TCCSĐT - Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và trên cơ sở những thành tựu đạt được cũng như những hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Tỉnh ủy Bạc Liêu xác định: Năm 2019 là năm mà cả hệ thống chính trị cùng với cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh phải “chạy nước rút” với quyết tâm hoàn thành mục tiêu “đến cuối nhiệm kỳ, Bạc Liêu đứng vào tốp tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trung bình khá của cả nước”.

Từ những thành tựu và hạn chế, bất cập….

Năm 2018 là năm Bạc Liêu đạt được nhiều kết quả khả quan nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, tính từ đầu nhiệm kỳ. Theo Báo cáo của Tỉnh ủy Bạc Liêu, trong số 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của năm, tỉnh đã đạt và vượt kết hoạch 19 chỉ tiêu (trong đó có 6 chỉ tiêu được điều chỉnh tăng thêm so với kế hoạch cuối năm 2017). Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,36% so với năm 2017 (mức tăng trưởng cao nhất tính từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, gấp 1,2 lần so với chỉ tiêu đề ra cuối năm 2017); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó lần đầu tiên tỷ lệ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt mức 10,03%, cao hơn khu vực nông nghiệp; GRDP bình quân đầu người ước đạt 42,05 triệu đồng/ người/năm; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 2.937 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với năm 2017.

Điểm nổi bật trong năm 2018 là tỉnh tập trung nguồn lực triển khai thực hiện 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, gồm:

(1) Phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo. Đến cuối năm 2018, tỉnh đã triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu giai đoạn 1; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để nhân rộng nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; tăng cường liên kết, xây dựng 21 cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao trong canh tác lúa;…

(2) Phát triển công nghiệp, trong đó tập trung phát triển năng lượng tái tạo. Trong năm, Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1 và 2 tiếp tục khai thác có hiệu quả, sản lượng điện cả năm ước đạt gần 257 triệu kWh; giai đoạn 3 của dự án này đã hoàn thành các hồ sơ, thủ tục cần thiết để triển khai trong những tháng đầu năm 2019. Các dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 1, Đông Hải 1, Đông Hải 2 sắp hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi;… Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành việc thu hút đầu tư Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu có công suất 3.072MW, với tổng vốn đầu tư hơn 3,6 tỷ USD.

(3) Phát triển du lịch. Trong năm, tỉnh quan tâm đầu tư và kêu gọi đầu tư nhiều dự án khu du lịch ven biển, khu du lịch Nhà Mát, khu du lịch - dịch vụ Tắc Sậy, tuyến tàu cao tốc du lịch biển thành phố Bạc Liêu - Hòn Trứng - Côn Đảo, khu du lịch sinh thái kết nối với tham quan khu Điện gió;… Năm 2018, doanh thu du lịch toàn tỉnh ước đạt 1.290 tỷ đồng, tăng 7,5%; lượng khách du lịch tăng 12,6% so với năm 2017.

(4) Phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao. Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, mạng lưới kinh doanh và hệ thống phân phối. Trong năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ đạt 53.747 tỷ đồng, tăng 26,24% so với năm 2017. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo chất lượng cao, tỉnh tập trung mời gọi đầu tư xã hội hóa các dự án: Trường mầm non và tiểu học chất lượng cao, Trường phổ thông liên cấp song ngữ chất lượng cao và Trường phổ thông liên cấp quốc tế trên địa bàn thành phố Bạc Liêu. Để phát triển y tế chất lượng cao, tỉnh tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và triển khai nhiều kỹ thuật mới ở bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; thu hút đầu tư từ nhiều nguồn để phát triển y tế dự phòng, y tế cơ cở và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

(5) Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tỉnh đã triển khai nhiều dự án quan trọng như: Nâng cấp, cải tạo đê biển Đông và hệ thống đê bao cấp bách chống biến đổi khí hậu, xây dựng hệ thống kè chống sạt lở; xây dựng huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển; xúc tiến mời gọi đầu tư xây dựng Cảng biển Gành Hào; nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào đạt quy mô cảng cá loại 1, xây dựng khu neo đậu tránh bão;…

Cùng với những thành tựu về kinh tế, năm 2018, Bạc Liêu tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan trong các lĩnh vực: khoa học - công nghệ, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ; đặc biệt là kỷ luật, kỷ cương hành chính, lề lối, tác phong làm việc, trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang được nâng lên.

Bên cạnh những thành tựu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đáng lưu ý là:

- Một số ngành, địa phương còn lúng túng, chưa cụ thể hóa được khâu đột phá trong phát triển; tiến độ triển khai một số dự án sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 của tỉnh còn chậm;…

- Tiến độ triển khai chuỗi giá trị ngành tôm chậm, chưa bền vững; nhiều doanh nghiệp, các hộ nuôi tôm khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng; việc kiểm soát chất lượng tôm giống nhập tỉnh còn nhiều bất cập, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tôm nuôi;...

- Công tác quản lý đô thị còn nhiều yếu kém thể hiện qua việc xây dựng trái phép, không phép còn diễn ra, nhất là ở thành phố Bạc Liêu; công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại nhiều dự án dân cư còn trì trệ, thiếu đồng bộ; tình trạng ngập nước trên nhiều tuyến đường thường xuyên diễn ra;…

- Chất lượng dịch vụ du lịch tuy có tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch còn thiếu và yếu. Công tác phát triển kỹ thuật mới tại một số cơ sở y tế còn khó khăn; thiếu nguồn nhân lực ngành y có trình độ chuyên môn cao. Hầu hết các trường học còn thiếu phòng học để tổ chức dạy học bán trú, dạy học 2 buổi/ngày.

- Công tác cải cách hành chính tuy có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao như mong muốn, chưa thực sự trở thành một động lực cho sự phát triển của tỉnh. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của một số cấp ủy còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ mới; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế.

Một số bài học kinh nghiệm

Từ những thành tựu đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, nhất là trong năm 2018 cùng những hạn chế, bất cập, Tỉnh ủy Bạc Liêu rút ra 03 bài học kinh nghiệm quan trọng trong công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý:

Thứ nhất, phải không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết nội bộ, trước hết và quan trọng hơn hết là trong cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị; đề cao vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các cấp, các ngành. Mỗi cán bộ lãnh đạo phải thực sự nêu gương trong công tác và sinh hoạt, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm, có khát vọng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển chung, có mong muốn làm cho ngành mình, địa phương mình thật sự năng động, sáng tạo, đạt hiệu quả cao.

Thứ hai, trong lãnh đạo, điều hành, phải có bước chuẩn bị, soát xét kỹ lưỡng để đánh giá đúng những tiềm năng, lợi thế của ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt, làm việc gì dứt điểm việc đó để tạo động lực, niềm tin, cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, phải chú trọng công tác giám sát, kiểm tra, đề cao kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm và tính năng động, sáng tạo trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ ba, công tác thông tin, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh có vai trò rất quan trọng. Trong đó, đặc biệt chú trọng thông tin, tuyên truyền về những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những khâu đột phá gắn với từng giai đoạn nhất định. Qua đó, giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu, nhận thực đúng để từ đó tin tưởng, đồng thuận, góp ý, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh đề ra.

…đến 05 chỉ tiêu, 05 trụ cột, 01 khâu đột phá để “chạy nước rút”

Ngay sau Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã có Kết luận “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020”. Kết luận này khẳng định quyết tâm của Đảng bộ tỉnh là đến cuối nhiệm kỳ phải hoàn thành mục tiêu “Bạc Liêu đứng vào tốp các tỉnh khá trong khu vực và trung bình khá của cả nước”. Để đạt được mục tiêu đó, đến cuối năm 2020, tỉnh phải đạt và vượt 22 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tập trung hoàn thành vượt mức đối với 05 chỉ tiêu cơ bản là: GRDP bình quân đầu người; tốc độ tăng trưởng kinh tế; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; giảm tỷ lệ hộ nghèo và chỉ tiêu về sản lượng thủy sản căn cứ trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 và Cuộc Họp mặt báo chí đầu năm thông tin nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, nhấn mạnh: Bạc Liêu không thể trở thành tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nếu đến cuối năm 2020 không lọt vào nhóm 5 tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về hoàn thành 05 chỉ tiêu cơ bản đó.

Để đạt và vượt 22 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 05 chỉ tiêu cơ bản nêu trên, Tỉnh ủy Bạc Liêu yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là: Nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí; Phát triển du lịch; Phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Năm 2019, một số chỉ tiêu đã được tỉnh đề ra với mức cao hơn năm 2018. Cụ thể như: GRDP tăng 8,5% - 9%; GRDP bình quân đầu người đạt mức 47,09 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 3.183 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 22.915 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng vào tốp 30 trong các tỉnh, thành cả nước;… Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu xác định: Năm 2019, năm thứ tư thực hiện kế hoạch năm 2016 - 2020, là năm có ý nghĩa quan trọng, là thời điểm “chạy nước rút”, tăng tốc mạnh mẽ, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong cả nhiệm kỳ. Nếu không tạo được những chuyển biến tích cực trong năm trên một số lĩnh vực trọng yếu và nếu không hạ quyết tâm chính trị cao hơn nữa, không quyết liệt, tập trung chỉ đạo để biến thách thức thành thời cơ, khó khăn thành thuận lợi thì rất khó hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Với quyết tâm đó, ngày 19-02-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về những giải pháp trọng tâm để thực hiện nhiệm vụ năm 2019. Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc phương châm hành động: “Đoàn kết, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Theo phương châm này, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang phải triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần “nói đi đôi với làm”, “làm việc gì dứt điểm việc đó, có trọng tâm, trọng điểm”, “nghị quyết, chủ trương đến đâu, triển khai thực hiện ngay đến đó”; coi trọng hiệu quả công việc, “đeo bám công việc”, làm việc với tinh thần “hết việc chứ không hết giờ”. Trong công việc, phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, phân công rõ người đảm nhiệm, cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, định thời gian hoàn thành, phân công người chỉ đạo và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, chú trọng đánh giá hiệu quả thực hiện công việc.

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu xác định một số giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp để phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh việc tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cần triển khai thực hiện tốt liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tiểu vùng bán đảo Cà Mau, gắn với việc mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước.

Hai là, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chủ động thực hiện việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm, đảm bảo giải ngân kịp thời, đúng kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dự án đang dang dở để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và hạn chế tình trạng lãng phí vốn ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, xem đây là khâu đột phá để triển khai nhanh các dự án thu hút đầu tư đã đủ điều kiện theo quy định.

Ba là, rà soát, đổi mới việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách của địa phương nhằm huy động được mọi tiềm năng, thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước để tạo bước chuyển đổi lớn về kinh tế - xã hội của tỉnh. Ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ cao, quản trị hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái, có tác động lan tỏa cao để thu hút doanh nghiệp cùng ngành nghề phát triển. Chú trọng mô hình hợp tác công tư, liên kết đầu tư để triển khai các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; đồng thời khuyến khích người dân tham gia phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Bốn là, tiếp tục triển khai toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, hướng đến mục tiêu chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư phát triển giáo dục, y tế, văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, chú trọng chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Năm là, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh liên quan đến quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt hơn nữa công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại của dân; tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân từ cơ sở, nhất là các vụ việc còn tồn đọng, phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, không để ảnh hưởng phức tạp đến tình hình an ninh trật tự địa phương.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt xây dựng chính quyền các cấp thật sự liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các cấp, các ngành phải thực hiện tốt khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng là công tác cán bộ và tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu “về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang”. Thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương, nhất là của người đứng đầu các ngành, các cấp.

Bảy là, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các cơ quan thông tin đại chúng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác các chủ trương của tỉnh và những vấn đề dư luận quan tâm, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc, sai sự thật với ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước, cản trở quá trình phát triển của tỉnh./.