Phát triển kinh tế di sản – một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn của tỉnh Quảng Ninh

TS Đỗ Tất Cường
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
12:29, ngày 05-12-2024

1. Di sản văn hóa là kết quả của sự sáng tạo của con người trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và với chính bản thân mình. Di sản văn hóa là kết tinh của trí tuệ, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ, điều kiện sống, môi trường sống của một cộng đồng, là mã gen văn hóa của một cộng đồng. Bảo tồn di sản văn hóa là gìn giữ ký ức về quá khứ, là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới, là hành động thiết thực để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Những vai trò to lớn như vậy của di sản văn hóa đã được nghiên cứu, khẳng định; và chúng ta tiếp tục bảo tồn di sản văn hóa như một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, di sản văn hóa không chỉ là sợi dây kết nối với quá khứ, là phương tiện hữu hiệu để giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, nghĩa là không chỉ có ý nghĩa về phương diện tinh thần, mà ngày nay, vai trò di sản văn hóa đã được tiếp cận một cách toàn diện hơn. Di sản văn hóa đã trở thành tài nguyên để phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa như du lịch văn hóa, thiết kế, điện ảnh,… Thậm chí đã hình thành lý thuyết kinh tế học di sản để nghiên cứu những lợi ích hoặc giá trị được tạo ra từ di sản bao gồm cả giá trị sử dụng và giá trị không sử dụng, mà trong đó, lợi ích tài chính thu được từ các di sản chỉ là một phương diện.

Chúng ta đã nghiên cứu và luận giải nhiều nội dung xoay quanh khái niệm di sản, nhưng khái niệm kinh tế di sản chưa được nghiên cứu và lý giải toàn diện. Theo cách tiếp cận này, tác giả kỳ vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ nhằm góp phần làm rõ hơn những vấn đề cốt lõi của kinh tế di sản và phát triển kinh tế di sản trên cơ sở phân tích thực tiễn của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua, không chỉ đóng góp cho sự phát triển lý luận của Đảng ta về phát triển kinh tế di sản mà còn đóng góp trực tiếp cho việc tổng kết nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII và chuẩn bị các văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

2. Quảng Ninh trong quá trình xây dựng, phát triển trong thời kỳ đổi mới luôn được Trung ương xác định có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và đối ngoại; tỉnh có vị trí, vai trò rất quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía bắc và cả nước. Sau gần 40 năm đổi mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tận dụng tốt các cơ hội, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tạo nên những bứt phá trong phát triển, trở thành một điểm sáng của cả nước trong phát triển toàn diện kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, có nhiều di sản vật thể và phi vật thể đã và đang được tỉnh bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của “Việt Nam thu nhỏ”. Với gần 640 di sản vật thể (di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đình, đền, chùa,.v.v) và 360 di sản phi vật thể (lễ hội, tập quán, trò chơi dân gian,.v.v), Quảng Ninh có nhiều tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế di sản trong không chỉ hiện tại mà còn cả thời gian tới đây. Để hiện thực hóa, tỉnh sẽ phải cụ thể hóa tiềm năng, thế mạnh của địa phương thành những biện pháp bứt phá bằng những cơ chế, chính sách hỗ trợ các lĩnh vực kinh tế di sản phát triển. Gần đây Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 7556/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Hạ Long - Thành phố lễ hội” để hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành phố Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung trở thành trung tâm phát triển kinh tế di sản của quốc gia, mang tầm quốc tế.

Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư tu bổ, tôn tạo và làm gia tăng giá trị của các di sản, góp phần đưa các di sản trờ thành một động lực quan trọng đối với sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Không những vậy, nhiều di sản lớn của tỉnh như Vịnh Hạ Long, Yên Tử, Bạch Đằng đã và đang được bảo tổn, phát triển trở thành di sản thế giới liên vùng. Hơn nữa, kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh trong bảo tồn và phát triển các di sản trở thành động lực phát triển sẽ trở thành bài học có giá trị đối với các địa phương khác trên cả nước.

3. Trong bài viết này, tác giả mong muốn đóng góp một vài ý kiến để làm rõ hơn khái niệm, nội hàm của phát triển kinh tế di sản ở một số vấn đề cốt lõi sau đây:

Thứ nhất, phát triển kinh tế di sản là một động lực quan trọng của phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.

Di sản không nằm ngoài quá trình sản xuất xã hội, không nằm ngoài sự phân công lao động của xã hội, nền sản xuất xã hội. Do đó, cần nhận thức rõ ràng về việc này để thống nhất nhận thức về việc phát triển kinh tế di sản phải được đặt trong một nền sản xuất xã hội cụ thể. Sự phát triển của kinh tế di sản sẽ phụ thuộc vào tính chất và trình độ của nền sản xuất xã hội đó. Như vậy, kinh tế di sản trong chủ nghĩa tư bản sẽ khác với kinh tế di sản trong chủ nghĩa xã hội và càng khác hơn với kinh tế di sản trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội có sự đan xen của nhiều thành phần kinh tế khác nhau, nên phát triển kinh tế di sản cũng cần phải có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác nhau.

Để phát triển kinh tế di sản, cần nhận thức rõ ràng hơn về vị trí, vai trò của các bên có liên quan tới phát triển kinh tế di sản. Chủ thể phát triển kinh tế di sản là nhà nước, người dân và doanh nghiệp; đây là những người chơi chủ yếu của việc phát triển kinh tế di sản trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước đồng thời là người đưa ra các luật chơi, nhưng khi luật chơi được thiết lập thì nhà nước cũng không được hành động trái với luật chơi. Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đều tham gia vào việc xây dựng và duy trì các điều kiện phát triển kinh tế di sản; hay nói cách khác là cùng tham gia vào bảo tồn và phát huy một sân chơi lành mạnh, minh bạch cho các bên có liên quan. Để có thể vận hành được toàn bộ hệ thống trên trong phát triển kinh tế di sản, điều tiên quyết là các bên có liên quan phải có trách nhiệm giải trình về các hoạt động, hành vi và tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế di sản.

Phát triển kinh tế di sản không phải là nhiệm vụ của riêng Nhà nước, doanh nghiệp hay người dân mà là trách nhiệm của cả cộng đồng. Theo đó, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều phải có trách nhiệm bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị của di sản vật thể và phi vật thể trong phát triển kinh tế - xã hội. Cần thiết phải làm cho phát triển kinh tế di sản thấm sâu vào cộng đồng và việc phát triển đa dạng trong kinh tế di sản là một tất yếu khách quan.

Thứ hai, sự đóng góp tích cực của phát triển kinh tế di sản trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có nhiều biện pháp đột phá trong việc huy động các nguồn lực để đưa di sản vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương từ khá sớm. Với những công trình, thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại, tỉnh Quảng Ninh đã và đang trở thành điểm đến du lịch di sản nổi tiếng trong cộng đồng khách du lịch trong nước và quốc tế. Hơn nữa, tỉnh Quảng Ninh còn là một trong những trung tâm thu hút tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội cấp quốc gia, quốc tế. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh nhận thức rõ sự cần thiết giữa kết hợp việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản với việc xây dựng những giá trị di sản mới; cụ thể, Quảng Ninh có hơn 100 lễ hội với 75 lễ hội đã được kiểm kê đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, nhiều lễ hội mới được phát triển như lễ hội Carnaval, Hoa anh đào - mai vàng Yên Tử, lễ hội Hoa sở, lễ hội Trà hoa vàng đã không chỉ đóng góp trực tiếp vào bảo tồn giá trị di sản văn hóa mà còn tạo nên những sản phẩm di sản văn hóa đặc sắc, độc đáo.

Bên cạnh những truyền thống, di sản lịch sử lâu đời, người dân của tỉnh Quảng Ninh còn lưu giữ được nhiều làng nghề truyền thống. Các làng nghề của tỉnh đã và đang lưu giữ, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa của các vùng, miền. Đây là một lợi thế so sánh của tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế di sản trong những năm tới đây. Với sự kết hợp tinh tế, tài hoa giữa những giá trị truyền thống của các di sản văn hóa phi vật thể và các nét văn hóa độc đáo của người dân tỉnh Quảng Ninh đã và đang cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm dung hòa truyền thống và hiện đại, thể hiện bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Thông qua đó, những giá trị truyền thống không những không mất đi mà còn được bảo tồn, duy trì và phát huy giá trị, nâng cao đời sống văn hóa của người dân bản địa và du khách; đồng thời, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Để phát huy hơn nữa những giá trị của các di sản trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành triển khai có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế ban đêm sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27-7-2020. Theo đó, tỉnh đã chú trọng vào bốn lĩnh vực của kinh tế ban đêm phù hợp với điều kiện của địa phương là: (i) văn hóa, vui chơi, giải trí; (ii) dịch vụ ăn uống; (iii) dịch vụ mua sắm; và (iv) dịch vụ du lịch. Với mong muốn phát huy giá trị của Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Chương trình trải nghiệm không gian trên Vịnh Hạ Long ban đêm với nhiều hoạt động du lịch mới đã thu hút được sự chú ý của du khách trong nước và quốc tế. Mô hình nổi bật về kết hợp giữa du lịch với trải nghiệm âm nhạc của tỉnh đã không chỉ đáp ứng đúng nhu cầu của du khách mà còn đang được nhiều ngành, đơn vị có liên quan và đặc biệt là du khách đánh giá cao.

Có thể khẳng định rằng tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực thu hút các bên có liên quan vào phát triển kinh tế di sản một cách bài bản. Các kế hoạch, chương trình phát triển đều được xây dựng dựa trên những chủ trương, quan điểm định hướng của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Mô hình phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh có giá trị tham khảo đối với nhiều địa phương trên cả nước.

Thứ ba, những bài học kinh nghiệm có giá trị trong phát triển kinh tế di sản để của Quảng Ninh lan tỏa tới các địa phương khác trên cả nước

Bài học thứ nhất, nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lãnh đạo tỉnh bám sát các định hướng của Trung ương để mạnh dạn đề xuất, triển khai thực hiện những biện pháp, giải pháp có tính đột phá phù hợp với điều kiện của địa phương. Để xây dựng và triển khai những mô hình mới trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu kỹ lưỡng những định hướng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương để làm cơ sở cho việc lựa chọn thí điểm phát triển kinh tế di sản. Trên tinh thần vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm và tháo gỡ dần dần những khó khăn với quan điểm cái gì đã rõ, có hiệu quả thì mạnh dạn thực hiện; cái gì chưa rõ thì vừa làm vừa bám sát chủ trương, định hướng của Trung ương, với nguyên tắc chính quyền tỉnh không trực tiếp làm những gì mà người dân và doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn, nhiều di sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được khai thác hiệu quả, phục vụ tốt cho sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như sự phát triển của hoạt động sản xuất – kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Phát triển kinh tế di sản đã trở thành một trụ cột của phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Bài học thứ hai, sự công khai, minh bạch của tỉnh Quảng Ninh trong việc công bố các quy hoạch chiến lược, danh mục các dự án thu hút đầu tư, rõ ràng về các điều kiện để tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Với tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh, tháng 9-2014 tỉnh Quảng Ninh đã công bố 7 quy hoạch chiến lược quan trọng, cụ thể hóa mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó đã bao hàm nhiều biện pháp đột phá để phát triển kinh tế di sản như đã nêu tại Quyết định số 2622/QĐ-TTg, ngày 31-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định số 1588/QĐ-UBND, ngày 28-7-2014 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050, và gần đây là Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 11-02-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hơn nữa, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sự công khai, minh bạch của tỉnh Quảng Ninh trong việc công bố các quy hoạch chiến lược, danh mục thu hút đầu tư đã khiến cho các nhà đầu tư yên tâm hơn khi triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê gần đây, cứ 1 đồng ngân sách tỉnh Quảng Ninh chi ra đã thu hút được 8 - 9 đồng đầu tư từ khu vực tư nhân.

Bài học thứ ba, phát huy những tiềm năng, thế mạnh nội sinh là hệ thống các di sản vật thể và phi vật thể với tăng cường hợp tác giữa các địa phương, bảo tồn liên hoàn, liên tỉnh để làm nền tảng phát triển kinh tế di sản. Nhận thức từ khá sớm về vị trí, tầm quan trọng của tỉnh Quảng Ninh trong việc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh đã kiên trì trong nhiều năm với mô hình không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” trong thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng của tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng đồng bằng sông Hồng để tận dụng và phát huy toàn diện các tiềm năng vốn có của mình, bao gồm cả các di sản vật thể và phi vật thể. Với tư duy các di sản trên địa bàn của tỉnh Quảng Ninh là sự kết tinh truyền thống của người dân địa phương trong mối liên hệ với người dân của cả nước, là một bộ phận của hệ thống di sản của Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh đã sớm coi việc phát huy các di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ không chỉ của tỉnh mà còn phải thu hút sự quan tâm và phối hợp của các địa phương để phát huy tối đa các giá trị của di sản, bổ sung cho nhau trong hệ sinh thái di sản và cùng với các địa phương khác phát triển bền vững.

Bài học thứ tư, trên cơ sở tổng kết thực tiễn phong phú của tỉnh, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành những Nghị quyết của lòng dân và cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể. Tỉnh Quảng Ninh là một tỉnh giàu tài nguyên văn hóa, xã hội với nhiều di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đứng trước những tiềm năng phát triển mới của hệ thống các di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh, cụ thể hóa tinh thần của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Để có được Nghị quyết số 17 của tỉnh, Quảng Ninh đã tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 09-3-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nghị quyết số 17 của Tỉnh ủy Quảng Ninh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh cụ thể hóa thành những Đề án, chương trình, kế hoạch thiết thực phản ánh những nhu cầu phát triển kinh tế di sản của người dân và doanh nghiệp vào những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chính quyền tỉnh. Tiếp tục xu thế này, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã đặt trọng tâm của năm là sự kết hợp giữa phát triển kinh tế với phát huy vai trò của di sản văn hóa.

3. Có thể khẳng định rằng Quảng Ninh là một địa phương đi tiên phong trong việc phát huy giá trị của di sản vật thể và phi vật thể vào phát triển kinh tế - xã hội từ khá sớm. Trên cơ sở những thành tựu, kết quả tích cực đã đạt được trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh sẽ vững vàng hơn trong việc phát huy toàn diện kinh tế di sản của tỉnh, góp phần trực tiếp vào phát triển hơn nữa kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương khác trong Vùng đồng bằng sông Hồng. Bài viết này chỉ mong muốn đóng góp một góc nhìn, một cách tiếp cận để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát triển kinh tế di sản của tỉnh hơn nữa. Đồng thời, bài học kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn tới nhiều địa phương trên toàn quốc.