Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 25-6 đến 01-7-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
23:15, ngày 03-07-2018

TCCSĐT - Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ. Chính phủ thành lập Quỹ Tích lũy trả nợ và giao Bộ Tài chính thực hiện quản lý theo quy định tại Điều 56 của Luật Quản lý nợ công trên cơ sở Quỹ Tích lũy trả nợ được thành lập theo quy định tại Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14-10-2010 của Chính phủ.


Giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2018 đợt 2

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao 3.945,415 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2018 (đợt 2) cho các bộ, địa phương theo ngành, lĩnh vực và danh mục dự án.

Cụ thể, các bộ, ngành và địa phương được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2018 (đợt 2) gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải; 11 tỉnh, thành phố gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Sóc Trăng và Cà Mau.

Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ danh mục dự án và tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2018 (đợt 2) được giao ở trên, quyết định giao cho các bộ và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương danh mục và chi tiết mức vốn của các dự án.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2018 và chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.

Căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2018 (đợt 2) được giao, các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao danh mục và mức vốn cụ thể của từng dự án theo quy định cho các đơn vị trực thuộc để thực hiện; báo cáo kết quả giao, thông báo kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 (đợt 2) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30-6-2018.

Định kỳ hằng tháng, quý và cả năm báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2018 theo quy định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin về các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương do bộ, địa phương quản lý.

Trường hợp phát hiện các thông tin không chính xác, phải kịp thời gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.

Quy định việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ


Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ. Chính phủ thành lập Quỹ Tích lũy trả nợ và giao Bộ Tài chính thực hiện quản lý theo quy định tại Điều 56 của Luật Quản lý nợ công trên cơ sở Quỹ Tích lũy trả nợ được thành lập theo quy định tại Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14-10-2010 của Chính phủ.

Theo quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ để xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật Quản lý nợ công, bao gồm quyết định về bên nhận ứng vốn, trị giá ứng vốn, lãi suất ứng vốn, thời hạn hoàn trả ứng vốn; quyết định việc khoanh nợ khoản ứng vốn hoặc cơ cấu lại khoản ứng vốn; quyết định việc sử dụng nguồn Quỹ để xử lý rủi ro phát sinh bao gồm xóa nợ gốc, lãi, lãi phạt, thay đổi lãi suất ứng vốn khi bên nhận ứng vốn gặp khó khăn do nguyên nhân bất khả kháng; quyết định việc trích một phần phí bảo lãnh, phí cho vay lại và quy định việc quản lý sử dụng kinh phí được trích từ phí bảo lãnh, phí quản lý cho vay lại cho nghiệp vụ quản lý nợ công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính có nhiệm vụ tổ chức quản lý và thực hiện thu, chi, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 56 Luật Quản lý nợ công và quy định tại Nghị định này; báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về tình hình thu, chi, nghĩa vụ trả nợ, nguyên nhân Quỹ không đủ nguồn để chi trả nợ, đề xuất phương án xử lý theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước trong trường hợp Quỹ không đủ nguồn để chi trả nợ sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Đồng thời, quyết định gia hạn thu hồi khoản vốn ứng trong trường hợp đối tượng được bảo lãnh gặp khó khăn trong trả nợ theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ và Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài; quyết định việc lựa chọn các ngân hàng thương mại trong nước để gửi tiền có kỳ hạn, ủy thác quản lý vốn của Quỹ...

Nghị định quy định các khoản thu của Quỹ gồm: Thu hồi nợ cho vay lại (bao gồm gốc, lãi, lãi phạt và các khoản phí); thu dự phòng rủi ro đối với khoản cho vay lại; thu phí quản lý cho vay lại (phần Bộ Tài chính được hưởng theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ); phí bảo lãnh và lãi phạt chậm trả đối với khoản phí bảo lãnh (nếu có); thu hồi các khoản ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ; thu từ nghiệp vụ cơ cấu lại nợ, danh mục nợ; thu lãi tiền gửi, cho vay, ủy thác quản lý vốn và đầu tư của Quỹ và các khoản thu hợp pháp khác.

Các khoản chi của Quỹ gồm: Chi trả nợ nước ngoài (gốc, lãi), phí (nếu có) đối với khoản vay về cho vay lại. Trường hợp ngân sách nhà nước đã ứng nguồn chi trả nợ nước ngoài, Quỹ Tích lũy trả nợ có trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước phần đã ứng; ứng vốn để trả nợ nước ngoài đối với các khoản vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chi xử lý rủi ro theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chi nghiệp vụ quản lý nợ công từ nguồn thu phí quản lý cho vay lại, phí bảo lãnh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc không trùng lắp với dự toán chi thường xuyên được ngân sách nhà nước đảm bảo.

Sau khi cân đối sử dụng cho các khoản chi trên, Quỹ được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách nhà nước vay, đầu tư vốn nhàn rỗi, mua trái phiếu Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công và quy định tại Nghị định này.

Sáu tháng, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm của các dự án FDI tăng 5,7%

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-6-2018, cả nước có 1.366 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 11,8 tỷ USD, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm 2017; có 507 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,43 tỷ USD, bằng 86,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cả nước có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ 2017.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô đạt 80,86 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 71% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 79,84 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 70,1% kim ngạch xuất khẩu.

Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 7,91 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo đối tác đầu tư, có 87 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 6,47 tỷ USD, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư.

Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,06 tỷ USD, chiếm 24,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,39 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 5,87 tỷ USD, chiếm 28,9% tổng vốn đầu tư.

Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 3,68 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư. Bà Rịa-Vũng Tàu đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 1,93 tỷ USD chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư.

Một số dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2018 là: dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội…

Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam, cấp phép ngày 30-5-2018 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,201 tỷ USD do Hyosung Corporation (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Laguna (Việt Nam), cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 07-3-2007 do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên-Huế đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD vào ngày 25-5-2018…

Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định ý định rút khỏi WTO


Theo Reuters, trang web tin tức Axios dẫn nguồn thạo tin ngày 29-6 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần nói với các quan chức Nhà Trắng rằng ông muốn Mỹ rút khỏi Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).

Theo Axios, một nguồn tin cấp cao dẫn lời Tổng thống Trump khi nói với các cố vấn của ông: "Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại tham gia tổ chức này. WTO do các nước khác thiết lập để ép buộc Mỹ". Tuy nhiên, trang web này cho rằng bất kỳ động thái nào nhằm rút khỏi WTO sẽ đều cần được Quốc hội Mỹ thông qua, và ông Trump sẽ khó hiện được ý định của mình.

Theo nguồn tin trên, chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục kêu gọi chú ý đến việc Mỹ, theo nhiều cách khác nhau, phải đối mặt với điều mà một số cố vấn của ông Trump coi là sự đối xử bất công và không cân bằng trong khuôn khổ WTO.

Trong một diễn biến khác, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ngày 26-6 đã đưa ra bức tranh ảm đạm về tình hình tài chính Mỹ khi dự báo nợ công của nước này đang tiến tới mức cao nhất trong lịch sử và nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong 30 năm tới.

Theo CBO, nợ công của chính phủ liên bang sẽ ở mức 78% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tài chính này, mức cao nhất trong gần 70 năm, trước khi lên tới 152% vào năm 2028. Nợ công dự kiến tăng do nguồn thu của liên bang sẽ duy trì trong 2 năm tới và tăng lên vào năm 2026 trong bối cảnh mức thuế thu nhập cá nhân được dự báo tăng trở lại.

Trong khi đó, mức chi tiêu ngân sách liên bang được dự báo tăng từ 19% GDP hiện nay lên 23% trong 30 năm tới, trong đó các khoản chi trả cho an ninh xã hội, chăm sóc sức khỏe và tiền lãi nợ công sẽ tăng. CBO dự báo tiền lãi nợ công sẽ tăng từ 1,6% lên 3,1% GDP trong năm nay và sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới.

Đến năm 2048, tiền lãi nợ công khả năng sẽ tăng lên mức cao kỷ lục 6,3% khi khoản tiền này vượt quá tất cả mức chi tiêu linh hoạt và tương đương mức chi tiêu cho an ninh xã hội.

Hệ thống chi trả lương hưu khổng lồ này là một trong những gánh nặng lớn nhất lên ngân sách của chính quyền liên bang. Cơ quan trên cũng dự báo Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh GDP và lạm phát tăng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm.

Giám đốc CBO Keith Hall nhận định nguy cơ nợ công tăng cao gây rủi ro lớn cho Mỹ và đặt ra những thách thức đáng kể đối với những nhà hoạch định chính sách. Chẳng hạn, nợ công có thể khiến Mỹ gặp khó khăn hơn khi đối phó với một cuộc khủng hoảng tài chính thông qua giảm thuế hoặc tăng chi tiêu ngân sách.

Cùng ngày 26-6, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P cho biết hãng duy trì xếp hạng tín nhiệm về nợ công của Mỹ ở mức AA+ do thâm hụt ngân sách tăng và những chính sách của nước này chỉ phù hợp trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, S&P cảnh báo có thể hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do nợ công cao, thâm hụt ngân sách tăng, những chính sách khá ngắn hạn và việc triển khai chính sách chưa được bảo đảm.

Theo S&P, căng thẳng thương mại với đối tác tchủ chốt Trung Quốc dự kiến sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn, song có thể trì hoãn hoạt động đầu tư và làm giảm những lợi ích của chương trình giảm thuế được ban hành hồi năm ngoái. S&P dự báo GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng khoảng 3% năm nay và 2,5% năm kế tiếp nhờ thị trường bất động sản sôi động và tiêu dùng cá nhân tăng. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đạt 2,3%.

Trung Quốc điều chỉnh thuế quan nhiều hàng nhập khẩu theo APTA

THX dẫn nguổn Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết nước này sẽ điều chỉnh thuế quan đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu của nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương từ ngày 01-7.

Sự điều chỉnh nêu trên đối với các sản phẩm theo 8.549 mã thuế được sản xuất tại Bangladesh, Ấn Độ, Lào, Hàn Quốc và Sri Lanka là một phần thỏa thuận nhượng bộ thuế quan đạt được trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại châu Á - Thái Bình Dương (APTA).

Bộ trên cho hay, sau đợt điều chỉnh này, mức thuế đối với 2.323 chủng loại hàng hóa như một số hóa chất nhất định, thiết bị quang học và camera truyền hình sẽ được giảm.

Động thái trên diễn ra sau khi đạt được một thỏa thuận mới trong vòng đàm phán nhượng bộ thuế quan thứ tư giữa sáu nước thành viên APTA hồi tháng 01-2017./.