TCCSĐT - Ngày 6-4-2010, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Các đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Ngô Văn Dụ, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương chủ trì Hội nghị.
 
Dự Hội nghị có 350 đại biểu đại diện lãnh đạo từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, cùng các doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu.

Khẳng định ý nghĩa, vai trò, sự đóng góp to lớn của khu vực kinh tế tư nhân trong những năm qua, những kết quả đạt được cũng như những yếu kém còn tồn tại, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi quay quanh một số nội dung chủ yếu sau:

- Khẳng định Nghị quyết số 14 -NQ/TW (khóa IX) đi vào cuộc sống nhanh nhất, được tổ chức thực hiện tốt nhất và được đông đảo nhân dân hưởng ứng nhất, đáp ứng thực tiễn yêu cầu phát triển của doanh nghiệp trong những năm qua. Nhờ vậy sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết số lượng các doanh nghiệp tư nhân đã tăng một cách nhanh chóng.

- Khu vực kinh tế tư nhân tư nhân đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của đất nước thông qua việc tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động và bảo đảm an sinh xã hội. Các doanh nghiệp tư nhân đã trụ vững một cách dẻo dai qua cuộc khủng khoảng kinh tế, thực sự khẳng định là một động lực kinh tế năng động, sáng tạo và cùng tồn tại với các thành phần kinh tế khác ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

- Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm đã có những chính sách đúng, nhiều cơ chế, hoạt động cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển, nhưng đến nay, khu vực kinh tế này vẫn gặp những khó khăn, trở ngại trong thực tế. Như: nhận thức của các ngành, các cấp về các doanh nghiệp tư nhân chưa đều nhau, doanh nghiệp tư nhân còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, công nghệ, sự hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, mặt bằng sản xuất, kinh doanh...Thực sự, các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam còn nhỏ bé về quy mô, số lao động, nguồn vốn, năng lực cạnh tranh và khả năng kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu so với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Các đại biểu đều thống nhất kiến nghị trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách (sửa đổi, bổ sung luật đầu tư, doanh nghiệp, lao động, thi đua khen thưởng...) nhằm tạo môi trường pháp lý hoàn chỉnh để doanh nghiệp tư nhân được phát triển một cách bài bản, ổn định, lâu dài. Giải quyết một loạt vấn đề về đất đai, lao động, công nghệ, thủ tục hành chính... càng sớm càng tốt trên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ, bình đẳng, tạo kỷ cương, bảo đảm sự phát triển ổn định, thống nhất cho các doanh nghiệp tư nhân. Đẩy nhanh tái cấu trúc doanh nghiệp với tái cấu trúc kinh tế, huy động sức mạnh và tạo cơ hội cho khu vực kinh tế này phát triển.

Những kiến nghị khác như nên thiết lập các quan hệ đối tác với các tập đoàn xuyên quốc gia để các doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy quá trình mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp lớn mạnh hơn; hay xây dựng và triển khai chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ.... cũng được các đại biểu đề cập đến./.