Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, thời gian qua, Tỉnh ủy Quảng Ninh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bằng các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể; nhờ đó, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân
Tổng kết hơn 35 năm đổi mới, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” nhấn mạnh: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(1).
Đổi mới tư duy kinh tế tại Đại hội VI của Đảng xuất phát từ thực tế của đất nước, trên cơ sở vận dụng quan điểm của V.I. Lê-nin, xác định “coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ”(2), chính thức thừa nhận kinh tế tư nhân là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế của đất nước, tạo tiền đề cho những đột phá tiếp theo của Đảng trong nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân.
Tổng kết sự phát triển và những đóng góp của kinh tế tư nhân vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước qua hơn 15 năm đổi mới, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 18-3-2002, “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” với nhiều giải pháp quan trọng khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư tư nhân.
Đại hội X của Đảng chính thức khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28-8-2006, “Về đảng viên làm kinh tế tư nhân”. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-12-2011, “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Đại hội XI của Đảng chủ trương hoàn thiện cơ chế, chính sách đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, áp dụng các hình thức thu hút đầu tư đa dạng, hấp dẫn để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân, khuyến khích tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước. Tại Đại hội XII, Đảng ta khẳng định, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất, từ đó đặt ra nhiệm vụ tiếp tục phát triển đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường, đồng thời đánh giá kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3-6-2017, “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, với các mục tiêu cụ thể và 5 nhóm giải pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động”(3). Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh hợp tác công - tư nhằm huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công. “Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%”(4); tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP.
Trên tinh thần đó, môi trường kinh doanh của nước ta từng bước được cải thiện, cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều kết quả về cải cách thông qua việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Năm 2023, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2022(5).
Với chủ trương tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, trong những năm qua, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, biến các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân thành hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, người lao động, tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, các thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ở doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, của chủ doanh nghiệp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, như Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30-1-2013, của Ban Tổ chức Trung ương, về “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”; Quy định số 170-QĐ/TW, ngày 7-3-2013, của Ban Bí thư, “Về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân”; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6-7-2018, của Ban Tổ chức Trung ương, về “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; đáng chú ý là Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, “Về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”. Chỉ thị đánh giá khá tổng quát về tình hình xây dựng Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, chỉ rõ những kết quả đạt được và hạn chế còn tồn tại. Để tăng cường phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế này, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng; tích cực xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân,…
Những kết quả và bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tại tỉnh Quảng Ninh
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trên địa bàn, bám sát chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả(6).
Đến ngày 31-12-2022, toàn Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh có 43 tổ chức cơ sở đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân (27 đảng bộ cơ sở, 16 chi bộ cơ sở); 14 đảng bộ bộ phận và 349 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, với 5.374 đảng viên, tăng 3.790 đảng viên (339%) so với năm 2011, trong đó có 316 đảng viên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đến tháng 5-2024, toàn Đảng bộ tỉnh có 41 tổ chức cơ sở đảng (29 đảng bộ, 12 chi bộ), 10 đảng bộ bộ phận, 362 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, đảng bộ bộ phận, với 5.707 đảng viên, trong đó có 327 đảng viên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tập trung chủ yếu ở các địa phương có nhiều doanh nghiệp hoạt động (thành phố Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên, Đông Triều và huyện Hải Hà). Riêng Đảng bộ Than Quảng Ninh có 10 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước, 60 chi bộ trực thuộc với 912 đảng viên.
Thực hiện nhiệm vụ và các giải pháp đã đề ra, các cấp ủy đã sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức đảng phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Các thành ủy, thị ủy, huyện ủy(7) đã chuyển các chi bộ trực thuộc đảng bộ các xã, phường, các chi bộ cơ sở có ít đảng viên, hợp nhất các tổ chức đảng hoạt động phân tán thành mô hình hoạt động chung và chuyển đảng viên trong các doanh nghiệp đang sinh hoạt ở nơi cư trú để thành lập đảng bộ cơ sở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Năm 2022, Huyện ủy Hải Hà đã thành lập Đảng bộ cơ sở Khu Công nghiệp Cảng biển Hải Hà với 4 chi bộ, 55 đảng viên (100% vốn nước ngoài). Năm 2023, Thành ủy Móng Cái đã thành lập Chi bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Ngân Long thuộc Khu công nghiệp Hải Yên, Móng Cái với 15 đảng viên (100% vốn nước ngoài). Qua thực tiễn, tổ chức đảng trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thể hiện được vai trò hạt nhân chính trị trong việc lãnh đạo, tập hợp đảng viên, người lao động chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy định của doanh nghiệp, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của chủ doanh nghiệp; đồng thời, góp phần quan trọng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Tỉnh ủy vào thực tiễn, bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh của tỉnh.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp để nâng cao số lượng, chất lượng kết nạp đảng viên theo tinh thần nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra và Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21-1-2019, của Ban Bí thư, “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”; ban hành kế hoạch rà soát quần chúng ưu tú, giao chỉ tiêu phát triển đảng viên cho từng tổ chức cơ sở đảng; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, chi bộ và đảng viên hướng dẫn, giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng. Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm phát triển đảng viên là đoàn viên, thanh niên, lao động ổn định tại địa phương ở thôn, bản, khu phố và công nhân, lao động trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Một số địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, như: Đông Triều chỉ đạo thành lập câu lạc bộ đối tượng kết nạp đảng (32/46 tổ chức cơ sở đảng đã thành lập câu lạc bộ); mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng riêng cho công nhân trong các doanh nghiệp tư nhân với địa điểm, thời gian, thời lượng phù hợp. Công tác bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú được chú trọng, bảo đảm về chương trình, nội dung; đồng thời, chỉ đạo tốt công tác theo dõi, giúp đỡ cho quần chúng sau học tập. Tỷ lệ được kết nạp sau khi bồi dưỡng đạt từ 50% trở lên; một số đảng bộ có số quần chúng cử đi học nhận thức về Đảng được kết nạp với tỷ lệ cao (đạt 70% trở lên), như Móng Cái, Đông Triều, Quảng Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ... Các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đơn vị để thực hiện tốt công tác phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng. Giai đoạn 2020 - 2023, các tổ chức đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã kết nạp được 1.004 đảng viên, chiếm 8,06% số đảng viên kết nạp hằng năm, đứng thứ ba khu vực phía Bắc (sau Hà Nội và Hải Phòng). Việc kết nạp lại đảng viên, kết nạp đảng viên có vấn đề về lịch sử chính trị, đảng viên có yếu tố nước ngoài, đảng viên là người có đạo, đảng viên vi phạm chính sách dân số trong doanh nghiệp tư nhân được cấp ủy các cấp chỉ đạo và thực hiện bảo đảm đúng quy định.
Từ những kết quả đạt được trong xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của chủ doanh nghiệp, nhất là người nước ngoài, để họ hiểu đúng về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đảng viên, các đoàn thể đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, mục tiêu phát triển, lợi nhuận tốt hơn của doanh nghiệp. Tổ chức đảng, đoàn thể và mọi đảng viên phải luôn gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của doanh nghiệp, tạo sự lan tỏa về lợi ích khi có tổ chức đảng, đảng viên; làm tốt công tác tuyên truyền về chính trị tư tưởng, chủ trương, quan điểm của Đảng cho người đứng đầu, chủ doanh nghiệp từng bước xóa bỏ những rào cản vô hình về sự “ngại ngần”, “sợ mất thời gian”, “thờ ơ”, “không mặn mà”, “thiếu thiết tha”... với Đảng.
Hai là, các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định, phát triển bền vững; tạo điều kiện cho công nhân, người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và địa phương; từ đó, vận động chủ doanh nghiệp thành lập tổ chức đảng, đoàn thể, kết nạp đảng viên và tạo điều kiện thời gian, vật chất để hoạt động.
Ba là, thường xuyên thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức đảng, đoàn thể trong các trường học và doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Chỉ đạo, hướng dẫn đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng để bảo đảm vị trí, vai trò, vị thế của tổ chức đảng trong doanh nghiệp.
Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt đảng trong các doanh nghiệp tư nhân theo hướng ngắn gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm, thiết thực với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Từng bước để chủ doanh nghiệp thấy được tổ chức đảng không cản trở, mà trái lại cùng với họ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, cùng hướng tới sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao doanh thu, lợi nhuận và đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Các cấp ủy cần cử những cán bộ có năng lực, tâm huyết, có kiến thức về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế, nắm rõ mô hình, cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp hoặc công tác quản trị để hỗ trợ công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp.
Năm là, cần “đi trước, đón đầu” và tăng cường công tác kết nạp đảng viên trong các đơn vị lực lượng vũ trang, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường dạy nghề, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập để bổ sung cả về số lượng và chất lượng đảng viên cho doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Các cấp ủy cấp trên cơ sở, đảng bộ đơn vị quân đội, công an, các trường học phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác kết nạp đảng viên. Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ về địa phương, sinh viên ra trường và nhận công tác, lực lượng này sẽ có vai trò là các hạt nhân tích cực trong việc thúc đẩy tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp. Có kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể cho từng năm; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức đảng, các đoàn thể trực thuộc và cấp ủy viên, đảng viên để kết nạp đoàn viên, hội viên, đảng viên./.
--------------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 26
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 56
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 130
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 240
95) Minh Ngọc: “Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2022”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 27-12-2023, https://baochinhphu.vn/so-doanh-nghiep-thanh-lap-moi-nam-2023-gap-12-lan-muc-binh-quan-giai-doan-2017-2022-102231227144352309.htm
(6) Điển hình như: Kế hoạch số 292-KH/TU, ngày 7-6-2020, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, “Về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân””; Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 7-11-2020, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, “Về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025”; Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 16-11-2020, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, “Về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 9-4-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, “Về đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về chuyển đổi số toàn diện tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;…
(7) Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên và Tiên Yên.
Phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh - Qua thực tiễn tại tỉnh Quảng Ninh  (01/12/2024)
Quảng Ninh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số  (30/11/2024)
Chuyển đổi số toàn diện ở tỉnh Quảng Ninh: Những kết quả đạt được và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới  (29/11/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay