“Vũng kép lầy”

Trần Bá Khoa
10:41, ngày 06-04-2010

TCCS - Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma nói: "Nếu Ô-xa-ma Bin La-đen nằm trong tầm ngắm của chúng ta và chính phủ Pa-ki-xtan không đủ khả năng hoặc không muốn bắt chúng, tôi nghĩ chúng ta phải hành động - phải tống cổ chúng khỏi nơi này. Chúng ta phải đập tan An Kê-đa. Đây là ưu tiên cao nhất của an ninh quốc gia Mỹ".

Sa lầy trầm trọng

Chiến thắng chớp nhoáng của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan (năm 2001) không kéo dài được bao lâu, nay đã trở thành "vũng lầy kép Áp-ga-ni-xtan - Pa-ki-xtan”. Theo đánh giá của Mỹ và NATO, Pa-ki-xtan (chủ yếu khu vực biên giới) đã trở thành đất thánh, căn cứ hậu phương tuyển mộ và huấn luyện, căn cứ đầu não tối cao của Ta-li-ban và An Kê-đa, không những là địa bàn xuất phát tiến công của Ta-li-ban đánh vào liên quân Mỹ, NATO ở Áp-ga-ni-xtan mà cả đối với các cuộc tiến công khủng bố của An Kê-đa trên khắp thế giới từ Anh, Tây Ban Nha, Bắc Phi đến Ấn Độ, I-ran, Đông - Nam Á. Vì vậy, Pa-ki-xtan gắn liền với Áp-ga-ni-xtan trở thành mắt xích trọng yếu trong một chiến trường thống nhất khủng bố và chống khủng bố, nổi dậy và chống nổi dậy rất khốc liệt. Khu vực biên giới Pa-ki-xtan trở thành nơi "nguy hiểm nhất hành tinh" (B. Ô-ba-ma, 27-3-2009).

An ninh và kết cục cuộc chiến tranh Áp-ga-ni-xtan còn phụ thuộc vào hậu thuẫn của các nước láng giềng xung quanh. Trong điều kiện đường tiếp tế huyết mạch xuyên Pa-ki-xtan chạy qua những khu vực đồi núi hiểm trở và không ổn định thường bị phiến quân Ta-li-ban có nguồn gốc từ Áp-ga-ni-xtan hay ngay tại Pa-ki-xtan liên tục ngăn chặn cướp phá, Mỹ và NATO đã phải tìm cách thương lượng với Nga và nhiều nước Trung Á để khai thông con đường tiếp tế phía bắc đi qua các nước này.

Cuối năm 2008, đầu năm 2009, Ta-li-ban và An Kê-đa đã chiếm lĩnh hầu hết 3 tỉnh dọc biên giới với Áp-ga-ni-xtan (Có tin nói kiểm soát 12.000 km2) và tháng 2-2009 chính phủ Áp-ga-ni-xtan nhân nhượng ký hiệp định cho phép các thủ lĩnh Ta-li-ban người Pa-ki-xtan ở tỉnh biên giới tây bắc (NWFP) sát kề với thủ đô I-xla-ma-bát (cách 130 km) được thực thi luật Hồi giáo Sa-ri-a và thẳng tay đàn áp phụ nữ, đóng cửa hàng loạt trường nữ sinh (8.000 nữ giáo viên buộc phải nghỉ việc và 80.000 nữ sinh không được phép tới trường). Trước tình hình chính trị quân sự ở cả hai nước Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan xấu đi nghiêm trọng, ngày 23-1 tức 3 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống B. Ô-ba-ma ra lệnh cho máy bay không người lái bắn tên lửa vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Pa-ki-xtan làm 18 dân thường chết. Tiếp đó ngày 17-2 ra lệnh tăng viện 17.000 lính chiến đấu đến Áp-ga-ni-xtan và ngày 27-3 chính thức công bố chiến lược mới đối với hai nước này, với "mục tiêu tập trung và minh bạch; phá vỡ, làm tan rã và đánh bại An Kê-đa và ngăn chặn không cho chúng quay trở lại hai nước này". Chiến lược mới "toàn diện và linh hoạt" này bao gồm không chỉ quân sự mà cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa..., sẽ được bảo đảm bằng nguồn lực đầy đủ để triển khai và định kỳ xem xét, đánh giá mức độ tiến triển.

Theo kế hoạch chiến lược mới, Mỹ sẽ chi 17 tỉ USD để phát triển quân đội và cảnh sát Áp-ga-ni-xtan đủ sức sớm thay thế nhiệm vụ chiến đấu và bảo đảm an ninh của quân Mỹ và NATO, 4.000 nhân viên huấn luyện của quân Mỹ đang được phái đến nước này. NATO cũng phân công các nước chi thêm ngân sách và gia tăng việc huấn luyện cảnh sát, quân đội và công chức Áp-ga-ni-xtan.

Để thúc ép Pa-ki-xtan chuyển hướng việc tập trung lực lượng quân sự từ phía đông đối phó với Ấn Độ sang tập trung truy quét lực lượng Ta-li-ban dọc biên giới phía bắc, Mỹ gây sức ép với Ấn Độ hòa hoãn và mở lại thương lượng với Pa-ki-xtan (bị đình lại sau vụ khủng bố ở Mum-bai vào tháng 11-2008) Mỹ cũng cam kết trong 5 năm tới tăng gấp 3 lần viện trợ cho Pa-ki-xtan (3 tỉ USD về quân sự và 1,5 tỉ USD về kinh tế hằng năm) với điều kiện Pa-ki-xtan không sử dụng số tiền viện trợ này vào việc phát triển mua sắm vũ khí nhằm vào Ấn Độ và chi tiêu theo đúng yêu cầu và kiểm soát của Mỹ.

Đồng thời với việc chuyển hướng chiến lược (tăng quân, thay tướng, thay đại sứ, bổ nhiệm đại sứ chung cho cả 2 nước, lập cơ chế phối hợp chung giữa 3 nước...) Mỹ cũng thay đổi chiến thuật tác chiến (từ chỗ đánh nhanh rút nhanh, trọng điểm là tiêu diệt sinh lực đối phương sang đánh chắc, trụ lại và bảo đảm an ninh cho người dân là chủ yếu). Mỹ và Pa-ki-xtan mở nhiều chiến dịch lớn dọc 2 bên biên giới gây ra nhiều thương vong cho thường dân. Còn Ta-li-ban, An Kê-đa đáp lại bằng hàng loạt cuộc tiến công khủng bố, nổi dậy đánh du kích làm cho quân Mỹ, NATO bị thương vong lớn. Trong 24 tháng qua, đã có hơn 27.000 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố của Ta-li-ban. Tình hình không tốt lên mà càng trở nên xấu hơn. Tướng Mỹ Mắc Cry-xtan, Tổng chỉ huy liên quân ngày 30-8-2009 đã gửi bản tường trình (dày 66 trang) nêu lên hiện thực chiến sự tồi tệ hơn và khẩn thiết đòi Mỹ và NATO phải tăng thêm quân, nếu không "cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan có thể sẽ đi đến thất bại". Sau 3 tháng cân nhắc bàn bạc, đầu tháng 12-2009 Tổng thống B.Ô-ba-ma đã quyết định tăng thêm 30.000 quân đồng thời cũng tuyên bố quân Mỹ không thể ở mãi tại Áp-ga-ni-xtan và hứa sau 18 tháng số quân tăng viện sẽ được rút về. Mục tiêu chiến lược của Mỹ giới hạn ở đánh bại An Kê-đa, tìm cách hòa giải, thương lượng với phái Ta-li-ban "ôn hòa" và "bảo đảm an ninh cho các trung tâm dân cư then chốt" (Tờ New York Times ngày 28-10-2009 nói 10 thành phố trọng yếu nhất). Trong diễn văn đọc ở Trường sĩ quan lục quân Mỹ Oét-poanh (West point) ngày 1-12-2009, Tổng thống B. Ô-ba-ma nhắc lại "mục tiêu bao trùm vẫn là: Phá vỡ, làm tan rã và đánh bại An Kê-đa ở Áp-ga-ni-xtan và ở Pa-ki-xtan cùng với bọn quá khích theo chúng và ngăn ngừa khả năng của chúng đe dọa nước Mỹ và liên minh trong tương lai". Ông cũng khẳng định "an ninh của Mỹ bị thử thách" ở cả 2 nước này. "Đây là tâm điểm địa chấn của chủ nghĩa bạo lực cực đoan của An Kê-đa. Từ đây nước Mỹ bị tiến công ngày 9-11-2001 và từ đây chúng dàn dựng các mưu đồ tiến công mới". 30.000 quân Mỹ sẽ được triển khai xong vào 6 tháng đầu năm 2010 và ông kêu gọi NATO hưởng ứng tăng thêm 10.000 quân, giúp cho Mỹ, NATO giành lại "thế chủ động chiến trường", xây dựng lực lượng Áp-ga-ni-xtan làm tiền đề cho việc quá độ rút quân Mỹ khỏi nước này, phải đảo ngược thế chủ động tiến công của Ta-li-ban, ngăn không cho chúng đủ khả năng lật đổ chính phủ Áp-ga-ni-xtan. Để đạt được mục tiêu bao trùm nói trên, Mỹ phải thực hiện 3 giải pháp chiến lược: Một chiến lược quân sự đúng đắn; một chiến lược đối ngoại tập hợp được các đối tác sự ủng hộ của Liên hợp quốc và một chính sách lôi kéo Pa-ki-xtan vào cuộc chiến chung với Mỹ và NATO.

Như vậy, ý đồ của Mỹ là phải nỗ lực làm chuyển biến tình hình ở cả Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan trong 18 tháng tới (đến tháng 7-2011), trên cơ sở đó tạo ra tiền đề cho quân Mỹ, NATO giảm bớt sự có mặt và thực hiện một bước Áp-ga-ni-xtan hóa cuộc chiến tranh đồng thời ngăn chặn được nguy cơ Pa-ki-xtan - quốc gia Hồi giáo duy nhất có vũ khí hạt nhân rơi vào hỗn loạn và vũ khí hạt nhân lọt vào tay Ta-li-ban, An Kê-đa.

Chìm trong vòng xoáy bạo lực và bên bờ vực hỗn loạn

Pa-ki-xtan là nước Hồi giáo lớn thứ 2 trên thế giới với 166 triệu dân, gấp 5 lần dân số Áp-ga-ni-xtan; GDP hơn 163 tỉ USD gấp 10 lần Áp-ga-ni-xtan và sở hữu khoảng 20 - 30 đầu đạn hạt nhân.

Trong 6 thập niên giành được độc lập, một nửa thời gian đó với 4 cuộc đảo chính quân sự, Pa-ki-xtan sống dưới chế độ độc tài quân phiệt. Các chính phủ dân sự yếu kém thường xuyên bị quân đội giám sát hoặc đe dọa làm đảo chính.

Theo báo Tuần tin tức (Mỹ) số ra ngày 25-5-2009, Pa-ki-xtan là một đất nước bị chia rẽ phân hóa sâu sắc về tôn giáo và chính trị, về giai cấp và sắc tộc bộ tộc. Người Pa-ki-xtan thường dí dỏm tự nhận là họ có bao nhiêu người dân thì cũng có bấy nhiêu chính kiến khác nhau.

Sự phát triển của Hồi giáo cực đoan song hành với việc thi hành luật Hồi giáo Sa-ri-a diễn ra nhanh chóng trong nhiều thập niên qua. Theo tờ Thời báo Oa-sinh-tơn (tháng 4-2009), Pa-ki-xtan mang dáng dấp của chế độ phong kiến, nơi mà những chiến binh Ta-li-ban (người Pa-ki-xtan) không có đất đai nổi dậy chống các chủ đất ủng hộ chính phủ. Kẻ thù của họ chính là thể chế chính trị và tầng lớp phong kiến được sự bảo vệ của chính phủ. Để có thể hiểu được sự phẫn nộ của người dân Pa-ki-xtan hãy nhìn vào số lượng các chiến binh Ta-li-ban (người Pa-ki-xtan) là những sinh viên, những người đã tốt nghiệp tại 12.500 trường Hồi giáo Madrassa. Những trường này mỗi năm đào tạo khoảng 2 triệu thanh thiếu niên nam giới, là con của nông dân có rất ít hoặc không có ruộng đất và không có khả năng chi trả học phí tại các trường công hoặc dân lập. Rất nhiều trong số sinh viên này gia nhập quân đội Pa-ki-xtan và cả Ta-li-ban và họ cho rằng giương súng bắn vào các chiến binh nổi dậy Ta-li-ban cũng giống như việc giết hại các chiến binh của đức thánh A-la. Đối với họ, Hồi giáo là một tôn giáo đích thực duy nhất và tất cả các tôn giáo khác đều là dị giáo và chống lại Hồi giáo. Chính sự không khoan nhượng của Hồi giáo chính thống Săn-ni chiếm dòng chủ đạo, là nguyên nhân gây ra sự kỳ thị tín ngưỡng, sự chia rẽ và bất ổn xã hội Pa-ki-xtan hiện nay.

Về dân tộc, Pa-ki-xtan có trên 10 sắc tộc, lớn nhất là người Pun-giáp (44,68%), Pa-xtun (15,42%), Xinh (14,1%). Về tôn giáo, đạo Hồi chiếm 95% dân số trong đó giáo phái Săn-ni 75% và Si-ai 20%. Số còn lại 5% thuộc các đạo Cơ đốc, Hin-đu, Xích...

Chưa đầy 6 tháng sau khi giành độc lập, nước này đã phải đối diện với cuộc nổi dậy đòi độc lập của người dân tỉnh Ba-lu-chi-xtan (bao gồm cả Nam và Bắc Oa-ri-đi-xtan - thành trì của đầu sỏ Ta-li-ba, An Kê-đa) được Áp-ga-ni-xtan ủng hộ. Cuộc nổi dậy bị đàn áp đẫm máu. Người Ba-lu-chi-xtan phẫn nộ liên tục vũ trang nổi dậy trong những năm 1950, 1960, 1970 và gần đây 2005 tới 2008 và đều bị quân đội dìm trong biển máu.

Sau 2 cuộc chiến tranh với Ấn Độ về vấn đề Ca-sơ-mia (1947 - 1948 và 1965), Pa-ki-xtan tiến hành chiến tranh với Ấn Độ vào năm 1971 khi miền Đông Pa-ki-xtan nổi dậy bằng vũ trang và được Ấn Độ chi viện giành được độc lập trở thành nước Băng-la-đét ngày nay.

Pa-ki-xtan thời Chiến tranh lạnh là đồng minh của Mỹ, thành viên khối SEATO (khối Đông - Nam Á) những năm 80 thế kỷ XX đã liên kết với Mỹ, A-rập Xê-út hậu thuẫn chiến binh "thánh chiến" Mu-da-hít-đin lật đổ chính phủ Cộng hòa Dân chủ Áp-ga-ni-xtan (năm 1992) và sau đó hậu thuẫn Ta-li-ban đánh đuổi các phe phái khác và chiếm Ca-bun (năm 1996).

Sau khi chế độ Ta-li-ban bị đánh đuổi khỏi Ca-bun (năm 2001) bàn cờ chiến lược ở Nam Á xảy ra sự xáo trộn lớn. Những nước được lợi, ngoài Mỹ và Anh còn có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và cả I-ran (trước đó đã ủng hộ liên minh miền Bắc đang nắm các bộ chủ chốt trong chính phủ Ha-mít Ca-dai). Pa-ki-xtan - nước đã ủng hộ Ta-li-ban gồm đa số người Pa-xtun trong 7 năm trước, có vẻ là người thua thiệt lớn khi Liên minh Hồi giáo này - vốn là những sinh viên người Pa-xtun xuất thân từ 4 triệu người Áp-ga-ni-xtan tị nạn ở Pa-ki-xtan và được đào luyện trong các trường Hồi giáo cực đoan do A-rập Xê-út và Mỹ tài trợ và cung cấp giảng viên. Hình ảnh của một A-rập Xê-út, nước đã giúp đỡ tích cực các nhóm Hồi giáo dòng Săn-ni trong suốt 20 năm, đã bị sứt mẻ sau khi Ta-li-ban bị đánh đổ và các phần tử khủng bố vụ ngày 11-9-2001 ở Mỹ gồm hầu hết người A-rập Xê-út. Trong bối cảnh chiến lược mới, dưới sức ép của Mỹ và vì những lợi ích kinh tế và chính trị (Mỹ viện trợ 1,5 tỉ USD/năm và xóa bỏ cấm vận sau khi nước này thử bom hạt nhân năm1998), chính phủ quân sự Pa-ki-xtan đã chuyển sang ủng hộ Mỹ, để cho Mỹ, Anh được sử dụng một số sân bay, bến cảng và các đường giao thông tiếp tế hậu cần, vận chuyển quân đội đến Áp-ga-ni-xtan. Tình hình mới cũng làm cho thế lực Ta-li-ban cũng như dân chúng Pa-ki-xtan bị chia rẽ, phân hóa sâu sắc dẫn tới những biến động chính trị như việc nguyên nữ Thủ tướng B. Bút-tô trở về nước và bị ám sát (cuối năm 2007), Tổng thống P. Mu-sa-ráp phải từ chức (tháng 8-2008) và sau đó thông qua tuyển cử chính phủ mới ra đời do ông A. Da-đa-ri làm tổng thống. Chính phủ dân sự mới vẫn không đoàn kết được dân chúng bị chia rẽ về ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc và ngay cả ý thức hệ Hồi giáo (nhận thức khác nhau tùy theo hệ phái). Trong khi Tổng thống A. Da-đa-ri có lần tuyên bố không rõ hiện nay ai là kẻ thù, thời quân đội và dân chúng vẫn xem Ấn Độ là kẻ thù âm mưu hủy diệt nước Pa-ki-xtan Hồi giáo. Áp-ga-ni-xtan được coi là có tầm quan trọng sống còn đối với nước này, là khu vực hậu phương chiến lược chống Ấn Độ, hành lang thông với khu vực Trung Á. Chính phủ H. Ca-dai bị coi là bù nhìn của Mỹ, thân với Ấn Độ là không thể chấp nhận được đối với lợi ích của Pa-ki-xtan. Pa-ki-xtan không thể nhượng bộ mục tiêu chiến lược này để phục vụ lợi ích của Mỹ. Quân đội Pa-ki-xtan đang "chơi trò chơi" hưởng lợi từ mối quan hệ hiện nay của họ với Mỹ và cả Trung Quốc. Sự hợp tác giữa Mỹ và Pa-ki-xtan chỉ là "đồng sàng dị mộng", mỗi nước theo đuổi mục tiêu chính trị khác nhau, ông Ri-a-dơ A-mét, bác sĩ người Pa-ki-xtan nói: "Chính phủ dân sự hiện nay do Mỹ thao túng để thực hiện mưu đồ của họ" và người Pa-ki-xtan được những gì? Bạo lực, ma túy, sự bất ổn. Chúng tôi nghĩ người Pa-ki-xtan đang bị ép buộc lao vào cuộc chiến tranh của kẻ khác" (Tuần tin tức ngày 25-5-2009). Cái giá của việc Pa-ki-xtan theo lệnh Mỹ điều động lực lượng lớn (10.000 - 30.000 quân) mở các chiến dịch lớn càn quét vào khu vực Xoát (tỉnh NWFP) và Oa-ri-đi-xtan (tỉnh Ba-lu-chi-xtan) và nhiều nơi khác là những cuộc tiến công khủng bố hầu khắp các thành phố lớn của nước này, kể cả Pun-giáp giáp Ấn Độ, tỉnh Xinh giáp biển có thành phố Ca-ra-si. Về chính trị, nguy cơ bất ổn kể cả đảo chính tăng thêm khi chánh án tối cao I-chau-đơ-ri tuyên bố bãi bỏ sắc lệnh "miễn truy tố các quan chức cấp cao của chính phủ" do Mỹ dàn dựng để bà B. Bút-tô bị cáo buộc tham nhũng có thể trở về nước tham gia tranh cử thay tổng thống quân nhân đương quyền có nguy cơ bị lật đổ, bao gồm cả đương kim Tổng thống A. Da-đa-ri, Bộ trưởng Quốc phòng A-mét Mu-kha và nhiều bộ trưởng khác. Với việc bãi bỏ sắc lệnh này, các quan chức liên quan không được phép rời khỏi Pa-ki-xtan. Theo một số thành viên Cục chống tham nhũng Pa-ki-xtan, cơ quan này đang thụ lý 8.000 vụ án trong đó 247 quan chức chính phủ - chủ yếu là mắc tội tham ô trong những năm 90 và tất cả sẽ được đưa ra xét xử lại. Vụ việc này rất dễ đặt Pa-ki-xtan vốn đã chìm sâu trong vòng xoáy bạo lực, đứng trước nguy cơ khủng hoảng chính trị mới, căng thẳng và đứng bên bờ vực hỗn loạn, xáo trộn.

Tóm lại, ý đồ chiến lược của chính quyền Ô-ba-ma trước mắt là thận trọng leo thang chiến tranh để làm chuyển biến cục diện chiến trường và Áp-ga-ni-xtan hóa cuộc chiến tranh từng bước. Về lâu dài, ý định "sử dụng chiến tranh để đem lại hòa bình", tìm lối thoát danh dự ra khỏi chiến tranh. Tuy nhiên, chiến lược mới vấp phải những mâu thuẫn khó vượt qua: Mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán căng kéo lực lượng; mâu thuẫn giữa ý đồ đánh nhanh thắng nhanh với thực tiễn đối phương có thực lực đánh tiêu hao lâu dài; mâu thuẫn giữa tham vọng và thực lực quân Mỹ và NATO quá mỏng (150.000 quân sau khi tăng viện) không đủ sức chiếm đóng dù là chỉ các địa bàn trọng yếu nhất của một đất nước Áp-ga-ni-xtan rộng lớn (gấp đôi Việt Nam). Mặt khác, chiến lược mới giao phó cho Pa-ki-xtan làm một công việc mà chính Mỹ và NATO không làm nổi tức đánh bại An Kê-đa và đầu sỏ Ta-li-ban. Hơn nữa, quân đội Pa-ki-xtan là "nhà nước trong một nhà nước" đã tỏ ra không hào hứng đánh bại chiến hữu "thánh chiến", đồng minh chiến lược của họ chống lại thách thức chủ yếu và là "kẻ thù truyền kiếp" - Ấn Độ. Trong tình thế chiến lược bế tắc, tiến thoái lưỡng nan, Mỹ và NATO phải lựa chọn giữa dừng lại hay tiếp tục leo thang chiến tranh. Từ thực tiễn chiến trường hiện nay và bài học kinh nghiệm lịch sử trong quá khứ cho thấy cả 2 phương án này khó lòng mang lại kết quả mong muốn. "Vũng lầy kép Áp-ga-ni-xtan - Pa-ki-xtan" xem ra chưa có hồi kết./.