Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế, nhất là đối với khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo
Tỉnh Quảng Ninh là địa phương ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, là tỉnh duy nhất trong cả nước có đường biên giới trên đất liền và trên biển với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Với 13 đơn vị hành chính cấp huyện với tổng số 177 xã, phường, thị trấn, 5 khu kinh tế; dân số khoảng 1,35 triệu người với 22 dân tộc anh em, Quảng Ninh hiện nay là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước.
Những con số ấn tượng
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, kinh tế Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022) (trong đó có 3 năm 2020, 2021, 2022, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế Quảng Ninh vẫn tăng trưởng cao: năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28%), lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững: Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 50,9%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 43,9%; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 5,2% trong cơ cấu kinh tế. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269.000 tỷ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng trong vùng đồng bằng sông Hồng); GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc); năng suất lao động bình quân 3 năm (2020 - 2022) tăng trên 10% (năm 2022 tăng trên 13%). Tổng thu ngân sách trên địa bàn trong 3 năm (2020 - 2022) đạt 156.263 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10% năm.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn ưu tiên tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa theo hướng đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Hoàn thành các thiết chế văn hóa, thể thao có quy mô hiện đại, thu hút các sự kiện lớn mang tầm quốc tế và khu vực. Đến nay hệ thống thiết chế văn hóa thể thao từ tỉnh đến cơ sở đã và đang dần được hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa của nhân dân, trong đó hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh đã được đầu tư như Bảo tàng; Thư viện; Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm; Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao; Sân Vận động Cẩm Phả; Trung tâm Văn hóa thể thao vùng Đông Bắc tại huyện Tiên Yên; Cung văn hóa thiếu nhi; Cung văn hóa lao động Việt Nhật, đáp ứng được các hoạt động văn hóa thể thao lớn của tỉnh, khu vực và quốc tế… Có 12/13 huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm văn hóa thể thao, có 103/177 xã có Trung tâm văn hóa thể thao cấp xã và 1449/1452 thôn khu có nhà văn hóa. Có được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, cũng như sự đoàn kết, kỷ luật, đồng tâm của toàn thể nhân dân.
Quảng Ninh có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng với 637 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, 362 di sản văn hóa phi vật thể. Quảng Ninh là “cái nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam, có truyền thống cách mạng của Công nhân vùng Mỏ với “di sản” tinh thần vô giá “Kỷ luật và Đồng tâm”, là nơi giao thoa văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng.
Về nguồn lực cho phát triển văn hóa tại Quảng Ninh
Để khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, kế hoạch thu hút nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng văn hoá, thể thao, cụ thể là:
- Trong 5 năm qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 21 Nghị quyết về cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Nhiều chương trình, dự án đã được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa. Ban hành quy định về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển đối với nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện, trong đó phân cấp cụ thể nhiệm vụ chi đầu tư đối với các công trình văn hóa thể thao cấp tỉnh, cấp huyện quản lý. Cơ chế phân cấp đã gắn bó chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp được giao nên đã tạo được chủ động của mỗi cấp khi tổ chức thực hiện, chủ động cân đối nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trong đó có các thiết chế văn hóa thể thao.
- Trong 5 năm (2018 - 2020), tỉnh và các địa phương đã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng cùng với công tác xã hội hóa được triển khai hiệu quả, trong đó 100% di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp với tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh trên 1.683 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 210 tỷ đồng và đầu tư từ nguồn xã hội hóa khoảng gần 1.400 tỷ đồng.
- Trong những năm qua, tỉnh đã tiếp tục tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội hóa, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa theo hướng đầu tư, nâng cấp cải tạo và phát triển hệ thống văn hóa, thể thao một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân. Hoàn thành các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn, hiện đại, thu hút tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế và khu vực. Giai đoạn 2018 - 2022, tổng chi nguồn ngân sách (bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên) cho lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh là 4.759.543 triệu đồng (chiếm 3,6% tổng chi đầu tư và chi thường xuyên ngân sách địa phương), trong đó: Chi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao: 3.092.096 triệu đồng; chi thường xuyên cho lĩnh vực văn hóa, thể thao: 1.667.447 triệu đồng.
- Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đã ưu tiên nguồn lực để nâng cấp sửa chữa, xây mới các trung tâm văn hóa thể thao xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; trong 2 năm 2021 - 2022, có 58 công trình thiết chế văn hóa được triển khai thực hiện với số vốn đã bố trí trên 331 tỷ.
- Bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, tỉnh đã thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa thể thao, thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh các thiết chế vui chơi, giải trí, trong đó có nhiều nhà đầu tư chiến lược với các sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo; nhiều sân bóng, khu luyện tập thể thao, trung tâm luyện tập thể hình, bể bơi được doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Từ năm 2014 đến nay, đã thu hút được 07 dự án đầu tư trong lĩnh vực Văn hóa theo hình thức đối tác công - tư với tổng mức đầu tư 1.494,76 tỷ đồng.
Nhìn chung, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở đã phát huy hiệu quả, tổ chức có thành công các nhiệm vụ chính trị, các hoạt động tuyên truyền, chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập, giáo dục đạo đức và là địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhân dân và du khách. Cấp huyện, xã, thôn, khu đã từng bước đáp ứng được nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và địa phương, cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, luyện tập thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn.
Một số tồn tại
Bên cạnh những thuận lợi, còn có những khó khăn trong bố trí nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn tỉnh và công tác xã hội hóa lĩnh vực văn hóa thể thao như sau:
Một là: Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao trong toàn tỉnh chưa đồng bộ, nhiều thiết chế không đủ tiêu chuẩn, chưa đáp ứng được yêu cầu luyện tập, sinh hoạt văn hóa và thi đấu thể dục thể thao chuyên và không chuyên, nhất là hệ thống thiết chế văn hóa ở miền núi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Hai là: Một số thiết chế văn hóa thể thao đã được đầu tư nhưng chưa được sử dụng hết công năng, chủ yếu là dùng để hội họp và sinh hoạt của hệ thống chính trị cơ sở, chưa thực sự là điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và thể thao cho nhân dân.
Ba là: Việc thu hút đầu tư các dự án xã hội hóa trên địa bàn tỉnh bằng chính sách ưu đãi về đất, thuế, phí… trong thời gian qua nhìn chung còn hạn chế, nhất là ở những địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn, trong đó tập trung một số nguyên nhân chính: (i) Chưa có quy hoạch sử dụng đất cho mục đích xã hội hóa để cho nhà đầu tư thuê. (ii) Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng ở khu vực đô thị là rất lớn, trong khi ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện việc này. Còn nhà đầu tư thì không có đủ nguồn lực tài chính để tự đảm nhiệm.
Giải pháp thời gian tới
Để thực hiện tốt việc tạo nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp và đề nghị Tạp chí Cộng sản đồng hành, hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh một số nội dung sau:
Một là: Tư vấn, đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh bổ sung, hoàn thiện xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Hai là: Triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp được UBND tỉnh phê duyệt tại Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025.
Ba là: Khai thác, phát huy hiệu quả cao nhất các thiết chế văn hóa thể thao hiện có của tỉnh như: Cung Văn hóa thiếu nhi; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm; Khu Liên hợp thể thao tỉnh…
Bốn là: Sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực văn hóa thể thao để tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa thể thao phục vụ cho cộng đồng. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Năm là: Triển khai, thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 11-2-2023, để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, kêu gọi thu hút đầu tư lĩnh vực văn hóa, thể thao; có phương án huy động các nguồn lực tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư của doanh nghiệp; đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao, góp phần hoàn thành chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh là “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”.
Sáu là: Phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đầu tư các dự án trong lĩnh vực văn hóa thể thao quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, ngày 28-2-2020, của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, để các bộ, ngành có liên quan kịp thời hướng dẫn, triển khai thực hiện./.
Thách thức từ an ninh phi truyền thống: Vấn đề bảo đảm an ninh văn hóa trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế ở Quảng Ninh  (30/09/2023)
Thị xã Quảng Yên: Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng 60 năm thành lập tỉnh  (29/09/2023)
Một số luận bàn về hệ giá trị văn hóa Việt Nam  (29/09/2023)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm