TCCSĐT - Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Chuyển giao Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp; một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6-2018; là những văn bản chỉ đạo, điều hành mới của Chính phủ.

Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu Kinh tế mở Chu Lai

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi lập quy hoạch có diện tích khoảng 27.040 ha, bao gồm thị trấn Núi Thành và các xã Tam Quang, Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam, Tam Tiến và một phần xã Tam Nghĩa thuộc huyện Núi Thành; các xã Tam Thanh, Tam Phú, một phần xã Tam Thăng và phường An Phú thuộc thành phố Tam Kỳ; các xã Bình Hải, Bình Sa, một phần xã Bình Nam, Bình Trung, Bình Tú, Bình Triều, Bình Minh, Bình Đào thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược phát triển biển Việt Nam. Xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai thành khu vực phát triển kinh tế năng động, bền vững; là trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, logistics và sản xuất nông nghiệp của vùng và khu vực, gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh, quốc phòng. Xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai thành vùng kinh tế động lực của tỉnh Quảng Nam; có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại; không gian kiến trúc cảnh quan, đô thị văn minh, tiên tiến, môi trường bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả. Làm cơ sở pháp lý để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án đầu tư xây dựng thuộc Khu kinh tế.

Khu kinh tế mở Chu Lai có tính chất là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực. Một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Là khu vực phát triển đô thị; là trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không; trung tâm khí - điện và sản phẩm hóa dầu; công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao; trung tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là trung tâm du lịch dịch vụ gắn với việc khai thác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng Chu Lai - Kỳ Hà.

Đồng thời, Khu Kinh tế là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; cửa ngõ kết nối ra biển Đông của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Quy mô dân số hiện trạng Khu kinh tế mở Chu Lai là 128.094 người; dự báo sơ bộ quy mô dân số đến năm 2035: Khoảng 550.000 - 600.000 người.

Dự báo đất xây dựng công nghiệp năm 2035 khoảng 5.000 ha; quỹ đất xây dựng các khu chức năng đô thị, du lịch dịch vụ đến năm 2035 khoảng 7.000 ha.

Các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật áp dụng theo yêu cầu của quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành đối với đô thị loại II cho khu vực phát triển đô thị và quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành đối với các khu chức năng khác.

Nội dung nghiên cứu quy hoạch cần đảm bảo các yêu cầu cụ thể như: Đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng; phân tích, đánh giá vai trò, vị thế, tiềm năng và động lực phát triển; tổ chức không gian và phân khu chức năng; quy hoạch sử dụng đất các khu chức năng thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật; đánh giá môi trường chiến lược; đề xuất các dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện...

Trong đó, phân tích, đánh giá vai trò, vị thế, tiềm năng và động lực phát triển cần xác định các tiềm năng và động lực chính phát triển Khu kinh tế trên cơ sở nghiên cứu các dự báo, định hướng của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy hoạch ngành liên quan đến sự phát triển của Khu kinh tế. Dự báo phát triển về kinh tế, xã hội, dân số, lao động và đất đai. Dự báo sự thay đổi của môi trường tự nhiên do sự tác động của đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội; dự báo nhu cầu sử dụng đất, quy mô các khu chức năng của Khu kinh tế theo từng giai đoạn; dự báo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng cho khu vực.

Tổ chức không gian và phân khu chức năng cần xác định tầm nhìn của Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2050. Định hướng phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị đến năm 2035 cần nghiên cứu, rà soát, kế thừa hợp lý các kết quả nghiên cứu đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy hoạch ngành liên quan với Khu kinh tế mở Chu Lai đã được phê duyệt.

Đề xuất cấu trúc phát triển, tổ chức không gian các khu chức năng phù hợp với yêu cầu phát triển mới, các khu vực theo định hướng quy hoạch chung xây dựng năm 2004 cần giữ ổn định; các khu vực theo định hướng quy hoạch chung xây dựng năm 2004 cần điều chỉnh; các khu vực phát triển mới. Cần nghiên cứu giải pháp cải tạo các khu vực dân cư hiện hữu, các khu chức năng vùng đệm hỗ trợ phát triển, các khu đô thị và khu vực nông thôn trong Khu kinh tế...

Quyết định nêu rõ, thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng kể từ khi Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

Xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp xi măng

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về phát triển công nghiệp xi măng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá thực trạng ngành xi măng. Trên cơ sở đó, xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm cân đối cung cầu.

Trong đó, lưu ý quy hoạch các nhà máy xi măng gắn với vùng nguyên liệu; sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; đầu tư đồng bộ từ khâu chế biến nguyên liệu đến đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng khí thải để phát triển; đẩy mạnh đầu tư công nghệ sản xuất xi măng gắn với việc xử lý và sử dụng chất thải công nghiệp và rác thải làm nhiên liệu; khắc phục tình trạng đầu tư hàng loạt, ảnh hưởng đến môi trường, hạ tầng và thị trường; đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng và năng suất lao động của cả ngành xi măng, hạn chế xuất khẩu xi măng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4721/VPCP-CN ngày 21-5-2018 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Xây dựng khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng; nghiên cứu đưa một số nội dung cần thiết tại dự thảo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam vào Quy hoạch trên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4098/VPCP-CN ngày 05-5-2018 của Văn phòng Chính phủ.

Chuyển giao Khu Công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan hướng dẫn, giám sát việc thu hồi, chuyển giao Dự án Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, Tiền Giang (Dự án) theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chuyển giao Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7631/VPCP-KTN ngày 01-10-2014 của Văn phòng Chính phủ.

UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện thu hồi đất Dự án, quản lý, sử dụng, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo đúng quy định tại Luật Đất đai, Luật Đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, Tiền Giang có diện tích trên 285ha, nằm trên địa bàn các xã Gia Thuận, Vàm Láng thuộc địa bàn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có vị trí rất thuận tiện trong việc phát triển kinh tế biển và đặc biệt cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.

Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 6-2018

Phát triển ngành nghề nông thôn

Theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12-4-2018 về phát triển ngành nghề nông thôn có hiệu lực từ 01-6-2018, làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn quy định tại Nghị định này, ngoài ra còn được hưởng các chính sách từ ngân sách địa phương như hỗ trợ kinh phí trực tiếp quy định tại quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; hình thức, định mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề. Nội dung hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề: Đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề….

Hỗ trợ tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo

Theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18-4-2018 về bảo hiểm nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 05-6-2018, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Thủ tục hải quan đối với một số trường hợp đặc thù

Có hiệu lực từ ngày 05-6-2018, Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20-4-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21-01-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Trong đó, bổ sung quy định thủ tục hải quan đối với một số trường hợp đặc thù.

Quy định nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia

Nghị định 60/2018/NĐ-CP ngày 20-4-2018 quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia để thu thập thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia có hiệu lực từ ngày 15-6-2018.

Quy trình giải quyết thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông

Có hiệu lực từ 21-6-2018, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

Quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án PPP

Theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04-5-2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ 19-6-2018, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết.

Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc như sau: Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư; đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.

Vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản phạt đến 200 triệu đồng

Có hiệu lực từ ngày 22-6-2018, Nghị định 64/2018/NĐ-CP ngày 07-5-2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, trong đó vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng./.