Ngày chiến thắng không thể nào quên

Anh Thư
11:37, ngày 11-05-2007

Sáu mươi hai năm đã trôi qua, kể từ khi nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít - con đẻ của chủ nghĩa đế quốc, hình thức thống trị “độc tài nhất, sôvanh nhất, phản động nhất”. Ngày 9-5-1945, ngày mà Đức quốc xã tuyên bố đầu hàng Hồng quân Liên Xô và Đồng minh vô điều kiện, ngày kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai - một trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại - đã đi vào tâm khảm của phần lớn những người dân Nga, người dân các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới như một Ngày Chiến thắng. Ngày Chiến thắng vinh quang và kiêu hãnh được xây từ khát vọng hòa bình, từ máu, nước mắt và sự hy sinh lớn lao, tổn thất nặng nề khó bù đắp của hơn 20 triệu người dân xô-viết và hàng triệu người dân ở nhiều nước châu Âu.

Trong dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng phát-xít Đức, tại một loạt thành phố của Đức, các đại diện của Nga cùng các tổ chức xã hội và cựu chiến binh trong cuộc kháng chiến chống phát-xít đã đến đặt hoa tại mộ và đài tưởng niệm các chiến sĩ xô-viết. Tại Pháp, cuộc mít-tinh trọng thể kỷ niệm lần thứ 62 Chiến thắng chủ nghĩa quốc xã diễn ra tại Quảng trường Charles de Gaulle và Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã đến đặt vòng hoa tại mộ Chiến sĩ vô danh ở gần cổng Khải Hoàn môn tại trung tâm quảng trường. Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Chiến thắng đã diễn ở các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Ba Lan, Mỹ, Anh, Canada, Đan Mạch...

Trung tâm Tưởng niệm kháng chiến Đức cho biết sẽ mở cửa Bảo tàng mang tên "Anh hùng thầm lặng" vào năm 2008 ở trung tâm Berlin. Bảo tàng được đặt tại một phân xưởng cũ cho người mù của Otto Weidt - một người Đức đã từng giúp một số người Do Thái ẩn náu - nhằm tôn vinh những người đã giúp đỡ người Do Thái trốn chạy khỏi phát-xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bất chấp nguy cơ bị xử tử hay trục xuất. Theo nhà sử học Johannes Tuchel - Giám đốc Trung tâm Tưởng niệm kháng chiến Đức, khoảng 1.700 người Do thái đã sống sót ở Berlin và khoảng 20.000 đến 30.000 người Đức không phải gốc Do Thái đã che giấu họ.

Điều đáng tiếc cho Ngày Chiến thắng năm nay là, tại Estonia (một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ), chính quyền nước này đã quyết định di dời Đài tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân Xô Viết ở quảng trường thủ đô Talin ra khỏi trung tâm thành phố (bức tượng đã được nhiều thế hệ đến đặt hoa tỏ lòng biết ơn trong suốt 6 thập niên qua), và khai quật hài cốt 12 chiến sĩ mai táng xung quanh bức tượng ngay trước lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, mà không được sự đồng ý của các thân nhân của họ. Hành động này không chỉ làm mối quan hệ giữa Nga và Estonia thêm căng thẳng mà còn gây nên sự phản đối của người dân ở nhiều nước trên thế giới.

Sự xúc phạm đối với vong linh những người đã tự nguyện ngã xuống vì những giá trị tự do, vì quyền được sống của mọi người là một hành động không thể chấp nhận. Nếu như không có cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nếu như không có Hồng quân Liên xô, và, nếu như chủ nghĩa phát xít không bị chặn đứng, tiêu diệt mà cứ bành trướng và đặt ách thống trị lên khắp châu Âu thì nhân loại sẽ ra sao? Mọi người chắc không thể quên những lò thiêu người kinh hoàng đã lấy đi mạng sống của hàng vạn người dân vô tội chỉ vì không có “dòng máu xanh” trong huyết quản. Hơn 350.000 người Đức gốc Do Thái đã bị sát hại trong lò thiêu người Holocaust. Những cái chết thê thảm của hơn 6 triệu người Do thái; biết bao người phải trốn chạy, sống lưu vong; sự tổn thất, tủi nhục của những quốc gia bị chủ nghĩa phát xít giày xéo luôn nhức nhối trong trái tim những người yêu chuộng hòa bình, tiến bộ.
 

Quang cảnh buổi diễu binh trên Quảng trường đỏ.
Ảnh: NEWSRU.com

Vì thế, “Nước Nga sẽ luôn luôn trân trọng ký ức của chiến thắng vĩ đại, tư tưởng anh hùng của cha ông chúng ta. Cũng như họ, chúng ta sẽ xả thân bảo vệ lợi ích của Tổ quốc”. Đó là lời phát biểu của Tổng thống Nga V.Putin trong Lễ kỷ niệm 62 năm Ngày Chiến thắng Phát xít Đức tại Quảng trưởng Đỏ ngày 9-5. Một cuộc diễu binh hoành tráng với sự tham gia của gần 7.000 quân nhân thuộc nhiều trường quân sự và đơn vị quân đội Nga đã diễn ra sáng 9-5 tại Thủ đô Mát-xcơ-va. Các đơn vị tham gia diễu binh mang quốc kỳ Nga, Cờ chiến thắng, cờ của các lực lượng vũ trang Nga lần lượt tiến vào Quảng trường Đỏ trong tiếng nhạc quân hành thời chiến, và trên bầu trời những tốp máy bay SU 27 và MIG 29 đang trình diễn những kỹ thuật bay cao cấp.

Trong bài diễn văn đọc tại cuộc diễu binh nhân Ngày Chiến thắng, Tổng thống V.Pu-tin đã nồng nhiệt chúc mừng toàn thể nhân dân Liên bang Nga, đặc biệt là cựu chiến binh và các lực lượng vũ trang Nga. Tổng thống nhấn mạnh: "Trong ngày kỷ niệm này, chúng ta luôn luôn suy nghĩ về vận mệnh của thế giới, về sự ổn định và an ninh trên thế giới. Hôm nay chúng ta một lần nữa bày tỏ lòng kính trọng đối với các nước trong liên minh chống phát-xít. Chúng ta không bao giờ quên đóng góp của họ vào việc đánh tan chủ nghĩa quốc xã". "Chúng ta nghiêng mình trước sự dũng cảm và ngoan cường của tất cả những ai đã đánh đuổi ngoại xâm và chặn đứng chủ nghĩa phátxít". Tổng thống V.Pu-tin tuyên bố: "Những kẻ hiện nay đang tìm cách hạ thấp những bài học kinh nghiệm giúp đỡ lẫn nhau qua gian khó, đang xúc phạm các đài kỷ niệm những Anh hùng trong cuộc chiến tranh chống phát xít, chính là đang thóa mạ dân tộc mình và gieo rắc thù hận, gây ra những sự ngờ vực mới giữa các quốc gia và nhân dân các nước".

18 giờ 55 phút (giờ Mát-xcơ-va, tức 21 giờ 55 phút giờ Hà Nội) ngày 9-5, tất cả các kênh phát thanh và truyền hình ở Liên bang Nga đều ngừng các chương trình thường lệ của mình để tạo nên một khoảng lặng thiêng liêng, xúc động. Đúng 19 giờ, chuông đồng hồ trên tháp Xpát-xcai-a tại Điện Crem-li điểm 7 tiếng (7 giờ tối), toàn thể người dân Nga dành một phút mặc niệm trên toàn quốc để tưởng nhớ những người ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống phát xít. Đúng 22 giờ (theo giờ các địa phương), tại các thành phố anh hùng của Nga như Mát-xcơ-va, Xanh Pê-téc-bua, Vôn-ga-grát, Nô-vô-rô-xi-xcơ, Tu-la, Xmô-len-xcơ, Muốc-man-xcơ, Xê-va-xtô-pôn... đã vang rền tiếng đại bác chào mừng ngày lễ thiêng liêng của dân tộc.

Trân trọng lịch sử và công lao của những người đã làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử nhân loại, ngày 7-5-2007, Tổng thống V.Putin đã ký Luật về Cờ chiến thắng, cho phép giữ lại cờ đỏ búa liềm của Hồng quân đúng như lá cờ đã cắm trên nóc nhà Quốc hội Đức 62 năm trước. Ông Nikolai Ryzhkov - thành viên của Hội đồng Liên bang Nga - nói: "Cha ông chúng ta đã chiến đấu với lá cờ đỏ búa liềm. Nó đã được treo trên toà nhà Quốc hội Đức (năm 1945), biểu tượng của chiến thắng phải được bảo tồn".

Hoa tuylip nở rực rỡ trên các đại lộ, màu xanh non của cây lá báo hiệu mùa hè sang, cờ và biểu ngữ chăng khắp các đường phố Mátxcơva cùng với lấp lánh những tấm huân huy chương trên ngực áo các cựu chiến binh càng làm náo nức thêm không khí Ngày Chiến thắng.