Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-11 đến ngày 06-12-2015)
Đồng nhân dân tệ được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế
Ngày 30-11-2015, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 30-11-2015, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đủ điều điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Quyết định này đã đưa nhân dân tệ vào nhóm các đồng tiền dự trữ chính thức của IMF, hiện tại gồm USD, euro, đồng bảng Anh và yên Nhật. Đồng nhân dân tệ được đưa vào SDR là bước đột phá đối với Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu, vị thế của nước này trên các thị trường tài chính sẽ được củng cố và có uy tín hơn.
Mỹ - cổ đông lớn nhất của IMF, cùng các nước Phương Tây khác đã chỉ trích Trung Quốc kìm giữ tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc kiên trì xây dựng chiến lược tạo sức cạnh tranh với đồng USD như một đồng tiền dự trữ quốc tế. Thành công lớn nhất của Bắc Kinh tới nay là lôi léo được các đồng minh của Mỹ và thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), được coi là một đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ chi phối.
IAEA: Không có bằng chứng Iran phát triển thiết bị hạt nhân sau năm 2009
Tổng Giám đốc IAEA Yukiya
Amano: Hoạt động chế tạo thiết bị nổ hạt nhân của Iran không vượt ra
khỏi khuôn khổ nghiên cứu khoa học - công nghệ. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 03-12-2015, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Iran có hoạt động chế tạo một thiết bị nổ hạt nhân từ trước cuối năm 2003 và một phần hoạt động được tiếp tục sau năm 2003, tuy nhiên các thanh sát viên cho rằng hoạt động này không vượt ra khỏi khuôn khổ nghiên cứu khoa học - công nghệ và luận chứng về tính khả thi, cũng như đạt được các năng lực kỹ thuật liên quan nhất định. Trong quá trình kiểm tra, các thanh sát viên IAEA cũng loại bỏ các nghi ngờ rằng tại cơ sở ở Marivan dường như có tiến hành các vụ nổ thử nghiệm. Iran cũng cung cấp cho IAEA những bức ảnh đáng tin cậy hơn bác bỏ các cáo buộc nhà máy ở Parchin đã được sử dụng cho các thử nghiệm quân sự, ngoài ra chính Tổng Giám đốc IAEA cũng đã thăm cơ sở này và không thấy bằng chứng nào.
Ban lãnh đạo IAEA sẽ chuẩn bị báo cáo cuối cùng vào ngày 15-12 để chuyển cho nhóm P5+1 (5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), một báo cáo có tính quyết định để có thể bắt đầu thực hiện thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 được ký kết tại Vienna hồi tháng 7-2015. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi, giờ đây, theo điều 14 của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), nhóm P5+1 sẽ phải đề xuất một nghị quyết với ban lãnh đạo IAEA về việc chấm dứt vụ việc về chương trình hạt nhân của Iran, còn ban lãnh đạo IAEA sẽ phải thông qua nghị quyết này và khép lại vụ việc này.
Định hướng đối nội và đối ngoại của Nga trong thời gian tới
Trong thông điệp liên bang
năm 2015, Tổng thống Nga V. Putin đã đánh giá tình hình đất nước và
định hướng chính sách đối nội, đối ngoại trong thời gian tới. Ảnh:
AFP/TTXVN
Ngày 03-12-2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình bày Thông điệp liên bang năm 2015 nhằm đánh giá tình hình đất nước và định hướng chính sách đối nội, đối ngoại trong thời gian tới. Đây là bản thông điệp liên bang thứ 22 trong lịch sử nước Nga hiện đại và là thông điệp thứ 12 của Tổng thống Putin.
Ngay đầu bản thông điệp, Tổng thống V. Putin đã đề cập vấn đề chống khủng bố và quan hệ căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống V. Putin cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tay cho hoạt động buôn lậu dầu mỏ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tổng thống Nga cũng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ cố tình bắn hạ máy bay Su-24 của Nga tại biên giới Syria, và khẳng định Nga sẽ có những phản ứng thích hợp song sẽ không đe dọa bằng sức mạnh. Về quan hệ đối ngoại, Tổng thống V. Putin khẳng định Nga muốn hợp tác rộng rãi với các đối tác nước ngoài, hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài. Ông cũng ủng hộ sự hợp tác giữa Liên minh kinh tế Á - Âu (EAES), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đánh giá về tình hình kinh tế trong nước, Tổng thống Putin thừa nhận khó khăn hiện nay của nền kinh tế Nga, nhưng cho rằng tình hình không quá nguy kịch và vẫn có những xu hướng tích cực, lạm phát, đồng nội tệ đã ổn định, sản xuất công nghiệp đang phát triển mạnh. Tổng thống Nga cho biết ngân sách liên bang năm 2016 sẽ không thâm hụt quá 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ngay cả khi nguồn thu giảm xuống dưới mức mong đợi. Tổng thống Nga cũng bày tỏ lo ngại nạn tham nhũng là một trở ngại cản trở kinh tế Nga phát triển và yêu cầu các cơ quan luật pháp Nga nhanh chóng xử lý các vụ án tham nhũng, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công.
Hội nghị Bộ trưởng OSCE kết thúc còn bất đồng trong nhiều vấn đề
Hội nghị thường niên Hội
đồng Bộ trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vẫn còn bất
đồng về những vấn đề thách thức. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 04-12-2015, Hội nghị thường niên Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã bế mạc tại Thủ đô Belgrade của Serbia song không đạt được nhất trí hoàn toàn về những vấn đề thách thức như chủ nghĩa khủng bố, cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc khủng khoảng người di cư ở châu Âu.
Phát biểu với báo giới sau Hội nghị, Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic cho biết, Hội đồng Bộ trưởng OSCE thừa nhận tính cấp bách của vấn đề người di cư, đồng thời đưa ra một số quyết định quan trọng về cách thức đối phó với khủng bố. Tuy nhiên, trong vấn đề Ukraine, 57 quốc gia thành viên không nhất trí quan điểm về nguyên nhân dẫn tới cuộc xung đột tại quốc gia Đông Âu này, mặc dù tất cả các nước thành viên đều công nhận tầm quan trọng của phái bộ OSCE tại Ukraine cũng như việc duy trì lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine. Ngoại trưởng Serbia cũng nêu rõ Hội nghị này góp phần vào việc xây dựng lòng tin giữa các nước OSEC, theo đó nhấn mạnh cuộc gặp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Nga Sergay Lavrop với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu sau vụ Ankara bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga tại biên giới Syria cuối tháng 11 vừa qua khiến quan hệ hai nước căng thẳng. Theo ông I. Dacic, các thành viên OSCE cần củng cố lòng tin để đối mặt với nhiều thách thức mới và cùng nhau tìm những giải pháp có thể chấp nhận được đối với các bên. Đức sẽ tiếp nhận chức chủ tịch OSCE từ ngày 01-01-2016.
Cần “chung tay” giải quyết tận gốc vấn đề HIV/AIDS hiện nay và trong tương lai
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2025, hơn 90 triệu người ở châu Phi sẽ bị nhiễm HIV/AIDS. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 05-12-2015, Hội nghị quốc tế về AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở châu Phi (ICASA) lần thứ 18 đã bế mạc tại Thủ đô Harare, Zimbabwe. Đây là Hội nghị quốc tế lớn về AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) ở châu Phi, được tổ chức luân phiên 2 hai năm một lần tại các quốc gia châu Phi, do các Quỹ xã hội mở, Quỹ Robert Carr, Chương trình phòng, chống và tuyên truyền về ma túy của Cộng đồng châu Âu (ECDPIP) đồng tài trợ.
Theo số liệu thống kê của Chương trình Phối hợp về HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS), năm 2014, trong tổng số hơn 3 triệu người đang sống chung với HIV/AIDS trên toàn thế giới có hơn 80% tổng số người nhiễn HIV/AIDS tập trung ở vùng cận sa mạc Sahara của châu Phi. Trong đó, 50% người nhiễm HIV/AIDS dưới 24 tuổi, 20% ở lứa tuổi trên 15 tuổi và 10% dưới 15 tuổi đang được chữa trị tại các cơ sở y tế địa phương. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2025, hơn 90 triệu người ở châu Phi sẽ bị nhiễm HIV/AIDS, chiếm 10% tổng dân số tại đây. Hội nghị ICASA tại Zimbabwe lần này gắn liền với thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc, dự kiến xây dựng chiến lược mới trong việc phòng, chống và ngăn chặn có hiệu quả các bệnh HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở châu Phi trong tương lai. Theo các nhà nghiên cứu, các quốc gia châu Phi cần đầu tư tài chính hơn nữa để hỗ trợ cho ngành y tế tại đây hiện đang thiếu và yếu; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thực hành trong việc điều trị, ứng phó với AIDS và các dịch bệnh nguy hiểm mới, như Ebola tại châu Phi. Đặc biệt, Hội nghị ICASA 2015 nhấn mạnh đến sự phối hợp đồng bộ giữa các chính phủ ở châu lục này và các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), UNAIDS, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF),... để “chung tay” giải quyết tận gốc vấn đề HIV/AIDS hiện nay và trong tương lai.
Hội nghị COP21: Đàm phán chuyển sang giai đoạn quyết định
Tổng thống Pháp Francois
Hollande: Các cuộc thương lượng hiện chưa kết thúc và đang bước vào giai
đoạn quyết định. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 06-12-2015, đánh giá về tuần đàm phán đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), diễn ra tại Paris, Pháp từ ngày 30-11, Tổng thống Pháp Francois Hollande nêu rõ các cuộc thương lượng hiện chưa kết thúc và đang bước vào giai đoạn quyết định.
Sau tuần đàm phán đầu tiên, các bên đã cơ bản thông qua bản dự thảo hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu dài 48 trang, rút gọn 1/3 so với văn kiện ban đầu mà nước chủ nhà Pháp đề xuất. Mục tiêu chính vẫn không thay đổi - hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu tới năm 2100 ở 2°C. Tuy nhiên, các bên tham gia COP21 vẫn chưa thể thống nhất làm thế nào để thực hiện mục tiêu đó. Một trong những điểm bất đồng chủ chốt giữa các nước là khoản kinh phí để phát triển các nguồn năng lượng tái sinh ở các nền kinh tế kém phát triển. Các nước châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh yêu cầu cơ chế phân bổ khoản tiền 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 mà các nước giàu cam kết hỗ trợ các nước nghèo phải được ghi cụ thể và rõ ràng trong hiệp định cuối cùng. Theo kế hoạch, Quỹ Khí hậu xanh của Liên hợp quốc sẽ chịu trách nhiệm phân bổ khoản kinh phí được xem là hết sức quan trọng để các nước nghèo có thể hạn chế được những tác động cũng như tạo sự thích ứng cho nền kinh tế các nước này trong giai đoạn chuyển tiếp sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được tiêu chí để phân bổ khoản tiền trên. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch cũng là vấn đề, bởi để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống của các nước cũng sẽ tăng./.
Cử tri mong Đảng, Nhà nước kiên quyết hơn trong vấn đề Biển Đông  (06/12/2015)
Không ngừng đưa quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, bền vững  (06/12/2015)
Trung Quốc cam kết hỗ trợ 60 tỷ USD cho các nước châu Phi  (06/12/2015)
Trung Quốc cam kết hỗ trợ 60 tỷ USD cho các nước châu Phi  (06/12/2015)
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX họp phiên trù bị  (06/12/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay