Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong ngành công thương
TCCS - Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của các cấp ủy trong các bộ, ngành, địa phương, thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng và nhằm kịp thời phát hiện những khuyết điểm, yếu kém, để tìm cách khắc phục, góp phần thực hiện thắng lợi những chủ trương, chính sách và mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra. Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, những năm qua các cấp ủy đảng cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.
Những kết quả đạt được và hạn chế cần khắc phục
Tại Bộ Công Thương, có thể khẳng định việc triển khai thực hiện Điều lệ Đảng khóa X về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đã gặp rất nhiều thuận lợi. Những yếu tố tác động tích cực đến công tác này có thể kể đến là:
- Đảng đã có chủ trương về đẩy mạnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, như có Nghị quyết Đại hội X, Nghị quyết Trung ương 5 và các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
- Có sự chỉ đạo chặt chẽ, tập trung của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Thành ủy Hải Phòng, Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương...
- Các cấp ủy và đảng viên đều có sự nhận thức đúng đắn về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của các tổ chức đảng và đảng viên.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra luôn tâm huyết với công việc, có trình độ, nhiều đồng chí hiện giữ vị trí chủ chốt trong Đảng và chính quyền.
- Các tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát đều có ý thức tự giác cao, có sự hợp tác chặt chẽ với đoàn kiểm tra.
- Cán bộ làm công tác kiểm tra đảng đều được học tập, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.
Vì vậy, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa X về công tác kiểm tra, giám sát, các đảng bộ của Bộ Công Thương đã đạt được một số kết quả sau đây:
- Các tổ chức đảng trong ngành công thương đều nghiêm túc tổ chức quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ các tổ chức đảng trực thuộc thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Nghị quyết Trung ương 10 và Hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.
- Sau khi có Nghị quyết của Trung ương, các cấp ủy thuộc Bộ đã kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện, như: Xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết; các văn bản hướng dẫn, chuyên đề thảo luận, trao đổi về công tác kiểm tra, giám sát; quy chế làm việc của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp; chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra nhiệm kỳ và hằng năm; kế hoạch giám sát chuyên đề đối với tổ chức đảng và đảng viên theo hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đồng thời phân công cấp ủy theo dõi các tổ chức đảng trực thuộc. Các tổ chức đảng đăng ký thi đua phấn đấu đạt trong sạch, vững mạnh và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...
- Cấp ủy và ủy ban kiểm tra của 14 đảng bộ trong ngành công thương đều triển khai thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của đơn vị và đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, cấp ủy của 14 đảng bộ cấp trên cơ sở ngành đã tiến hành kiểm tra 5.466 tổ chức đảng và đảng viên, thực hiện giám sát chuyên đề đối với 683 tổ chức đảng và đảng viên. Ủy ban kiểm tra của 14 đảng bộ cấp trên cơ sở ngành đã tiến hành kiểm tra 64 tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra 1.114 tổ chức đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, 22 tổ chức đảng trong việc thực hiện thi hành kỷ luật đảng, 37.342 tổ chức đảng và đảng viên trong việc thu nộp và sử dụng đảng phí và thực hiện giám sát chuyên đề đối với 115 tổ chức đảng và đảng viên.
- Về thi hành kỷ luật đảng, đảng ủy và ủy ban kiểm tra các đảng ủy của 14 đảng bộ cấp trên cơ sở đã thi hành kỷ luật 197 tổ chức đảng và đảng viên (trong đó có 3 tổ chức đảng, 194 đảng viên).
- Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra có trình độ và tâm huyết với công việc.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát của các đảng bộ thuộc Bộ vẫn còn tồn tại những khuyết điểm sau đây:
- Công tác kiểm tra, giám sát của các đảng bộ trong thời gian qua vẫn còn mang tính hình thức, chưa được tiến hành thường xuyên, chưa gắn với công tác tư tưởng, công tác tổ chức.
- Công tác tham mưu của ủy ban kiểm tra giúp cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát tại các đảng bộ trong ngành còn hạn chế.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra chủ yếu là kiêm nhiệm nên hoạt động chưa thực sự ngang tầm với nhiệm vụ kiểm tra.
- Chức năng, nhiệm vụ của đảng ủy được giao quyền cấp trên cơ sở chưa rõ ràng, dẫn đến mỗi người hiểu theo một cách, vì vậy việc triển khai thực hiện gặp những khó khăn nhất định.
- Đảng bộ hoạt động trong nhiều lĩnh vực và có quá nhiều tổ chức đảng trực thuộc đóng trên nhiều địa bàn khác nhau dẫn đến việc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đôi khi chưa kịp thời.
- Chất lượng của các cuộc kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra đôi lúc còn chưa cao.
Sở dĩ như vậy vì công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng tại Bộ Công Thương còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Đó là, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của loại hình tổ chức đảng cấp trên cơ sở chưa được quy định, do vậy rất khó khăn cho hoạt động công tác đảng thuộc loại hình tổ chức này. Công tác giám sát lại là một nội dung lớn, trong khi hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn một số vấn đề chưa được rõ hoặc khó thực hiện (ví dụ, việc giám sát đối với cấp ủy đảng cùng cấp là điều khó khăn, nhất là đối với bí thư và phó bí thư hoặc giám sát đảng viên là người đứng đầu đơn vị). Các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng cũng chưa đầy đủ. Như, Hướng dẫn số 11-HD/KTTW, ngày 24-3-2008 về thực hiện Quy định số 94-QĐ/TW, ngày 15-10-2007 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chưa có hướng dẫn chi tiết về hình thức kỷ luật đối với đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống...; khi thực hiện công tác giám sát đảng viên theo Hướng dẫn số 06-HD/KTTW, ngày 27-7-2007 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nếu đối tượng giám sát là cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý, thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao thì việc tiến hành giám sát rất khó khăn. Ngoài ra, cùng một sự việc song có nhiều thông tin trái chiều trên báo chí dẫn đến việc thẩm tra, xem xét, kết luận gặp nhiều khó khăn. Bộ máy kiểm tra của các đảng bộ cơ sở đều là kiêm nhiệm, do vậy quỹ thời gian dành cho công tác kiểm tra không nhiều, mặt khác cán bộ kiểm tra của một số đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm, hạn chế về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ nên còn gặp khó khăn trong việc tiến hành kiểm tra. Một số đảng bộ có nhiều tổ chức đảng trực thuộc đóng trên nhiều địa bàn khác nhau, hay quy trình kiểm tra, giám sát có quá nhiều bước phức tạp, mất nhiều thời gian cũng là những khó khăn đối với công tác kiểm tra, giám sát tại Bộ Công Thương.
Một số kinh nghiệm rút ra
Nhìn chung, qua công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Điều lệ Đảng khóa X những năm qua, Bộ Công Thương đã rút ra được một số kinh nghiệm:
- Để làm tốt công tác này các cấp ủy đảng và đảng viên phải nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa, tác dụng về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.
- Việc lãnh đạo, chỉ đạo giữa cấp ủy và ủy ban kiểm tra về công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng - chính quyền - đoàn thể; kế hoạch kiểm tra phải cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, việc giám sát phải được mở rộng, đặc biệt ở những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.
- Coi trọng vấn đề bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát.
- Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra của cấp ủy phải xây dựng quy chế làm việc, chương trình công tác nhiệm kỳ và hằng năm để dễ tổ chức thực hiện.
- Khi tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là công tác giám sát theo chuyên đề, trước hết phải tạo sự nhất trí giữa cấp ủy và chính quyền, như vậy, việc giám sát sẽ không mang tính hình thức.
- Bám sát nội dung, thời gian, mốc giám sát để chỉ đạo đối tượng được giám sát thực hiện và cần thường xuyên báo cáo kết quả về người được phân công giám sát hoặc tổ giám sát nhằm báo cáo cấp ủy chỉ đạo kịp thời nếu có khuyết điểm thiếu sót.
- Duy trì chế độ sinh hoạt của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đối với công tác kiểm tra, giám sát.
- Công tác kiểm tra, giám sát phải được kết hợp với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời phải gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
- Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
- Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải được sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả và rút ra những bài học kinh nghiệm.
- Muốn làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đòi hỏi cấp ủy và cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát luôn bám sát cơ sở, tạo sự gắn kết giữa các cấp ủy đảng trong Đảng bộ.
Những kiến nghị đề xuất
Xác định công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng là một việc làm cần thiết thường xuyên và có ý nghĩa lâu dài, qua thực tiễn những năm vừa qua, Bộ Công Thương có một số kiến nghị đề xuất nhằm thực hiện công tác này tốt hơn trong thời gian tới như sau:
a) Kiện toàn hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương một cách thống nhất; bổ sung phần hệ thống tổ chức đảng trong các bộ, ngành vào Điều lệ Đảng. Ban Tổ chức Trung ương cần có quy định cụ thể về biên chế cán bộ chuyên trách công tác đảng và công tác kiểm tra, giám sát trong các cấp ủy; có quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của các tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp. Nghiên cứu việc sinh hoạt chi bộ ở nhiều địa bàn khác nhau một cách phù hợp bởi nếu thực hiện một tháng một lần đối với các tổ chức đảng trong các công ty cổ phần, liên doanh sẽ là điều rất khó khăn. Đề nghị bổ sung mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp vào Điều lệ Đảng.
Về kỷ luật đối với đảng viên, theo hướng dẫn của Bộ Chính trị (Quyết định số 25-QĐ/TW), tại Điều 40.3 có quy định đảng viên bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức trong vòng 1 năm kể từ ngày công bố quyết định không được bầu vào cấp ủy (từ chi ủy trở lên), không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn. Trong khi đó, Điều 6 khoản 5 của Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lại quy định trong thời gian bị kỷ luật từ khiển trách trở lên, không được bố trí bổ nhiệm, bổ nhiệm lại... Sự khác nhau này gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện công tác cán bộ, do đó nên được thống nhất.
b) Có quy định thống nhất việc xử lý kỷ luật của Đảng và của chính quyền đối với đảng viên vi phạm. Nếu đối tượng được giám sát là cán bộ đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý, thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, thì khi tiến hành giám sát đề nghị giao cho cấp quản lý cán bộ đó thực hiện và có sự phối hợp với cấp ủy nơi đảng viên đang sinh hoạt. Ngoài ra, đề nghị rút gọn quy trình kiểm tra đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, ban hành mẫu báo cáo thống kê công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng cho phù hợp. Quy định rõ trách nhiệm phối hợp kiểm tra, xác minh giữa các cơ quan đảng với các cơ quan chức năng, đồng thời bổ sung Điều 30 trong Điều lệ Đảng về nhiệm vụ của cấp ủy trong công tác kiểm tra, giám sát cho cụ thể hơn. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nghiên cứu, bổ sung một số nội dung trong Quy định số 94-QĐ/TW, Quy định số 115-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 11-HD/UBKTTW, Hướng dẫn số 12-HD/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thực hiện Quy định số 115-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, vì trong những văn bản trên chưa bao hàm hết mọi vi phạm, nên việc áp dụng xử lý trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn.
Về quy định đình chỉ sinh hoạt đảng viên, theo hướng dẫn của Bộ Chính trị bằng Quyết định số 25-QĐ/TW (ngày 24-10-2006), tại Điều 40.4 có quy định đảng viên bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền ra quyết định truy tố, tạm giam thì phải đình chỉ sinh hoạt đảng. Có một số trường hợp đảng viên bị khởi tố, không tạm giam, nhưng cơ quan điều tra lại thường vận dụng Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị (ngày 7-7-2007) để đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền đình chỉ sinh hoạt đảng viên, vậy đề nghị có hướng dẫn cụ thể để thống nhất thực hiện vấn đề này.
Cũng tại Điều 40.4, Bộ Chính trị quy định thời hạn đình chỉ sinh hoạt của đảng viên bị truy tố, bị tạm giam và thời hạn đình chỉ sinh hoạt của cấp ủy khi bị khởi tố được tính theo thời hạn quy định của pháp luật. Trên thực tế, có vụ án sau nhiều năm mới được xét xử, hoặc đảng viên đó được tại ngoại chờ xét xử... Do đó, đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn để bảo đảm quyền của đảng viên trong sinh hoạt đảng cho các trường hợp như trên. Thêm nữa, nghiên cứu để giảm bớt các bước trong quy trình kiểm tra, giám sát cho phù hợp với tình hình thực tế và nên có chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát.
c) Có quy chế phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy Hải Phòng để phối hợp lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng Đảng đối với 14 đảng bộ cấp trên cơ sở ngành công thương và chỉ đạo các cơ quan đoàn thể, chuyên môn trong Bộ phối hợp với Đảng ủy Bộ trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
d) Sớm ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các tổ chức đảng cấp trên cơ sở hoạt động trong các bộ, ngành. Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy Hải Phòng tạo điều kiện cho 14 đảng bộ cấp trên cơ sở ngành công thương hoàn thành tốt nội dung “Hợp tác trao đổi kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng của 14 đảng bộ cấp trên cơ sở ngành công thương” đã được ký kết vào tháng 12-2008. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng./.
Phong trào thanh niên - động lực phát triển đảng của tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh  (08/04/2010)
Các hội nghị trù bị của ASEAN 16  (06/04/2010)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển