1. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Liên bang Nga và Mông Cổ

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
 và Tổng thống Đ.Mét-vê-đép

Ngày 27-10-2008, tại Ðiện Crem-li, Chủ tịch nước ta Nguyễn Minh Triết chính thức thăm Liên bang Nga và tiến hành hội đàm với Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép. Lần đầu tiên, kể từ năm 1992, hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu của Liên bang Nga đều đưa tin trang trọng và nổi bật về chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đặc biệt là về kết quả hội đàm với Tổng thống Nga Tổng thống Đ.Mét-vê-đép. Các kênh truyền hình và phát thanh hàng đầu ở Nga đều phát tin và bài bình luận về kết quả hội đàm cấp cao Việt - Nga, về những hiệp định được ký kết sau cuộc hội đàm và tuyên bố của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép rằng chuyến thăm Nga của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước có quan điểm giống nhau về các vấn đề quốc tế chủ yếu, khẳng định của Thủ tướng V.Pu-tin tại buổi tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết rằng Việt Nam thật sự là đối tác chiến lược của Liên bang Nga và tiềm năng hợp tác Nga - Việt Nam là rất lớn. Thủ tướng V.Pu-tin nhấn mạnh, cả thế giới ngạc nhiên và thán phục một đất nước không lớn như Việt Nam đã chiến đấu và đánh thắng một siêu cường. Tinh thần chiến đấu anh dũng của các cựu chiến binh hai nước nhằm bảo vệ lợi ích đất nước xứng đáng là tấm gương cho các thế hệ hiện nay và mai sau ở Liên bang Nga và Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng đinh, quan hệ đối tác Việt Nam - Nga mang tính chiến lược, tình hữu nghị giữa hai nước đang được củng cố và phát triển. Nước Nga đang trở thành một quốc gia hùng mạnh, góp phần thiết lập sự ổn định và văn minh trên thế giới.

 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
 thăm Cộng hoà Mông Cổ.

Ngày 30-10-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt đầu thăm Cộng hoà Mông Cổ. Tại Cung Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã hội đàm với Tổng thống N. En-khơ-bai-a. Hai bên nhất trí cần tiếp tục duy trì truyền thống trao đổi đoàn cấp cao và các đoàn ở cấp bộ, ngành, địa phương nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, các bộ, ngành cần tích cực triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết; trong đó cần đặc biệt phát huy vai trò của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học, kỹ thuật Việt Nam - Mông Cổ nhằm tạo bước phát triển mới trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp, giáo dục, y tế. Chính phủ hai nước khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm các hình thức và lĩnh vực hợp tác mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu. Hai bên cũng nhất trí phối hợp giải quyết vấn đề vận chuyển hàng hóa nhằm tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước, phấn đấu tăng kim ngạch buôn bán giữa hai nước lên mười triệu USD vào năm 2010; tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, tuyên truyền hữu nghị nhằm kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2009; cần tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế và khu vực. Phía Mông Cổ hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam sang Mông Cổ đầu tư khai thác các loại khoáng sản.

2. Thủ tướng Cộng hòa Xlô-va-ki-a Rô-bớt Phi-cô (Robert Fico) kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

Hai Thủ tướng duyệt Đội Danh dự
Trong thời gian thăm VIệt Nam từ ngày 26 đến 28-10, Thủ tướng Cộng hòa Xlô-va-ki-a R. Fi-cô và đoàn đã được Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh tiếp; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón, hội đàm; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hội kiến. Qua các cuộc hội đàm, tiếp xúc, hai bên nhất trí cần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước cả trên phương diện song phương và đa phương; đặc biệt là khai thác tiềm năng, thế mạnh, tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, lao động... đáp ứng mong muốn và lợi ích của nhân dân mỗi nước. Thủ tướng Rô-bớt Phi-cô khẳng định: Chính phủ Xlô-va-ki-a sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trên tất cả các diễn đàn, các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Slovakia ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ đầy đủ và sớm kết thúc đàm phán, ký kết hiệp định đối tác và hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), cũng như tích cực tác động để EU sớm chấm dứt việc áp thuế chống bán phá giá với giày mũ da của Việt Nam. Nhân dịp này, hai bên đã ký các văn kiện về vấn đề thuế và hợp tác kinh tế. Thủ tướng Xlô-va-ki-a Rô-bớt Phi-cô đã mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức Xlô-va-ki-a. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vui vẻ nhận lời.

3. Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long

Tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/2008/CT-TTg và Quyết định số 1470/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề cương các hoạt động tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và Đại lễ kỷ niệm, được tổ chức ngày 28-10, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhấn mạnh: Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là sự kiện trọng đại trong lịch sử nước nhà, kỷ niệm một thiên niên kỷ giành độc lập tự do của dân tộc ta; đồng thời cũng là dịp mở rộng giao lưu với bạn bè quốc tế, nâng tầm vị thế của Thủ đô 1000 năm tuổi. Cả năm 2010 sẽ là năm Đại lễ, trong đó có tháng cao điểm, 10 ngày cao điểm và một ngày Đại lễ sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một vinh dự, là vận hội to lớn của nhân dân Thủ đô. Bằng quyết tâm cao nhất của mình, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; tăng cường các hoạt động tuyền truyền, quảng bá hình ảnh, văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến; Thành phố vì hòa bình với cả nước và bạn bè quốc tế; Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình số 08-CT/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”...

4. Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2008

Trong hai ngày 28 và 29-10-2008, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Đã có 196 lượt đại biểu phát biểu tại tổ, 92 ý kiến phát biểu tại hội trường và 20 đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản cho Quốc hội qua đoàn thư ký của Kỳ họp. Các ý kiến tập trung vào các nội dung: Đánh giá kết quả áp dụng hệ thống 8 nhóm giải pháp do Chính phủ trình Quốc hội thông qua trước diễn biến của tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2008. Những bài học kinh nghiệm rút ra trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nền kinh tế trong tình hình mới; lựa chọn mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội năm 2009. Đề xuất các biện pháp cuối năm để thực hiện có hiệu quả hơn mục tiêu đã điều chỉnh của kế hoạch năm 2008; công tác dự báo và cảnh báo sớm những tác động không thuận của kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế trong nước; tình trạng lạm phát, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao và các giải pháp kiềm chế; cơ cấu đầu tư gắn với quản lý vốn tại các doanh nghiệp nhà nước; cơ chế thu hút đầu tư tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ đầu tư cho nông dân;các mục tiêu chiến lược đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo bước chuyển cho sản xuất nông nghiệp bền vững; nâng cao đời sống nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới; ông tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chính sách an sinh xã hội và công tác xoá đói, giảm nghèo...

5. Hà Nội ngập úng nghiêm trọng nhất trong 35 năm qua

Một cảnh ngập nước mưa ở Hà Nội

Trên địa bàn Hà Nội, ngày 31-10-2008 đã xảy ra trận mưa lớn bất thường, kéo dài, gây ngập úng nhiều tuyến đường trong nội thành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân. Các đường phố Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Trần Duy Hưng, Chùa Hà, Nguyễn Phong Sắc, Trần Đăng ninh, Thái Thịnh, Thái Hà, Láng Hạ, Chùa Bộc, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Nguyên Hồng, Giải Phóng, Trường Chinh... biến thành những dòng sông nhỏ, nước ngập sâu từ 0,5 đến 0,8m. Theo thống kê, đến 5 giờ sáng 2-11, mưa lũ đã làm 49 người chết, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng, trong số đó, Hà Nội có 18 người, Hà Tĩnh 17 người, Bắc Giang 3 người, Hòa Bình 2 người, Nghệ An 2 người, Thái Nguyên 2 người, Vĩnh Phúc 2 người, Phú Thọ 1 người, Ninh Bình 1 người và Quảng Bình 1 người. Mưa lũ đã làm gần 55.000 ngôi nhà bị sập, trôi và hư hại, gần 183.000 ha lúa, hoa màu bị ngập úng; gần 600 cầu cống và công trình thủy lợi bị hư hại và gần 70.000m đường giao thông nông thôn bị hư hỏng. Tại cuộc họp bàn giải pháp đối phó với mưa lũ sáng 2-11, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của mưa lũ cần cử ngay các đoàn công tác xuống từng địa phương giúp người dân khắc phục hậu quả và sớm di dời người dân khỏi các vùng nguy hiểm, cấp phát lương thực, thuốc men, không để người dân bị đói. Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình mưa lũ sẽ còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là các tỉnh miền núi. Trận mưa lớn và ngập lụt nghiêm trọng thêm một lần nữa làm rõ những mặt yếu kém và hạn chế trong quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố Hà Nội trước thềm lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

6. Hai triệu USD giúp người dân tộc thiểu số Cờ Tu tái định cư và thoát nghèo

Ngày 31-10-2008, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam ký hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 2 triệu USD do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ Giảm nghèo (JFPR) nhằm hỗ trợ chương trình tái định cư và sinh kế dành cho người dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Cờ Tu bị ảnh hưởng bởi dự án Thủy điện Sông Bung 4 tại một trong những vùng sâu và nghèo nhất của khu vực miền trung.Theo ADB, khoản viện trợ này sẽ cung cấp tài chính cho chương trình cải thiện và duy trì sinh kế của cộng đồng cũng như người dân tại các khu vực hạ lưu bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện. Chương trình hỗ trợ bao gồm việc phát triển trồng lúa nước nhằm giúp người dân địa phương cải thiện an ninh lương thực, các khóa đào tạo về chăn nuôi và thú y cũng như các chương trình phát triển lâm ngư nghiệp bền vững.Trước đó, ngày 6-10-2008, Chính phủ Việt Nam và ADB đã ký kết khoản vay Dự án Thủy điện Sông Bung 4 với công suất thiết kế 156 mê-ga-oát trị giá 196 triệu USD. Ngoài khoản vay của ADB, Dự án Sông Bung 4 còn vay 22,3 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và 49 triệu USD từ Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

7. Kỷ niệm 40 năm Truông Bồn chiến thắng (31-10-1968 - 31-10-2008)

Kỷ niệm 40 năm Truông Bồn chiến thắng, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có Quyết định số 1304/QĐ-CTN, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn, thuộc Đại đội 317, Đội 65 - Tổng đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An. Truông Bồn là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, hòng cắt đứt tuyến đường vận chuyển quan trọng của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, trong những năm chiến tranh. Phần lớn trong tổng số 18.936 quả bom Mỹ trút xuống huyện Đô Lương, đã rơi nổ trên Truông Bồn. Từ năm 1964 đến năm 1972, trên đoạn đường Truông Bồn vẻn vẹn 5 km, các chiến sĩ cảm tử đã rà phá được hàng ngàn quả bom nổ chậm các loại. Truông Bồn mãi mãi là một tượng đài chói sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là ký ức không thể nào quên của những người từng gắn bó với tuyến đường 15A lịch sử và đồng bào cả nước. Truông Bồn năm xưa dày đặc hố bom, đất đỏ tơi tả còn hôm nay ngút ngàn màu xanh sự sống…

8. Kết thúc Hội thảo lý luận lần thứ 4 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc về chủ đề “Tam nông”

Sau 3 ngày làm việc, Hội thảo lý luận lần thứ 4 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc về “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn-kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc” đã kết thúc tốt đẹp, ngày 2-11, tại Khánh Hòa. Hội thảo đã nghe 20 bản tham luận của đại biểu 2 đoàn Việt Nam và Trung Quốc tập trung vào quan điểm và nội dung các chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân thời kỳ đổi mới ở Việt Nam và cải cách mở cửa ở Trung Quốc. Nhiều báo cáo đã kết hợp được giữa lý luận với thực tiễn như về các vấn đề như xây dựng hệ thống chính trị và chính quyền cơ sở ở nông thôn; xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam; xây dựng văn hoá nông thôn và nâng cao trình độ văn hoá nông dân; thực hiện quyền lợi hợp pháp của công nhân xuất thân từ nông dân; quá trình đô thị hoá và những vấn đề kinh tế, xã hội ở nông thôn; thành tựu và kinh nghiệm xoá đói giảm nghèo ở nông thôn Trung Quốc; chính sách đất đai, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hoá nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nông nghiệp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nông sản hàng hoá; các chính sách và giải pháp để thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hoá nông thôn; chính sách an sinh xã hội và các giải pháp bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân nghèo và những người nông dân làm thuê.../.