TCCSĐT - Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp truyền thống, dấu ấn của nông nghiệp thể hiện trên mọi mặt của đời sống xã hội. Trong cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 17%, nhưng do dân số đông, trên 90 triệu người, khoảng 65% sống ở nông thôn, nên nông nghiệp có vị trí quan trọng trong xã hội. Do đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, xác định đây là một nhiệm vụ chiến lược cần thực hiện.

Cơ sở để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Một là, chủ trương, đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI, ngày 05-4-1988 là chính sách quan trọng của Việt Nam về nông nghiệp. Sự thành công của chính sách này thể hiện trong việc đổi mới quan hệ sản xuất, tạo tiền đề, động lực để phát triển nông nghiệp. Trong giai đoạn 1988 - 2008, những vấn đề về lương thực, nghèo đói, cơ sở hạ tầng đã được giải quyết về cơ bản, kinh tế nông nghiệp tăng trưởng đáng kể, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc… Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, năng suất còn thấp, chất lượng chưa cao, tình trạng nghèo đói còn tồn tại ở một số khu vực miền núi…

Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 7 (khóa X), ngày 05-8-2008 đã thông qua Nghị quyết số 26 - NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xác định: xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt; giải quyết đồng bộ vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hai là, chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại

Phát triển nền kinh tế Việt Nam theo hướng: “Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường”(2) là chủ trương của Đại hội XII của Đảng. Đây là một điều kiện cơ bản để tiến hành công nghiệp hóa nông nghiệp. Trên phương diện kinh tế, công nghiệp hóa nông nghiệp là quá trình đầu tư nguồn vốn, kỹ thuật, công nghệ nhằm hiện đại hóa lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Đây là hoạt động tìm kiếm lợi nhuận của nhà nông và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong nông nghiệp chỉ được thực hiện khi nhà đầu tư nhận thấy những lợi ích kinh tế từ công việc này. Đối với nông dân - chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp - do gắn bó với nghề nông, nên công nghiệp hóa nông nghiệp là cách tốt nhất để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống… Nếu thiếu cơ chế, chính sách hợp lý về đất đai, tài chính, tín dụng… nhà nông không thể thực hiện công việc này. Như vậy, chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại của Việt Nam là điều kiện cơ bản để tiến hành công nghiệp hóa nông nghiệp.

Ba là, xu thế công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên thế giới

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một xu thế phát triển tất yếu của nhân loại. Thực tiễn cho thấy, sự tiến bộ đột phá về khoa học - công nghệ là yếu tố quyết định sự thành công trong phát triển nông nghiệp. Vào thế kỷ XX, nền công nghiệp trên thế giới đã có sự phát triển mạnh, nhưng nhiều quốc gia vẫn ở trong tình trạng chậm phát triển và đói nghèo. Những năm 40 thế kỷ XX, trong nông nghiệp đã xuất hiện những cuộc cách mạng về kỹ thuật công nghệ. Sự phát triển của khoa học - công nghệ trong nông nghiệp đã làm tăng đáng kể năng suất, sản lượng lương thực. Vào đầu những năm 2000, một lao động trong nông nghiệp có thể sản xuất một lượng lương thực đủ đáp ứng nhu cầu cho 90 người, cao gấp khoảng 9 lần so với những năm 40 của thế kỷ trước. Do vậy, “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(3). Đây là một xu thế phát triển chung và không có ngoại lệ.

Tại châu Á, do tình trạng khó khăn về lương thực sau năm 1945, nên khi bắt đầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một số quốc gia đã chú trọng đến việc công nghiệp hóa nông nghiệp, như Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay, đối với nông nghiệp, Đại hội XII của Đảng chủ trương: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”(1). Ở những quốc gia công nghiệp phát triển, mặc dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế, nhưng sản xuất nông nghiệp luôn ở trình độ cao về kỹ thuật, công nghệ, như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Phát triển khoa học, công nghệ không chỉ giữ vai trò hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, mà đó chính là yếu tố quyết định sự thành công của công cuộc này.

Những hạn chế trong việc thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Nhận thức về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Năm 1996, theo chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ VIII, Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khi đó, công cuộc đổi mới đất nước đã thực hiện được 10 năm, tình hình khó khăn về lương thực đã được giải quyết, do đó, phát triển sản xuất nông nghiệp không còn là một nhiệm vụ sống còn. Nông nghiệp được xác định có vị trí quan trọng, nhưng giá trị kinh tế lại thấp hơn so với công nghiệp, vì vậy, công nghiệp vẫn được đầu tư nhiều hơn. Nhìn từ kết quả tăng trưởng kinh tế của xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên thế giới, có nhiều quan điểm cho rằng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là hướng phát triển duy nhất đúng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người không nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của nông nghiệp. Trên thực tế, nông nghiệp là mục tiêu phát triển của mọi thời đại. “Johnston và Mellor cho rằng, việc xây dựng một nền nông nghiệp vững mạnh và năng động sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy công nghiệp phát triển”(4). Hiện nay, nhận thức về nông nghiệp trong xã hội đã có nhiều thay đổi. Nông nghiệp không chỉ giữ vai trò trong việc bảo đảm an ninh lương thực, đây còn là lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế, mà Việt Nam cần khai thác, để thúc đẩy quá trình phát triển toàn diện đời sống xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Cơ chế, chính sách trong công nghiệp hóa nông nghiệp.

Để đạt được những mục tiêu đề ra trong tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp về tài chính, tín dụng, đất đai… Hoạt động nông nghiệp luôn gắn với đất đai, do đó, để phát triển nông nghiệp cần có một chính sách hợp lý về đất đai. Hiện nay, những quy định về đất nông nghiệp còn một số điểm gây ảnh hưởng đến việc phát triển nông nghiệp. Theo quy định, điều kiện để cấp giấy chứng nhận và hỗ trợ tín dụng, trang trại trồng trọt, nuôi trồng thủy sản phải có diện tích trên 3,1 ha ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long và trên 2,1 ha ở các tỉnh còn lại. Tuy nhiên, do dân số đông và thiếu những chính sách phù hợp, nên tích tụ đất canh tác đang là một vấn đề khó thực hiện. Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định về giao đất cho cá nhân, hộ gia đình tại những vùng, miền như trên là không quá 3,0 ha và 2,0 ha. Những quy định như vậy chưa tạo ra sự hỗ trợ cần thiết để người nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Nhằm xóa bỏ tình trạng manh mún về đất đai nông nghiệp, việc dồn điền, đổi thửa đang được tiến hành. Tuy nhiên, quá trình này còn một số khó khăn, vướng mắc do những vấn đề về tổ chức thực hiện ở địa phương. Nhiều người dân còn trì hoãn thực hiện do mức hỗ trợ thiệt hại còn thấp.

Trong vấn đề tín dụng, những quy định vay tín dụng đối với nhiều ngành, nghề chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, như: mức tín dụng quy định đối với đánh bắt xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản… Mức tín dụng như quy định hiện nay mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu về vốn trong sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, để bảo đảm an toàn, các tổ chức tín dụng thường áp dụng chính sách cho vay chặt chẽ. Nhà nông thường không thể vay được mức tín dụng theo như quy định. Việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước chưa đạt hiệu quả, do Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách phù hợp. Đây là những trở ngại đối với việc thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Phương pháp, năng lực và điều kiện thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp.

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đến nay, những kết quả đạt được không như dự kiến. Mặc dù có nhiều chủ trương, chính sách được thông qua, nhưng vốn đầu tư toàn xã hội cho lĩnh vực nông nghiệp chỉ vào khoảng 6%. Do đó, nông nghiệp chưa phát triển. Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, cần có phương pháp tiến hành công nghiệp hóa nông nghiệp khoa học, hợp lý. Tuy nhiên, hiện chưa có một chiến lược tổng thể, tập trung nguồn lực, tạo sức đột phá trong phát triển nông nghiệp. Năng lực tổ chức, thực hiện những chương trình, mục tiêu phát triển nông nghiệp còn có những hạn chế nhất định. Sự phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp ở trung ương và địa phương còn thiếu nhịp nhàng, thiếu hiệu quả.

Hiện nay, về kỹ thuật, công nghệ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp cũng còn nhiều vấn đề. Việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong nông nghiệp còn hạn chế, đặc biệt, trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản, bảo quản nông sản, công nghệ sinh học… Cơ sở hạ tầng nông nghiệp được xây dựng tại nhiều địa phương, nhưng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa. Mức độ cơ giới hóa nông nghiệp còn thấp, điện khí hóa thiếu ổn định, hệ thống thông tin chưa hiện đại… “Khoa học - công nghệ chưa thật sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động”(5). Hiện đại hóa nông nghiệp là yếu tố quyết định sự phát triển nông nghiệp và nông thôn, vì vậy những vấn đề này cần sớm giải quyết.

Những chương trình phát triển, hiện đại hóa nông nghiệp chưa hiệu quả. Do sự dàn trải trong đầu tư, thiếu trọng tâm, trọng điểm, cho nên không thể tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp. Nhiều chính sách nông nghiệp chưa thực sự phát huy tác dụng. Vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp chưa được thể hiện rõ. Về nguyên tắc, “chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phải tạo ra động lực để người nông dân tự vươn lên”(6). Ngoài ra, trong nông nghiệp còn một số vấn đề khác, như: tập quán canh tác lạc hậu, trình độ dân trí thấp, lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… và thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, mở rộng.

Một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Xuất phát từ thực trạng trên, để hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn cần giải quyết những vấn đề tồn tại. Đặc điểm về tự nhiên, xã hội, cũng như tình hình phát triển kinh tế cho thấy, lợi thế hàng đầu của Việt Nam là sản xuất nông nghiệp và thế mạnh từ nền nông nghiệp nhiệt đới. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp đang diễn ra chậm và những thế mạnh về kinh tế đang bị lãng phí. Hiện nay, áp lực phát triển đang chuyển dần từ lĩnh vực công nghiệp sang lĩnh vực nông nghiệp. Đại hội XII của Đảng xác định: phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp bình quân khoảng 2,5% - 3,0%/năm. Để đạt được những mục tiêu đề ra trong phát triển nông nghiệp, cần thực hiện những nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, xây dựng một chiến lược tổng thể, khoa học nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xác định những vấn đề cần giải quyết và những mục tiêu cơ bản trong chiến lược này; lập quy hoạch tổng thể phát triển ngành, nghề, vùng nông nghiệp trên cơ sở điều kiện tự nhiên, lợi thế so sánh; xây dựng kế hoạch thực hiện.

Thứ hai, xây dựng, sửa đổi, ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, đặc biệt là chính sách về tài chính, tín dụng, thu hút đầu tư, phát triển kỹ thuật, công nghệ; xây dựng hệ thống pháp luật, tạo lập hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực về nông nghiệp; nâng cao trình độ đội ngũ công chức, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp.

Thứ ba, thực hiện cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp; nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách kinh tế - xã hội nông thôn; xây dựng, phát triển những mô hình kinh tế nông nghiệp hiện đại; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông thôn; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, tự động hóa trong nông nghiệp; phát triển giáo dục, nâng cao trình độ nhận thức về nông nghiệp, trình độ tiếp thu khoa học, kỹ thuật; phát triển dịch vụ nông nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trước những yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, cần có những giải pháp thích hợp nhằm giải quyết những vấn đề, thực hiện những nhiệm vụ trong phát triển nông nghiệp như sau:

Một là, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế và kinh tế nông nghiệp, theo hướng phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo cơ hội đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hai , đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tính tất yếu, cấp thiết của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; nâng cao trình độ, bồi dưỡng kỹ năng làm việc cho đội ngũ công chức, viên chức trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ba là, xây dựng, ban hành, sửa đổi những quy định pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm phát huy tối đa khả năng hoạt động kinh tế nông nghiệp của các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp; xây dựng cơ sở pháp lý cho việc tích tụ đất đai; tiến hành cải cách hành chính toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, như thuế, đất đai, giao dịch bảo đảm…

Bốn là, điều chỉnh chính sách đầu tư công theo hướng tăng đầu tư phát triển cho nông nghiệp và khu vực nông thôn; xây dựng, ban hành chính sách thu hút đầu tư nhằm huy động tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế, vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp.

Năm là, lựa chọn, xây dựng một số dự án trọng điểm quốc gia nhằm tạo bước đột phá trong nông nghiệp, như công nghệ sinh học, cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hiện đại hóa phương tiện đánh bắt thủy sản xa bờ, cải tiến công nghệ bảo quản sau thu hoạch, kiểm soát việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

Sáu là, đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học, hợp tác nghiên cứu về kỹ thuật, công nghệ và kinh tế nông nghiệp; phát triển những mô hình kinh tế hoạt động phù hợp với từng nghành, nghề, khu vực, vùng, miền; nâng cao chất lượng công tác khuyến nông.

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm mở rộng thị trường nông nghiệp; chủ động tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nông nghiệp hiện đại từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ nguồn nước, dự báo, phòng chống thiên tai, ngăn chặn dịch bệnh, bảo về nguồn lợi thủy sản./.

-------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 269

(2) Xem: Kết luận của Bộ Chính trị số: 97-KL/TW, ngày 15-5-2015, Về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 77

(4) TS. Nguyễn Thị Tố Quyên: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong mô hình tăng trưởng kinh tế mới giai đoạn 2011 - 2020, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 9

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 249

(6) TS. Đoàn Xuân Thủy (Chủ biên): Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 203