Cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, nâng cao năng lực điều hành, quản lý di sản văn hóa, góp phần giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; là cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất của Việt Nam với ASEAN; có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, cùng mạng lưới trên 630 di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng được xếp hạng; có thương cảng Vân Đồn khẳng định Việt Nam từ sớm là quốc gia biển, dựa vào kinh tế biển; có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á, là nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên và là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống cách mạng “Kỷ luật và đồng tâm”; nơi duy nhất có nhà Vua sau khi thắng giặc ngoại xâm từ bỏ ngai vàng lên núi hóa phật, để lại Thiền phái Trúc lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam đang trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2019, của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023, của Tỉnh ủy về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, theo đó đã xác định quan điểm, định hướng lấy phát triển văn hóa làm trọng điểm; xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với nhiệm vụ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị di sản văn hóa; Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 05 Nghị quyết liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 869/CTr-UBND, ngày 12-4-2024, thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023, của Tỉnh ủy, ban hành 14 chương trình hành động, kế hoạch, quyết định phê duyệt đề án, dự án liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa (3 chương trình hành động, 7 kế hoạch, 5 quyết định phê duyệt các đề án, dự án liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản), nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy những lợi thế về địa chính trị - kinh tế, những giá trị văn hóa lịch sử và truyền thống của người Quảng Ninh, nâng cao năng lực điều hành, quản lý di sản văn hóa, góp phần phục dựng, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực.
Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục, GRDP năm 2021 tăng 9,5%, năm 2022 tăng 9,52%, năm 2023 tăng 10,69%, năm 2024 tăng 8,42%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2024 ước đạt 347.534 tỷ đồng, đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc, đứng thứ 7 cả nước, đóng góp 10,1% vào tổng quy mô nền kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, từ năm 2010 đến nay, đã xây dựng mới 3.182 km đường bộ, nâng tổng chiều dài đường bộ toàn tỉnh lên hơn 6.000 km, trong đó có 176 km cao tốc; kiến tạo không gian và các hành lang phát triển mới. Phát triển khá cân đối giữa các vùng miền, tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hoá, xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống và chất lượng sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền, hoàn thành trước nhiều mục tiêu của cả giai đoạn 2020 - 2025. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 10.272 USD, gấp 2,09 lần so với bình quân chung cả nước; là một địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh thuộc diện cao nhất cả nước, với 5 thành phố, 01 thị xã trực thuộc tỉnh, tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2024 ước đạt 75%. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững; hoạt động đối ngoại được chú trọng mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, công tác bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị di sản luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm; tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hoá; kịp thời thể chế hóa và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hoá; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội; nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ, gìn giữ các di tích được nâng lên rõ rệt. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý di tích được nâng cao, trong đó có vai trò, trách nhiệm của các Ban quản lý di tích trực thuộc cấp tỉnh, cấp huyện và đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu giúp Ủy ban nhân dân các cấp trong lĩnh vực quản lý di tích, di sản. Công tác xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ di tích được tập trung triển khai, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, bảo tồn các di tích ở địa phương. Công tác tu bổ, tôn tạo di sản, di tích từng bước đi vào nề nếp. Huy động được nguồn lực tổng hợp từ nguồn kinh phí của Nhà nước, từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Nhiều di tích lịch sử đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân và là điểm đến của nhiều du khách trong và quốc tế. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực điều hành, quản lý di sản văn hóa góp phần giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 38 di tích đã được đầu tư lập dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí xã hội, trong đó có 26 dự án tu bổ, tôn tạo di tích xếp hạng (di sản thiên nhiên thế giới, di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp tỉnh) đã được UBND tỉnh phê duyệt; 09 dự án tu bổ, tôn tạo di tích kiểm kê và nhiều hồ sơ tu sửa cấp thiết. Hoàn thành cắm mốc giới trên thực địa cho 99 di tích/126 điểm di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh và bàn giao cho địa phương để quản lý, bảo vệ. Hoàn thành việc rà soát, tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 08 khu di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 101 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 465 di tích đã được kiểm kê; có 362 di sản văn hóa phi vật thể, với 7 loại hình (76 di sản lễ hội dân gian truyền thống, 25 di sản nghề thủ công truyền thống, 22 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 14 di sản ngữ văn dân gian, 168 di sản tập quán xã hội, 07 di sản tiếng nói chữ viết, 50 di sản tri thức dân gian); Tỉnh đã lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, đến nay có 12 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (giai đoạn 2020-2024 có 06 di sản) và có 13 bảo vật quốc gia.
Tỉnh quan tâm dành nguồn kinh phí để bố trí cho các hoạt động bảo tồn và phát triển giá trị của di sản văn hóa, chi cho sự nghiệp văn hóa và chi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa theo phân cấp ngân sách tại Nghị quyết số 303/2020/NQ-HĐND, ngày 9-12-2020, của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết số 46/NQ-HĐND, ngày 13-11-2021), theo đó, ngân sách cấp tỉnh chi đầu tư đối với các công trình di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa phi vật thể và thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa cấp tỉnh; cấp huyện chi đầu tư đối với công trình di tích cấp tỉnh và thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa cấp huyện.
Trong giai đoạn 2018 - 2024: (1) Kinh phí ngân sách tỉnh bố trí dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực văn hóa, thông tin là: 1.668.326 triệu đồng, chiếm tỷ trọng là 1,86% tổng dự toán chi thường xuyên của ngân sách cấp tỉnh, trong đó chi cho các hoạt động nghiệp vụ di sản cấp tỉnh của ngành Văn hóa và Thể thao, số tiền là: 114.853 triệu đồng. (2) Về đầu tư công: có 6 dự án được đầu tư tu bổ, tôn tạo từ nguồn ngân sách nhà nước với tổng kinh phí hơn 290 tỷ đồng, trong đó hơn 80 tỷ đầu tư từ ngân sách Trung ương (Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, giai đoạn I); 178 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và gần 32 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương; (3) Kinh phí xã hội hóa: Các di tích được đầu tư từ nguồn kinh phí từ xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác chiếm số lượng lớn trong tổng số di tích được đầu tư 36/42 dự án tu bổ, tôn tạo di tích, với tổng số tiền trên 760 tỷ đồng. (4) Ngoài ra, tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo Nghị quyết số 312/2020/NQ-UBND, ngày 9-12-2020, của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý di sản văn hóa vẫn còn một số hạn chế; một số di tích lịch sử và di sản văn hoá phi vật thể chưa được khai thác hiệu quả. Một số giá trị văn hoá đặc sắc, đặc trưng, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được nghiên cứu, bảo tồn nhưng chưa phát huy đúng mức tiềm năng, thế mạnh sẵn có; cơ hội tiếp cận, hưởng thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thể thao của người dân một số vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo có mặt còn hạn chế; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá, thể thao một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm sau nhằm nâng cao năng lực điều hành, quản lý di sản văn hóa, góp phần giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 162/2024/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách quản lý di sản văn hóa trong lĩnh vực bảo vệ và quản lý di sản văn hóa trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu đề xuất các chính sách như phân cấp, phân quyền và hỗ trợ tài chính để đầu tư cho việc bảo tồn các di sản văn hóa.
Thứ hai, tổng hợp, đánh giá các đề án, dự án về bảo tồn, phát triển di sản văn hóa đã và đang thực hiện để đề xuất xây dựng các dự án cấp thiết trong thời gian tới nhằm đảm bảo tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, nhằm tạo đột phá trong phát huy, bảo tồn di sản văn hóa. Trong đó, nghiên cứu đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí ngân sách để hỗ trợ các dự án phát triển công nghiệp văn hóa; hỗ trợ trong việc thực hiện các dự án phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo đúng chỉ đạo tại Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Thứ ba, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc xem xét bổ sung các cơ chế ưu đãi về thuế, về đầu tư cho các doanh nghiệp có đóng góp trực tiếp cho công tác bảo vệ và phát triển di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, nghiên cứu việc thành lập quỹ chung về bảo tồn di sản văn hóa có tính chất liên kết và hỗ trợ đối với các địa phương trong tỉnh; xác định và thúc đẩy các cơ hội hợp tác đầu tư công và tư trong các dự án phát triển bền vững thúc đẩy các ngành văn hóa và sáng tạo của địa phương có di tích và bảo vệ các di sản; bố trí nguồn lực tài chính để phát triển các chương trình giáo dục và nâng cao năng lực dựa trên sự đổi mới, sự gắn kết và các chính sách phát triển địa phương nhằm thúc đẩy, khôi phục di sản văn hóa.
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức chung về vị trí, vai trò của di sản văn hóa trong xây dựng phát huy bản sắc văn hóa, người Quảng Ninh, đóng góp nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò của nhân dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Hợp tác, chung tay giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó cần giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Trên đây là tham luận về một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, nâng cao năng lực điều hành, quản lý di sản văn hóa góp phần giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh./.
Phát triển kinh tế di sản – một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn của tỉnh Quảng Ninh  (05/12/2024)
Quảng Ninh phát huy giá trị di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới  (05/12/2024)
Quảng Ninh với chiến lược phát triển kinh tế di sản  (05/12/2024)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm