Hà Nội thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục
TCCS – Giáo dục là một trong những lĩnh vực được ưu tiên trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hướng đến xây dựng một nền giáo dục mở. Để nâng cao chất lượng giáo dục, Hà Nội chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội thành quả từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo hướng đến chuyển đổi số toàn diện nền giáo dục.
Nền tảng phát triển đổi mới sáng tạo
Chuyển đổi số trong giáo dục là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hướng đến xây dựng nền giáo dục mở. Định hướng chuyển đổi số trong giáo dục được triển khai dưới ba nhiệm vụ: Thứ nhất, ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy: Lớp học thông minh, lập trình,… vào việc giảng dạy; thứ hai, ứng dụng công nghệ trong quản lý: Công cụ vận hành, quản lý; thứ ba, ứng dụng công nghệ trong lớp học: Công cụ giảng dạy, cơ sở vật chất. Sự phát triển của các nền tảng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật - Internet of Things (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing) sẽ nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tạo không gian và thời gian học tập linh hoạt; tăng tính tương tác, ứng dụng thực tế; tiết kiệm được chi phí đào tạo và đặc biệt kiến tạo hệ thống học liệu mở, giúp người học, người dạy có thể liên kết kiến thức hiệu quả trong mọi hoàn cảnh.
Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 749/QĐ-TTg, “phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam với ba trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Năm 2020, Việt Nam khởi động chương trình chuyển đổi số quốc gia, giáo dục và đào tạo là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện chuyển đổi số. Thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học”, 80% số trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy và học trực tuyến; trong đó có 79 cơ sở giáo dục thực hiện quản lý dạy và học bằng hình thức trực tuyến. Giai đoạn 2021-2025, ngành giáo dục tập trung triển khai chuyển đổi số với bốn vấn đề cơ bản, bao gồm: Thứ nhất, phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về giáo dục; thứ hai, phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; thứ ba, xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; thứ tư, phát triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Ngày 6-9-2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4098/QĐ-UBND phê duyệt chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội với mục tiêu xây dựng thành phố Hà Nội phát triển nhanh, bền vững dựa trên khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; tận dụng hiệu quả cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh – Thông minh – Hiện đại với nền tảng chuyển đổi số là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo”.
Đối với lĩnh vực giáo dục, Hà Nội xác định chuyển đổi số với nhiệm vụ: Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, phát triển công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa thông qua hai hình thức phát triển một hệ tri thức phổ thông được cập nhật cùng với kho học liệu mở và phát triển mạng giáo dục Hà Nội trên cơ sở mở rộng và nâng cấp hệ thống quản lý ngành giáo dục điện tử hiện có cho phép kết nối hiệu quả học sinh – giáo viên – phụ huynh – các cơ sở giáo dục, đào tạo – các nhà quản lý giáo dục trong một môi trường học thuật và sư phạm.
(Nguồn: Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030)
Triển khai những bước đi cụ thể
Với quy mô hơn 2.700 trường học, hơn 2 triệu học sinh và 159.400 cán bộ, giáo viên, ngành giáo dục Hà Nội xác định chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng hướng đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục Hà Nội sẽ tiến hành đổi mới nội dung chương trình giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học, nâng cao năng lực tư duy tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng tham gia chủ động vào môi trường công nghệ liên tục phát triển; tăng cường học tập trực tuyến, xây dựng và phát triển kho học liệu mở; đổi mới phương pháp dạy và học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục theo chuẩn quốc tế đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thi, tuyển sinh, từ năm học 2016 – 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bắt đầu áp dụng tuyển sinh trực tuyến đối với các cấp học. Mọi thông tin tuyển sinh, chỉ tiêu của từng trường trên địa bàn thành phố được công khai rõ ràng để phụ huynh học sinh lựa chọn phù hợp với tiêu chí của mình. Do đó, tỷ lệ đăng ký tuyển sinh đạt 50%. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, học sinh được tra cứu điểm thi, đăng ký xác nhận trúng tuyển, đăng ký xác nhận nhập học đều bằng hình thức trực tuyến. Năm học 2019 – 2020, Hà Nội áp dụng chương trình sách điện tử các môn các môn âm nhạc, thủ công, tin học, tiếng Anh; thí điểm chương trình trường học điện tử cho ba bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại ba quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Long Biên.
Đối với công tác quản lý giáo dục, từ năm học 2016 - 2017, Hà Nội áp dụng quy chế quản lý và sử dụng sổ điểm điện tử, quản lý kết quả học tập cho toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố. Đến nay, 100% số cơ sở giáo dục phổ thông đã triển khai sử dụng hồ sơ điện tử, sổ điểm, học bạ. Hệ thống sổ liên lạc điện tử được triển khai hiệu quả, cập nhật hằng ngày để chuyển thông tin của học sinh đến phụ huynh thông qua kết nối điện thoại thông minh. Năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai hệ thống “Trường học kết nối” trong tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn qua mạng tới tất cả các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Thông qua hệ thống “Trường học kết nối”, học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tham gia các hoạt động chuyên môn về xây dựng các chuyên đề dạy học tích hợp, liên môn; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai việc dạy và học thông qua truyền hình, dạy học trực tuyến kết hợp với học qua hệ thống Hanoi Study. Trước đó, năm học 2018 – 2019, Hà Nội xây dựng và phát triển hệ thống học tập, luyện thi Hanoi Study với mục tiêu giúp học sinh luyện thi trắc nghiệm phục vụ ôn thi vào lớp 10 trung học phổ thông môn Lịch sử. Sau khi áp dụng thí điểm với năm trường trung học cơ sở, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã mở rộng hệ thống đến toàn bộ trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố, cho phép học sinh khối 8, 9 tham gia thử nghiệm hệ thống ôn luyện trực tuyến. Tháng 5, 6-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hai đợt khảo sát chất lượng học sinh cho 74.000 học sinh lớp 12 và 104.000 học sinh trung học cơ sở bằng hình thức trực tuyến thông qua hệ thống Hanoi Study. Kết quả, trên 99,5% số học sinh tham gia làm bài và nộp bài thành công. Các hình thức học tập trực tuyến đã thu hút gần 100% số học sinh các cấp tham gia, góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học của giáo dục Thủ đô, đồng thời tạo ra động lực cho giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến mới.
Năm học 2020 - 2021 có ý nghĩa quan trọng đối với giáo dục của thành phố Hà Nội, là năm ngành giáo dục và đào tạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục cần được thực hiện trong thời gian tới. Xác định chuyển đổi số là một nhiệm vụ quan trọng, có tác động lớn đến việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, ngành giáo dục Thủ đô cần nâng cao nhận thức trong hệ thống giáo dục về xu hướng giáo dục thông minh, giáo dục 4.0. Đồng thời, cần cụ thể hóa các mục tiêu đổi mới giáo dục, chất lượng giáo dục, đánh giá hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc áp dụng phương pháp dạy học thông minh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng dữ liệu, phát triển kho học liệu mở, nâng cao chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, tạo tiền đề hướng đến xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo./.
Nghệ An thực hiện đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực nhằm hiện thực hóa “Khát vọng sông Lam”  (05/10/2021)
Hà Nội nỗ lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng  (03/10/2021)
Hà Nội với công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu  (01/10/2021)
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc giám sát, bảo đảm chính sách an sinh xã hội  (30/09/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay