“Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” - sự kết nối truyền thống và hiện đại
Nếu như ai đó cố tìm câu trả lời gốc rễ cho nhận xét: “Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng không ở đâu người dân lại yêu mến gọi lãnh tụ của mình là Bác, không có quân đội nào yêu mến gọi Tổng Tư lệnh bằng Anh (Anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cũng không nơi nào nhân dân yêu mến quân đội gọi là Bộ đội Cụ Hồ” của nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh người Mỹ La-đi Bô-tơn (Lady Borton) khi sang Việt Nam, mà không đặt trong dòng chảy văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng, trong sự tiếp nối truyền thống và hiện tại thì không thể có được một lời giải đáp thỏa đáng.
“Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” gồm những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần hình thành từ tổ chức và hoạt động quân sự chính nghĩa được lưu giữ, trao truyền lại và phát huy lên trong công cuộc giữ nước hiện tại và tương lai, được khái quát bằng tinh thần yêu nước, không quản ngại gian khổ, sẵn sàng xả thân hy sinh vì nước, vì dân; tinh thần quyết chiến quyết thắng mọi kẻ thù; vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy; tinh thần gan dạ, dũng cảm, kiên cường, mưu trí và sáng tạo; tình đồng đội gắn bó keo sơn; tình đoàn kết quân dân cá nước.
“Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” là sự tiếp nối truyền thống văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Ngay sau khi thành lập, quân đội ta, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, đã cùng dân tộc giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau đó cùng dân tộc đưa hai cuộc kháng chiến thần thánh đến thắng lợi, làm cho nước nhà hoàn toàn thống nhất và tạo điều kiện để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều đó chứng minh rằng, cán bộ, chiến sĩ quân đội ta luôn luôn thấm nhuần sâu sắc các giá trị truyền thống của dân tộc, nhất là truyền thống đánh giặc giữ nước.
Con người tạo ra hoàn cảnh, nhưng ở một mức độ nào đó chính hoàn cảnh cũng tạo ra con người. Một quốc gia đất không rộng, người không đông, nhưng lại nằm ở vị trí địa chính trị - kinh tế - quân sự - văn hóa quan trọng, cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên và sản vật phong phú tất yếu sẽ trở thành đối tượng bị các nước lớn nhòm ngó, lấn chiếm, xâm lược. Một dân tộc nhỏ bé trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế không gan góc trong chống thiên tai, địch họa, kiên cường trong đấu tranh; không biết đánh giặc từ thủa lên ba; không sục sôi “đền nợ nước, trả thù nhà”; bóp nát quả cam nguyện lời thề “Phá cường địch, báo Hoàng ân”, tướng sĩ một lòng hòa nước sông chén rượu ngọt ngào mà hào khí “sát thát” vang dội; “thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” và “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” thì sao có thể trường tồn.
Truyền thống yêu nước - giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi là sức mạnh nội tại mà ngàn năm Bắc thuộc, thể xác có thể đồng hóa, nhưng tâm hồn Việt thì không, vẫn còn đó như mạch sống nảy sinh, định hình và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam vượt qua mọi gian nguy, mọi khó khăn ngặt nghèo nhất để kết nối quá khứ, hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Và trong chính quá trình sinh tồn của mình, dân tộc Việt Nam tiếp tục lưu giữ, trao truyền và bồi đắp chủ nghĩa yêu nước làm cốt, sẵn sàng bùng lên kết thành một làn sóng to lớn nhấn chìm bọn bán nước và lũ bán nước.
“Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” là kết quả vượt gộp của văn hóa truyền thống Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Quân đội nhân dân Việt Nam qua bao thế hệ, từ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cho tới ngày nay, sau 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã cùng toàn Đảng, toàn dân viết nên những trang chói lọi trong lịch sử dân tộc. Trong cuộc cách mạng to lớn và triệt để ấy văn hóa truyền thống được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện mà kết tinh nên nhiều giá trị văn hóa, trong đó “Bộ đội Cụ Hồ” là giá trị văn hóa quân sự độc đáo, tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh.
Qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thêm sinh khí thời đại cho truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam vượt thoát khỏi khuân mẫu cũ tạo dựng một dáng hình mới làm nên sức mạnh to lớn của quân đội ta, mạch sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thống nhất đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ truyền thống yêu nước, tình đồng bào tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”, “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”; từ “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “trung quân, ái quốc”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy chí nhân mà thắng cường bạo”, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”,… được nhảy vọt lên tầm cao mới, với hệ thống giá trị “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ”: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Quân đội ta có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả, luôn luôn đoàn kết với nhân dân và quân đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em, với nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới”(1).
Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, mở cửa, hội nhập có sự giao thoa, tiếp thu chọn lọc các nền văn hóa trên thế giới là một tất yếu. Bên cạnh đó, “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” không phải “nhất thành, bất biến”, lại càng không thể khu biệt mà phải hòa vào tiến trình hội nhập giao lưu. Vấn đề là ở chỗ, làm thế nào để “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục được bồi đắp và tỏa sáng, nhưng vẫn phát huy được giá trị bản sắc của nó, không bị “khuất lấp” bởi văn hóa ngoại lai thiếu bản sắc dân tộc?
Hiện nay, kẻ địch đang ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá toàn diện cách mạng nước ta hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm chuyển hóa chế độ đưa nước ta theo con đường tư bản chủ nghĩa, trong đó chúng xem văn hóa là lĩnh vực quan trọng, coi trọng đẩy mạnh việc truyền bá lối sống suy đồi, đề cao vật chất, văn hóa hưởng thụ, tung hô “cái tôi cá nhân” để xâm lăng văn hóa dân tộc. Đồng thời, làm lu mờ giá trị “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” là mục tiêu quan trọng của âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội làm suy yếu sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội ta. Hơn nữa, nền “văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong tiến trình xây dựng đang có sự tương tác rất mạnh mẽ cả về tích cực, tiêu cực với văn hóa bên ngoài.
Vấn đề sẽ được giải quyết thấu đáo như lẽ tự nhiên khi đặt giá trị “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” trong sự kết nối truyền thống và hiện đại. Do vậy, giữ vững và phát huy giá trị “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” không phải là việc riêng của tổ chức quân sự, càng không chỉ là trách nhiệm của mỗi quân nhân, mà là trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước, của cả dân tộc. Nhưng trước hết là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là yêu cầu cơ bản hàng đầu làm cơ sở nền gốc cho “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” tiếp thu tinh hoa và miễn dịch với ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa bên ngoài.
Với vai trò là chủ thể sáng tạo giá trị văn hóa, cán bộ, chiến sĩ trong quân đội hiện nay cần nhận thức, hiểu sâu sắc những giá trị tinh hoa “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ”. Trên cơ sở đó, thường xuyên nâng cao trình độ tự ý thức về việc tự tu dưỡng, tích cực, tự giác học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực và hiệu quả các mặt công tác là một yêu cầu cơ bản; Phải rèn luyện ý chí phấn đấu bền bỉ, cầu tiến bộ, trọng danh dự quân nhân. Đồng thời, đấu tranh kiên quyết với biểu hiện coi nhẹ truyền thống, phủ nhận quá khứ, gieo rắc tư tưởng, lối sống thực dụng, mang nặng chủ nghĩa cá nhân.
Sự hòa quyện giữa truyền thống văn hóa dân tộc và bản chất cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam đã làm nên bước nhảy vọt về chất trong giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa quân sự nói riêng, mà tiêu biểu là giá trị “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” trong thời đại Hồ Chí Minh. Phát huy, làm phong phú những phẩm chất tốt đẹp của “Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ”, tự hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng và yêu mến của nhân dân là vinh dự; đồng thời, cũng là trách nhiệm to lớn của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam./.
--------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 11, tr. 350
Việt Nam hoan nghênh mọi sáng kiến duy trì hòa bình ở Biển Đông  (04/01/2015)
Phó Thủ tướng khen thành tích chống buôn lậu thuốc lá  (04/01/2015)
Thành lập Trường Đại học Thủ đô  (04/01/2015)
Đã tìm thấy 34 thi thể nạn nhân trong vụ máy bay AirAsia gặp nạn  (04/01/2015)
2015 là năm mang tính dấu mốc trong chiều dài quan hệ Việt-Mỹ  (04/01/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay