làng làm nghề giấy cũng cho biết, tổ nghề Thái Luân dạy nghề cho dân làng An Cốc, sau đó truyền dạy nghề làm giấy cho dân làng Yên Thái (Bưởi), Yên Hòa (Cầu Giấy)…
Theo các thư tịch cổ còn để lại, thế kỷ III, người Giao Chỉ đã dùng gỗ mật hương để sản xuất loại giấy bản tốt, gọi là giấy mật hương. Sách Nam Phương Thảo Mộc Trạng của Kế Hàm (người Trung Hoa), soạn năm 304 có nói về giấy mật hương của người Giao Chỉ và việc thương nhân La Mã mua hàng vạn tờ giấy Mật Hương làm quà dâng lên Hoàng đế Trung Hoa. Điều đó chứng tỏ quy mô sản xuất giấy ở Giao Chỉ đã khá lớn, phục vụ được nhu cầu trao đổi trên thị trường. Ngoài giấy mật hương, sách Thập di ký của Vương Gia người Trung Quốc (thế kỷ IV) và nhiều tài liệu ghi chép khác cho biết, người Giao Chỉ đã biết làm giấy từ nguyên liệu rong rêu ở biển, sản xuất loại giấy gọi là trắc lý hay còn gọi là giấy gân nghiêng. Những loại giấy của người Giao Chỉ được người Trung Hoa khá ưa chuộng, dùng để chép các kinh sách quý, làm quà tặng.
Các làng nghề giấy dó thuyền thống có thể xuất hiện ở Kinh thành Thăng Long và khu vực xung quanh từ thời Bắc thuộc(1). Đến thời nhà Lý, Trần, không chỉ ở An Cốc, nghề làm giấy còn phát triển ở Kinh đô Thăng Long. Những làng nghề làm giấy đã xuất hiện ở phường Dịch Vọng, bên bờ sông Tô Lịch như Yên Hòa (tục gọi là làng Giấy), Nghĩa Đô; ven Hồ Tây như Hồ Khẩu, Đông Xã, Yên Thái... Đời Lý Cao Tông (1176 - 1210), giấy dó Yên Thái được sử dụng làm vật phẩm triều cống nhà Tống bên Trung Hoa.
Từ thời Hậu Lê, sự phát triển của nền văn hóa Đại Việt, giáo dục, thi cử giúp nghề làm giấy trở nên thịnh đạt, nổi lên phường giấy Yên Thái, vùng Bưởi, ven Hồ Tây. Hoạt động sản xuất giấy ở các làng nghề trở thành nhân tố quan trọng định hình nền văn hiến của dân tộc, nhất là Kinh thành Thăng Long. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có chép: Phường Yên Thái, huyện Quảng Đức làm giấy. Ở Yên Thái chuyên làm giấy bản, làng Đông Xã làm giấy quỳ, làng Nghĩa Đô làm giấy sắc vàng vẽ rồng và mây gọi là “giấy long án”. Điều đó cho thấy, ở Kinh thành Thăng Long, tại các làng nghề, kỹ thuật sản xuất giấy rất phát triển, cư dân sản xuất ra nhiều loại giấy có chất lượng cao, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Kinh thành Thăng Long được xem là nơi hội tụ tinh hoa của nghề làm giấy dân tộc với nhiều làng nghề, hoạt động nhộn nhịp, sản xuất ra nhiều loại giấy khác nhau.
Phản ánh sâu sắc trình độ lao động, sáng tạo của người dân
Trải qua lịch sử phát triển lâu dài, nghề giấy dó cổ truyền ở Thăng Long - Hà Nội hội tụ nhiều giá trị văn hóa, phản ánh ở những khía cạnh như những tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng và phương thức hành nghề, phương thức tổ chức hoạt động sản xuất, truyền nghề,… được tích lũy trong quá trình sản xuất, bảo quản, phân phối sản phẩm trong xã hội và phát triển nghề.
Theo đó, nghề giấy dó phản ánh sâu sắc trình độ lao động, sáng tạo của người dân Kinh thành Thăng Long - Hà Nội nói riêng, của người Việt nói chung; phản ánh sâu sắc đời sống văn hóa, trình độ văn minh người Việt, thông qua mối liên hệ giữa nghề làm giấy dó đối với sự phát triển của văn học, giáo dục - thi cử; tổ chức và quản lý hành chính của nhà nước qua các thời kỳ lịch sử; đối với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng (chép kinh sách…); đối với các hoạt động văn hóa nghệ thuật (vẽ tranh dân gian…); đối với các nghề thủ công truyền thống khác như làm vàng mã, làm pháo, làm báo, đóng sách vở… Bên cạnh đó, nghề giấy dó cũng phản ánh sinh hoạt kinh tế của người Việt, nhất là ở các làng nghề làm giấy truyền thống (thể hiện qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hóa, thu nhập của người dân…); phản ánh, thể hiện các mối quan hệ xã hội, tổ chức cộng đồng làng nghề, gia đình làm nghề. Với ý nghĩa đó, nghề giấy dó cổ truyền góp phần thúc đẩy sự phát triển của các nghề truyền thống, thúc đẩy sự phát triển của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa, văn minh dân tộc; thúc đẩy, làm phong phú đời sống tinh thần, nền văn hiến, văn hóa dân tộc giàu bản sắc; thúc đẩy giáo dục văn hóa, ý thức tự hào dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Giấy dó truyền thống đã trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng của Việt Nam, nhận được sự quan tâm của nhiều thương nhân và du khách nước ngoài. Nhờ đặc tính của nguyên liệu xốp nhẹ, kỹ thuật sản xuất thủ công, không có độ axít nên giấy dó đẹp, dai, không bị nhòe khi viết, không bị mối mọt, nhẹ và có độ bền cao, tuổi thọ hàng trăm năm. Quy trình, kỹ thuật, phương thức tổ chức sản xuất giấy dó tại các làng nghề truyền thống cùng với sản phẩm giấy dó trở thành một di sản văn hóa độc đáo của Thăng Long - Hà Nội, của người Việt, góp phần tạo dựng và thúc đẩy nền văn hiến, văn hóa Thăng Long - Hà Nội và của dân tộc phát triển mạnh mẽ.
Góp phần định hình văn hóa làng nghề
Nghề giấy dó cổ truyền có vai trò quan trọng trong việc định hình văn hóa làng nghề, một thành tố quan trọng của nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa dân tộc Việt Nam. Hiện nay, đến với những làng nghề giấy dó truyền thống ở Hà Nội, ven vùng Bưởi - Tây Hồ (Yên Thái, Đông Xã, Hồ Khẩu), khu vực Cầu Giấy (Nghĩa Đô, Yên Quyết - Yên Hòa) và làng An Cốc (xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên), du khách vẫn có thể cảm nhận được ít nhiều dấu ấn văn hóa làng nghề giấy dó truyền thống. Tại các làng nghề giấy dó cổ truyền ở Hà Nội, nhân dân vẫn duy trì tục thờ tổ nghề. Đình Thọ Vực (đình Bơi) làng An Cốc, xã Hồng Minh là nơi duy nhất hiện nay còn thờ đồng thời hai vị tổ nghề, tổ nghề người Việt và tổ nghề Thái Luân. Mỗi năm An Cốc tổ chức giỗ tổ hai lần (ngày 9, 10 tháng giêng và ngày 19 đến ngày 12 tháng 8 âm lịch). Cùng với tín ngưỡng thờ tổ nghề, lễ hội làng An Cốc mang đậm dấu ấn văn hóa làng nghề giấy dó cổ truyền. Tục thờ tổ nghề trở thành một phần trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân.
Trong không gian văn hóa một số làng nghề giấy dó cổ truyền như An Cốc, Yên Hòa, Yên Thái, Hồ Khẩu, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, dấu ấn của những bến sông, bờ hồ, dải đê, nơi người dân trước đây ngâm dó, phơi giấy; nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với nghề giấy dó còn hiện hữu. Đây chính là sự hợp nguyên giữa văn hóa làng và văn hóa nghề giấy dó, tạo nên những nét riêng, độc đáo của làng nghề.
Đến với các làng nghề giấy dó cổ truyền trên địa bàn Hà Nội, chúng ta không khó để bắt gặp những nghệ nhân, người thợ lành nghề từng gắn bó với nghề, còn đau đáu nỗi nhớ nghề. Tiêu biểu như cụ Lại Phú Thạch và Lại Thị Hà dòng họ Lại ở Nghĩa Đô còn nắm vững bí quyết và công nghệ làm giấy sắc. Các cụ cao niên của những làng nghề giấy dó ở Hà Nội đều gắn bó với nghề làm giấy. Họ không chỉ nắm vững bí quyết làm nghề mà vẫn giữ gìn nếp sống chăm chỉ, cần mẫn, nền nếp, những phẩm chất tốt đẹp của người làm nghề giấy dó. Qua đó làm gương, giáo dục con cháu trân quý lao động, ý thức lao động, tạo nên nét đẹp văn hóa của gia đình, của làng nghề. Tại các làng nghề trước đây, nhiều người dân còn trân trọng lưu giữ một số công cụ lao động liên quan đến hoạt động sản xuất, như cối, chày để giã dó, tàu seo, cối đá hay phiến đá dùng để ép giấy…, xem như kỷ vật của gia đình, của nghề nghiệp cha ông để lại. Một số công cụ được sử dụng trưng bày tại một số triển lãm, mô hình trải nghiệm du lịch văn hóa làng nghề giấy dó. Những giá trị văn hóa làng nghề giấy dó được người dân lưu giữ, tạo những sắc thái riêng của làng nghề, đóng góp quan trọng vào kho tàng di sản văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
-------------------
(1) Phạm Xuân Hậu, Trần Văn Anh (2012): “Giải pháp phát triển bền vững làng ghề truyền thống ở Việt Nam Phục vụ du lịch”, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, số 35, tr.10-17.
Hà Nội đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập  (06/10/2024)
Hà Nội đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói” trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng  (02/10/2024)
Thành phố Hà Nội chú trọng phát triển chất lượng giáo dục thường xuyên  (01/10/2024)
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Ngày làm việc thứ hai và phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm