Luồng gió mới trong hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tại Quảng Ninh
Quảng Ninh, vùng đất được ví như một Việt Nam thu nhỏ, nơi chứa đựng các giá trị văn hóa đa dạng, ngoài vịnh biển kỳ quan nổi tiếng thế giới, vùng đất mỏ còn được biết đến với nền văn hóa đặc sắc và nhiều lễ hội hấp dẫn được tổ chức hằng năm, góp phần mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.
Nhắc đến Quảng Ninh, thế giới vẫn ca ngợi vẻ đẹp ngoạn mục của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, nhưng có lẽ, Quảng Ninh cần được thế giới biết đến nhiều hơn nữa bởi các giá trị văn hóa, các tài nguyên du lịch nhân văn. Một trong số đó là lễ hội truyền thống và các lễ hội hiện đại (lễ hội mới). Có thể nói, dù cùng chung đặc trưng là sáng tạo từ dân gian, song mỗi lễ hội lại hàm chứa những giá trị và bản sắc riêng, thể hiện câu chuyện, thông điệp của cộng đồng mình. Chính những điều này đã góp phần mang đến tính đa dạng mà độc đáo của lễ hội - tiềm năng, nguồn lực để trở thành một sản phẩm văn hóa hấp dẫn trong ngành công nghiệp văn hóa. Với Quảng Ninh, lễ hội còn trở thành một sản phẩm du lịch tuyệt vời trong việc phát triển du lịch văn hóa nơi đây.
Nếu như lễ hội cổ truyền là sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng, tập hợp những tập tục, nghi thức cầu nguyện thể hiện sự tôn kính của con người trước đấng siêu nhiên, các lễ hội này thường gồm nhiều hoạt động văn hóa gắn liền với đời sống thường nhật, như hát, múa, diễn xướng, trò chơi dân gian thì xã hội hiện đại của chúng ta ngày càng sôi động với không khí lễ hội mới nhiều màu sắc, song hành cùng dòng chảy của cuộc sống hiện đại luôn đổi thay không ngừng. Lễ hội mới mang nhiều yếu tố sáng tạo, giao thoa văn hóa, nghệ thuật của xã hội hiện đại nên cũng sẽ nảy sinh những mặt trái. Tuy nhiên, về tổng thể, rất cần song hành cả lễ hội hiện đại với lễ hội truyền thống, tạo nên luồng gió mới, vẽ nên bức tranh đa sắc trong văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Duy trì, phục dựng các lễ hội truyền thống tại Quảng Ninh
Không nhiều địa phương ở Việt Nam vẫn duy trì và phát huy được nhiều lễ hội truyền thống có quy mô lớn, đặc sắc, hấp dẫn như vùng đất Quảng Ninh. Các lễ hội lớn như lễ hội Yên Tử, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội Bạch Đằng,…đều là những lễ hội có quy mô cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia. Khách hành hương, khách du lịch tâm linh, khách tham quan đổ về Quảng Ninh mỗi mùa lễ hội, năm sau cao hơn năm trước. Không chỉ có khách trong vùng, rất nhiều khách từ miền Trung, miền Nam, thậm chí nhiều khách quốc tế cũng đã và đang quan tâm đến các sự kiện lễ hội nơi đây. Họ kết hợp du lịch tại vịnh Hạ Long với hoạt động khám phá bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, ẩm thực, phong tục, tập quán tại các điểm đến xung quanh.
Việc duy trì bản sắc văn hóa thông qua các lễ hội truyền thống tại Quảng Ninh cần có tư duy tổ chức lễ hội để hướng tới vẻ đẹp đúng nghĩa mà cha ông ta đã gây dựng.
Với quan điểm vừa duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội đặc sắc, vừa phục dựng lại những lễ hội đã mai một, thời gian qua, Quảng Ninh đã làm tương đối tốt nhiệm vụ này. Có thể kể đến một số lễ hội lớn được du khách thập phương quan tâm như:
Lễ hội Yên Tử là một trong những lễ hội xuân ở Quảng Ninh có quy mô lớn nhất, thu hút đông đảo du khách ghé thăm. Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, nơi đây lại thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương ghé đến vãn cảnh và chiêm bái. Vùng núi linh thiêng Yên Tử Quảng Ninh sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng không gian thoát tục mang đến cho du khách sự tĩnh tâm, an nhiên. Du khách sẽ tham gia vào đoàn người tấp nập leo lên đỉnh núi để bày tỏ lòng thành kính, cầu ban phước lành, bình an.
Lễ hội đình Trà Cổ được tổ chức với nhiều nghi thức truyền thống bày tỏ lòng biết ơn tới các vị thành hoàng, như lễ rước thần trên biển, lễ rước cỗ, lễ đại tế,... Bên cạnh đó, lễ hội Hạ Long, Quảng Ninh còn tổ chức nhiều hoạt động dân gian sôi nổi, như thi hò kéo lưới, bài chòi, kéo co, đập niêu, chấm thi “ông Voi” và chương trình văn nghệ chào mừng độc đáo. Đặc biệt, du khách tham gia lễ hội còn có dịp tham quan di tích đình Trà Cổ, dâng hương cầu phúc và vui chơi, tắm biển Trà Cổ.
Lễ hội đền Cửa Ông được tổ chức để tưởng niệm và bày tỏ lòng biết ơn đối với tướng Trần Quốc Tảng - người đã có công dẹp giặc, mang lại bình yên cho dân làng. Nghi lễ truyền thống được tổ chức gồm hai phần: tế lễ và rước kiệu để gợi nhớ hành trình tuần du của Đức Ông. Sau phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian sôi động, như múa rồng, đánh trống, kéo co, đẩy gậy, bịt mắt đập niêu,... Đến tham gia lễ hội tại đền Cửa Ông, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng cảnh sắc hoang sơ tuyệt đẹp của vịnh đảo Bái Tử Long.
Lễ hội Bạch Đằng còn có tên gọi khác là Giỗ trận được tổ chức hằng năm với ý nghĩa tưởng nhớ chiến thắng chống giặc ngoại xâm của các vị anh hùng dân tộc. Đây là lễ hội có quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân tham gia dâng lễ, khấn bái cùng với nhiều cuộc thi, trò chơi dân gian tái hiện những cuộc tập trận trên sông giúp du khách hiểu hơn về những chiến tích oai hùng của dân tộc.
Lễ hội Quan Lạn là hội làng hằng năm của người dân xã đảo Quan Lạn. Hội làng diễn ra nhiều hoạt động truyền thống đặc sắc với tục khóa làng, lễ nghinh thần. Đặc biệt, không khí lễ hội Hạ Long, Quảng Ninh tại xã đảo vô cùng náo nhiệt, hòa trong tiếng chiêng trống, hò reo khí thế vang cả một vùng của tục đua thuyền. Dân làng xã đảo luôn nồng nhiệt chào đón du khách ghé thăm, tham gia lễ hội để cùng tưởng nhớ chiến thắng quân Nguyên Mông hào hùng, lan tỏa nét đẹp văn hóa lịch sử dân tộc.
Điều quan trọng nhất trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống là Quảng Ninh cần tiến hành đồng bộ, có lộ trình trong việc xây dựng một môi trường văn hóa lễ hội lành mạnh, văn minh, giữ gìn và phát huy những giá trị đẹp của truyền thống dân tộc, gần gũi, đời thường, đồng thời bài trừ các hủ tục, các tệ nạn, các hiện tượng tiêu cực. Môi trường di tích, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo là điều kiện tốt để hiện tượng mê tín dị đoan, như xem xóc thẻ, xem bói, cúng vong… nảy nở. Đây là hiện tượng tiêu cực, sai lệch, biến tướng, chạy theo thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi tâm linh nên lễ hội đang mất dần tính thiêng. Cần lên án những hiện tượng tiêu cực này nhằm trả lại giá trị thực cho lễ hội, để lễ hội thực sự là của cộng đồng nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống. Cơ quan chức năng, đặc biệt là ở địa phương, cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh để trả lại giá trị thực cho lễ hội, mang lại môi trường trong lành cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Việc làm này nhất thiết cần có sự tham gia, vào cuộc của các tổ chức tôn giáo, ban quản lý các di tích, các nhà khoa học để những người trong cuộc, có hiểu biết sâu phân tích kỹ lưỡng, thuyết phục, từ đó hạn chế tối đa những biến tướng này. Từ đó, các địa phương có thể phát huy được mặt tích cực, giúp người đi lễ có tinh thần tốt, môi trường lành mạnh để phát triển văn hóa nói chung và đạo đức, nhân cách của mỗi con người nói riêng.
Khi truyền thống hòa nhịp cùng hơi thở hiện đại, khi du lịch đồng hành cùng văn hóa
Là tỉnh lớn ở vùng Đông Bắc Tổ quốc, cùng với thành phố Hạ Long là một trong những đô thị du lịch sôi động nhất cả nước và với nhiều thành phố vệ tinh, tỉnh Quảng Ninh đang ngày càng khẳng định sự hấp dẫn qua hàng loạt lễ hội với màu sắc hiện đại, trẻ trung. Rất nhiều lễ hội mới được kiến tạo phù hợp với nhịp sống nơi đây ngày càng làm phong phú thêm đời sống người dân và thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước tới tham quan, thưởng lãm.
Có thể khẳng định lễ hội hiện đại là một trong những hoạt động cộng đồng mang tính xã hội cao. Ta có thể làm phép so sánh với lễ hội truyền thống để tìm ra nét khác biệt, từ đó tìm ra những đặc trưng của lễ hội hiện đại. Tuy nhiên, cả hai hình thức lễ hội đều có những điểm ưu việt riêng. Nếu như lễ hội truyền thống có chiều sâu văn hóa, có yếu tố tâm linh, tín ngưỡng và cả đức tin thì lễ hội hiện đại có tính pha trộn, có tính màu sắc và có nhiều yếu tố gắn với giao thoa văn hóa, sử dụng các trang thiết bị hiện đại. Lễ hội truyền thống duy trì và phát huy được giá trị bởi nó ăn sâu vào tiềm thức con người dù cho họ đang sống trong một xã hội hiện đại, nhưng lễ hội hiện đại lại có những yếu tố gần gũi, dễ tiếp cận, dễ được công chúng đón nhận nếu như được tổ chức tốt. Mặc dù vậy, do lễ hội truyền thống thường có tính mùa vụ, hầu hết đều diễn ra vào mùa xuân, sau mỗi dịp tết, trong khi Quảng Ninh có hoạt động du lịch quanh năm, du khách trong nước và quốc tế hội tụ mọi thời điểm nên các lễ hội mới ra đời cùng các hoạt động giải trí khác sẽ giúp địa phương đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Do đó, rất cần song hành việc duy trì và phát huy lễ hội truyền thống với các lễ hội mới, góp phần quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Quảng Ninh, đồng thời góp phần phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, giúp du lịch địa phương ngày càng hấp dẫn hơn bởi tính đa dạng về sản phẩm.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã chỉ rõ: Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương quan tâm đến việc hình thành các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh những thuận lợi trong việc phát triển các lễ hội mới, chúng ta không quên nhìn lại những hạn chế, yếu kém trong tổ chức lễ hội được coi là một thách thức tất yếu. Bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ, dân tộc nào trong môi trường hội nhập quốc tế cũng phải chấp nhận và đương đầu với những thách thức đó. Do đó, việc tổ chức lễ hội mới là cần thiết để góp phần phát triển công nghiệp văn hóa cũng như phát triển du lịch, nhưng cần biết chọn lọc, tập trung, tránh dàn trải. Cần đầu tư phát triển một số lễ hội mới mà khi nhắc đến Quảng Ninh, Hạ Long, người ta sẽ nhắc đến một thương hiệu giá trị về tổ chức lễ hội, đó là thành phố du lịch lễ hội, như Đà Nẵng là điểm đến của lễ hội pháo hoa, Huế là điểm đến của thành phố festival, Đà Lạt là thành phố lễ hội ngàn hoa...
Trước đây, Hạ Long đã xây dựng khá thành công lễ hội mới, tạo nên một sản phẩm du lịch hấp dẫn là lễ hội Carnaval Hạ Long. Với không gian tổ chức rộng lớn và nhiều hoạt động hấp dẫn, lễ hội thu hút sự chú ý và tham gia của hàng ngàn du khách trong, ngoài nước. Ý nghĩa lễ hội Carnaval có vai trò khởi động du lịch hè, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch của thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Tham gia lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không gian đầy màu sắc của những buổi diễu hành đường phố, trình diễn nghệ thuật ấn tượng. Lễ hội còn là dịp để du khách thực hiện hành trình khám phá kỳ quan vịnh Hạ Long với cảnh sắc hùng vĩ của những hòn đảo đá vôi và làn nước xanh biếc tuyệt đẹp. Từ năm 2013, Lễ hội Hoa anh đào được tỉnh tổ chức với mong muốn giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hạ Long ra thế giới, đồng thời, giới thiệu nét văn hóa Nhật Bản tới nhân dân Quảng Ninh và du khách thập phương. Tham gia lễ hội, du khách sẽ được trải nghiệm không gian sinh động với những hàng hoa anh đào khoe sắc ngọt ngào và vẻ đẹp rực rỡ của mai vàng Yên Tử - loài hoa đến từ miền đất Phật Quảng Ninh. Chương trình lễ hội Hạ Long diễn ra nhiều tiết mục giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt - Nhật với các trò chơi dân gian và các sản phẩm tiêu biểu của hai nước.
Tuy nhiên, một số lễ hội mới này chưa giúp Quảng Ninh thực sự định vị được cho mình một thương hiệu “điểm đến của lễ hội hiện đại”. Do đó, rất cần tỉnh định vị thêm một số thương hiệu Festival có đẳng cấp quốc tế khác với mục đích duy trì, phát triển bền vững các lễ hội hiện đại. Và khi đó, Quảng Ninh cần có cách quản lý và tổ chức các lễ hội mới một cách chuyên nghiệp để lễ hội phát huy tác dụng, lan tỏa các giá trị sang các lĩnh vực khác. Đó là sự kiện văn hóa đem lại lợi ích kinh tế cho các lĩnh vực liên quan, giúp quảng bá hình ảnh địa phương, giúp địa phương trở thành nơi đáng sống.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính dịch vụ, liên ngành cao và chứa đựng hàm lượng văn hóa vô cùng sâu sắc. Đó là sự khác biệt của ngành du lịch với các ngành kinh tế dịch vụ khác và các ngành công nghiệp sản xuất. Do đó, du lịch và văn hóa luôn có mối quan hệ đặc biệt. Chắc chắn, trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam cũng như Quảng Ninh, du lịch nói chung và loại hình du lịch văn hóa nói riêng sẽ có đóng góp rất nhiều cho công nghiệp văn hóa bởi những lợi thế mà du lịch đang có. Du lịch văn hóa là một trong những trụ cột quan trọng của các loại hình du lịch tại Việt Nam nên việc Chính phủ đưa du lịch văn hóa chứ không phải loại hình du lịch khác vào 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là đúng đắn. Song, trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, sẽ không chỉ có du lịch văn hóa đóng góp cho sự phát triển đó, mà còn có vai trò của những loại hình du lịch khác cũng rất quan trọng, mang lại giá trị kinh tế lớn, như du lịch văn hóa lễ hội.
Trong thời gian tới, để du lịch văn hóa gắn với các lễ hội hiện đại song hành cùng các lễ hội truyền thống, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với tỉnh Quảng Ninh là xây dựng các chuỗi giá trị du lịch văn hóa lễ hội. Chuỗi giá trị du lịch tại đây bao gồm các giá trị do nhà nước, doanh nghiệp tạo ra trong các hoạt động như quảng bá, xúc tiến du lịch và các hoạt động khác liên quan đến du lịch trên phạm vi quốc tế và quốc gia; giá trị do các công ty lữ hành tạo ra trong các hoạt động của họ như nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch, thiết kế xây dựng chương trình du lịch, tổ chức thực hiện chương trình; giá trị do các cơ sở lưu trú, ăn uống, vận chuyển, dịch vụ bổ sung… tạo ra. Với các nội dung đó trong chuỗi giá trị du lịch có thể nói, công nghiệp văn hóa tại Quảng Ninh gắn với du lịch văn hóa rất cần quan tâm đến việc làm thế nào để xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa theo chuỗi giá trị du lịch, bởi chuỗi giá trị du lịch văn hóa, nếu làm tốt, sẽ giúp cho kinh tế du lịch đạt được 5 tiêu chí: a) Lượng khách tăng; b). Chi tiêu bình quân một khách tăng; c). Số lượng ngày lưu trú bình quân một khách tăng; d). Thu nhập từ du lịch tăng cao hơn so với trước khi xây dựng chuỗi giá trị du lịch; đ). Tạo giá trị, nâng cao vị thế du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng, góp phần quan trọng trong phát triển du lịch bền vững.
Do đó, chúng ta không nên chỉ dựa vào các giá trị văn hóa là các tài nguyên du lịch sẵn có, mà trong phát triển công nghiệp văn hóa với nền tảng du lịch văn hóa rất cần gia tăng giá trị nội sinh cho du lịch văn hóa, gia tăng những sáng tạo trong nghệ thuật trình diễn, sáng tạo trong các loại hình văn hóa nghệ thuật để phục vụ du khách trong và ngoài nước, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Quảng Ninh ra thế giới, đem lại giá trị kinh tế, mà lễ hội hiện đại chính là một trong những nhân tố thúc đẩy điều đó. Những chương trình trình diễn thực cảnh như “Tinh hoa Bắc Bộ - Hà Nội”, “Ký ức Hội An - Quảng Nam”,… cũng là một gợi ý hay cho Quảng Ninh, đó cũng chính là kết quả của việc gia tăng giá trị, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa trong ngành công nghiệp văn hóa, đem lại lợi ích rất lớn về kinh tế và thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng./.
Bế mạc hội thảo khoa học “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững”  (30/09/2023)
Xây dựng văn hóa Quảng Ninh thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực cho phát triển nhanh, bền vững  (30/09/2023)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm