Ngăn chặn một "cuộc khủng hoảng kinh tế" do Brexit "không có thỏa thuận"
Các điều kiện gia hạn
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí gia hạn Brexit thêm 6 tháng, đến ngày 31-10 tới. Tuy nhiên, thỏa thuận này kèm theo một số điều kiện, trong đó có điều kiện nhằm bảo vệ khối khỏi sự can dự của Anh trong thời gian chờ "ly hôn". Thỏa thuận trên đặt thời hạn mới là ngày 31-10 để Anh phê chuẩn "Thỏa thuận ra đi" mà bà May đã nhất trí với các lãnh đạo EU hồi cuối năm 2018, song vẫn để ngỏ cánh cửa cho Brexit diễn ra vào bất cứ khi nào trước thời điểm này. Nếu "Thỏa thuận ra đi" được Hạ viện Anh phê chuẩn trước thời hạn ngày 31-10, việc Anh rời EU sẽ diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng tiếp theo.
Các lãnh đạo EU nhấn mạnh: "Không thể để cho việc gia hạn Brexit hủy hoại sự vận hành bình thường của Liên minh và các thể chế trong liên minh". Các nước EU đang tìm cách để đảm bảo rằng Anh không tham gia vào các quyết định sắp tới của EU về ngân sách mới cho nhiều năm tới, cũng như các chính sách thương mại hay việc bầu ra một chủ tịch mới cho Ủy ban châu Âu (trước đó, những người ủng hộ Brexit cứng rắn tại Anh đã cảnh báo họ sẽ làm rối loạn hoạt động của EU).
Liên quan đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), các nhà lãnh đạo EU nêu rõ nếu Anh không phê chuẩn thỏa thuận "ly hôn" trước ngày 22-5, cử tri Anh sẽ phải tham gia cuộc bầu cử EP ngày 23 đến 26-5. Nếu London không đáp ứng một đòi hỏi pháp lý của EU, nước này sẽ rời khỏi Liên minh ngay trong ngày 01-6 mà không có thỏa thuận nào.
Còn về ý tưởng tái đàm phán, các lãnh đạo EU một lần nữa khẳng định rằng "Thỏa thuận ra đi", đạt được tháng 11-2018 giữa EU và Thủ tướng May, không thể đàm phán lại. Nhiều thành viên đảng Bảo thủ của bà May phản đối điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận trên, vì cho rằng sẽ giữ vùng lãnh thổ Bắc Ireland mãi mãi trong liên minh thuế quan của EU.
Các lãnh đạo EU cũng nhấn mạnh rằng EU và Anh không được sử dụng việc gia hạn để bắt đầu tái đàm phán về một quan hệ hậu Brexit, bao gồm cả thương mại. Tuy nhiên, nếu Anh đưa ra các ý tưởng mới về quan hệ tương lai, EU có thể "cân nhắc lại tuyên bố chính trị về quan hệ tương lai", lộ trình cũng đã được EU nhất trí tháng 11-2018. Các cuộc thảo luận mới phải phù hợp với các định hướng đàm phán của EU, bao gồm sự đảm bảo về việc duy trì biên giới mở trên đảo Ireland.
Các lãnh đạo EU cũng ghi nhận cam kết của London sẽ hành động trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm trong thời gian gia hạn, phù hợp với "nghĩa vụ hợp tác chân thành" như một thành viên đang ra đi. Như vậy, Anh phải "tạo điều kiện hoàn thành các nhiệm vụ của Liên minh và không áp dụng bất kỳ biện pháp nào có thể gây nguy hiểm cho việc đạt các mục tiêu của Liên minh".
Một điều kiện khác là ngoài các cuộc họp giữa Anh và các thành viên còn lại của EU thảo luận về Brexit, London sẽ bị loại khỏi các cuộc đàm phán liên quan đến mọi công việc của EU hậu Brexit. Các lãnh đạo EU sẽ rà soát lại tiến bộ quá trình này tại hội nghị thượng đỉnh thường kỳ vào tháng 6.
Cả hai bên đều chưa sẵn sàng cho một "vụ ly hôn" không có thỏa thuận
Quyết định chấp nhận gia hạn lần hai, được đưa ra sau nhiều giờ thảo luận khó khăn và căng thẳng xuyên đêm 10 tới rạng sáng 11-4, tại hội nghị thượng đỉnh bất thường EU ở Brussels, đáp ứng yêu cầu giải quyết tình thế bế tắc hiện nay - tình thế không mong muốn với cả hai bên.
Các nhà lãnh đạo EU vẫn cho người Anh thêm thời gian, chỉ 2 ngày trước thời hạn mà EU cũng đã kéo dài một lần (ngày 12-4), tức nước Anh có thêm 6 tháng để tìm kiếm giải pháp tốt nhất có thể. Có lẽ quan điểm của 27 nước thành viên EU là cố tránh thiệt hại của một "vụ ly hôn" không có thỏa thuận. Trên thực tế, cả EU, các nước thành viên lẫn các công ty đều đã chuẩn bị cho một Brexit không thỏa thuận, mà theo ước tính chỉ riêng trên thị trường lao động sẽ gây thiệt hại khoảng 500.000 việc làm đối với Anh và khoảng 1 triệu việc làm đối với 27 nước EU. Tuy nhiên, EU phải thừa nhận cả các thể chế của khối, các nước thành viên và các công ty hoàn toàn chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa sẵn sàng cho "kịch bản" không thỏa thuận. Ví dụ như nền kinh tế lớn nhất EU là Đức, nơi khoảng 750.000 việc làm phụ thuộc vào thương mại tự do với Anh, chính phủ phải thuê thêm ít nhất 900 nhân viên hải quan (các nghiệp đoàn tuyên bố cần 1.300 người) để chuẩn bị cho kịch bản không thỏa thuận, nhưng đến cuối tháng 01-2019, vẫn chưa tuyển dụng được người nào. Ở Pháp, dù việc tuyển dụng thêm 740 quan chức hải quan và thanh tra thú y đã được triển khai, song như Giám đốc điều hành cảng Calais, Jean-Marc Puissesseau thừa nhận, việc kiểm tra hải quan và vệ sinh đối với hàng hóa từ Anh có thể dẫn tới tình trạng ách tắc kéo dài gần 50 km ở cảng này khi Brexit không thỏa thuận diễn ra. Tiếp tục trì hoãn Brexit thêm một lần nữa dường như là một sự lựa chọn tương đối ổn thỏa và an toàn trong bối cảnh hiện nay.
Sáu tháng gia hạn với các điều kiện ràng buộc mạnh mẽ cũng cho phép EU "dung hòa" quan điểm của những nhà lãnh đạo như Thủ tướng Đức Angela Merkel, sẵn sàng thỏa hiệp ở mức độ nào đó với tiến trình chính trị ở Anh, với lập trường của những người khác, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã thể hiện thái độ chán ngán và lo lắng rằng "sự dùng dằng" của Vương quốc Anh sẽ gây ra các nguy cơ cho hoạt động của EU tại thời điểm 27 nước thành viên phải đưa ra các quyết định quan trọng trong tương lai, như việc quyết định về ngân sách dài hạn 2021-2027 hay bầu Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Tổng thống Pháp nhấn mạnh trong 10 năm qua, cuộc khủng hoảng của Khu vực đồng tiền chung euro và vấn đề người di cư đã làm tê liệt châu Âu, và EU không thể để lặp lại điều này vì Brexit. Trên thực tế, việc cho phép gia hạn của EU có thể sẽ làm tăng nguy cơ của một loạt các lần gia hạn ngắn và kéo theo các hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp, điều này gây khó khăn cho các hoạt động của EU. Hơn nữa, trong trường hợp tiếp tục bế tắc, việc gia hạn dài hơn như vậy sẽ cho phép Vương quốc Anh suy nghĩ lại về chiến lược Brexit của mình.
Các lãnh đạo EU đang tìm cách tốt nhất để gây sức ép buộc Hạ viện Anh thông qua "thỏa thuận ly hôn", tránh xảy ra trường hợp Brexit “cứng” vốn đang gây lo lắng khắp châu Âu. Chủ tịch Tusk cho biết EU đã thống nhất một số điều kiện như không đàm phán lại về "thỏa thuận ra đi", không bắt đầu các cuộc đàm phán về tương lai mối quan hệ, ngoại trừ Tuyên bố chính trị và Vương quốc Anh sẽ phải duy trì sự hợp tác chân thành của mình trong giai đoạn quan trọng này, với tư cách là một quốc gia thành viên rời đi. Và nếu Hạ viện Anh không thông qua thỏa thuận Brexit trước ngày 22-5 thì nước này phải tham gia cuộc bầu cử nghị viện châu Âu, dự kiến diễn ra từ 23 đến 26-5, nếu không, Anh bắt buộc phải "chia tay" EU ngày 01-6.
Thủ tướng Theresa May thực sự chưa biết bằng cách nào để thuyết phục những nghị sĩ cả 3 lần bỏ phiếu trước đều từ chối ủng hộ thỏa thuận Brexit, thay đổi quan điểm. Nhà bình luận quốc tế Arnaud de la Grange của báo Pháp Le Figaro đánh giá: “Không có gì chắc chắn rằng các cuộc thảo luận giữa bà Theresa May và Công đảng Anh sẽ có kết quả. Chuông báo động đã rít lên trong giới kinh doanh tại Vương quốc Anh. Giới chính khách thì cận kề bờ vực của sự điên loạn..."
Thực tế cho thấy Thủ tướng Theresa May bắt đầu quá nhanh trong các cuộc đàm phán với Brussels, mà không tạo được sự đồng thuận trong nội bộ Anh về cách thức Brexit mà nước Anh muốn thực hiện. Cuộc tranh luận về Brexit chỉ thực sự bắt đầu vào tháng 1 vừa qua, tức là hai năm rưỡi sau cuộc trưng cầu dân ý. Và cũng chỉ 1 tuần trước, khi mọi chuyện bên bờ vực đổ vỡ, bà May mới quyết tâm tiếp cận Công đảng đối lập vì một sự "đoàn kết dân tộc". Tới thời điểm này, chính phủ của bà May và Công đảng đối lập vẫn chưa tìm được sự đồng thuận về thỏa thuận Brexit, mà phe Công đảng đổ lỗi do "Chính phủ của Thủ tướng May vẫn không thay đổi lập trường". Công đảng muốn Anh duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU sau Brexit thông qua việc ở lại trong liên minh thuế quan với EU, điều bà May không chấp nhận vì muốn Anh có một chính sách thương mại độc lập. Một khi thỏa thuận Brexit vẫn không thể vượt qua "cửa ải" hạ viện, mọi kịch bản đều có thể xảy ra, bao gồm việc bà May phải rời ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ, một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn hay thậm chí là một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit.
Giới doanh nhân thận trọng
Nhóm vận động hành lang chính của doanh nhân Anh ngày 11-4 tỏ ý hoan nghênh một cách thận trọng việc gia hạn Brexit mới, đồng thời kêu gọi các lãnh đạo chính trị sớm chấm dứt tình trạng "hỗn loạn" hiện nay.
Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI), hội doanh nhân lớn nhất Vương quốc Anh, đánh giá diễn biến trên đã ngăn chặn một "cuộc khủng hoảng kinh tế" do không có thỏa thuận khi Anh ra đi. Tuy nhiên, nhóm vận động hành lang có ảnh hưởng lớn này cũng kêu gọi Thủ tướng May chấm dứt tình trạng bất trắc liên quan đến Brexit hiện nay và tìm kiếm sự đồng thuận giữa các đảng phái về lối thoát cho thế bế tắc hiện nay.
Tổng Giám đốc CBI Carolyn Fairbairn cho biết: "Quyết định gia hạn mới này đồng nghĩa với việc cuộc khủng hoảng kinh tế nhãn tiền đã được ngăn chặn, nhưng cần đánh dấu một sự khởi đầu mới". Theo bà Fairbairn, các lãnh đạo chính trị phải sử dụng thật tốt quỹ thời gian còn lại, cần có sự hợp tác chân thành giữa các đảng phái nhằm chấm dứt hỗn loạn.
Chủ tịch CBI John Allan cũng thể hiện sự thận trọng khi kêu gọi các chính trị gia nên bắt đầu nghĩ về lợi ích quốc gia, đồng thời cho rằng một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai có thể là cần thiết nếu chính giới không thể phá vỡ thế bế tắc. Ông nhấn mạnh: "Nếu các chính trị gia không thể cùng nhau hành động... lựa chọn duy nhất còn lại là để cho người dân quyết định".
Ngành công nghiệp Đức cũng tỏ ra thận trọng sau quyết định của Liên minh châu Âu gia hạn việc Anh rời khỏi khối này, đồng thời hy vọng Hạ viện Anh sẽ sớm cung cấp các thông tin một cách rõ ràng về mặt pháp lý.
Các liên đoàn công nghiệp Đức đều đã hoan nghênh quyết định gia hạn nhằm tránh một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong trường hợp Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên, các liên đoàn công nghiệp Đức cũng cảnh báo rằng một kịch bản Brexit không chắc chắn như hiện nay sẽ vẫn là một thách thức đối với các công ty không chỉ ở trong EU mà còn cả ở Anh. Trong một tuyên bố, ông Ingo Kramer - Chủ tịch nghiệp đoàn giới chủ Đức (BDA) đã hoan nghênh việc kéo dài thời hạn Brexit, song cho rằng điều này chưa tạo ra bất kỳ sự chắc chắn nào cho các cá nhân và doanh nghiệp liên quan. Trong khi đó, Hiệp hội các ngân hàng hợp tác của Đức (BVR) cho rằng sự không chắc chắn như hiện nay đang tác động tiêu cực tới môi trường đầu tư. Theo ông Andreas Martin, một thành viên trong ban lãnh đạo hội đồng quản trị BVR nhấn mạnh rằng thời gian trì hoãn này nên được sử dụng để tìm ra các giải pháp nhanh nhất có thể.
Từ châu Á, ngày 11-4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố nước này sẽ nỗ lực hết sức để đạt được sự ổn định trên các thị trường tài chính liên quan tới việc Anh hoãn thời điểm rời khỏi Liên minh châu Âu trong khi vẫn duy trì sự hợp tác quốc tế chặt chẽ.
Phát biểu trong cuộc họp của các bộ trưởng nội các tại văn phòng Thủ tướng, ông Abe nói: "Lưu tâm tới nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu, các thị trường tài chính và hối đoái, chính phủ sẵn sàng đảm bảo sự ổn định trên các thị trường trong khi hợp tác chặt chẽ với các quốc gia liên quan".
Sự bất ổn liên quan Brexit đã khiến thị trường tài chính hoang mang do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh. Các nhà sản xuất xe và các hãng chế tạo khác của Nhật Bản hiện có một số nhà máy sản xuất ở Anh. Thủ tướng Abe cho biết thêm: "Tôi đề nghị các bộ trưởng phản ứng linh hoạt, xem xét kỹ lưỡng tình hình sắp tới"./.
Liên quan đến quyết định lùi thời hạn Brexit, các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ hầu hết tăng điểm trong ngày 10-4. Đóng cửa phiên giao dịch, tại thị trường New York (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 0,1% lên 26.157,16 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,4% lên 2.888,21 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq tiến 0,7% lên 7.964,24 điểm.
Ngoài vấn đề Brexit, một trong những yếu tố khiến các thị trường chứng khoán tăng điểm là Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố biên bản cuộc họp diễn ra trong hai ngày 19 và 20-3 về chính sách lãi suất, theo đó hầu hết các nhà hoạch định chính sách của FED đều tin rằng cơ quan này sẽ giữ nguyên lãi suất trong phần lớn thời gian của năm 2019, với lưu ý những rủi ro kinh tế bên ngoài nước Mỹ đang gia tăng. Trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục trước dự báo kinh tế yếu kém.
Bạc Liêu: Cả hệ thống chính trị cùng “chạy nước rút”  (12/04/2019)
Bạc Liêu: Cả hệ thống chính trị cùng “chạy nước rút”  (12/04/2019)
Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về "Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng"  (12/04/2019)
Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về "Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng"  (12/04/2019)
Thường trực Chính phủ họp xem xét, giải quyết một số vấn đề quan trọng  (11/04/2019)
Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao  (11/04/2019)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay