Kiên trì mục đích: "Cổ vũ tinh thần ham học hỏi; đề cao khả năng tự đào tạo; dấn thân vì sự nghiệp nâng cao dân trí; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho Việt Nam phát triển" và được triển khai theo phương châm "4 chữ H": "Học - Hỏi - Hiểu - Hành"; sau hơn 10 năm thành lập, Trường Đại học Bình Dương nhanh chóng tạo dựng cho mình một nền tảng vững chắc cả về triết lý, quan điểm lẫn phương pháp hoạt động của một trường đại học mở chất lượng cao, tự tin hòa nhập với hệ thống giáo dục Việt Nam cũng như của khu vực và thế giới.

Trường Đại học Bình Dương (tên giao dịch đối ngoại là Binh Duong University) mà tiền thân là Trường Đại học dân lập Bình Dương được thành lập ngày 24-9-1997 theo Quyết định số 791/TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động theo cơ chế tư thục (Quyết định số 122/ 2006/QĐ - TTg ngày 29-9-2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Ý nghĩa của phương châm "4 chữ H", theo Tiến sĩ khoa học, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Hiệu trưởng Cao Văn Phường, Học để biết cách học như thế nào, học để biết cách hỏi; Hỏi để nhớ, hỏi để hiểu; Hiểu để biết cách làm (biết tập hợp, xử lý, khai thác thông tin), hiểu đúng để thực hành đúng; Hành đúng mới mang lại hiệu quả.

Đối tượng đào tạo và cũng là văn bằng của sinh viên sau khi tốt nghiệp của Trường Đại học Bình Dương là đào tạo kỹ sư, cử nhân thực hành hệ đại học 4 năm, hệ cao đẳng 3 năm, gồm các ngành: kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, xã hội - nhân văn, công nghệ thông tin, ngoại ngữ... với mục tiêu góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho nền kinh tế mở của đất nước nói chung, các tỉnh phía Nam và miền Đông Nam Bộ nói riêng.

Đại học Bình Dương cũng được đánh giá là đơn vị luôn nghiên cứu chuyển đổi mục tiêu, chương trình đào tạo theo cơ bản và hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam.

Với các tiêu chí chủ yếu trong đào tạo là sinh viên tốt nghiệp trước hết phải có phẩm chất đạo đức, được thể hiện ở trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội và trách nhiệm với thiên nhiên. Tiếp đó là yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ: có năng lực khai thác, tập hợp, xử lý thông tin để giải quyết một cách khoa học và hiệu quả những vấn đề của đời sống đang đặt ra; có tinh thần lao động sáng tạo; có năng lực thực sự trong liên kết cạnh tranh - cạnh tranh liên kết; thông thạo tiếng Anh và tin học. Các tiêu chuẩn trên cũng là lời tuyên thệ của các thế hệ sinh viên Đại học Bình Dương khi tốt nghiệp ra trường: "...suốt đời tự hoàn thiện bản thân, phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì sự phồn vinh của Tổquốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Với chương trình và phương pháp đào tạo tiên tiến sát với thực tiễn, chất lượng đào tạo cao, nhà trường luôn bảo đảm cung cấp một "đầu ra" với số lượng ngày càng tăng, chất lượng ngày càng cao cho xã hội. Đến nay, trường đã có trên 3.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường, phần lớn đều được xã hội đón nhận, có việc làm ổn định chỉ sau một thời gian ngắn. Nhiều người trong số đó là thạc sĩ hoặc đang học tiến sĩ; không ít cựu sinh viên của trường đã thành đạt trong nghề nghiệp, đang giữ những chức vụ quan trọng khác nhau trong các cơ quan, công ty, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế của đất nước.

Năm học 2007 - 2008, nhà trường đang đào tạo 13.000 sinh viên thuộc các hệ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp theo hình thức chính quy với trên 20 chuyên ngành khác nhau thuộc các lĩnh vực: kinh tế, xã hội - nhân văn, quản trị kinh doanh, kế toán, khoa học - công nghệ: điện - điện tử, tin học, công nghệ sinh học; xây dựng dân dụng và công nghiệp; văn hóa, thể dục - thể thao... Bên cạnh đó, với chủ trương đưa kiến thức, tri thức đến với toàn dân, chương trình đào tạo từ xa của Đại học Bình Dương cũng đã và đang góp phần tích cực thực hiện chủ trương mở trong giáo dục của Đảng và Nhà nước. Số liệu điều tra gần đây nhất cho thấy: hiện đang có hàng vạn người thuộc mọi thành phần và lứa tuổi khác nhau theo học và quan tâm đến chương trình đào tạo từ xa của trường; trong đó, có hơn 1.000 người đang theo học để lấy bằng, đã góp phần tích cực vào phong trào "xã hội học tập". Từ tháng 6-2007, nhà trường được Thủ tướng Chính phủ chính thức giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ.

Đại học Bình Dương cũng được đánh giá là đơn vị luôn nghiên cứu chuyển đổi mục tiêu, chương trình đào tạo theo cơ bản và hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam. Cụ thể, chương trình học được thiết kế theo hệ thống tín chỉ, liên thông rất thuận lợi cho những người vừa phải làm việc vừa học tập.

Bằng phương thức xã hội hóa giáo dục, Trường Đại học Bình Dương đã thiết lập được một hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật khá đồng bộ và khang trang để phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, bao gồm giảng đường, phòng thí nghiệm, khu làm việc, thư viện, phòng học chuyên dụng v.v.. với tổng diện tích xây dựng trên 22.000 m2, có đầy đủ các thiết bị đáp ứng được nhu cầu học tập, thực hành, nghiên cứu của một trường đại học. Đặc biệt, Đại học Bình Dương hiện là trường đại học ngoài công lập duy nhất không phải thuê mướn phòng học. Với tinh thần "từ trong cái khó nhận tỏ cái khôn", để giúp sinh viên ở xa có điều kiện học tập và sinh hoạt, thay vì phải đi vay vốn ngân hàng, nhà trường đã phát huy liên kết "ba nhà" (nhà trường, nhà dân, nhà quản lý - tức chính quyền địa phương) để thực hiện xã hội hóa nhà trọ cho sinh viên. Trong đó, nhà trường chịu trách nhiệm thiết kế nhà trọ, phối hợp với hai "nhà" còn lại trong việc quản lý sinh viên; nhà dân góp vốn bằng đất và đầu tư xây dựng ký túc xá; chính quyền địa phương có trách nhiệm phối kết hợp với nhà trường và nhân dân để bảo đảm trật tự an ninh trên địa bàn nơi có sinh viên ở trọ.
 
Bằng liên kết này, đến nay, trên địa bàn có bán kính bình quân 1 km (tính từ trung tâm trường), đã có 27 ký túc xá với 1.100 phòng trọ trong dân (diện tích bình quân 20m2/phòng) bảo đảm cho trên 4.000 sinh viên có chỗ ở ổn định. Có thể nói, đây là cách làm mới mẻ, đầy sáng tạo mà hiệu quả của nó là cả "ba nhà" đều có điều kiện phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, cùng hướng đến cái đích chung là bảo đảm cho sinh viên có được nơi ở thoáng mát, sạch sẽ, an toàn và tiện lợi.

Những thành công bước đầu sau hơn 10 năm thành lập của Đại học Bình Dương đã minh chứng cụ thể và sinh động về tính đúng đắn trong chủ trương xã hội hóa giáo dục và xây dựng một nền giáo dục mở của Đảng và Nhà nước ta trong xu thế hội nhập; đồng thời thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của ban giám hiệu, đội ngũ cán bộ, giảng viên và toàn thể các thế hệ sinh viên của trường vì sự nghiệp nâng cao dân trí và thực hiện phương châm "4 chữ H" trong đào tạo và học tập.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên luôn được nhà trường đặc biệt coi trọng, trước hết là trong việc lựa chọn, xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ theo tinh thần "vừa hồng vừa chuyên". Hiện trường có hơn 500 cán bộ khoa học làm việc thường xuyên, trong đó có 250 giảng viên cơ hữu, 60% số cán bộ có trình độ trên đại học. Hệ thống tổ chức chính quyền, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên... có sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả.

Những năm qua, trường đã tổ chức triển khai các chương trình hợp tác trong và ngoài nước trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đồng thời đã lần lượt xây dựng các viện và trung tâm như: Viện châu á - Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu phát triển đào tạo nhân lực; Trung tâm Việt - Nga, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc, Trung tâm khảo thí, Trung tâm tư vấn nghề nghiệp hỗ trợ việc làm cho sinh viên, Trung tâm nghe - nhìn, Trung tâm tiếp nhận chuyển giao công nghệ và phát triển nông thôn, Trung tâm truyền thông văn hóav.v.. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, nhà trường đã tổ chức triển khai hàng chục đề tài nghiên cứu, chuyển giao; có quan hệ hợp tác trao đổi cán bộ khoa học và lưu học sinh với 20 cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu trong nước, cùng với 10 cơ sở giáo dục đại học của các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Xin-ga-po...

Những thành công bước đầu sau hơn 10 năm thành lập của Đại học Bình Dương đã minh chứng cụ thể và sinh động về tính đúng đắn trong chủ trương xã hội hóa giáo dục và xây dựng một nền giáo dục mở của Đảng và Nhà nước ta trong xu thế hội nhập; đồng thời thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của ban giám hiệu, đội ngũ cán bộ, giảng viên và toàn thể các thế hệ sinh viên của trường vì sự nghiệp nâng cao dân trí và thực hiện phương châm "4 chữ H" trong đào tạo và học tập. Đúng như nhận định của giáo sư, nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu trong thư gửi thầy và trò nhà trường nhân dịp 10 năm thành lập: "10 năm hoạt động của trường... cho phép mỗi người quan sát đều nhận thấy rằng: các bạn đã thực hiện thành công một công thức có đặc sắc, có sáng tạo, phù hợp với nhu cầu của nước nhà, phù hợp với yêu cầu của tuổi trẻ... Nhà trường của các bạn có dáng vẻ, có thực chất của một loại trường bách khoa có sự cố gắng đa diện trên những lĩnh vực đôi khi bất ngờ mà cần thiết chứng tỏ nó có một tầm nhìn, một ý thức phục vụ thiết thực, dường như có ý khám phá thêm những vùng đất dụng võ mới cho tuổi trẻ - không thể nói khác: các bạn đi đúng hướng...".

Quả vậy, bằng chiến lược phát triển đúng đắn, với phương châm "năng động, sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nền giáo dục mở", chỉ sau hơn 10 năm tạo dựng, Trường Đại học Bình Dương đã nhanh chóng tạo cho mình một nền tảng vững chắc cả về triết lý, quan điểm lẫn phương pháp hoạt động cho một trường đại học chất lượng cao; luôn nhạy bén thích ứng và tự tin hòa nhập với hệ thống giáo dục Việt Nam cũng như của khu vực và thế giới.

Trong cuộc hành trình trên con đường giáo dục, mục tiêu và cũng là khát vọng của tập thể ban giám hiệu, đội ngũ giảng viên, công nhân viên và sinh viên của Trường Đại học Bình Dương là biến nơi đây thành một "siêu thị tri thức" của mọi người, cho mọi người, vì mọi người, đóng góp tích cực và ngày càng thiết thực vào tiến trình xây dựng một nền giáo dục mở mà Đảng, Bác Hồ đã chủ trương và dày công vun đắp./.