Quỹ Phát triển Liên hợp quốc vì Phụ nữ ngày 18-9 đã công bố bản báo cáo về sự tiến bộ của phụ nữ trên thế giới năm 2008-2009, trong đó kêu gọi chính phủ các nước cần nỗ lực hơn nữa bảo vệ quyền của phụ nữ.

Theo bản báo cáo trên, hiện nay trên thế giới, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ vị trí lãnh đạo, đặc biệt trong Quốc hội chỉ bằng 1/4 so với nam giới, thu nhập của phụ nữ thấp hơn so với của nam giới tới 17%, mỗi năm có hơn 500.000 bà mẹ chết khi mang thai hoặc sau khi sinh con 6 tuần.

Trong khi đó, khoảng cách thu nhập giữa hai giới khá cách biệt trong các công ty tư nhân, đàn ông có cơ hội được giao các vị trí quản lý cao gấp 5 lần so với phụ nữ và hơn 60% người làm nội trợ không công trên toàn thế giới là phụ nữ.

Phát biểu trước báo giới trong buổi công bố bản báo cáo, bà Ines Alberdi, Giám đốc điều hành quỹ trên cho rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng phân biệt đối xử giữa nam giới và nữ giới, trước hết phụ nữ phải được trao các vị trí quan trọng cả trên chính trường, thương trường và lĩnh vực dịch vụ công cộng. Tiếp đến, những điều căn bản để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ phải trở thành tâm điểm trong kế hoạch hành động của chính phủ.

Theo báo cáo trên, có 5 lĩnh vực mà sự hiện diện của phụ nữ cần được tăng cường là chính trị và chính phủ, tiếp cận các dịch vụ công cộng, kinh tế, tư pháp và phân phối cứu trợ quốc tế. Trên thực tế, tỷ lệ phụ nữ là thành viên Quốc hội đã tăng từ 8% lên 18,4% trong giai đoạn 1998-2008.

Về vấn đề sức khỏe của thai phụ và sản phụ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đánh giá tiến độ cải thiện chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ hết sức "ảm đạm" mặc dù tỷ lệ tử vong của các thai phụ và sản phụ đã giảm còn 0,4%/năm. Theo ông, để đảm bảo sức khoẻ các bà mẹ, các quốc gia phát triển phải đảm bảo cung cấp các điều kiện tối thiểu cho các nước đang phát triển như dịch vụ chăm sóc thai phụ, lực lượng y bác sĩ giỏi chuyên môn giúp họ "vượt cạn".

Bản báo cáo được công bố trước thềm Hội nghị Bộ trưởng của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần tới. Trong khuôn khổ hội nghị này, có một cuộc họp đặc biệt ngày 25-9 nhằm đánh giá quá trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) về xoá đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, thúc đẩy bình đẳng giới và cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ vào năm 2015./.