Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - từ nghị quyết đến thực tiễn

Nguyễn Thị Nhàn Thư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
12:24, ngày 05-12-2024

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng để phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay. Và như cách Hội thảo của chúng ta đặt vấn đề - đó là một “động lực tăng trưởng mới”. Đây cũng là vấn đề cần được làm rõ cả về lý luận và thực tiễn.

Trong bối cảnh mới hiện nay, văn hóa ngày càng chứng minh vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển, là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, cũng như tạo ra sự đa dạng văn hóa. Để hướng tới sự phát triển bền vững và nhân văn, chúng ta cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển trong chính sách, chiến lược và các chương trình phát triển ở cả cấp vĩ mô và vi mô.

Di sản văn hóa là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đều là nguồn lực quan trọng, khi được phát huy, phát triển sẽ trở thành sức mạnh nội sinh cho dân tộc, trở thành động lực và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay được coi là một nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Ý này đã được nhấn mạnh hơn trong Đại hội XIII của Đảng, và một tinh thần toát lên trong các văn kiện của Đảng, trong các nghị quyết chuyên đề về văn hóa trong thời kỳ đổi mới là vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội là hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, và nhiệm vụ này được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân.

1. Liên quan đến gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa trong các văn kiện đại hội từ khi đổi mới đến nay, có thể sơ bộ khái quát một số ý:

Thứ nhất, vấn đề gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội ngày càng rõ nét và được xác định là một trong những nội dung định hướng, nhiệm vụ cơ bản của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tại Đại hội VIII, Đảng ta xác định: “Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Cụ thể hơn, năm 1998, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã đề ra giải pháp xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách văn hóa, trong đó đã đề cập đến một số các chính sách, như: Xây dựng, ban hành “Chính sách kinh tế trong văn hóa nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa, đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… Thực hiện cơ chế mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ (hoạt động thể thao, dịch vụ văn hóa…), tạo nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động sự nghiệp của các đơn vị văn hóa, nghệ thuật. Cải tiến chế độ tài trợ, đặt hàng đối với điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật,… Quy định cụ thể chế độ cho các doanh nghiệp đặc thù của ngành văn hóa thông tin (hãng phim, rạp chiếu bóng, hiệu sách, khu vui chơi giải trí, nhà xuất bản, trung tâm triển lãm, tu bổ di tích…) được hưởng mức thuế ưu đãi trong hoạt động kinh doanh (thuế đất, thuế vốn khấu hao cơ bản)… Cho phép các thành phần kinh tế kể cả tư nhân trong nước và nước ngoài, thực hiện một số hình thức liên doanh, liên kết với một số cơ sở hoạt động văn hóa theo quy định của pháp luật nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ và tham gia tổ chức một số hoạt động văn hóa có nội dung lành mạnh, bổ ích”. Và ban hành “Chính sách văn hóa trong kinh tế bảo đảm cho văn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế,… xây dựng các mục tiêu, giải pháp kinh tế phải gắn với các mục tiêu, giải pháp văn hóa, chăm lo con người, nêu cao đạo đức trong sản xuất, kinh doanh. Xây dựng văn minh thương nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa kinh doanh. Chú ý ‎tính thẩm mỹ, bản sắc dân tộc và tính hiện đại của kiến trúc trong xây dựng,… trong quy hoạch phải tính đến một số thiết chế văn hóa cần thiết, bảo đảm cảnh quan môi trường cho các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Thực hiện chính sách miễn, giảm phần chịu thuế cho các khoản đầu tư, đóng góp của các doanh nghiệp vào sự nghiệp văn hóa. Như vậy, ngay từ năm 1998, câu chuyện phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế đã được đề cập khá cụ thể, tất nhiên là với những nhận thức trong bối cảnh thời kỳ đó. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng: những chính sách này đã bước đầu tạo nên sự đột phá, mở đường để tạo điều kiện gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng nhấn mạnh: “tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(1). Tinh thần này tiếp tục được kế thừa trong các kỳ Đại hội X của Đảng: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục... giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”(2); “tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục... giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”(3); Đại hội XII của Đảng: “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân”(4). Cụ thể hơn, Đại hội X của Đảng còn chỉ rõ: “Kết hợp hài hòa việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch”(5). Tại Đại hội XIII của Đảng, nội dung này được gắn với nhiệm vụ phát triển thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa… Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa”(6).

Thứ hai, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội được xác định là một trong những mối quan hệ lớn cần nắm vững và xử lý tốt. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định một trong những mối quan hệ lớn cần phải nắm vững và xử lý để bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước là mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”(7). Đến Đại hội XIII, trong định hướng phát triển, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh phải nắm vững và xử lý tốt một trong mười mối quan hệ lớn “Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”(8).

Thứ ba, chủ trương “Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội”(9). Đây là chủ trương được đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nội dung này tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện tại Đại hội XII với nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội”(10). Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ không chỉ cần cơ chế mà còn cần có kế hoạch và giải pháp để xử lý đúng đắn mối quan hệ trên: “Có kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội”(11).

Đây là một số khái quát lại cơ bản những quan điểm, chủ trương của Đảng liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống quan điểm này được thể hiện đầy đủ và rõ ràng, liên tục và yêu cầu giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế ngày càng được thể hiện rõ, đặc biệt đặt trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những chỉ dẫn đồng thời với chủ trương xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết.

2. Trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, hệ thống luật pháp và chính sách của Nhà nước nhằm thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện, cụ thể hóa: Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29-6-2001, có hiệu lực từ ngày 1-1-2002, được sửa đổi, bổ sung theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009; Luật Du lịch, được ban hành năm 2005, được thay thế bằng Luật đu lịch năm 2018. Bên cạnh đó, các chính sách, chiến lược, các chương trình mục tiêu cũng được ban hành: Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (ngày 08-09-2016); Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (ngày 22-01-2020); Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035... Tập trung trong lĩnh vực di sản, có Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15-07-2021; Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030... Bên cạnh đó, nhiều chương trình phát triển cũng được lồng ghép các tiêu chí về văn hóa, như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Gần đây nhất, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (Chương trình) đã đề ra mục tiêu tổng quát: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc. Huy động sự tham gia của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến đáp ứng các thị trường nước ngoài. Phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa thông qua đầu tư để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, trong đó nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ đóng vai trò quan trọng. Chú trọng hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Có thể thấy, mục tiêu tổng quát gắn với các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản đã tạo ra các cơ hội đem lại các giá trị kinh tế không nhỏ.

3. Tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; là cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất của Việt Nam kết nối với ASEAN; có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; có thương cảng Vân Đồn khẳng định Việt Nam từ sớm là quốc gia biển, dựa vào kinh tế biển; có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á… Quảng Ninh cũng là tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục, GRDP năm 2021 tăng 9,5%, năm 2022 tăng 9,52%, năm 2023 tăng 10,69%, năm 2024 tăng 8,42%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2024 ước đạt 347.534 tỷ đồng, đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc, đứng thứ 7 cả nước, đóng góp 10,1% vào tổng quy mô nền kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, từ năm 2010 đến nay, đã xây dựng mới 3.182 km đường bộ, nâng tổng chiều dài đường bộ toàn tỉnh lên hơn 6.000 km, trong đó có 176 km cao tốc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 08 khu di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 101 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 465 di tích đã được kiểm kê; có 362 di sản văn hóa phi vật thể, với 7 loại hình (76 di sản lễ hội dân gian truyền thống, 25 di sản nghề thủ công truyền thống, 22 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 14 di sản ngữ văn dân gian, 168 di sản tập quán xã hội, 07 di sản tiếng nói, chữ viết, 50 di sản tri thức dân gian). Tỉnh đã lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, đến nay có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (giai đoạn 2020 - 2024 có 06 di sản) và có 13 bảo vật quốc gia.

Nhìn lại trong thời gian qua, một số địa phương đã trở nên quen thuộc với việc phát triển kinh tế di sản - coi đây là một động lực phát triển, đó là Hà Nội với các di sản văn hóa đa dạng; là Quảng Nam với di sản đô thị cổ Hội An và Mỹ Sơn với Khu đền tháp Chăm; là  Huế (Thừa Thiên Huế) với di sản cố đô Huế; là Quảng Ninh với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long,… Các tỉnh đã áp dụng những giải pháp sáng tạo để kết hợp bảo tồn và phát huy giá trị di sản, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trên cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong cả nước, nhất là các địa phương có tiềm năng lớn về di sản. Người dân chính là chủ thể, là người đưa di sản trở thành địa chỉ thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu. Do đó, khai thông nhận thức, có cơ chế đầu tư thỏa đáng, có chính sách phù hợp cho từng đối tượng cụ thể từ các nhà tham mưu, tư vấn, xây dựng chính sách, nhà quản lý tổ chức thực hiện chính sách đến người dân, nhất là người dân vùng có di sản và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều cần được coi là giải pháp đột phá và cần có sự vượt trội./.

----------------------

1. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, (dangcongsan.vn), ngày 24-9-2015

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 77

3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 77

4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 299

5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 107

6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 145 -146

7. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 73

8. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 119

9. Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr. 54

10. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 127

11. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 145