Việc hai ngân hàng Anh quốc là Ngân hàng Hồng Công-Thượng Hải (HSBC) và Standard Chartered vừa nhận giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam được đánh giá là sự kiện khởi động cho một cuộc đua giành thị phần giữa các ngân hàng nội và ngoại trên thị trường tài chính Việt Nam.

Theo cam kết về lộ trình mở cửa khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm 2008, Việt Nam sẽ phải “mở” toàn bộ các quy định về việc khống chế tỷ lệ tham gia góp vốn, dịch vụ, giá trị giao dịch của các ngân hàng nước ngoài và đến năm 2011, ngân hàng nước ngoài được đãi ngộ quốc gia đầy đủ đối với thẻ tín dụng.

Các ngân hàng nước ngoài cho biết đã rất chờ đợi thời điểm nói trên, đồng thời trước đó từ rất lâu đã thực hiện các phương thức khác để thâm nhập thị trường Việt Nam với những chiến lược đầu tư dài hạn.

Hiện tại Việt Nam đã có khoảng 34 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh và trên 40 văn phòng đại diện của các ngân hàng đến từ 10 quốc gia có mặt tại Việt Nam. Nhiều ngân hàng cũng đã mua cổ phần của các ngân hàng thương mại trong nước.

Hầu hết các ngân hàng nước ngoài này đều thuộc top 1.000 ngân hàng lớn trên thế giới như Standard Chartered, ANZ, HSBC và Deutsche Bank.

Tiềm năng của thị trường Việt Nam được các ngân hàng nước ngoài đánh giá cao, với dân số khoảng 85 triệu người đồng nghĩa với việc lượng khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng là rất lớn, trong khi các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam còn đang ở trình độ sơ khai. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao trong nhiều năm, và hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai cũng là những yếu tố quan trọng để các ngân hàng lớn trên thế giới để mắt tới thị trường này.

Mặt khác, 70% thị phần tài chính ngân hàng Việt Nam thuộc về các ngân hàng thương mại Nhà nước nên các ngân hàng nước ngoài có khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường trong thời gian ngắn.

Các chuyên gia cho rằng với việc thâm nhập thị trường ngân hàng Việt Năm bằng cả hai đường đầu tư trực tiếp và gián tiếp, theo thời gian,các ngân hàng nước ngoài sẽ dần dần chiếm thị phần lớn tại Việt Nam. Lợi thế này của ngân hàng nước ngoài sẽ dần đẩy các ngân hàng thương mại Việt Nam vào tình trạng mất thị phần và chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Dù thị phần của các ngân hàng trong nước hiện vẫn chiếm tới 90%, áp đảo các ngân hàng nước ngoài (chỉ có 10%). Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ nhanh chóng thay đổi trong thời gian ngắn, khi mà các ngân hàng nước ngoài đã được hiện diện tại Việt Nam với tư cách 100% vốn nước ngoài và có thể thực hiện hàng loạt các nghiệp vụ vốn bị bó hẹp như thẻ, tín dụng, huy động vốn, tham gia mua-bán và sát nhập ngân hàng.

"Các ngân hàng nước ngoài tuy hiện chỉ chiếm thị phần chưa đáng kể nhưng đây lại là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm vì họ có tiềm lực kinh tế mạnh và được sự hậu thuẫn từ ngân hàng mẹ về hệ thống thanh toán, các sản phẩm dịch vụ hiện đại," Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Công thương Phạm Huy Hùng nhận định.

Trong khi đó, thực tế cho thấy điểm yếu của các ngân hàng thương mại trong nước là quy mô tài chính rất nhỏ (trung bình gần 30 triệu USD), nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế còn lớn, khả năng tăng vốn và xử lý nợ xấu của gặp nhiều khó khăn.

Các sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng nội địa cũng đơn điệu, thiếu tiện ích và có chất lượng chưa cao khiến họ ít có lợi thế về khách hàng và hệ thống kênh phân phối.

Bản thân các ngân hàng nước ngoài thì cho biết không quá tham vọng chiếm lĩnh ngay thị trường Việt Nam mà mục tiêu trước mắt là đem tới nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích vốn đã quen thuộc trên thế giới đến với người tiêu dùng Việt Nam.

"Trong 5 đến 10 năm tới, các ngân hàng trong nước sẽ vẫn chiếm thị phần lớn, 85-90%. Hiện thị phần của các ngân hàng nước ngoài vẫn là 10% và trong tương lai gần sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, điều các ngân hàng nước ngoài có thể đóng góp là giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế đến Việt Nam và giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn quốc tế qua việc phát hành cổ phiếu chẳng hạn. Vì theo ước tính, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần khoảng 50 tỉ USD và chúng tôi sẽ hỗ trợ quá trình đó"Tổng Giám đốc Standard Chartered tại Việt Nam Ashok Sud nói./.