Kinh nghiệm của Nam Định trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
I. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay (2021 - 2024)
1. Về đặc điểm tình hình: Nam Định là tỉnh ven biển nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên gần 1.700 km2; có 72 km bờ biển; dân số gần 2 triệu người, chiếm gần 8% diện tích và 8,7% dân số của vùng đồng bằng sông Hồng; mật độ dân số của tỉnh là 1.131 người/km2. Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh còn 9 đơn vị hành chính (gồm 8 huyện và thành phố Nam Định) với 175 xã, phường, thị trấn.
Trong những năm qua, tình hình chính trị, xã hội của tỉnh Nam Định tiếp tục ổn định; môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, các dự án động lực đang và sẽ được triển khai đồng bộ; giáo dục, văn hóa và xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn đoàn kết, dân chủ, đồng thuận, thống nhất trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh.
2. Những kết quả nổi bật đạt được của tỉnh Nam Định trong phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay (2021 - 2024)
Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường; dịch bệnh COVID-19; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; giá một số nguyên vật liệu tăng cao; thiên tai bão lũ,... tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Song, Đảng bộ, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực, đoàn kết, triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đạt được kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.
1- Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, quy mô nền kinh tế được mở rộng, chất lượng và hiệu quả kinh tế được nâng lên: Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh) giai đoạn 2021 - 2024 bình quân ước đạt 9,2%/năm (đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội), trong đó, năm 2024 ước đạt 10%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: Ước năm 2024, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 16,0%; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 84% (tăng 6,5% so với năm 2020). Quy mô nền kinh tế được mở rộng, ước năm 2024 so với năm 2020: Tổng sản phẩm GRDP (giá hiện hành) gấp 1,5 lần; GRDP bình quân đầu người gấp 1,4 lần; thu nhập thực tế bình quân đầu người gấp 1,5 lần; tổng giá trị hàng xuất khẩu gấp 1,6 lần; vốn đầu tư toàn xã hội gấp 1,5 lần; thu ngân sách từ kinh tế gấp 2,0 lần,...
2- Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đặc biệt quan tâm triển khai và đạt kết quả tích cực; đến nay, toàn tỉnh đã có 97,5% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra và 21,3% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Giao Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
3- Công tác quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện. Tỉnh đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg, ngày 29-12-2023, góp phần quan trọng thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển bứt phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư và tập trung chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông có tính kết nối vùng. Đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm phục vụ kết nối với các tỉnh trong vùng, như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I); cụm công trình kênh Nghĩa Hưng (Đáy - Ninh Cơ); đã hợp long cầu Đống Cao bắc qua sông Đào,... đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số dự án, công trình lớn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, khi hoàn thành sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và Ninh Bình (thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng); xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11); cầu sông Đào, cầu Bến Mới, cầu Ninh Cường,…
4- Công tác cải cách thủ tục hành chính và xúc tiến, thu hút đầu tư được đặc biệt quan tâm, đi vào thực chất, hiệu quả và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Kết quả từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 266 dự án (gồm 186 dự án đầu tư trong nước, 80 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký trên 116.518 tỷ đồng và trên 677 triệu USD (tổng vốn đầu tư đăng ký đã vượt mục tiêu thu hút vốn đầu tư của cả giai đoạn 2021 - 2025). Trong đó, đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
5- Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tích mới; hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng được đầu tư xây dựng, mở rộng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Ngành giáo dục và đào tạo giữ vững thành tích 30 năm nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được nâng lên.
6- Hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các chỉ số đánh giá về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số được cải thiện, tăng bậc so với năm 2020 (đầu nhiệm kỳ).
7- Công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Nam Định là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Đến nay, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp, sáp nhập và đi vào hoạt động bình thường.
8- Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được bảo đảm, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân và khu vực phòng thủ vững chắc được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền an ninh biên giới biển được giữ vững. An ninh nông thôn, an ninh truyền thông, an ninh tôn giáo, an ninh kinh tế, an ninh con người được bảo đảm. Công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội được tăng cường và đạt nhiều kết quả.
II. Về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
1. Khái quát chung về các di sản trên địa bàn tỉnh Nam Định
Nằm ở vị trí trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Nam Định được xác định là vùng đất ngàn năm văn hiến, là nơi phát tích của vương triều Trần - một triều đại phong kiến thịnh trị với những võ công, văn trị lừng danh trong lịch sử của dân tộc, là quê hương của nhiều nhà văn hóa lớn, nhiều nhà khoa bảng, nhiều giá trị tư tưởng đạo đức, giàu tính nhân văn được bảo tồn trên địa bàn các huyện và thành phố Nam Định.
Về di sản văn hóa vật thể: Nam Định hiện có 1.360 di tích với các công trình như đình, đền, chùa, miếu, phủ, từ đường, nhà thờ công giáo,… trong đó có 430 di tích được xếp hạng, bao gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và Chùa Phổ Minh; Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Keo Hành Thiện), 87 di tích cấp quốc gia, 341 di tích cấp tỉnh. Nam Định còn có 5 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia gồm: Tượng Phật A Di Đà thời Lý (thế kỷ XII) tại Chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên; thành bậc lan can thời Lý (thế kỷ XII); mô hình kiến trúc nhà đất nung thời Trần (thế kỷ XIII - XIV); bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc (thế kỷ XVI) lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định; bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ (thế kỷ XVII) tại Chùa Phổ Minh, thành phố Nam Định. Ngoài ra, Nam Định có gần 100 làng nghề với các ngành nghề truyền thống lâu đời, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, rèn Vân Chàng, ươm tơ Cổ Chất, cây cảnh Vị Khê,…
Về di sản văn hóa phi vật thể: Nam Định có 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, 12 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng với nhiều loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian như: hát chèo, hát chầu văn, hát ca trù, nghệ thuật múa rối nước, rối cạn, cà kheo, nhạc kèn, múa rồng, múa sư tử, múa lân,... Nam Định hiện có 245 lễ hội truyền thống, 4 lễ hội văn hóa cấp huyện, xã, và hàng trăm lễ hội cấp thôn, làng. Các lễ hội thường được tổ chức vào hai mùa: mùa Xuân và mùa Thu, nhiều lễ hội có quy mô lớn như: Lễ hội Khai ấn Đền Trần; Lễ hội Chùa Đại Bi, Hội chợ Viềng; Lễ hội Phủ Dầy, Hội chợ Viềng Xuân; Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện; Lễ hội Chùa Cổ Lễ,... hằng năm đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước về dự lễ, tham quan, nghiên cứu.
2. Về công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong thời gian qua
Xác định vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong đời sống xã hội, là nguồn lực, sức mạnh nội sinh góp phần phát triển du lịch và kinh tế xã hội của địa phương, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và đặc biệt là Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 9-6-2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định” với việc xác định nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Nam Định. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước xây dựng văn hóa, con người Nam Định; thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Đối với các di sản văn hóa vật thể, tỉnh Nam Định tập trung triển khai các chương trình, dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, nhiều di tích đã được tu bổ đúng quy định, bảo đảm chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc, góp phần phát huy giá trị di tích, trở thành những sản phẩm văn hóa tâm linh, điểm du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần tích cực vào việc xây dựng quê hương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, nhất là Di sản văn hóa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh thường xuyên chỉ đạo chính quyền địa phương và Ban quản lý các di tích triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham quan, trải nghiệm, quan tâm đến việc thực hiện các chương trình, đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
3. Khai thác hiệu quả các di sản văn hóa để phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Xác định di sản văn hóa là nguồn tài nguyên giàu giá trị, là một trong những lợi thế để tỉnh phát triển nhiều loại hình sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch trải nghiệm, đặc biệt là du lịch tâm linh,... góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian qua, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách thúc đẩy du lịch gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh đã được quan tâm và tích cực thực hiện như: tổ chức các cuộc thi ảnh, thi logo du lịch Nam Định, xuất bản sách ảnh du lịch Nam Định, bản đồ du lịch Nam Định, cẩm nang lễ hội tỉnh Nam Định,...; tổ chức Hội chợ Du lịch, Thương mại Nam Định, tích cực tham gia các hội chợ quảng bá xúc tiến du lịch tại các tỉnh thành trong cả nước, tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát các điểm di tích lịch sử văn hóa để bước đầu hình thành các tuyến, điểm du lịch văn hóa; triển khai các buổi tọa đàm, các chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Nam Định với các địa phương; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương, các tỉnh bạn để tuyên truyền quảng bá tiềm năng, giá trị của các di sản văn hóa, khai thác phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương. Năm 2023, tỉnh Nam Định phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cổng thông tin khám phá mảnh đất, con người, văn hóa và du lịch tỉnh Nam Định thientruong.namdinh.gov.vn nhằm truyền thông, quảng bá các thông tin về tỉnh tới các doanh nghiệp, người dân và du khách góp phần thu hút khách du lịch đến Nam Định. Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và mở rộng; nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch vùng, khai thác phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, lượng khách đến các điểm tham quan du lịch của tỉnh đạt mức tăng bình quân 6,3%/năm; doanh thu du lịch tăng 24,3%/năm. Giai đoạn 2015 - 2019, lượng khách đến các điểm tham quan du lịch đạt mức tăng bình quân 5%/năm; doanh thu du lịch tăng 11,3%/năm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2020 - 2022 lượng khách và doanh thu du lịch giảm đáng kể. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, tỉnh Nam Định đã đón gần 1,8 triệu lượt khách, tăng 71%; doanh thu từ hoạt động du lịch dịch vụ đạt 535 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2024, có khoảng 1,2 triệu lượt khách tới các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh, tăng 9%; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 312 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
4. Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Nam Định đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả trong một số di sản tiêu biểu như sau:
Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Ngày 1-12-2016, di sản văn hóa “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-UBND, ngày 15-6-2021 về việc phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt ở tỉnh Nam Định đến năm 2030”. Thành lập Hội Bảo vệ và Phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định; 4 chi hội trực thuộc Hội với gần 500 hội viên tham gia sinh hoạt. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học về di sản như: “Hội nghị - Hội thảo - Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023), đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước đối với Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt”. Tổ chức triển lãm “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị” tại các địa phương: Hà Nội, Vĩnh Phúc,… Tỉnh Nam Định hiện có 1 “Nghệ nhân nhân dân” và 5 “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực tập quán xã hội và tín ngưỡng được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu. Đến nay, tỉnh Nam Định đã và đang được cộng đồng trong nước và du khách quốc tế khẳng định là trung tâm thực hành tín ngưỡng, nơi có các sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/Tứ phủ của người Việt vừa độc đáo vừa mang những giá trị góp phần tô đậm truyền thống văn hóa Việt Nam.
Lễ hội Khai ấn Đền Trần và Lễ hội truyền thống Đền Trần tháng 8 âm lịch.
Lễ hội Khai Ấn Đền Trần được tổ chức vào dịp đầu Xuân hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều nhà Trần đã có công dựng nước khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Lễ Khai ấn Đền Trần được diễn ra vào đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng, với các nghi thức: Dâng hương, rước kiệu ấn và khai ấn tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường). Ngoài ra, trong lễ hội còn có các nghi lễ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn tri ân tiền nhân như: Lễ rước kiệu Ngọc Lộ; Lễ rước Nước - tế Cá; Tế, lễ Tết Thượng nguyên,...
Lễ hội truyền thống đền Trần tháng 8 âm lịch hằng năm là dịp để tri ân công đức của người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Bên cạnh phần lễ, tế, dâng hương còn có các hoạt động hội truyền thống như: múa lân sư rồng, biểu diễn võ thuật, thi đấu vật, cờ người, chọi gà, múa rối nước,…
Lễ hội chùa Keo Hành Thiện
Chùa Keo Hành Thiện thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là ngôi chùa cổ có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg, ngày 22-12-2016. Lễ hội truyền thống chùa Keo Hành Thiện là một trong những lễ hội lớn, tiêu biểu của tỉnh Nam Định, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.
Ban quản lý di tích cùng chính quyền địa phương luôn chú trọng tới công tác tuyên truyền quảng bá di tích, lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Chuỗi các hoạt động lễ hội mùa Thu, kết nối lễ hội truyền thống Đền Trần (tháng 8 âm lịch) - Lễ hội Chùa Cổ Lễ - Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện “Mạch nguồn văn hóa dân gian”… đã thu hút hàng vạn du khách thập phương về dự lễ hội.
III. Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian tới tỉnh Nam Định tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Kết luận số 75-KL/TU, ngày 14-12-2021, của Tỉnh ủy “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 9-6-2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền để mọi người dân nhận thức được đầy đủ nội dung, giá trị của di sản văn hóa; về ý nghĩa, lợi ích của di sản văn hóa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phát triển văn hóa, du lịch; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý bảo tồn di sản, phát triển du lịch.
Ba là, thực hiện quy hoạch bảo tồn không gian di tích, hài hòa giữa không gian văn hóa, bản sắc kiến trúc, cảnh quan môi trường, tạo nên giá trị tổng hòa và đặc trưng của di tích. Tăng cường đầu tư từ các nguồn vốn, trong đó chú trọng xã hội hóa nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích; chủ động phân cấp quản lý di tích cho chính quyền và cộng đồng dân cư phù hợp với thực tiễn.
Bốn là, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng phát huy vai trò vừa là chủ thể sáng tạo, tham gia bảo vệ di sản, vừa là chủ thể thụ hưởng những giá trị của di sản văn hóa. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là Di sản văn hóa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm là, hoàn thiện quy hoạch các điểm du lịch di sản, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, ẩm thực... để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng địa phương trong tỉnh. Tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật thương mại, du lịch, dịch vụ, cảnh quan môi trường theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm,…
Sáu là, xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh gắn với các loại hình du lịch làng nghề, du lịch di sản,...; khai thác sự độc đáo, lợi thế về văn hóa của từng địa phương, cộng đồng. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành hoạt động theo chuỗi sản phẩm ở trong và ngoài nước. Khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng dân cư làm du lịch; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án trọng điểm về du lịch, văn hóa./.
Bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa truyền thống tạo động lực phát triển kinh tế du lịch ở Quảng Ninh  (05/12/2024)
Truyền thông thương hiệu - Trợ lực cho phát triển kinh tế di sản  (05/12/2024)
Hài hòa lợi ích trong phát triển kinh tế di sản của Nhật Bản  (05/12/2024)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm