TCCS - "Năm thử thách đầu đời" là một trào lưu xã hội đã từng được phát triển rất sớm trong thanh niên ở Anh, một số nước châu Âu khác và Mỹ nhưng còn mới mẻ đối với thanh niên ở Nga và nhiều nước. Thanh niên sau khi tốt nghiệp trung học hoặc đại học quyết định có được một năm tự thử thách mình trong trường đời trên khắp thế giới với ý muốn "đi một ngày đàng, học một sàng khôn".

Nước Anh - xứ sở của ý tưởng "Năm thử thách đầu đời" của thanh niên

Các bậc cha mẹ ở nước Anh có một triết lý rất đáng lưu ý, gọi là "triết lý con cò". Theo đó, họ thường cho phép con cái tự lập sau khi đã tới tuổi vị thành niên, cũng giống như loài cò từ hàng ngàn đời nay có cách dạy con bay rất độc đáo. Một khi thấy con mình đã có đủ lông đủ cánh để có thể bay được, chúng đẩy chim con ra khỏi tổ, tự học cách dang đôi cánh ra để bay. "Công nghệ dạy con bay" của loài cò đã được khái quát thành một triết lý giáo dục con cái rất đặc sắc của các bậc cha mẹ ở xứ sương mù.

Từ triết lý này khai sinh một trào lưu mang tên "Gap Year" cho phép thanh niên Anh tự thử sức mình và học hỏi kinh nghiệm trong những năm 60 của thế kỷ XX. Năm 1967, ở Anh hình thành Quỹ "Project Trust" nhằm gửi thanh niên ra nước ngoài làm việc một thời gian để làm quen với các nền văn hóa đa dạng, đa sắc màu của các dân tộc. Trong những năm 1970, trào lưu "Gap Year" phát triển rất mạnh và nảy sinh thêm phong trào "Thanh niên tình nguyện". Năm 1977, tổ chức "Gap Activity Projects" của Anh ra đời, được đông đảo thanh niên trên toàn nước Anh ủng hộ, từ tầng lớp quý tộc tới bình dân, nhằm hai mục đích cho thanh niên trải nghiệm thực tế và tìm kiếm thu nhập cho bản thân. Trong những năm 1990, chương trình "Gap Year Travel" (Năm lữ hành) và "Gap Year Volunteering" (Năm tình nguyện) bắt đầu lan rộng ra ngoài nước Anh. Với sự trợ giúp của mạng thông tin toàn cầu Internet, trào lưu "Gap Year" nhanh chóng trở nên khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn"

Ở một số nước châu Âu và Mỹ, tuyệt đại đa số thanh niên bắt đầu sống tự lập rất sớm với sự khuyến khích và ủng hộ của cha mẹ. Họ quyết định rời vòng tay cha mẹ và từ bỏ thói quen sống dựa dẫm. Nhiều hãng và công ty ở châu Âu và Mỹ thích tuyển dụng những người trẻ tuổi đã có một thời gian, ít nhất là một năm, tự trải qua kinh nghiệm sống và làm việc. Họ rất ít khi thu nạp những "lính mới" mặc dù những người đó có thể có nhiều bằng cấp trong tay, bởi theo họ, những người này giống như một loại "gà công nghiệp", quen được nuôi bằng thức ăn được bày sẵn, không biết tự tìm mồi. Nhiều hãng và công ty còn chủ động cho phép nhân viên của họ bỏ ra khoảng một năm đi đây đi đó khắp thiên hạ để tự quan sát và trải nghiệm.

Điều trên không giống với ở Nga và một số nước khác ở châu á, mà ở đó, thanh niên chỉ đi tìm việc làm theo đúng chuyên ngành đã từng được đào tạo càng sớm càng tốt. Một khi không tìm được công việc phù hợp với ngành nghề đào tạo sẵn trên ghế nhà trường, họ sẽ cảm thấy thất vọng, mất niềm tin vào tương lai. Giới chủ ở Nga và một số nước khác ở châu á cũng chỉ ưu tiên tuyển những nhân viên không bị gián đoạn trong "hồ sơ lao động". Do đó, người lao động thật khó giải thích với ông chủ rằng, kỹ năng nghề nghiệp của họ đã từng được đào tạo cơ bản hoàn toàn không bị mai một sau một năm trải nghiệm ở nước ngoài theo phong trào "Gap Year". Tình hình này hiện đang thay đổi. Các ông chủ ở Nga và một số nước khác ở châu á đang chú trọng tuyển dụng những nhân viên trẻ có đủ bản lĩnh sau một thời gian tự trải nghiệm cuộc sống ở trong nước và nước ngoài.

Thử thách tìm kiếm thu nhập cho bản thân khi còn đi học

Thanh niên trên thế giới khi đang ngồi trên ghế nhà trường đã nghĩ tới chuyện thử sức và khả năng của mình trong việc tìm kiếm thu nhập chính đáng cho bản thân bằng sức lao động và trí tuệ cá nhân. Đây cũng là một trong những cách rèn luyện bản lĩnh, kẻ cả đối với con cái các nhà tỷ phú đô la.

Theo số liệu của các tổ chức nghiên cứu thanh niên trên thế giới công bố năm 2002, một thanh niên đang ngồi trên ghế nhà trường ở các nước Bắc Mỹ chi tiêu trung bình cho các nhu cầu cá nhân là 337 USD một tháng. Trong khi đó, tổng số tiền các bạn trẻ trong độ tuổi thiếu niên tự kiếm được số tiền bằng sức lao động chính đáng của họ là 112 tỉ USD. Trong một năm, mỗi một thiếu niên ở các nước này tự kiếm khoảng 2.800 USD. Tính ra, họ đã tự trang trải được khoảng 70% số tiền mình tiêu. Như vậy, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tuổi trẻ ở những nước giàu Bắc Mỹ đã không hoàn toàn dựa vào sự chu cấp của cha mẹ để trang trải cho các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Đây quả thật là điều đáng suy ngẫm. Điều lạ nữa là những em tích cực tham gia lao động để tìm kiếm thu nhập cho bản thân lại chính là những người thành đạt nhất trong học tập.

Chính vì đáp ứng nhu cầu này mà tại hầu hết các trường đại học ở Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Anh, Niu Di-lân và các nước châu Âu đều có chương trình tìm kiếm việc làm cho học sinh, sinh viên. Việc làm thêm không chỉ giúp học sinh kiếm thêm tiền trang trải một phần chi phí, mà còn hỗ trợ các em rất nhiều trong việc tích lũy vốn sống và kinh nghiệm nghề nghiệp để chuẩn bị cho tương lai, tìm hiểu lịch sử văn hóa các nước. Nhiều công ty và hãng còn sẵn sàng phụ cấp thêm cho những học sinh, sinh viên có năng lực để các em được thực tập tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh của họ nhằm đào tạo nhân lực công nghệ cao trong tương lai.

Tùy thuộc vào thể chế kinh tế - xã hội, mỗi nước có những quy định riêng đối với hoạt động tìm kiếm việc làm cho học sinh, sinh viên. Do đó, học sinh, sinh viên có xu hướng tìm kiếm việc làmkhác nhau. Thí dụ, ở Ô-xtrây-li-a, học sinh, sinh viên có xu hướng chọn xin việc ở các nhà hàng ăn uống hoặc lao động ở các nông trại. Nhưng những nơi này thường chỉ thuê lao động theo dạng "tạm thời" (casual), không trả lương tối thiểu như chính phủ quy định, và thường trả bằng tiền mặt để người làm công không phải đóng thuế, không có các quyền lợi về an sinh xã hội như bảo hiểm lao động. Ngoài hình thức lao động tạm thời, còn có hình thức làm việc bán thời gian (Part-time jobs). Đây là việc làm mang tính chất lâu dài, ổn định hơn so với công việc thời vụ, theo đó người làm công được hưởng các quyền lợi mà theo đó nhà tuyển dụng phải đóng thêm 9% lương của nhân viên vào quỹ lương; đóng tiền bảo hiểm lao động cho người làm công. Những con số về mức tiền công lao động trong một giờ có thể giúp ta hình dung rõ hơn về thu nhập nhờ làm thêm của học sinh, sinh viên ở Ô-xtrây-li-a. Làm việc trong tiệm phở Việt Nam ở Ô-xtrây-li-a: 6 - 8 đô la Ô-xtrây-li-a (AUD); ở tiệm Mắc Đô-nan (Mc Donald): 9 - 13 AUD; công việc Văn phòng: 17 AUD, v.v..

Ở Anh, việc làm thêm để kiếm thu nhập đối với học sinh, sinh viên khó khăn hơn so với ở Ô-xtrây-li-a. Thí dụ, một sinh viên Hồng Công có bố mẹ là bác sĩ mở một phòng khám tư ở thành phố Man-che-xtơ (Manchester) sau khi tới định cư ở Anh, vẫn bán hàng trong một cửa hàng nhỏ để lấy tiền trả học phí. Anh ta làm việc từ 4 giờ chiều tới 10 giờ 30 đêm trong ngày với tiền công chỉ có khoảng 4 bảng cho một giờ làm việc. Đa số sinh viên nước ngoài ở Anh tới tìm việc trong các nhà hàng với mục đích nâng cao kỹ năng nói và nghe tiếng Anh, đồng thời bổ sung thêm vốn sống.

Ở Mỹ, học sinh, sinh viên các nước tới xin việc làm nhằm nhiều mục đích khác nhau như nâng cao trình độ tiếng Anh, tìm kiếm thu nhập cao, tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quản lý tiên tiến ở quốc gia này, "săn lùng" học bổng tại các trường phổ thông và đại học. Những việc làm thêm ở Mỹ thường gặp nhất là bán hàng, tiếp tân khách sạn, nhà hàng, tạp vụ, văn phòng. Nếu năng nổ tìm thêm nhiều việc làm bánthời gian, bất cứ học sinh, sinh viên nào cũng có thể kiếm được hơn 100 USD/ngày.

Một vài chia sẻ kinh nghiệm đầu đời của thanh niên ở Nga

Sau khi du nhập vào Nga, trào lưu "Gap Year" đã giúp nhiều thanh niên có kinh nghiệp lập nghiệp khá tốt sau một thời gian trải nghiệm ở nước ngoài. Họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các bạn cùng trang lứa. Anh I-go, sang Mỹ theo phong trào "Gap Year", đã từng làm việc trong một hiệu làm đầu nhỏ ở Niu Oóc. Khi I-go mới được tuyển vào thử việc, người thợ cả ở đây đã làm hỏng mái tóc của một nữ khách hàng đang chuẩn bị đón mừng một ngày lễ trọng đại trong đời. ở Mỹ, chuyện làm hỏng tóc của khách hàng có thể bị truy tố trước tòa án bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Lúc đó, I-go được giao nhiệm vụ "chữa cháy". Ban đầu nữ khách hàng tỏ ra do dự, chưa tin và muốn biết liệu có phải ở Mát-xcơ-va, I-go đã từng làm đầu cho Đệ nhất phu nhân của nước Nga lúc ấy là bà Lút-mi-la Pu-ti-na (Lyudmila Putinna). I-go nói nửa đùa nửa thật rằng anh đã từng làm việc đó. Thế là nữ khách hàng chấp nhận để I-go "trổ tài". Quả nhiên, I-go đã "chữa cháy" thành công, nữ khách hàng tỏ ra mãn nguyện và sau đó còn giới thiệu nhiều bạn gái của mình đến làm tóc ở tiệm mà I-go làm công. Rất nhanh chóng, tiếng tăm về tài năng của I-go nổi như cồn và anh trở thành ngôi sao thực sự trong làng thẩm mỹ viện ở Niu Oóc. Sau đó, I-go trở về Nga không phải với tư cách cựu sinh viên cao đẳng mà là chuyên gia làm tóc đẳng cấp quốc tế.

Một nữ thanh niên Nga khác có kinh nghiệm rất đáng suy ngẫm. Đó là I-ri-na Mô-khô-va. Mấy năm trước, I-ri-na là nữ sinh viên vừa tốt nghiệp đại học với cái nhìn ngơ ngác trước cuộc đời. Sau khi quyết định sang Mỹ thử sức mình theo phong trào "Gap Year", I-ri-na hết sức ngạc nhiên khi thấy các bạn trẻ người Mỹ rất dễ dàng rời bỏ vòng tay cha mẹ để tự thử sức mình trên đường đời.

I-ri-na nhận thấy "quy trình công nghệ" lập thân theo kiểu "trường phổ thông - đại học - công việc - gia đình" không phải là con đường lập nghiệp duy nhất. Sau khi thực tập ở Mỹ, I-ri-na tự nhận thấy cần phải học thêm tiếng Anh. Qua mạng Internet, I-ri-na tìm được việc phục vụ bàn trên một du thuyền đường biển của Anh. Một năm rưỡi lênh đênh trên biển dài ngày, say sóng, nhàm chán, làm việc không ngơi nghỉ. Sau đó, I-ri-na quyết định trở về đất liền và gửi hồ sơ xin việc. Cô nhanh chóng tìm được việc làm phiên dịch tại một công ty. Ông chủ công ty sau khi nhìn thấy dòng tự khai trong hồ sơ "đã từng làm việc một năm rưỡi trên một du thuyền Anh", thì quyết định nhận I-ri-na và đồng ý trả mức lương "dễ thở". Hiện nay, I-ri-na đã trở thành chuyên gia chính của một công ty của Mỹ có chi nhánh ở Nga với đồng lương ổn định và khá cao.

*

* *

Như vậy, trước khi bước vào biển đời mênh mông, trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập, thanh niên các nước muốn được thử sức lực và ý chí của mình, cũng như tích lũy vốn sống và được trải nghiệm thực tiễn vô cùng đa dạng và phong phú không chỉ trên quê hương mình mà còn ở những xứ sở xa xôi trên khắp hành tinh. Từ ý muốn này sẽ nảy nở nhiều hình thức hoạt động và những phong trào mới, đem lại cho thanh niên cách nhìn nhận mới mẻ về thế giới cũng như gợi mở cho họ nhiều cách giải quyết sáng tạo trước những khó khăn và thách thức trên đường đời./.