Kinh nghiệm của tinh Bắc Ninh trong việc phát triển kinh tế di sản
Kinh tế di sản là một khái niệm mới, được hiểu là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế. Đây là một xu hướng phát triển được nhiều quốc gia, nhiều địa phương trong nước rất quan tâm.
Trong những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh bắt đầu chú trọng đến phát triển kinh tế di sản. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới nên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được thảo luận. Từ việc nhận thức về kinh tế di sản, đánh giá tiềm năng kinh tế di sản, thực trạng phát triển kinh tế di sản hay định hướng phát triển kinh tế di sản ở tỉnh Bắc Ninh đều là những vấn đề cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Trên tinh thần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, bài viết này tập trung làm rõ hơn những vấn đề cốt yếu, ưu tiên mà tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện trong việc phát triển kinh tế di sản, nhằm tìm kiếm thêm những con đường phát triển văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay.
1. Tiềm năng di sản văn hóa ở tỉnh Bắc Ninh
Nằm trong vùng đất văn hóa Kinh Bắc ngàn năm văn hiến, tỉnh Bắc Ninh là miền quê nổi tiếng với những sắc thái văn hóa rất độc đáo, mang đậm dấu ấn tiêu biểu nhất của xứ Kinh Bắc.
Tỉnh Bắc Ninh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng: 1- Bắc Ninh là cái nôi của người Việt Cổ; 2- Là nơi khởi dựng cơ đồ của Thuỷ tổ Việt Nam - Kinh Dương Vương; 3- Là nơi hình thành cư dân đô thị đầu tiên tại Việt Nam, là trung tâm văn hóa - tôn giáo cổ xưa nhất nước ta; 4- Nơi truyền bá Phật giáo vào Việt Nam đầu tiên; 5- Nơi có trường dạy chữ và văn hóa Hán sớm nhất ở Việt Nam; 6- Nơi phát tích Vương triều Lý - triều đại khai mở và xây dựng nền văn minh Đại Việt; 7- Nơi có nhiều vị đại khoa nhất Việt Nam, đặc biệt có 16 vị trạng nguyên (chiếm 1/3 cả nước); 8- Mật độ di tích và lễ hội đứng thứ hai cả nước (sau Thủ đô Hà Nội); 9- Là tỉnh có nhiều làng nghề thủ công truyền thống phong phú, đa dạng...
Tỉnh Bắc Ninh được biết đến là một trong những tỉnh có số lượng, mật độ di tích lớn. Toàn tỉnh có 1.589 di tích, trong đó có 665 di tích được xếp hạng. (4 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt; 204 di tích xếp hạng quốc gia; 457 di tích xếp hạng cấp tỉnh); 18 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.... Nhiều di tích nổi tiếng gắn liền với các sự kiện lịch sử - văn hóa quan trọng của quốc gia, dân tộc.
Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh cũng rất phong phú, đặc sắc, bao gồm: 599 lễ hội truyền thống, 140 làng nghề thủ công truyền thống, các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền thống khác nhau, các nghi lễ, tín ngưỡng được trao truyền trong cộng đồng... Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh đang nắm giữ 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (dân ca Quan họ Bắc Ninh, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, nghi lễ và trò chơi kéo co làng Hữu Chấp). Tất cả đó tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của vùng đất văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc mà hiếm nơi nào có được.
Ngoài 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, đến nay tỉnh Bắc Ninh đã có 8 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Tranh dân gian Đông Hồ, Lễ hội làng Diềm, Lễ hội làng Đồng Kỵ, Gốm Phù Lãng, Chạm khắc gỗ Phù Khê, Gò đồng Đại Bái, Trống quân Bùi Xá và Tre trúc Xuân Lai. Hiện tại, tỉnh Bắc Ninh đang hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh xưa và nay nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng, thời nào cũng có những anh hùng, hào kiệt, những nhân vật xuất chúng. Tỉnh Bắc Ninh cũng là nơi sản sinh, nuôi dưỡng những người con ưu tú, những chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc như: Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo... Lịch sử, truyền thống, chiều sâu của nền tảng văn hóa cùng những phẩm chất đặc trưng con người Bắc Ninh - Kinh Bắc đã góp phần làm rạng rỡ những trang sử Vàng dân tộc Việt Nam.
Di sản văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc là tài sản quý giá của cộng đồng cư dân trong tỉnh, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử; là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. Kho tàng di sản văn hóa nơi đây khá phong phú, đồ sộ không chỉ góp phần tạo dựng cho nền văn hiến Kinh Bắc, mà còn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, đem lại những giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Với những tiềm năng như vậy, di sản văn hóa tỉnh Bắc Ninh được xác định không chỉ góp phần tạo dựng nền văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc, mà còn là một nguồn lực quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của tỉnh.
2. Muốn phát triển kinh tế di sản cần phải bảo tồn di sản
Kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế, nên phải nhận thức nó trên phương diện kinh tế học, nghĩa là có đầu tư, doanh thu và lợi nhuận. Nếu như bảo tồn di sản văn hóa nhấn mạnh đến yếu tố đầu tư để bảo vệ, giữ gìn, khôi phục và quản lý di sản là chủ yếu, việc phát huy giá trị, đặc biệt là giá trị kinh tế chỉ là yếu tố thứ yếu, thì kinh tế di sản lại phải nhấn mạnh đến khai thác giá trị kinh tế nhưng không có nghĩa là không coi trọng việc bảo tồn. Bởi phải bảo tồn được di sản thì mới có nền tảng để phát triển kinh tế di sản.
Công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa vật thể:
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm, đầu tư từ nguồn kinh phí của tỉnh và từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Đối với di sản văn hóa vật thể, tỉnh đã chủ động cân đối ngân sách tập trung cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích trọng điểm. Các di tích được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tu bổ, chống xuống cấp hằng năm, đồng thời huy động thêm nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân với kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng. Quá trình trùng tu, tôn tạo di tích đều được thực hiện giám sát theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Ngoài ra, hằng năm cơ quan chuyên môn đều tiến hành khảo sát, thống kê, kiểm kê di tích; lập hồ sơ xếp hạng di tích và công nhận bảo vật quốc gia, triển khai công tác trùng tu, tu bổ di tích theo chương trình mục tiêu quốc gia; lập các đề án, dự án quy hoạch, trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích với quy mô lớn cho những di tích tiêu biểu; ban hành các quyết định về quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh; có chế độ thù lao đối với người trông coi, bảo vệ di tích lịch sử cách mạng xếp hạng quốc gia và di tích lịch sử - văn hóa Văn Miếu Bắc Ninh trên địa bàn tỉnh...
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể:
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận, tôn vinh 203 nghệ nhân, trong đó có 10 Nghệ nhân nhân dân, 42 Nghệ nhân ưu tú (được Nhà nước phong tặng) và 151 nghệ nhân ở các lĩnh vực, loại hình di sản văn hóa phi vật thể (được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phong tặng); ghi nhận 2 “Nghệ sĩ nhân dân” và 21 “Nghệ sĩ ưu tú” (được Nhà nước phong tặng). Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành trong tỉnh và mức quà tặng cho các làng Quan họ gốc ngoài tỉnh, các câu lạc bộ dân ca quan họ Bắc Ninh trong và ngoài tỉnh. Đồng thời ban hành quy định về chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ phụ cấp ưu đãi nghề và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Di sản văn hóa phi vật thể cũng được tỉnh quan tâm đầu tư với nhiều đề án, dự án đã và đang triển khai thực hiện như: Xây dựng nhiều quy hoạch, đề tài, đề án về bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh với mức đầu tư kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng; đến năm 2023, đầu tư xây dựng xong 11 "Nhà chứa” Quan họ; đầu tư xây dựng Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh với số vốn đầu tư hơn 178 tỷ đồng trên diện tích 19.400m2; hoàn thành các dự án: Trưng bày nội, ngoại thất Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ và Trung tâm bảo tồn Múa Rối nước Đồng Ngư...
Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các sở, ngành liên quan trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa được quan tâm. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên đã góp phần làm tốt công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
3. Cơ chế chính sách là tiền đề cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Chính sách phát triển văn hóa, con người là một bộ phận hợp thành của chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và có một ý nghĩa vô cùng to lớn nhằm sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực về văn hóa, con người để phát triển quê hương, đất nước.
Từ nhận thức trên, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm phát triển văn hóa, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tiêu biểu như: Chính sách đãi ngộ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chính sách bảo tồn và phát triển dân ca quan họ Bắc Ninh; chính sách chế độ đối thù lao với người trông coi di tích lịch sử cách mạng xếp hạng quốc gia và di tích lịch sử - văn hóa Văn miếu tỉnh Bắc Ninh.
Theo kết quả rà soát, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành các chính sách liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, cụ thể như sau:
- Quyết định số 47/2015/QĐ-UBND, ngày 31-12-2015, của UBND tỉnh “Về việc ban hành Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh”.
Theo đó:
1- Trường hợp người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh thuộc loại hình di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh thì được hưởng thêm chế độ đãi ngộ gồm: Được hưởng số tiền trợ cấp hằng tháng bằng 1 lần mức lương cơ sở; được ngân sách tỉnh hỗ trợ mức phí tham gia bảo hiểm y tế hằng năm; khi chết, được hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước.
2- Trường hợp người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", "Nghệ nhân nhân dân" mà Nhà nước không có chế độ đãi ngộ thì được áp dụng thụ hưởng một mức (một lần) chế độ đãi ngộ của tỉnh. Cụ thể như sau:
a) Đối với “Nghệ nhân ưu tú”: Được hưởng số tiền trợ cấp hằng tháng bằng 1,5 (một phẩy năm) lần mức lương cơ sở; được ngân sách tỉnh hỗ trợ mức phí tham gia bảo hiểm y tế hằng năm; khi chết, được hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước.
b) Đối với “Nghệ nhân nhân dân”: Được hưởng số tiền trợ cấp hằng tháng bằng 2 (hai) lần mức lương cơ sở; được ngân sách tỉnh hỗ trợ mức phí tham gia bảo hiểm y tế hằng năm; khi chết, được hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước.
* Kết quả:
Tỉnh Bắc Ninh là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp; hỗ trợ các làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành, các câu lạc bộ quan họ, tiêu biểu… Qua đó khích lệ, động viên các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân thêm hăng say trong nghề, tích cực cống hiến, truyền dạy, phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng; khích lệ tầng lớp nghệ nhân kế cận (những người trẻ) tích cực tham gia, cống hiến nhiều hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho: 203 người; trong đó Chủ tịch nước phong tặng 10 Nghệ nhân nhân dân và 42 Nghệ nhân ưu tú.
- Nghị quyết số 16/NQ- HĐND, ngày 5-10-2023, “Về thực hiện Quy định hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với làng Quan họ gốc; làng Quan họ thực hành; các câu lạc bộ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống tỉnh Bắc Ninh; các câu lạc bộ dân ca quan họ ngoài tỉnh” (Thay thế NQ175/2019/NQ-HĐND).
Theo đó:
- Cơ chế hỗ trợ làng quan họ gốc (44 làng): 30 triệu/làng/năm;
- Cơ chế hỗ trợ làng quan họ thực hành (150 làng): 20 triệu/làng/năm;
- Cơ chế hỗ trợ các câu lạc bộ trình diễn dân gian tiêu biểu: 20 triệu/câu lạc bộ/năm);
Đó là nguồn khích lệ, động viên các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân thêm hăng say trong nghề, tích cực cống hiến, truyền dạy, phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng; khích lệ tầng lớp nghệ nhân kế cận (những người trẻ) tích cực tham gia, cống hiến nhiều hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và Dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng.
- Quyết định số 368/2014/QĐ-UBND, ngày 22-8-2014, của Ủy ban nhân dân tỉnh “Về việc ban hành Quy định chế độ thù lao đối với người trông coi, bảo vệ di tích lịch sử cách mạng xếp hạng quốc gia và di tích lịch sử - văn hóa Văn Miếu Bắc Ninh trên địa bàn tỉnh”.
Theo đó, có thêm nguồn nhân lực được hưởng chế độ của Nhà nước để trực tiếp trông coi bảo vệ di tích lịch sử cách mạng và Văn Miếu Bắc Ninh. Việc thực hiện quyết định đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và pháp huy giá trị các di tích trong thời gian qua. Từ ngày 1-9-2014 đến 30-6-2021, thực hiện chế độ thù lao cho 9 người trông coi, bảo vệ 7 di tích lịch sử cách mạng xếp hạng quốc gia và di tích lịch sử - văn hóa Văn Miếu Bắc Ninh trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 7-2021, thực hiện Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND, ngày 6-5-2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh “Về việc ban hành Quy định về quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”, 4 di tích lịch sử cách mạng: Nhà cụ Đám Thi, Nhà cụ Tú Ba, Chùa Đồng Hương, chùa Đồng Kỵ đã được bàn giao cho địa phương quản lý. Chế độ thù lao đối với người trông coi, bảo vệ 4 di tích do địa phương quyết định.
- Quyết định số 191/QĐ-UBND, ngày 21-5-2013, của Ủy ban nhân dân tỉnh “Về việc ban hành Quy định chế độ giải thưởng, khen thưởng tại Hội thi hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh”.
Hội thi hát Dân ca Quan họ đầu xuân tỉnh Bắc Ninh hằng năm do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức, Trung tâm Văn hóa tỉnh là đơn vị tham mưu tổ chức thực hiện Hội thi. Qua 30 năm tổ chức, Hội thi đã phát hiện và tôn vinh những tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO vinh danh. Những phần thưởng được trao cho các tập thể cá nhân đạt giải trong các kỳ hội thi chính là nguồn động viên khích lệ, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở, những hạt nhân văn nghệ đã và đang là nòng cốt của phong trào ca hát quan họ góp phần quan trọng vào việc hình thành đời sống văn hóa tinh thân của nhân dân vùng Bắc Ninh trong những năm qua.
- Ngày 29-8-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX đã ban hành Nghị quyết số 71 - NQ/TU, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.
Nghị quyết số 71 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX ra đời là sự cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về văn hóa, làm khơi dậy khát vọng phát triển thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đồng thời tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Bảy điểm mới đề cập trong Nghị quyết là: Văn hóa phải tạo ra giá trị vật chất và của cải cho xã hội được thể hiện qua mục tiêu chi ngân sách cho văn hóa là 4% nhưng chỉ tiêu đóng góp của văn hóa đạt từ 3 - 5% GDP. Vấn đề số hóa giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và xây dựng môi trường, ứng xử văn hóa trên không gian mạng cũng được đề cập; vấn đề tích hợp, quy hoạch đô thị để tập trung hóa trầm tích văn hóa, hình thành những sản phẩm văn hóa, đưa Bắc Ninh trở thành điểm đến văn hóa và để những khu đô thị mới của Bắc Ninh mang dáng dấp trầm tích văn hóa Kinh Bắc. Nghị quyết số 71-NQ/TU cũng đề cập đến vấn đề an ninh con người mà từ trước đến nay chưa đề cập; đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm định vị văn hóa Bắc Ninh trên trường quốc tế; đặt mối quan hệ phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh trong mối quan hệ với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; đặc biệt là đề cập rất kỹ cách làm thế nào để tạo ra các sản phẩm văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa của Bắc Ninh.
Qua đó có thể thấy Bắc Ninh cũng là tỉnh đi đầu trong việc ban hành các cơ chế, chính sách đãi ngộ nghệ nhân, nghệ sĩ góp phần tích cực, hiệu quả vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh nhà.
4. Giải pháp phát triển kinh tế di sản của Bắc Ninh
Di sản văn hóa là nguồn lực quan trọng đối với phát triển kinh tế di sản hay chính là sự phát triển bền vững. Mối quan hệ giữa di sản và phát triển bền vững đòi hỏi sự cân nhắc khéo léo giữa việc bảo vệ di sản và đáp ứng nhu cầu phát triển. Một cộng đồng bền vững và phát triển tốt là cộng đồng bảo đảm việc bảo tồn và sử dụng thông minh di sản, đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không gây thiệt hại đối với khả năng của thế hệ tương lai. Thực tế đã chứng minh, di sản văn hóa là một nguồn lực vô cùng quan trọng đối với phát triển bền vững. Qua đó, cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng tầm nhìn chiến lược cho phát triển kinh tế di sản:
Phát triển kinh tế di sản là hướng đi đúng đắn và phù hợp. Nó là một định hướng phát triển văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay. Nhưng để phát triển lĩnh vực này một cách hiệu quả cần có những định hướng phù hợp. Đó là cần một chiến lược phát triển có tầm nhìn dài hạn gắn với các tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà. Bắc Ninh cần định hình chiến lược phát triển kinh tế di sản dựa trên những tiềm năng vốn có của mình. Cần quy hoạch các tuyến để khai thác các di sản văn hóa vào phát triển kinh tế một cách trọng tâm, trọng điểm.
Hai là, tiếp tục rà soát, ban hành chính sách bảo tồn di sản văn hóa:
Các chính sách của tỉnh là kim chỉ nam quan trọng để định hướng cho sự phát triển kinh tế di sản. Tuy nhiên, các chính sách hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Cần phải có một chiến lược với tầm nhìn dài hạn để từ đó xây dựng các chính sách cụ thể cho các loại hình kinh tế di sản cụ thể. Cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách của về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt chú trọng vào các di sản văn hóa tiêu biểu, di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một. Tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hình thành khung khổ pháp lý, thể chế nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho văn hóa phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững. Ban hành chính sách, cơ chế khuyến khích, đãi ngộ nghệ nhân và những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhằm phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn hóa, nghệ thuật, truyền dạy di sản trong cộng đồng. Ngoài ra, cần đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết, bao gồm các hoạt động bảo tồn, phục hồi và truyền bá di sản văn hóa.
Ba là, tăng cường giáo dục và tạo nhận thức về giá trị di sản văn hóa:
Đào tạo và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị di sản văn hóa Bắc Ninh thông qua các hoạt động giáo dục, các trường học và tổ chức xã hội. Nêu cao tinh thần phát triển từ văn hóa, vì mục tiêu văn hóa và đưa tinh thần đó thấm nhuần vào trong các thực hành xã hội và trong các chính sách, vận hành các giá trị văn hóa đó để trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị.
Tổ chức các hoạt động giáo dục, tạo cơ hội cho các thế hệ trẻ hiểu và có kỹ năng để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Đồng thời, sử dụng các phương tiện truyền thông để quảng bá văn hóa, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị di sản văn hóa và tạo sự quan tâm và tham gia của công chúng.
Bốn là, tăng cường công tác gìn giữ, bảo tồn, chống xuống cấp di tích:
Cần tăng cường giáo dục và nhận thức cộng đồng đối với việc bảo vệ di tích. Tổ chức các hoạt động giáo dục và truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị lịch sử, văn hóa và môi trường của di tích. Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào việc bảo vệ và chăm sóc di tích.
Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo tồn: Đưa ra kế hoạch chi tiết về việc bảo tồn di tích, bao gồm việc duy trì, sửa chữa và khắc phục các hỏng hóc. Kế hoạch này cần được thực hiện một cách liên tục và phù hợp với tình trạng cụ thể của di tích.
Quản lý bền vững: Bảo đảm quy trình bảo tồn di tích không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến môi trường tự nhiên, cộng đồng hoặc kinh tế địa phương. Bảo tồn di tích cần đi đôi với phát triển bền vững và việc bảo đảm nguồn lực và sinh kế cho cả cộng đồng và di tích.
Năm là, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng hiện đại, trọng tâm, trọng điểm:
Tiếp tục tăng cường đầu tư tu bổ, tôn tạo nhằm khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các di tích tiêu biểu, các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh. Từng bước đầu tư phương tiện, thiết bị công nghệ nhằm tăng hiệu ứng của di sản văn hóa, nhất là các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ và khuyến khích các nghệ nhân truyền thống trong việc phát huy và phổ biến các nghề truyền thống như: tranh Đông Hồ, giấy Dó Đống Cao, gốm Phù Lãng...
Đề cao và bảo tồn các phong tục, tập quán truyền thống, như trò chơi dân gian, lễ hội, nghi lễ truyền thống để duy trì và truyền bá giá trị văn hóa đến thế hệ sau.
Tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo và phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa và di sản. Đây có thể là việc tạo ra các quỹ tài trợ, chương trình hỗ trợ đào tạo và phát triển nghệ thuật để tạo nguồn lực cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sáu là, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch:
Tổ chức các tour du lịch văn hóa, giới thiệu di sản văn hóa tỉnh Bắc Ninh đến du khách trong và ngoài nước, khai thác tiềm năng du lịch của vùng đất này.
Tạo không gian để khai thác, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh. Giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Bắc Ninh. Giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa và ẩm thực truyền thống của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước, tổ chức các dịch vụ vui chơi, giải trí, quà lưu niệm đặc trưng tại các khu, điểm du lịch có di tích. Chú trọng việc phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm hoặc tổ chức sự kiện…); du lịch sinh thái, du lịch thời gian ngắn gắn với các khu vui chơi giải trí lớn, khai thác các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa dọc sông Đuống, sông Cầu…
Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch độc đáo mang bản sắc của tỉnh, từng bước tạo dựng hình ảnh du lịch của Kinh Bắc - Bắc Ninh trong và ngoài nước. Khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, các công trình vui chơi giải trí, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn bảo đảm tiêu chuẩn tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.
Bảy là, đầu tư, xây dựng các trung tâm bảo tồn di sản, thiết chế văn hóa:
Quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ trưng bày, triển lãm di sản văn hóa tại di tích, bảo tàng, số hóa hiện vật, tài liệu, di sản văn hóa phục vụ nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách tại bảo tàng, di tích. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết chế Nhà chứa (nhà thực hành) Quan họ tạo không gian sinh hoạt văn hóa quan họ và truyền dạy di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đầu tư các trung tâm bảo tồn di sản có quy mô lớn, tạo không gian vừa thực hành, vừa khai thác được các giá trị của di sản phục vụ phát triển kinh tế của địa phương.
Tám là, tăng cường hợp tác quốc tế về văn hóa:
Hội nhập và tham gia vào các chương trình hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần nâng cao uy tín và sức hút của di sản văn hóa tỉnh Bắc Ninh trên trường quốc tế.
Triển khai thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại và văn hóa ngoại giao trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài giới thiệu về di sản văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Thúc đẩy gắn kết các hoạt động văn hóa ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm cho văn hóa tỉnh.
Tạo sự giao lưu và tương tác giữa văn hóa Bắc Ninh với các nền văn hóa khác trên thế giới, khuyến khích việc học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, phát triển các hoạt động văn hóa đa dạng, như hội chợ văn hóa, triển lãm, hội thảo để tạo cơ hội gặp gỡ và trao đổi giữa các cộng đồng văn hóa.
Kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế. Đây là một xu hướng phát triển được nhiều quốc gia, nhiều địa phương quan tâm. Mặc dù những năm gần đây tỉnh Bắc Ninh đang quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản, nhưng đây là một lĩnh vực mới nên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được thảo luận, tháo gỡ. Từ việc nhận thức về kinh tế di sản, đánh giá tiềm năng kinh tế di sản, thực trạng phát triển kinh tế di sản hay định hướng phát triển kinh tế di sản.
Di sản văn hóa mang giá trị biểu tượng, và giá trị đó không đem ra bán trên thị trường như một thứ hàng hóa thông thường, mà phải chuyển đổi vào trong các loại hàng hóa khác để tạo ra giá trị lợi nhuận. Hơn nữa, kinh tế di sản cũng không thể định giá thông thường theo thị trường mà phải có cách định giá đặc biệt, có vốn đầu tư lớn và đầu tư lâu dài trong khi đó doanh thu dần được lũy tiến, càng về sau càng làm tốt thì lợi nhuận càng tăng. Nói vậy để thấy phát triển kinh tế di sản không phải chuyện ngày một, ngày hai, càng không thể nóng vội, chớp nhoáng mà phải kiên trì, nghiêm túc, định hướng lâu dài.
Một yếu tố khác cần nhấn mạnh là muốn phát huy được các nguồn lực văn hóa, muốn đưa di sản vào quá trình phát triển kinh tế, nhất thiết phải chú ý đến nguồn lực con người. Phát triển kinh tế di sản phải bắt đầu từ những ý tưởng mới lạ, dựa trên nền tảng các lý thuyết phát triển nhưng gắn liền với thực tiễn của từng di sản văn hóa cụ thể. Từ những ý tưởng đó, phải sáng tạo ra các sản phẩm thương mại, sản phẩm du lịch để chuyển hóa các giá trị di sản văn hóa thành giá trị kinh tế. Muốn làm được điều đó cần phải có những người tâm huyết theo đuổi, có trí tuệ và biết hy sinh một số lợi ích cá nhân nhằm tạo ra sự phát triển cho cộng đồng. Bên cạnh đó, những nhà quản lý, những người làm chính sách cũng phải đổi mới về nhận thức và có những động thái cụ thể để thu hút những người tâm huyết trong lĩnh vực này nhằm tạo ra sự thay đổi và những cú hích cho kinh tế di sản./.
Kinh nghiệm của Nam Định trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế  (05/12/2024)
Bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa truyền thống tạo động lực phát triển kinh tế du lịch ở Quảng Ninh  (05/12/2024)
Truyền thông thương hiệu - Trợ lực cho phát triển kinh tế di sản  (05/12/2024)
Hài hòa lợi ích trong phát triển kinh tế di sản của Nhật Bản  (05/12/2024)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm