Khai thác lợi thế “vốn văn hóa biển, đảo” cho phát triển nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống, tỉnh Quảng Ninh dành nhiều nguồn lực đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm trên địa bàn; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc biệt là các giá trị văn hóa biển, đảo.
Độc đáo văn hóa biển, đảo Quảng Ninh
Theo GS, TSKH Vũ Minh Giang (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia), văn hóa biển đảo là một khái niệm rộng, bao gồm cả văn hóa các vùng duyên hải và là tất cả những gì do con người sáng tạo ra. Còn GS, TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, văn hóa biển, đảo là tổng thể những sáng tạo hữu hình và vô hình của con người vùng biển, đảo trong quá trình sống, khai phá, thích ứng với môi trường biển, đảo Việt Nam, giao lưu, tiếp biến với văn hóa biển, đảo của các quốc gia khác, được trao truyền từ thế hệ trước qua thế hệ sau, thể hiện bản sắc của con người ở không gian biển, đảo.
Quảng Ninh là tỉnh có đường bờ biển dài 250km chạy qua các đơn vị hành chính: thị xã Quảng Yên, thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, huyện Hải Hà, huyện Vân Đồn, huyện Đầm Hà. Vùng biển và hải đảo của tỉnh Quảng Ninh là một vùng địa hình độc đáo với hơn hai nghìn hòn đảo chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước (2.078/2.779). Có những đảo rất lớn như đảo Cái Bầu, Bản Sen, lại có đảo chỉ như một hòn non bộ. Có hai huyện hoàn toàn là đảo, đó là huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô(1).
Vùng ven biển và hải đảo Quảng Ninh ngoài những bãi bồi phù sa còn những bãi cát trắng táp lên từ sóng biển. Có nơi thành mỏ cát trắng làm nguyên liệu cho công nghệ thủy tinh (Vân Hải), có nơi thành bãi tắm tuyệt vời (như Trà Cổ, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng...). Địa hình đáy biển Quảng Ninh không bằng phẳng, độ sâu trung bình là 20m. Có những lạch sâu là di tích các dòng chảy cổ và có những dải đá ngầm làm nơi sinh trưởng các rạn san hô rất đa dạng. Các dòng chảy hiện nay nối với các lạch sâu đáy biển còn tạo nên hàng loạt luồng lạch và hải cảng trên dải bờ biển kín gió nhờ những hành lang đảo che chắn, tạo nên một tiềm năng cảng biển và giao thông đường thủy rất lớn(2).
Trong lịch sử, vùng biển, đảo Đông Bắc thường xuyên phải đối mặt với những biến đổi, thách thức của môi trường chính trị khu vực, thế giới. Đây vừa là cửa ngõ bang giao, vừa là hệ thống phòng vệ tiền tiêu trọng yếu của Tổ quốc. Phòng tuyến này có chức năng thu thập, phân tích thông tin, đồng thời là nơi đầu tiên phát hiện, ngăn chặn những cuộc xâm nhập theo đường bờ biển của các thế lực thù địch trong khu vực. Trong quan hệ khu vực, cùng với tuyến hải trình ven bờ, còn có tuyến đường biển thứ hai từ đại dương vào vùng quần đảo Cô Tô, qua Cửa Đối, đi dọc theo sông Đông Kênh đến Cái Làng, Quan Lạn, tiếp tục tiến về hướng Tây Nam đến Cống Đông, Cống Tây, Cửa Lục và vùng cửa sông Bạch Đằng. Các thuyền buôn, vận tải,... từ khu vực Đông Bắc Á đến nước Đại Việt thường đi theo tuyến này. Trên thực tế, sau khi tuyến giao thương duyên hải được khai mở, nhiều quốc gia Đông Á, Tây Nam Á đã cho thuyền qua vùng Cô Tô, Cửa Đối, Ngọc Vừng để vào Vân Đồn - trung tâm kinh tế đối ngoại trọng yếu của quốc gia Đại Việt(3).
Những yếu tố trên là môi trường để hình thành nền văn hóa biển, đảo đặc sắc, đa dạng; là điều kiện “vốn quý” đã và đang được giữ gìn, phát huy giá trị, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh trong tình hình mới. Theo đó, văn hóa biển, đảo của tỉnh Quảng Ninh là tập hợp các phong tục tập quán, lối sống, kho tàng tri thức dân gian, thực hành tín ngưỡng được hình thành từ nhu cầu phải thích ứng với điều kiện tự nhiên đặc thù khai thác nguồn lợi từ biển khơi tham gia giữ vững chủ quyền biển đảo(4).
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có 4 lễ hội gắn liền với biển và không gian văn hóa biển, đảo, gồm: 1- Lễ hội đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả); 2- Lễ hội Tiên Công (thị xã Quảng Yên); 3- Lễ hội đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái); 4- Lễ hội đình Quan Lạn (huyện Vân Đồn). Ngoài ra, còn có Lễ hội đình - nghè Cẩm Hải (thành phố Cẩm Phả), Lễ hội đình làng My Sơn (huyện Hải Hà)... Những lễ hội này là nơi tập hợp các phong tục, tập quán truyền thống, thích ứng với thiên nhiên; đồng thời, thể hiện trách nhiệm và tình yêu biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc. Điển hình như cụm di tích đình, miếu, nghè, chùa Quan Lạn (huyện Vân Đồn) là nơi thờ phụng 3 vị tướng tài của triều Trần là Phạm Công Chính, Phạm Thuần Dụng và Phạm Quý Công đã anh dũng hy sinh trong trận chiến trên biển với quân xâm lược năm 1288; đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả), đền Cặp Tiên (huyện Vân Đồn) gắn liền với danh tướng Trần Quốc Tảng và các chiến công của quân, dân nhà Trần để bảo vệ vùng, đảo biển Bái Tử Long - Hạ Long, giúp nhân dân yên tâm lao động, sinh sống...
Ngoài ra, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng để gia tăng tinh thần gắn kết cộng đồng, sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác cùng nhau để bám biển hiệu quả, bảo vệ ngư trường cũng là nét văn hóa biển, đảo được lưu truyền cho đến ngày nay thông qua những bài ca dao, điệu hát dân ca bình dị nhưng độc đáo, mang bản sắc riêng. Tiêu biểu như hát nhà tơ - hát múa cửa đình ở Vạn Ninh (thành phố Móng Cái), hát giao duyên của ngư dân trên vịnh Hạ Long, hát đúm ở Hà Nam (thị xã Quảng Yên), hò biển ở huyện Vân Đồn... Văn hóa biển, đảo của tỉnh Quảng Ninh còn tồn tại trong những kinh nghiệm, sáng tạo của con người trong quá trình lao động, sinh sống hòa hợp với thiên nhiên, điển hình là những sáng tạo trong công việc đóng tàu thuyền, đan lưới, chế biến hải sản, làm nước mắm, làm muối, làm chả mực...
Có thể thấy, di sản văn hóa biển, đảo tỉnh Quảng Ninh khá phong phú. Ngoài cảnh quan độc đáo của vịnh Hạ Long còn có các di tích lịch sử, văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống, các di chỉ khảo cổ học, phong tục tập quán... Đặc biệt, với gần 50 di tích lịch sử, văn hóa là chùa, đình, đền, miếu có quy mô cấp tỉnh và cấp quốc gia, hàng chục lễ hội truyền thống tiêu biểu đã tạo nên một bức tranh tổng thể về vùng văn hóa đặc sắc này.
Khai thác giá trị văn hóa biển, đảo để phát triển du lịch
Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc. Văn hóa được coi là “sức mạnh mềm” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, tỉnh Quảng Ninh được xác định bao gồm 6 giá trị cấu thành: Thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định chú trọng việc bảo tồn, phát huy vốn quý văn hóa biển, đảo gắn với phát triển du lịch bền vững, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo. Đây là một trong những tiềm năng, lợi thế lớn của tỉnh Quảng Ninh góp phần phát triển nhanh và bền vững.
Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 11-2-2023, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nêu rõ: Xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển - ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước. Đồng thời, xây dựng tỉnh Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước, trong đó, quy hoạch không gian ven biển, ven bờ (ven đảo lớn) cho phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo(5).
Riêng về du lịch biển đảo, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô được phê duyệt tại Quyết định số 4686/QĐ-UBND, ngày 21-12-2020, của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh xác định 4 dòng sản phẩm du lịch: 1- Du lịch biển, đảo; 2- Du lịch văn hóa, tâm linh; 3- Du lịch sinh thái cộng đồng; 4- Du lịch biên giới, tận dụng thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và văn hóa, trong đó quy hoạch không gian ven biển, ven bờ (ven đảo lớn) cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế - dịch vụ dựa vào bảo tồn biển là thế mạnh vượt trội ở Quảng Ninh. Trong đó, du lịch tâm linh, văn hóa biển, đảo là những đặc trưng mang đến thương hiệu biển Quảng Ninh tiêu biểu, như tham quan bãi cọc Bạch Đằng, miếu vua Bà, đền Trần Hưng Đạo, lễ hội Tiên Công (thị xã Quảng Yên), lễ hội đình Quan Lạn (huyện Vân Đồn), lễ hội đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả), lễ hội chùa Long Tiên (thành phố Hạ Long), lễ hội đình Trà Cổ (thành phố Móng cái).
Có thể thấy, thương hiệu biển, đảo Quảng Ninh đang dần được khẳng định và tạo dấu ấn trong nước và khu vực bởi những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng cũng như những giá trị văn hóa mà những bậc tiền nhân đã để lại. Phát huy những lợi thế đó, Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa với xu thế hòa bình, hợp tác và hội nhập với cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; kiên trì không gian phát triển “một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”…
Thương hiệu biển, đảo Quảng Ninh còn được gắn với đa dạng hệ sinh thái biển, bởi ở đây đã được tìm thấy rất nhiều hệ sinh thái đặc hữu có trong sách đỏ của quốc gia và trên thế giới, như tùng, cọ, thiên tuế, hệ sinh thái rừng ngập mặn đã góp phần làm phong phú và đa dạng các loài thủy hải sản ven biển của Quảng Ninh, tạo ra cảnh quan và môi trường sinh thái bền vững. Điều này góp phần làm cho thương hiệu du lịch biển, đảo Quảng Ninh tăng tính hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế và nội địa, mở ra cơ hội giao lưu, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các sản phẩm, dịch vụ du lịch biển, đảo Quảng Ninh chưa thật sự bền vững; còn nhiều tài nguyên du lịch biển, đảo có giá trị nổi bật nhưng chưa phát triển được sản phẩm tương xứng; nhiều lễ hội truyền thống vùng biển, đảo bị mai một; di tích lịch sử, văn hóa kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên đang bị xuống cấp, biến dạng nghiêm trọng do sự tác động thường xuyên của thiên nhiên và con người; một số công trình đã và đang bị chiếm dụng trái phép, tình trạng xâm phạm tại nhiều di tích vẫn tồn tại; hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị phong tục, tập quán các vùng biển, đảo còn gặp nhiều khó khăn; chưa có những sản phẩm văn hóa, sự kiện văn hóa, dịch vụ văn hóa mới, đáp ứng kịp nhu cầu văn hóa ngày càng cao của đông đảo cư dân sinh sống ở vùng biển, đảo…
Hướng đến sự phát triển bền vững
Nguồn lực văn hóa được xem là nguồn lực đặc biệt, là sức mạnh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững đất nước. Một trong những mục tiêu quan trọng được Đảng ta xác định là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguồn lực văn hóa - vốn văn hóa không đứng ngoài kinh tế, chính trị, xã hội trong quá trình phát triển đất nước. Văn hóa có sứ mệnh làm nền tảng, làm mục tiêu cho phát triển kinh tế - xã hội. Cho nên, nguồn lực văn hóa trở thành nguồn lực đặc biệt, khơi dậy, thúc đẩy các nguồn lực khác, tạo sức mạnh tổng hợp trong phát triển bền vững đất nước. Nguồn lực sản phẩm văn hóa là nguồn lực được kết tinh bởi vốn tài nguyên thiên nhiên ban tặng, được vật thể hóa thành các sản phẩm vật chất chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể, bao gồm di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh,... với các sản phẩm văn hóa sáng tạo của con người.
Văn hóa Quảng Ninh phong phú, giàu bản sắc, bởi có sự tổng hòa các phong tục, tập quán, lối sống, kho tàng tri thức dân gian, thực hành tín ngưỡng, kinh nghiệm lao động của 22 dân tộc, sinh sống theo cộng đồng dân cư phân bổ khắp địa bàn rộng lớn, có cả biển, đảo, núi rừng, biên giới,...; đồng thời, trải qua các thời kỳ văn hóa cổ, các triều đại phong kiến, sự hình thành và phát triển của ngành than và giai cấp thợ mỏ... Nguồn vốn, tài nguyên văn hóa đã hình thành nên đặc trưng con người Quảng Ninh với những phẩm chất tốt đẹp, qua các thế hệ luôn kiên cường trước thử thách của tự nhiên, dũng cảm bảo vệ vững chắc vùng biên cương, biển, đảo của Tổ quốc, sáng tạo trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Xác định vai trò quan trọng của văn hóa nói chung, văn hóa biển, đảo nói riêng đối với sự phát triển toàn diện, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp trong việc gìn giữ giá trị truyền thống, làm giàu thêm bản sắc văn hóa phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Ngày 9-3-2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Nghị quyết chính là cơ sở, đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm, dành nguồn lực đầu tư, xây dựng và phát triển văn hóa toàn diện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ với những dấu ấn đặc sắc của Vùng Mỏ. Từ nghị quyết này, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã có sự phối hợp, thống nhất hành động một cách quyết liệt, chặt chẽ, nhằm giữ gìn và phát huy bền vững giá trị truyền thống, đầu tư có trọng tâm để phát triển văn hóa trong thời kỳ hội nhập, trong đó có văn hóa biển, đảo.
Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018) thì giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật… là một trong những quan điểm chủ đạo trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây chính là cơ hội để du lịch biển, đảo Quảng Ninh phát huy được tiềm năng và thế mạnh, khẳng định được ưu thế, nét khác biệt so với các địa phương có du lịch biển, đảo khác.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh cần phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, mang đậm bản sắc các sản phẩm truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh cũng như sự phát triển du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng đẩy mạnh kết nối vùng, miền, kết nối với cả nước và kết nối với khu vực, bảo đảm đồng bộ, liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch đa dạng, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch. Đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch Quảng Ninh trên cơ sở khai thác lợi thế tài nguyên Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, các di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, giải trí trên địa bàn tỉnh hướng tới xuất khẩu văn hóa.
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết thúc đẩy du lịch nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ; hướng đến phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới, gắn kết với các trung tâm du lịch lớn của cả nước và các nước trong khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á thông qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và đường biển qua Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long./.
--------------
(1), (2) https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinhthanhchitiet.aspx?idTinhThanh=32
(3) Theo: GS, TS Nguyễn Văn Kim, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Quần đảo Cô Tô trong không gian biển, đảo vùng Đông Bắc của Tổ quốc và chiến lược biển Việt Nam: Vị trí tiền tiêu, vị thế địa - kinh tế, địa - chính trị và tiềm năng phát triển, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/827134/quan-dao-co-to-trong-khong-gian-bien%2C-dao-vung-dong-bac-cua-to-quoc-va-chien-luoc-bien-viet-nam--vi-tri-tien-tieu%2C-vi-the-dia---kinh-te%2C-dia---chinh-tri-va-tiem-nang-phat-trien.aspx
(4) Theo: Huỳnh Đăng: Giao thoa văn hóa miền núi và biển đảo ở Quảng Ninh, https://www.quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=116050
(5) Xem: https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=207428
Chủ động đối phó với thách thức, nắm bắt thời cơ trong phát triển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050  (17/12/2023)
Thị xã Đông Triều phấn đấu trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu và đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh  (17/12/2023)
Phát triển bền vững kinh tế biển, tạo bước phát triển đột phá của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn tới  (11/12/2023)
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh  (10/12/2023)
Tỉnh Quảng Ninh đổi mới tư duy phát triển và phương thức lãnh đạo  (08/12/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam